2 tháng 4, 2013

NHỮNG PHÚT CUỐI ĐỜI CỦA ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH


Nhiều người còn nghi ngờ về cái chết bí ẩn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một vị tướng kiệt xuất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Một số người thì nhận thấy những nét giống gương mặt ông ở người này, người nọ. Có tin đồn đại ông có con riêng giờ giữ chức to. Tôi không bàn đến chuyện đời tư của Đại tướng vì không có trong tay thông tin đáng tin cậy. Tôi chỉ muốn thông tin đến các bạn độc giả Blog E về cái chết của Đại tướng mà với tư cách một người từng làm báo, tôi nhận thấy thông tin này có thể tin cậy được. Đây là hồi ức của bà Nguyễn Thị Bảo, Đại tá, bác sĩ, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa A3 Viện Quân Y 108 về những giây phút cuối cùng của Đại tướng. Sự ra đi của ông đột ngột nhưng giản đơn đúng phong cách của  người lính chiến. Bài này viết ra cách đây 16 năm, nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của Đại tướng (6/7/1967).  Tôi xin đăng lại để các bạn rộng đường suy luận sau khi có bài viết của nhà văn NXH đăng trên Blog E ngày hôm qua. (NCT)

 Chúng tôi là những người được sống và công tác cùng anh Thanh tới khi anh mất. Hàng năm cứ mỗi lần đến viếng mộ và thắp hương bàn thờ anh thì niềm thương, nỗi nhớ cứ dâng trào trong chúng tôi. Anh Thanh – một vị tướng thao lược, nhưng rất giản dị, gần gũi với những người cộng sự. Từ các đồng chí bí thư, bảo vệ, lái xe, bác sĩ đến đồng chí nấu ăn, ai ai cũng thương quý anh như người ruột thịt trong một gia đình.
Năm nay, càng gần tới ngày giỗ lần thứ 30 của anh (6/7/1967-6/7/1997) trong mỗi chúng tôi càng gợi lại bao kỷ niệm sâu sắc, bao bài học về anh mà trong đó kỷ niệm về những ngày trước và sau giây phút anh ra đi tại Viện Quân y 108 cứ đọng lại mãi trong ký ức chúng tôi rõ mồn một.
Hồi đó, tôi là bác sĩ thuộc Ban quân y thủ trưởng, phụ trách sức khỏe các gia đình có cán bộ đi B. Trưa ngày 5 tháng 7 năm 1967, tôi đến nhà chị Cúc (vợ anh Nguyễn Chí Thanh), thấy chị ngồi ăn cơm một mình, tôi hỏi nhỏ:
- Sao chị không chờ anh về ăn cùng?
- Anh đi ăn cơm khách – chị khẽ trả lời và kéo tôi ngồi xuống ăn cơm cùng. (Từ thời kỳ chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, gia đình anh chị và chúng tôi gắn bó như anh chị em ruột thịt, gặp bữa cơm nếu chưa ăn là ngồi vào ăn luôn).

