7 tháng 1, 2014

Đi tìm sự thật về Chí Phèo - Bá Kiến

Vũ Đức

Chí Phèo, Bá Kiến, Thị Nở đã đi vào tâm trí hàng triệu triệu học sinh và người dân Việt Nam nhờ kiệt tác văn học “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao và một bộ phim cũng đứng vào hàng kiệt tác điện ảnh “Làng Vũ Đại Ngày Ấy”. Nhưng anh Chí, cụ Bá là ai, có tồn tại ngoài đời hay chỉ là một hình tượng dưới ngòi bút Nam Cao?

Làng quê Nam Cao vốn tên là làng Đại Hoàng thuộc tổng Cao Đà, phủ Lý Nhân, huyện Nam Sang, tỉnh Hà Nam. Làng Đại Hoàng xưa, nay đã đổi tên thành xã Hòa Hậu (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) với cả chục xóm nằm dọc theo bờ đê tả sông Châu Giang.

Vào thắp hương cho cố nhà văn Nam Cao ở khu tưởng niệm, chúng tôi được ông Trần Hữu Vịnh, là người trông nom khu di tích, kể cho nghe nhiều chuyện về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nam Cao. Ông Vịnh cũng là một người cháu trong dòng họ của Nam Cao.

Ông Vịnh cho biết: “Xưa kia có một người không rõ lai lịch đến sống ở Đại Hoàng, ông này bê tha nát rượu. Hàng ngày thường lê la ở chợ. Món khoái khẩu của Y là nhắm rượu với phèo lợn. Đó là ruột non của lợn, đoạn có nhiều chất bột. Nếu làm lòng lợn thông thường thì người ta thông ruột cho ra bớt những chất bột ấy đi. Nhưng làm phèo thì họ cứ để cả thế đem luộc. Tay Chí thường nhắm rượu với món đó và sau khi say rượu hắn lại về cái lò gạch bỏ hoang nằm phèo ra ngủ, nên cả làng gọi hắn ta là Chí Phèo”.

Tuy biết khá nhiều chuyện nhưng ông Vịnh cũng bộc bạch: “Tôi là lớp hậu sinh, những chuyện từ thời nhà văn viết thì tôi cũng chỉ là nghe kể lại thôi, nếu anh muốn biết chính xác thì nên tìm gặp cụ Đạt, em trai nhà văn mà hỏi. Cụ Đạt ở bên xóm 9 ấy”.

Theo lời giới thiệu của ông Vịnh, chúng tôi tìm đường sang nhà cụ Trần Hữu Đạt ở xóm 9, xã Hòa Hậu. Cụ Đạt đã ngoài 80 nhưng hãy còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm.

Cụ khẽ nhấp ngụm trà nóng và bắt đầu kể: “hầu hết nhân vật trong truyện của Nam Cao là có thật”. Câu chuyện đã mở đầu bằng một lời khẳng định như thế. “Chí Phèo đến sống ở làng Đại Hoàng từ trước cách mạng tháng Tám. Người làng không ai biết về thân thế ông ta nhưng cả làng đều gọi ông ta là Chí Phèo. Ngày ngày Chí Phèo lê la ở chợ, sống bê tha, tối về ngủ ở cái lò gạch đổ nát. Đến sau cách mạng thì không rõ là lão đi đâu  hay là chết trong nạn đói rồi”.

Ngẫm nghĩ một lát cụ Đạt kể tiếp: “Hồi đó tôi đang học thành chung ở thành phố Nam Định, chính tôi là người thường đem bản thảo của Nam Cao ra Nam Định gửi nhà dây thép (bưu điện) lên các tòa soạn ở Hà Nội. Trong chuyện Chí Phèo thì nhân vật Bá Kiến là lấy nguyên hình mẫu của một người ở làng tên là Trần Bá Bính. Ông này cũng có 3 vợ, cũng là người có thế lực trong làng.  Giờ cái nếp nhà của ông Bính này vẫn còn đấy”.

Mặc dù vẫn sống trong làng nhưng Nam Cao dám viết về những chuyện ăn hiếp dân  lành của bọn cường hào mà không sợ vì nhà văn có một chỗ dựa khiến  bọn lý dịch trong làng không dám động đến.

Cụ Đạt vẫn say sưa kể: “Sau khi truyện đăng lên báo, đám kỳ hào trong làng biết thì rất tức tối nhưng không làm gì được bởi vì hai lẽ. Một là vào lúc đó phong trào cách mạng ở vùng quê này đã khá mạnh. Hai là quan huyện Nam Sang (thời đó Đại Hoàng là xã thuộc tổng Cao Đà, phủ Lý Nhân, huyện Nam Sang) lại là bạn học thời Thành Chung với Nam Cao. Ngày ông quan huyện này mới về, đám kỳ hào làng Đại Hoàng lên huyện chào quan. Ông quan huyện biết là người ở Đại Hoàng mới hỏi là: có biết ông Tri không? (Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri) họ nói có biết. Ông quan liền bảo: thế về nhắn ông Tri hôm nào rỗi lên đây chơi, ông ấy với tôi là bạn học cũ. Thế là từ đấy đám kỳ hào cũng nể nên đỡ làm khó cho ông ấy”.

Theo lời kể của cụ Đạt tôi lại tìm đến nhà của Bá Kiến ở xóm 11. Ngôi nhà trông thấp nhỏ nằm giữa một vườn chuối. Theo lời kể của người dân xung quanh thì ngôi nhà này trước đây là của gia đình cụ Trần Bá Bính, sau lại bán cho một người khác. Người ta cũng cho biết: “Ông Bá Bính thì chết vì già yếu sau cách mạng tháng Tám còn vợ ba của ông ấy thì mãi đến những năm 1950 mới chết. Giờ con cái đều đi đâu không ai  biết cả. Ngôi nhà này vừa qua đã được tỉnh Hà Nam mua lại với giá gần 1 tỷ để làm di tích phục vụ tham quan đấy”.

2 nhận xét:

  1. Nặc danh21:00 7/1/14

    Có biết bao chất liệu từ cuộc sống còn sinh động hơn cả những gì ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà của Nam Cao. Nhưng từ đó mà có thể viết vào tác phẩm của mình thành những hình tượng bất hủ, chỉ trong có mấy trang văn, thì chỉ có thể là Nam Cao.
    Tôi ngưỡng mộ Nam Cao đến mức, trong vài dòng giới thiệu về mình (nếu cần giới thiệu), tôi đều trang trọng ghi: "Nhà văn Việt Nam yêu thích: Nam Cao".
    (Hải Yến)

    Trả lờiXóa
  2. Cách đây đã lâu lắm, có một người con trai viết vào cuốn sổ tay của tôi một bài thơ tự sáng tác. Không hiểu đây là bài thơ tự trào hay một lời nhắn gửi thầm kín? Bài thơ có liên quan đến nhân vật của Nam Cao. Nhân bài viết này về cố nhà văn Nam Cao, tôi xin được chép lại bài thơ cũ ra đây để mọi người đọc chơi.

    KHÓC CHÍ PHÈO

    Sao đời khổ thế, anh Chí ơi!
    Ái tình đem đến chẳng biết xơi
    Để bà ba Kiến cho là dại,
    Tưởng anh không biết, nói tận nơi.
    Thế nhưng tôi cũng chẳng bằng anh,
    Đã già mà chưa biết cháo hành.
    Cuộc đời đơn độc bao lâu nữa,
    Để cho tôi mới được bằng anh?

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.