Nhân có bạn Trần Đông Phong giới thiệu cảnh thu (Trung Quốc) trong Tỳ bà hành, tôi xin góp mấy ý kiến, đây chỉ là ý kiến cá nhân, trao đổi. Nếu tìm trên mạng, các bạn có thể thấy rất nhiều bài về Tỳ bà hành, có nhiều bản dịch khác với bản Phan Huy Vịnh/ Phan Huy Thực, thậm chí có cả video ca trù hát Tỳ bà hành nữa... (NXH)
1. Về bản dịch được coi là tài hoa nhất hiện đang lưu hành, nhiều tài liệu cho là của Phan Huy Vịnh, có thời cho là của Phan Huy Ích, ngày nay thì nhiều học giả lại cho là của Phan Huy Thực. Lý lẽ của các vị ấy không rõ thế nào, nhưng chỉ biết rằng Phan Huy Thực là con của Phan Huy Ích, còn Phan Huy Vịnh là con của Phan Huy Thực. Thôi thì của ông Phan Huy nào cũng là họ Phan Huy cả.
2. Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị thì làm theo thể loại “cổ phong”, đại khái như là thể thơ tự do, sau này thời Tống lại phá cách một lần nữa, nâng lên nghệ thuật gọi là “từ”. Còn bản dịch của họ Phan Huy thì thể song thất lục bát. Thể thơ song thất lục bát, được coi là thể thơ dân tộc, cũng như lục bát. Cho nên, dù cho bản dịch của họ Phan Huy có tài hoa và sát với bản gốc, tôi vẫn không thấy ưng. Trước kia, (và cả bây giờ) hầu như người đi học lẫn người dạy học đều ca tụng bản dịch này, cũng như bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, nhưng tôi thấy hình như các tác giả của Việt Nam sáng tạo lại thì đúng hơn.