Chị em tôi ăn sắp xong thì anh Thanh ở ngoài bước vào trong bộ lễ phục trắng, quân hàm Đại tướng với dáng đường bệ và vui vẻ. Nhìn thấy tôi, anh khen: “Cô Bảo ở nhà chăm sóc sức khỏe chị và các cháu tốt anh mừng”. Rồi anh ngồi xuống cạnh chị Cúc, anh nói khẽ: “Chiều nay Cúc đi ăn cơm khách với anh nhé!”.
Với nét mặt hơi buồn, chị không trả lời thành tiếng, đầu chị nghiêng nghiêng không ra vẻ gật, cũng không ra vẻ lắc từ chối, đôi mắt chị nhìn anh trìu mến. Tôi thầm đoán là anh lại sắp vào B mà chuyến này đi với bao gian nguy trọng trách nên chị buồn lo. AnhThanh đứng dậy và nói: “Hai chị em tiếp tục ăn đi, anh lên nhà nghỉ trưa một tí đã”. Tôi nhìn theo bước chân nhanh nhẹn của anh đang đi trên cầu thang mà lòng mừng vui về sức khỏe của anh không hề suy suyển sau chuyến đi B dài vừa qua.
Anh Nguyễn Chí Thanh đi B từ 1964, cuối tháng 6 năm 1967 anh được Trung ương và Bác Hồ triệu tập ra hội nghị để báo cáo tình hình miền Nam và nhận thêm chỉ thị mới. Còn một ngày trước khi lên đường mà bao nhiêu công việc dồn dập: trưa 5/7/1967, ăn cơm chia tay với Bác Hồ, nghe Bác dặn dò thêm; chiều đồng chí Võ Nguyên Giáp mời ăn cơm và trao đổi thêm nhiệm vụ. Sau bữa cơm về nhà muộn, anh còn làm việc với đồng chí Song Hào, Lê Quang Đạo, Phạm Ngọc Mậu, rồi đồng chí Vũ Tuân bên Văn phòng Trung ương sang gặp làm việc thêm.
Khoảng hơn 11 giờ đêm anh mới được nghỉ và bắt đầu nói chuyện với chị Cúc, dặn dò các con trước khi đi xa. Anh Thanh còn nhắn bác Diệp nấu ăn lên dặn: chị chuẩn bị hai cốc cà phê vào lúc 4 giờ sáng (6/7/1967), một cốc cho anh và một cốc cho bác sĩ Thuận đi theo anh vào B.
Gần 1 giờ sáng anh mới đi ngủ. Khoảng 3 giờ sáng anh Chắt bảo vệ đến nhà dưới đánh thức bác sĩ Thuận – người phụ trách sức khỏe riêng của anh Thanh, thấy anh Thanh kêu đau tức ngực và nóng ran trong bụng như có cào xé, bác sĩ Thuận đo huyết áp: 140/80; mạch 80 và khuyên anh nằm yên để mời kíp cấp cứu Viện Quân y 108 đến nhà. Anh bảo bác sĩ Thuận đi gọi điện báo cáo Trung ương tình trạng anh bị ốm bất ngờ. Bác sĩ Thuận đưa anh lên xe ô tô.
Trên xe với tư thế nằm, anh vẫn nói chuyện với anh Chắt bảo vệ và anh Thuận. Xe đến phòng cấp cứu Viện Quân y 108, bác sĩ Thuận đề nghị đưa cáng ra khiêng anh vào giường. Anh Thanh đùa: “Chú Thuận chúa hình thức, quan trọng hóa”, rồi anh ngồi dậy đi thẳng vào buồng cấp cứu.
Ở đó đã có Viện trưởng Nguyễn Thế Khánh và bác sĩ Phạm Tử Dương ra đón ngay. Anh Thanh vừa ngồi xuống giường, rồi nằm xuống, tự nhiên anh phát ra một tiếng “ặc”, mặt và toàn thân tím ngắt. Các bác sĩ xoa bóp ngoài lồng ngực, tiêm các thuốc trợ tim, điều trị cấp cứu tích cực, nhưng không kết quả.
Thế là các nhà chuyên môn phải chuyển anh lên phòng mổ can thiệp ngoại khoa mổ lồng ngực, kích thích trực tiếp vào tim do Giáo sư Phạm Gia Triệu và bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản thực hiện nhiệm vụ này. Ngay sau đó, các đồng chí Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y, đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, giáo sư Tôn Thất Tùng và bao nhiêu chuyên gia tim mạch trong và ngoài quân đội đến đầy đủ để tham dự cấp cứu anh. Nhưng tim anh vẫn chỉ co bóp rời rạc.
Đến 9 giờ sáng ngày 6/7/1967 tim anh ngừng đập và anh đã tắt thở hoàn toàn, với chẩn đoán cuối cùng: nhồi máu cơ tim (gây cơn đau ngực, lan xuống động mạch chủ bụng) gây chết đột ngột (mort subite).
Đúng 9 giờ sáng ngày hôm đó, xe đón chị Cúc có tôi đi cùng xuống Viện Quân Y 108, chúng tôi nhập vào đoàn y tế vừa cấp cứu anh xong, cùng các bạn bè thân thiết, các đồng chí tổ chức Trung ương chuyển linh cữu anh Nguyễn Chí Thanh đến đặt tại Hội trường Viện Quân y 108.
Hôm sau, 7 tháng 7 năm 1967, linh cữu anh được chuyển về hội trường Câu lạc bộ quân nhân Hoàng Diệu để tổ chức lễ viếng và truy điệu. Hồi đó, đang thời kỳ máy bay giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc, nên không có truyền tin rộng rãi, chỉ có một bài xã luận báo Nhân Dân ca tụng về tài năng, đạo đức, công lao đồng chí Nguyễn Chí Thanh.

