13 tháng 3, 2013

Quốc phá, sơn hà tại (Dịch bài thơ Xuân vọng của Đỗ Phủ)

Bài thơ xuân của Đỗ Phủ (712-770), nhà thơ đời Đường (Trung Quốc), là một trong hàng trăm bài thơ, nhưng ở bài thơ xuân buồn này, có một cụm từ trở thành thành ngữ, nói cái chân lý vĩnh cửu: “Quốc phá sơn hà tại”
Nghĩa câu đó là “nước mất rồi, sông núi vẫn còn tồn tại”. “Quốc” trong quan niệm Nho giáo ngày xưa, chỉ một cương vực có vua cai quản, có ông vua “trị quốc”, từ đó mà “bình thiên hạ”. Về mặt ý nghĩa, “quốc” đồng nghĩa với chế độ cai trị của vua. Khi “nước” mất, có nghĩa vương triều đã bị thất bại, chuyển sự cai trị đến vương triều khác. Như vậy, dù cho nước mất, mà sông núi còn. “Sơn hà” cũng là rút gọn của “sơn hà xã tắc”, nơi có thần xã, thần tắc cai quản phù hộ dân cư, tức là nơi nhân dân “vạn đại”.
Nguyên văn bài thơ như sau:
春望
國破山河在,
城春草木深。
感時花濺淚,
恨別鳥驚心。
烽火連三月,
家書抵萬金。
白頭搔更短,
渾欲不勝簪。
Phiên âm: Xuân vọng
Quốc phá sơn hà tại,
Thành xuân thảo mộc thâm.
Cảm thì hoa tiễn lệ,
Hận biệt điểu kinh tâm.
Phong hoả liên tam nguyệt,
Gia thư để vạn kim.
Bạch đầu tao cánh đoản,
Hồn dục bất thăng trâm.

Dịch nghĩa: Trông mùa xuân
Nước bị phá, sông núi còn
Mùa xuân trong thành, cây cối héo úa
Ngẫm về thời thế, hoa nhỏ lệ
Biệt ly mang hận, đến chim cũng kinh động trong lòng
Lửa khói liền trong ba tháng
Thư nhà (buổi loạn ly) đáng giá vạn vàng
Gãi đầu cùn cả tóc bạc
Bối rối dù muốn cũng không cài trâm lên đầu được.
Nguyễn Xuân Hưng dịch:
Mong xuân
Chính quyền đổ, Tổ quốc còn.
Lá xuân trở trời vẫn rụng
Gió mưa làm hoa rơi lệ
Biệt ly chim cũng động lòng
Lửa khói liền trong ba tháng
Tin thư như thể vàng ròng
Tóc bạc nghĩ nhiều thêm ngắn
Trâm cài đầu mãi không xong…

Sau đây, tham khảo mấy bản dịch của các bậc túc Nho.
Khương Hữu Dụng dịch:
Nước mất nhưng núi sông còn,
Thành xuân quạnh quẽ um tùm cỏ gai.
Cảm thời, hoa để lệ rơi,
Biệt ly hoa cũng vì người xót xa.
Tháng ba rồi đến tháng ba,
Thư nhà buổi loạn đúng là vàng muôn.
Gãi đầu tóc bạc thêm cùn,
Búi lên sổ xuống, trâm luồn lại rơi.

Trần Trọng Kim dịch:
Nước phá tan, núi sông còn đó
Đầy thành xuân cây cỏ rậm sâu
Cảm thời hoa rỏ dòng châu
Biệt ly tủi giận, chim đau nỗi lòng
Ba tháng khói lửa ròng không ngớt
Bức thư nhà, giá đắt bạc muôn
Gãi đầu tóc bạc ngắn ngun
Dường như hết thảy, e khôn búi tròn.

