17 tháng 12, 2012

Chàng thiếu úy kỹ sư và con chó

Sau khi hoàn thành khóa chuyển đổi kỹ sư súng pháo tại Trường Đại học kỹ thuật quân sự, tôi được điều về làm trợ lý vũ khí, Ban Quân khí sư đoàn 320 (còn có tên là Đại đoàn Đồng Bằng) Binh đoàn Tây Nguyên.  Thời kỳ đầu về đơn vị, phải xa bạn bè, xa thành phố đến vùng rừng rú xa lạ, tôi cảm thấy rất chán chường nên thường cáo ốm đi nằm viện sư đoàn. Ở đây tôi gặp một ông anh đồng hương cùng huyện Ân Thi, tốt nghiệp Đại học quân y, làm Trưởng Ban ngoại, thế là yên tâm nằm viện một tháng liền và lúc nào thích thì lại đi nằm viện. Trong thời gian nằm ở bệnh xá sư đoàn, tôi biết được nghề câu chó.

Giai đoạn 1981-1985 có lẽ là thời kỳ gian khổ nhất của đất nước. Mỹ cấm vận, Liên xô và Trung quốc cắt viện trợ, hậu quả của chiến tranh biên giới phía Bắc và cuộc chinh phạt Cam pu chia đè nặng lên vai từng người dân, từ đứa trẻ sơ sinh tới cụ già sắp đi về miền thiên cổ. Cả nước chìm trong cảnh đói nghèo xơ xác. Lương thực, thực phẩm cho bộ đội thiếu thốn vô cùng. Có tuần, sư đoàn tôi toàn ăn sắn. Sắn luộc làm thành cơm. Sắn nạo ra nấu canh hay chế biến món sào thay thịt. Rau thì có lá sắn chế biến thành món luộc chấm nước muối, hoặc món nộm ăn cũng được, nhưng phải làm đúng công nghệ chế biến để bỏ đi vị đắng chát và tránh bị ngộ độc. Chỉ đi nằm bệnh xá sư đoàn mới được ưu tiên không phải ăn sắn.
Vùng đơn vị tôi đóng quân chủ yếu là người Hoa và người Trại (tên gọi khác của người Mán). Nhà nào cũng nuôi rất nhiều chó. Có nhà nuôi tới hàng chục con. Bệnh xá sư đoàn ở tương đối cách biệt với các đơn vị khác, nên trong lúc đói khát quá, một số chiến sỹ nghĩ ra trò bẫy chó để thịt, tạo nguồn protit tại chỗ. Anh em đào một cái hố nhỏ đường kính khoảng 20 -25 phân, sâu cũng chừng như thế, rắc cơm xuống dưới. Ngang miệng hố là một cái lẫy rất nhạy và một cái dây thòng lọng buộc níu vào đầu một một cây tre cật gọi là cần bẫy. Phía dưới cần bẫy được gắn bẳng con xỏ giữa hai tấm gỗ hoặc thân tre chôn chặt xuống đất (để ban ngày còn rút ra dấu đi). Chỉ cần chú chó hay chú mèo thò đầu  hay thò chân xuống hố, chiếc lẫy bật ra, cần tre bật lên, thòng lọng thít vào, trong tích tắc cả thân hình chú đã bị treo lơ lửng lên rồi. Một tiếng “ăng ẳng” nhỏ phát ra là các bác sỹ, y sỹ quân y bật dậy và các dao mổ được sử dụng tức thì. Ngay trong đêm, con chó đã được làm thịt xong xuôi và phi tang mọi vết tích, thậm chí còn đánh chén xong rồi ngủ tiếp. Trong khu vực tiểu đoàn 24 (tên gọi bệnh xá sư đoàn) có mấy cái bẫy như thế. Hàng chục, hàng trăm con chó đột nhiên bị mất tích mà người dân không hiểu bọn trộm chó bắt bằng cách nào. Thỉnh thoảng chúng tôi vào nhà dân chơi, nói chuyện tầm phào bên ấm trà Thái mới sao. Kể cũng áy náy khi nghe ông chủ nhà than phiền về con chó trông nhà dữ tợn thế, bao năm nay không ai dám đến gần mà người ta cũng bắt mất. Nhưng biết làm sao, khi ta đang ở trung tâm sự đấu tranh sinh tồn? Ngày xưa các nghĩa quân còn phải thịt cả ngựa ăn để bảo toàn lực lượng cơ mà. Nếu mình không ăn của dân thì liệu có tồn tại được, có đủ sức chiến đấu lâu dài với giặc không? Nhà nước lúc đó không thể cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho bộ đội, trong khi rau quả và thực phẩm bộ đội tăng gia chưa đến mùa thu hoạch.