Lễ tang anh, người đến viếng rất đông, ai ai mắt cũng đỏ hoe vì quá thương tiếc anh. Đặc biệt, khi Bác Hồ đến viếng, Bác lau nước mắt thì nhiều người khóc nấc lên.
Để tránh bom đạn giặc Mỹ, lễ đưa tang anh Nguyễn Chí Thanh rất muộn, đến nghĩa trang Mai Dịch thì trời tối hẳn. Đêm 7 tháng 7 năm 1967, tức là đêm 30 tháng 5 Đinh Mùi không có trăng, chỉ có ánh sao lờ mờ, nên tang lễ anh càng đượm buồn...  
                                                                           (Dr NTB-1997)

10 nhận xét:

  1. Nặc danh07:44 2/4/13

    Bài viết này rất có vẻ thuyết phục, nhưng cho thấy có chi tiết này: 9h sáng anh Thanh tim ngừng đập, thì cũng lúc đó, tác giả mới cùng chị Cúc (vợ anh Thanh) đến bệnh viện. Như vậy, diễn biến cấp cứu anh Thanh thì tác giả chỉ nghe kể lại mà thôi. Lễ an táng anh Thanh thì diễn ra về tối đêm do lý do thời chiến. Chừng đó chi tiết có thể nói là đáng tin 100% không? Tôi cũng có nghe tin ông Nguyễn Chí Thanh còn sống, tin cách đây 2 năm, nhưng lúc đó tôi không tin. Gần đây có nguồn tin đáng tin cậy hơn, nên tôi lại tin

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh16:21 11/12/14

      Tôi có nghe NCT còn sống ở vùng An Giang giáp Kiên giang

      Xóa
  2. Bạn ND 07:44 cứ việc tin Nguyễn Chí Thanh còn sống, như bao người vẫn tin tưởng "Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta" nếu như điều đó mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bạn. Thông tin trên có địa chỉ người viết rõ ràng. Bà Bảo là người trực tiếp theo dõi sức khỏe cán bộ lãnh đạo nên dù không trực tiếp cứu chữa hay chứng kiến giây phút tắt thở của Đại tướng, bà có quyền đọc bệnh án hồ sơ bệnh nhân và tham gia Hội đồng y khoa xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong tại bệnh viện. Vả lại, tôi chưa tìm ra lý do xác đáng nào về việc người ta phải dựng chuyện Nguyễn Chí Thanh đã chết vì nhồi máu cơ tim mà không phải hy sinh dũng cảm ngoài mặt trận như một tướng lĩnh oai hùng? việc này chẳng có lợi lộc gì! Việc tìm thấy người giống hệt Nguyễn Chí Thanh cũng không khó, Người ta đã thông báo có người giống hệt Obama ở Indonesia, hay hàng tá người từng đóng giả Stalin, Sadam Husen... (NCT)

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh13:26 2/4/13

    Thằng bé đứng cạnh Đại tướng có phải là Nguyễn Chí Vịnh (nay là Thượng tướng Thứ trưởng Bộ QP) không nhỉ?

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh15:25 2/4/13

    Ông nct cu viec tin he thống truyền tin của nhà nước. Ông chỉ việc nói ông k tin chuyện ông thanh, chứ k nên thuyết phục ng khác cũng tin bà Bảo như ông. Tôi cũng biết tin này, cả Hn không ít ng biết. Ông nên tìm hiểu thg tin này, nếu ông còn má báo chí

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh10:10 8/4/13

    Rất nhiều thông tin đáng tin cậy đều nói Đại tướng NCT đã chết ngày 5/7/1967 tại Hà Nội. Còn thông tin ông NCT còn sống thì chỉ thấy tin đồn chưa có bằng chứng nào xác thực và đáng tin cậy cả. Hay bạn ND 15:25 định chơi xỏ NCT đấy? vỉ chữ viết tắt họ, tên và tên đệm giống nhau?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh18:51 8/4/13

      Ông NCT bị một số độc giả chơi xỏ thật rồi hê.hê...

      Xóa
  6. Nặc danh07:53 9/4/13

    Theo tôi được biết, Phu nhân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là bà Nguyễn Thị Cúc. Ông bà sinh được bốn người con. Con trai đầu lòng của họ tên là Trường Sơn (đã mất năm 1947). Người con thứ hai là bà Nguyễn Thanh Hà, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Người con thứ ba là trai tên Tí và con trai út Nguyễn Chí Vịnh, hiện nay đang là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục 2. Có lần tôi nghe trực tiếp từ bà Thanh Hà nói về ngày giỗ bố, đại tướng NCT. Không lẽ con lại mong bố chết để giỗ???

    Trả lờiXóa
  7. Nặc danh10:23 10/10/13

    Bác Hồ chết vào 2/9 mà họ còn dựng chuyện thành 3/9 còn tướng Thanh chết thế nào chẳng được.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.