30 tháng 5, 2014

Cho chữ

Truyền thống Việt Nam từ xưa học chữ tượng hình, theo triết lý giáo dục Nho học, nên việc học chữ cần phải khổ luyện. Người có chữ trong xã hội ít, hay chữ càng ít hơn. Hệ thống khoa cử Nho giáo đào tạo "công chức" cho việc cai trị, nên dưới con mắt của dân chúng, người có chữ khác hẳn người không có chữ. Tết đến thì các ông có chữ bận bịu, nào viết câu đối, nào cho chữ... Hoặc nhà có việc làm nhà, làm nhà thờ, làm phần mộ, khánh thành cửa hàng... đều cần đi xin chữ của các cụ đồ Nho, có cụ đỗ đạt thì chữ càng quý.
Đến thời Nguyễn, thực dân Pháp đến khai thác thuộc địa, trong cái rủi cũng có cái may, Pháp để lại cho Việt di sản chữ hệ la tinh, ghép vần. Thế là việc học hành, có chữ đơn giản đi nhiều. Đó là một cái may lớn mà lịch sử làm ra, kẻ thống trị và người bị trị đều không lường được. Đó là một lần người tính không bằng Trời tính.
Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà... sống vào thời tranh tối tranh sáng của lịch sử chữ viết. Những nhà Nho cuối cùng, họ cũng là những trí thức đầu tiên thế hệ bút sắt, chữ Latinh. Tuy chữ quốc ngữ đã có, nhưng chưa có vị thế như ngày nay, phong tục cho chữ, xin chữ vẫn thịnh hành.


Có mấy chuyện thú vị về Nguyễn Khuyến liên quan đến chuyện cho chữ: Một anh mới làm cái nhà, sau khi bị dính vụ cháy. Nông thôn xưa thì chỉ có nhà tranh, vách đất, lớp rạ, sơ ý là cháy liền. Cụ Nguyễn căng tờ giấy đỏ, viết một chữ nhất, rồi xoay 90 độ, bảo anh kia mang về treo chữ nhất dựng đứng lên. Không biết anh xin chữ sau đó giữ được nhà bao lâu không cháy. Giới sĩ phu không hiểu ra sao cả. Cụ Tam nguyên chữ nghĩa đầy mình, đỗ đạt, chắc là Nho học uyên thâm, thiên văn địa lý tinh tường, chữ của cụ là chữ vàng chữ bạc, có bàn thì càng bàn càng ra vàng. Bí mật chữ nghĩa chỉ cụ Nguyễn biết. Chữ nhất viết đẹp thì đúng như cái chày, hai đầu to, giữa hơi thanh hơn. Dựng chữ Nhất lên, là cái chày đứng. "Chày đứng" tức là "đừng cháy"
Hoặc chuyện có chị sang xin chữ, người nhà quê cũng biết ăn nói vòng vo, cho ra vẻ lịch sự: Hôm nay con có cơi trầu kính cẩn sang biếu cụ, xin cụ cho con đôi câu đối về để thương nhớ thờ ông nhà con. Cụ Nguyễn viết chữ Nôm: Mang một cơi trầu kính cẩn biếu cụ/ Xin đôi câu đối thương nhớ thờ ông. Chữ Nôm cũng rậm rì, thậm chí rậm nét hơn chữ Hán. Hán tự đã không biết, Nôm tự càng mù mịt. Thế là cứ mang câu đối 16 chữ về dán bàn thờ. Ai biết đấy là chữ cụ Tam Nguyên là vẻ vang lắm rồi.
Xét cho cùng, cụ Nguyễn Khuyến cũng chả coi chuyện chữ nghĩa ra gì, chiều lòng dân chúng. Dân chúng của cụ cũng hồn nhiên nhi nhiên. Làm cho người xin chữ vui là được một việc nghĩa, chắc cụ Nguyễn nghĩ thế. Chữ nghĩa phải phục vụ thiết thực cuộc sống. Cho nên cổ nhân mới nói: Người hiền giống như ngu. Ngu được như cụ Nguyễn Khuyến thế gian hiếm lắm.
Còn chuyện người hiền ngày nay, có ông cũng mang tiếng học cao, cũng đầy danh hiệu, đi đâu cũng cho chữ, cho câu đối, nhưng chưa chắc đã biết hết nghĩa chữ, thì không phải hiền quá giống như ngu mà là tưởng mình hiền tài hóa ra ngu thật.
Hoặc ngày nay cũng có chuyện, lãnh đạo quốc gia đi xin chữ. Xin 16 chữ như con mẹ nhà quê trên đây, rồi cứ về treo nó lên bàn thờ. Có lẽ thằng cho chữ cũng bỡn cợt như cụ Nguyễn Khuyến mà thôi. Nó viết chữ ra, coi như chuyện tiếu lâm, rồi ấn cho người xin mang về. Đó là tình huống tốt nhất, nhưng chắc là cũng không có tình huống ấy.
Hóa ra người xin chữ ngày nay khác chi mẹ đĩ nhà quê mang một cơi trầu sang biếu cụ, xin 16 chữ để thờ ông. Chữ mang về, cứ đọc ra rả, chả biết người cho chữ nó tâm địa thế nào, cũng chả biết nghĩa lý của nó ra sao. Cái vị thế của người xin chữ- cho chữ ngày nay càng chênh lệch ghê gớm, xa vòi vọi, không thể so với thời cụ Tam Nguyên. Người cho chữ ngày nay không đùa vui đâu. Còn người xin chữ ngày nay cũng không phải mụ nhà quê. Nghĩ đến đây thấy ớn lạnh.

1 nhận xét:

  1. Nặc danh06:22 23/6/14

    Nếu vậy cán bộ cấp dưới - người đã tham mưu cho trên về 16 chữ này phải bị lôi cổ ra kỷ luật và xét xử hình sự vì tội đã tiếp tay cho địch,

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.