Rồi tôi được giới thiệu về Viện quân y 108 để chữa bệnh  (tôi bị lên cái lẹo ở mắt, nhưng thích về Hà Nội chữa). Sau ba tuần ở Hà Nội, Trưởng Ban quân khí sư đoàn đánh điện tín bảo phải lên gấp, tôi trở lại đơn vị. Từ Hà Nội lên doanh trại tôi lúc đó phải đi hai chặng ô tô Hà Nội – Thái Nguyên và Thái Nguyên – Đại Từ, rồi đi bộ thêm 5 km nữa. Trong lúc đứng xếp hàng mua vé đi Đại từ ở bến xe Thái Nguyên, một cô gái khá xinh (“khá” chứ không phải “rất” như em Thịnh đâu nhé) đến hỏi chuyện và nhờ tôi mua giúp vé ô tô đi Đại Từ. Em  đưa tôi giấy đi đường và 10 đồng tiền mua vé. Hóa ra em vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên được cử về dạy ở Trường Bản Ngoại – huyện Đại Từ cách doanh trại của tôi 2 - 3 km. Em tên là Nga, có khuôn mặt bầu bĩnh đáng yêu, dáng cao cao, nước da trắng mịn màng (đa số con gái Thái Nguyên da đều rất trắng) và mái tóc dài đến đầu gối đen óng. Mấy sợi lông tơ mảnh mai phớt trên mép, cùng với đôi mắt ươn ướt mơ mộng của em làm cho tôi có cảm tình. Chúng tôi đang nói chuyện với nhau thì có ai đó gọi em. Em đi ra một lúc rồi quay lại bảo: anh trai em sẽ đưa em bằng xe máy lên trường, em không đi ô tô nữa. Tôi cứ lờ đi không đưa trả lại em giấy đi đường và tiền em gửi mua vé. Không biết em có hiểu ý tôi không nhưng cũng chẳng xin lại.
Hai hôm sau, tôi đến Trường Bản Ngoại hỏi thăm cô giáo Nga. Mấy cô giáo trẻ nhìn tôi tò mò một lúc rồi chỉ phòng Nga cho tôi. Nga rất ngạc nhiên khi tôi tìm đến trả lại cho em cái giấy đi đường và số tiền mà em cũng không quan tâm lắm, vì nhà em kinh tế lúc đó rất khá. Bố mẹ em công tác tại Trường Đại học Nông nghiệp Thái Nguyên. Anh trai em vừa đi lao động xuất khẩu ở Đức về. Thăm hỏi nhau một lúc tôi trở lại đơn vị và hẹn tối hôm khác lại sang chơi với em.
Từ đó, mỗi tuần vài ba buổi tối, sau khi cơm nước xong tôi lại đi tắt qua mấy nương chè, mấy thửa ruộng, qua một con suối tương đối rộng, rồi lại qua mấy thửa ruộng, mấy nương chè tới Trường Bản Ngoại chơi, nói chuyện phiếm, xem các cô giáo quấn thuốc lá. Cả trường, cô giáo nào cũng quấn thuốc lá cung cấp cho các hàng nước phục vụ bộ đội trong vùng (Không biết bây giờ có bạn nào còn nhớ tới bao thuốc là cuộn ngày xưa không?). Có hôm Nga còn đưa cả thuốc lá cho tôi mang về mời đồng đội. Nói chuyện nhiều, tôi dần thể hiện được khiếu ăn nói của mình và chắc các cô giáo cũng thấy ở tôi có nhiều điểm hay hay. Một lần cô Điệp ở cùng phòng Nga nói với theo “chất lừ” khi tôi ra cửa, tôi phản ứng luôn: Ôi cái khoảng trời hôm nay tôi nhớ/ Là khoảng trời có hai tiếng “chất lừ” ( phỏng theo thơ Vũ Đình Văn ấy mà). Các cô cười như nắc nẻ, còn Nga thì nhìn tôi ra vẻ âu yếm và mời tối thứ Bảy sang dự sinh nhật em.
Y hẹn, chiều Thứ Bảy ăn cơm sớm, tôi rủ thiếu úy Thuộc, người Định Hóa đi với tôi sang Trường chơi (tay này cũng rất thích đi tán gái và sau này lấy một cô giáo miền xuôi lên dạy học ở Định Hóa).  Kỷ niệm sinh nhật Nga, có nhiều anh bộ đội và các cô giáo cùng dự, chẳng có ai tặng quà như bây giờ, chỉ ngồi uống nước chè, ăn kẹo lạc, rồi cùng nhau hát, hết “hành khúc ngày và đêm” đến “Trường sơn đông Trường sơn tây”, rồi “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”... Mọi người nói với nhau rất nhiều chuyện. Cuối cùng tôi đứng lên xin đọc một bài thơ tặng Nga trước khi tạm biệt. Tôi vẫn nhớ đó là bài thơ “Cứ một giờ lại nghỉ mười phút” của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Chắc nhiều bạn còn thuộc bài thơ này: “Cứ một giờ lại nghỉ 10 phút/ Trong buổi hành quân đi bộ sáng nay/ Anh bỗng nhớ em đến lớp mỗi ngày/ Cứ một giờ lại nghỉ 10 phút...”