Tương Như dịch:
Nước mất còn sông núi
Thành xuân cảnh um tùm
Biệt ly lòng chim hãi
Cám cảnh lệ hoa tuôn
Lửa hiệu liền ba tháng
Thư nhà đáng mấy muôn
Gãi hoài cùn tóc bạc
Chừng tuột chiếc trâm luôn

11 nhận xét:

  1. Nặc danh14:49 13/3/13

    Tôi thích bản dịch của Khương hữu Dụng nhất, tiếp đến là bản dịch của Tương Như, thứ ba là bản dịch của Trần Trọng Kim và thứ 4 là bản dịch của NXH. Có điều phân vân: sao nhà văn NXH dạo này tâm tư thế, mà lại muốn truyền cái tâm tư ấy sang các độc giả blogE đang muốn tìm đến sự thanh thản cuộc đời khi tóc bạc ngày một thưa. Như thế có nên không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cuộc sống vốn đa dạng. Con người cũng muôn màu. Blog là nơi không có chỗ cấm kị. Chúng ta chịu các điều cấm của Đảng (nếu là đảng viên), các nội quy ở cơ quan (nếu là công chức), các điều luật của gai đình (nếu ở với vợ)... Còn ở blog thì nên tự do đi. Tôi thể hiện sự vui thú của tôi với các tác phẩm, với khám phá nghệ thuật và đồng cảm với các tác giả. Còn bạn? Bạn cứ việc vui thú với các cô gái, với món ăn của anh NCT, không ai bắt bạn bị truyền tâm thế của tôi. Bạn thích các bản dịch cũng vậy. Nhưng có điều này, tôi là quản trị blog, tôi không muốn blog trở thành diễn đàn thơ phú của các cụ về hưu, tụng ca nhau, chém gió; mà tôi muốn đây là diễn đàn tự do dân chủ, bao dung mọi suy nghĩ, chia sẻ mọi xu hướng xã hội. Nếu bạn muốn tìm thấy sự thanh thản, tôi khuyên bạn từ giã Internet, nên vui thú điền viên, đi nhảy với các cụ, đi bộ ở công viên, tham gia câu lạc bộ thơ ở nhà văn hóa phường. Bởi vì Internet là cả thế giới, nó có cả thanh thản và sóng gió, và khó mà quên đời được. Vả lại, nếu bạn dù không phải nhà văn, nhưng đã đặt bút viết lên câu chữ ở blog nào đó, thì câu chữ ấy cũng là tượng tạc bạn vào mạng, có thể đến với rất nhiều người, trong đó, bạn sẽ hiện ra trong mắt mọi người bạn là ai, nông hay sâu, đậm hay nhạt... Chúc bạn tìm thấy sự thanh thản giữa cuộc đời mà bạn cho rằng nó thanh bình.

      Xóa
    2. Comment trên đây của tôi -NXH

      Xóa
    3. Nặc danh09:20 14/3/13

      Em biết tâm trạng của anh vì sao anh lại chọn bài thơ này để dịch rồi nhé!

      Xóa
  2. Nặc danh15:22 13/3/13

    Có lẽ nên có một sự phân hóa nào đó trong blog này. Hoặc là ông NXH nhường quyền quản trị cho ông NCT, biến blog này thành blog vui vẻ trẻ trung, không bàn thế sự. Hoặc là ông NCT nên giảm tông những bài thơ, bài giải trí. Hồi đầu, tôi thấy blog có nhiều bài viết thú vị, có nhiều bài có chiều sâu. Bây giờ hình như các độc giả nghiêm túc rời bỏ blog này rồi. Ví dụ, ông thichdoctho bình thơ khách quan, nhưng c ó mấy người không thích lời phê của ông ấy, ông ấy cũng từ giã. Có những người thích bàn luận kinh tế, thâm thúy cũng chán rồi. Vậy nên các ông lớp E nên biến cái blog này thành nơi tâng bốc nhau, khen nhau, chia sẻ sự hưởng thụ, nói kinh nghiệm yêu đương...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lý luận của bạn N 15.22 có lẽ bị ảnh hưởng của cách làm cán bộ hiện nay, đó là chỉ thích một chiều, mà không thích có sự đa dạng. Tôi thấy đây là khuyết điểm do chúng ta sống trong môi trường có sự "thống nhất cao", không có ai nói khác. Nói gì thì nói, lại phải quay về chính trị xã hội. Nếu chế độ dân chủ, bạn là sếp, thì bạn thừa biết, trong 100 người đơn vị mình, chỉ có hơn 51 người bầu bạn, tức là bạn phải chịu và phải quen với ít hơn 49 người chê bạn, ghét bạn. Mà cái chê cái ghét đó không hề là phản động nhá. Blog này cũng vậy. Bạn có thể ở phía đông, hoặc ở phía ít, và tôi hoan nghênh cả hai phía. (NXH)