.  Mấy hôm sau gặp lại tôi, Nga nói: “các cô giáo Bản Ngoại rất ấn tượng về bài thơ anh đọc tối hôm ấy”. Tôi bật lại: “Em có ấn tượng không?”. Nga không nói gì chỉ giơ tay đấm nhẹ tôi một cái. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi nắm chặt lấy tay Nga, hoàn thành công đoạn đầu tiên trong “quy trình công nghệ tán gái”...
Tết Nhâm Tuất (1982), vì là phần tử chậm tiến nên tôi bị cắt suất về tết (ba đợt cán bộ về nghỉ trước, trong và sau tết tôi đều không có tên). Nga mời tôi tết ra nhà em chơi. Tôi hẹn em mồng 4 tết, vì hôm đó vào chủ nhật tôi không phải trực ban. Đúng hẹn, tôi mượn anh Huân, Phó Ban quân khí sư đoàn cái xe đạp, mượn thiếu úy Lâm cái quần bó hơi loe diện nhất trong Ban tôi. Hồi đó quần bó hơi loe là mốt của thanh niên ăn chơi, nhưng nó có cái bất tiện là không thể ngồi xổm được, chỉ có đứng và ngồi ghế thôi. Tôi phóng xe như bay trên quãng đường gần 30 km đến khu tập thể Trường Đại học nông nghiệp ở Đồng Bẩm thành phố Thái Nguyên. Nói là khu tập thể nhưng mỗi gia đình ở riêng một nhà. Nhà nào cũng có vườn chè rất rộng. Nga đứng ở đầu nhà chờ tôi. Nhưng một tình huống bất ngờ đã xảy ra. Con chó nhà em không biết từ đâu lao ra trước mặt tôi, nó nhe răng dữ tợn và xồ vào tôi. Theo phản xạ tôi vội lẳng cái xe đạp ra một bên và ngồi thụp xuống phòng vệ. Một tiếng “xoạc” xé vải đến rợn người. Tôi nhìn xuống đã thấy quần lót lòi hết cả ra ngoài. Không kịp suy nghĩ gì tôi nhấc cái xe, quay một vòng đuổi con chó rồi nhảy lên  đạp thẳng một mạch, mặc cho Nga đang chạy ra đón và tiếng em gọi phía sau. Tôi cũng không biết mình về đến đơn vị như thế nào và trên đường có ai để ý đến mình không. Lúc nhìn lại kỹ thì thấy chiếc quần bị xẻ toạc đũng và một bên bị xẻ tới gần đầu gối theo đường chỉ may.  Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao cái quần lúc đó lại bị xẻ to đến thế, mặc dù tôi đã nhiều lần biểu diễn lại hành động ngày ấy và cố tình làm cho quần xoạc, nhưng cũng chỉ bị rách một đoạn nhỏ. Tôi cảm thấy rất xấu hổ về chuyện đó và phải mấy tháng tôi không muốn sang chơi với Nga. Tôi lao vào làm việc đến mức Chủ nhiệm Kỹ thuật sư đoàn phải khen ngợi, nhưng lúc rỗi rãi lại ngồi nguyền rủa con chó khốn kiếp đã làm hại mình. Hồi ấy chưa có điện thoại để mà giải thích, thanh minh như bây giờ nên chẳng có cách nào để nói cho Nga hiểu được tình cảnh tôi lúc đó. Một lần tôi rẽ sang Trường nhưng không gặp Nga. Tối thứ Bảy sau đó, tôi sang chơi thì thấy có cậu Điệp, thiếu úy ở Trung đoàn 48 (cũng thuộc sư đoàn tôi) đang ngồi chơi, giúp em quấn thuốc lá. Câu chuyện của em với tôi trở nên nhạt nhẽo. Một cô giáo tên Hòa nói với tôi: lâu quá không thấy anh đến chơi bọn em tưởng anh quên Trường Bản Ngoại rồi. Thế là tôi đã hiểu. Khoảng 9 tháng sau tôi được tin Nga và Điệp cưới nhau. Dù sao thì cũng chúc mừng em đã tìm được người đàn ông đích thực của cuộc đời. Tôi chỉ ức là mối tình đầy hứa hẹn của mình mới bắt đầu nhen nhóm đã vội tàn chỉ vì một con chó. Hay trước đó mình đã tham gia giết nhiều đồng loại của nó nên bị nó trả thù?  (NCT-12/2012)