      Xóa
  3. Dù đang trong giờ hội thảo thấy các ông tranh luận hơi ghê. Vì thế tôi phải viết ngay, vì thứ nhất tôi không đủ năng lực đảm nhận chân quản trị blog, nên không thể làm thay ông NXH được. Thứ hai, blog E phục vụ nhiều tầng lớp độc giả, có người thích chính trị, có người thích kinh tế, có người thích giải trí, văn thơ và cũng là sân chơi chung cho tất cả mọi người có trí tuệ, có văn hóa. Vì vậy ông kinh tế không nên chê ông nhà văn; ông kỹ sư không nên chê ông nhà thơ. ông trẻ không nên chê ông già và ngược lại. Chúng ta cứ thưởng thức bài nào mình thích tùy thuộc gu và sở thích của mỗi người. Bài nào không thích thì nhường người khác đọc. Tôi không thấy có bằng chứng nào về tình trạng độc giả nghiêm túc rời bỏ blog này như ND15:22 khẳng và tôi tin anh thichdoctho sẽ trở lại nếu các thành viên tiếp tục đăng thơ. (NCT)

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh16:07 13/3/13

    Tôi là một độc giả thường xuyên của blog 8E, tôi thấy phần lớn độc giả thích thơ hơn những bài viết ở lĩnh vực khác, thể hiện những bài thơ thường xuất hiện ở mục bài nhiều người đọc. Có thể phần lớn độc giả blog 8E là những người lớn tuổi, thích giải trí nhẹ nhàng cho quên tuổi già.Quản trị blog nên quan tâm đến vấn đề này để có định hướng phát triển blog lâu dài.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh17:24 13/3/13

      Bạn là độc giả thường xuyên, nhưng tôi thắc mắc bằng cách nào bạn "thấy phần lớn độc giả" khác? Có phải bạn muốn nói những bài thơ thường có nhiều comment hay không? Tôi thì đọc blog nhưng không comment, chỉ 1 -2 lần. Vậy liệu bạn có biết được nhiều người đọc như tôi không?

      Xóa
    2. Nặc danh17:57 13/3/13

      ND17:24 có vẻ không phải người thích học toán, cũng không thích học sử thì phải.Quản trị blog và những người được phép đăng bài có thể biết được chính xác số lần truy cập bài viết. Tôi không biết chính xác số lượt truy cập từng bài nhưng có thể biết bài nào nhiều người vào đọc qua việc xem trên danh sách bài nhiều người xem và bài đó nằm trong danh sách này bao nhiêu ngày? Do đó tôi theo dõi thấy những bài nằm lâu trong danh sách này đều là thơ và phần lớn là của tác giả NCT, có một số bài của NXH, LPT, VĐT, VKH, N22, Mai Hương. Số bài không phải thơ xuất hiện ở danh sách này ít và không lâu.(ND16:07)

      Xóa
  5. Nói về dịch, hiện nay có rất nhiều quan niệm. Một quan niệm phổ biến là "chuyển nghĩa", như vậy thì thơ 5 chữ, 7 chữ cũng có thể dịch ra lục bát tuốt. Và thực sự cũng có nhiều bài thành công. Song, dịch ra lục bát khó hay. Ví dụ bài dịch của Khương Hữu Dụng trên đây, 'Tháng ba rồi đến tháng ba" thì khác hẳn nghĩa gốc. Đến câu "Thư nhà buổi loạn đúng là vàng muôn" thì gò gẫm tối nghĩa. "Vàng muôn" là vàng gì? Thực ra, quan niệm về dịch của tôi, dịch sao cho phải tương xứng cả ngữ và nghĩa, bài thơ 5 chữ gốc, mà dịch 5 chữ như Tương Như thì mới coi như chấp nhận được, còn dịch 6 chữ như tôi trên đây thì cũng không đạt lắm, chỉ mới là cố gắng thôi. (nxh)

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.