21 nhận xét:

  1. Đúng là kỹ sư BK có khác, lập cả "quy trình công nghệ tán gái". Kỹ sư nhiệt luyện NCT mà áp dụng nguyên công ủ, ram, tôi thì cứng thành mềm, mềm thành cứng dễ như trở bàn tay. Mọi loại hợpkim còn chịu nữa là ... con gái (LPT)

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh10:44 17/12/12

    Vừa xong cô Thịnh đã tới cô Nga rồi à anh NCT ơi. Thế mà anh bảo nặng tình với cô nào ở ĐHBK lắm.

    Trả lờiXóa
  3. Anh Thành ơi, anh mới kể những kỷ niệm của anh đến khi anh còn là "thiếu uý". Em được biết lên đến "thượng uý" anh mới ra quân. Chắc còn nhiều kỷ niệm lắm anh nhỉ? bọn em rất muốn được nghe anh kể tiếp đấy, anh nhé ! (Những gì sau 1985 anh không kể cũng được).

    Trả lờiXóa
  4. Chuyện ông NCT hay thật đấy. Tôi đọc thấy thích hơn ông T làm thơ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn NXH. Tôi nhớ thằng cha Nguyễn Quang Lập K20 vô tuyến điện BK, ngày xưa thơ cũng rất hay. Sau khi xuất ngũ, Nguyễn Khoa Điềm bảo hắn: tôi thích độc văn của ông hơn, ông chuyển sang viết văn đi. Thế là giờ đây hắn thành nhà văn nổi tiếng. Biết đâu 5-10 năm nữa ông NXH thay thế ông hữu Thỉnh, tôi trở thành nhà văn cũng nên. (NCT)

      Xóa
  5. Nặc danh14:09 17/12/12

    Ông NCT âm mưu ngay từ đầu. Người ta bảo không đi ô tô nữa, nhưng cứ giữ không trả lại tiền và giấy đi đường cho người ta để còn có cớ đến tìm trả lại như một người quân tử. Cô Nga chắc đoán NCT chỉ tán tỉnh chơi bời nên không thiết tha gì, con chó chỉ là một cái cớ thôi. Dù sao thì cũng cảm ơn con chó đã cản không cho NCT mắc sai lầm thêm nữa.

    Trả lờiXóa
  6. Đọc xong chuyện này mới thấy, những tác phẩm ông NCT tặng vợ ko thấy đề cập "vấn đề ngồi", chỉ thấy "đứng" và "đi" thôi.
    Thế mới biết, nhân tố quyết định tình yêu không phải là núi hay sông, không phải bom đạn hay hoàn cảnh khó khăn, mà đôi khi.........vitamin gâu gâu lại là nhân tố chính.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng có thơ ngồi nhưng chưa công bố đấy thôi. Ví dụ:
      "Cũng ngồi kề sát bên nhau
      Cũng tay nắm chặt cũng đầu tựa vai
      Cũng hôn nhau đến mềm môi
      Cũng say đắm cất thành lời thiết tha

      Vẫn là mình vẫn là ta..."
      Bài thơ này ca ngợi tình yêu của những người già, sẽ công bố trên blog 8e9e10e vào dịp lễ tình nhân. Mời nhân tố lạ đón xem. (NCT)

      Xóa
  7. Nặc danh15:59 17/12/12

    Con chó này quá thông minh và cảnh giác cao. Nó trả thù cho đồng loại và cắn vào đũng quần ông Trung úy để bảo vệ cô chủ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh16:17 17/12/12

      Tôi nghĩ may cho NCT quá các bác ạ, nếu con chó nó mà cắn thật thì mất mất cái trong đũng quần rồi không biết bây giờ NCT ra sao nhỉ ?

      Xóa
    2. Nặc danh16:20 17/12/12

      Trời ơi, NCT lại nắm tay Em !!!

      Xóa
    3. Nặc danh16:31 17/12/12

      Tôi thấy NCT viết văn quá giỏi,sự kiện đơn giản thôi, nhưng với ông NCT thì đã trở thành câu chuyện hay cho độc giả blog 8e9e10e thương thức, giải trí.

      Xóa
    4. Nặc danh15:12 18/12/12

      Bác NCT mà chuyển sang Hội nhà văn làm việc thì tôi chắc rằng sẽ có rất nhiều tập chuyện, đặc biệt là chuyện tình, tôi thấy những câu chuyện thật của bác mà bác viết hay thế huống chi sang hội nhà văn hư cấu thả phanh...

      Xóa
  8. Tôi biết NCT là nhà báo trước NXH, ông này khôn thật, sau khi nhìn thấy "cơ" làm quan nên đã dụ NXH thế chỗ. Nhưng phải công nhận ông Thành biết nhìn xa trông rộng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh23:13 17/12/12

      Các Ông diệt chó của bà con nhiều thế không bị chó cắn là may rồi, mong gì tán được con ông chủ hỡi ông nhà văn NCT ơi.

      Xóa
  9. Nặc danh11:07 18/12/12

    NCT có cách viết hóm hỉnh rât cuốn hút đọc giả, rất có tiềm năng để trở thành nhà văn đấy. Cố lên NCT nhé

    Trả lờiXóa
  10. Ông này dũa nhiều rồi,tôi thấy khả năng nổi trội là tán mấy em.

    Trả lờiXóa
  11. Nặc danh14:06 18/12/12

    Tên em chưa có trong các câu chuyện của Anh NCT, nhưng em đã được NCT cầm tay, lúc nào đến chuyện của em thì A lô cho em Anh NCT nhé !!!

    Trả lờiXóa
  12. "Tôi chỉ ức là mối tình đầy hứa hẹn của mình mới bắt đầu nhen nhóm đã vội tàn chỉ vì một con chó. Hay trước đó mình đã tham gia giết nhiều đồng loại của nó nên bị nó trả thù?"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh19:33 18/12/12

      Đúng đấy NCT ạ, đích thực là con chó nó trả thù cho đồng loại rồi.

      Xóa
  13. Tôi thì không tin lắm, chuyện ông Thành bị con chó cắn rách toạc đũng quần. Biết đâu lại còn tình tiết gì nữa mà ông Thành không kể ?

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.