23 tháng 2, 2013

Kể một chuyện tình

Hôm nay sinh nhật mình, một số bạn nhớ ngày này đã có lời chúc mừng qua blogE từ hôm trước. Mình đã nói rằng, mình rất ngượng khi được chúc mừng sinh nhật, nhưng cũng không khỏi cảm động trước sự quan tâm của các bạn độc giả. Vì thế, dù rất bận, không có thời gian để viết bài mới tặng các bạn, mình cũng phải tranh thủ đầu giờ làm việc gửi tới các bạn bài thơ kể lại một mối tình của mình gần 30 năm trước. Các bạn hãy coi đây như lời cảm ơn  của mình gửi tới mọi người. Hy vọng blog E sẽ là sân chơi chung của tất cả chúng ta, giúp mỗi người tìm lại  những kỷ niệm của tuổi thơ trong sáng, nhớ lại hình bóng thân thương của một thời tuổi trẻ để vững vàng hơn, tự tin hơn trong cuộc sống hôm nay và ngày mai. (NCT)

21 tháng 2, 2013

Văn nghệ Vĩnh Phúc mời đối

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung, Chủ tịch Hội Văn nghệ Vĩnh Phúc đã gặp tôi (ngày 12 tháng Giêng âm lịch), cho biết, hàng năm Vĩnh Phúc có truyền thống ra vế đối mời đối, nhưng cho đến nay, đã qua 4 năm chưa có năm nào có ai đối chỉnh. Năm nay vế đối là:
Mừng Quý Tị, rắn quý leo xà, nuốt chuột không còn tý tị.
Qua Tết, đã gần Rằm, mà vẫn chưa có vế đối nào chỉnh, chưa nói là hay.
Vậy tôi cho lên đây, có nhiều bác văn hay chữ tốt, thử xem biết đâu lại có một phút lóe sáng thì sao...
(NXH)

Linh tinh tình phộc

(Tôi đi lễ hội Trò Trám)

(Bài 1: Đề dẫn)

Bủ Thơ làm chủ lễ 
Năm nay, tôi đã hẹn với nhà văn Hà Phạm Phú đi lễ hội trò Trám. Vừa may, gần đến ngày lễ hội, Nhà thơ Ngô Công Thành lại sưu tầm bài viết về lễ hội “linh tinh tình phộc” mà post lên blog. Điều đó như là cơ duyên khiến tôi cùng nhà văn Hà Phạm Phú quyết đi lễ hội này, cung kính mời nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn cùng đi về lễ hội.
Vì sao lại phải mời nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn? Vì Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, người được đánh giá là nhà văn viết về nông thôn hàng đầu hiện nay của văn học Việt Nam đương đại, cũng có thành tựu rất lớn trong nghiên cứu văn hóa dân gian, chính ông là người đã góp phần lớn khôi phục lễ hội này. Và, điều rất có duyên là Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn chính là người con của quê hương Trò Trám, tức là xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

19 tháng 2, 2013

Khai bút đầu xuân

22 giờ đêm qua N22 lại xuất hiện và viết riêng cho LPT mình qua blog E. Cảm động quá. Có một người con gái phương xa coi mình như người tri kỷ đâu phải chuyện thường, em lại là con người của văn chương nữa chứ. Đúng là mình ở hiền gặp lành, nên cuộc đời gặp toàn bạn tốt. Lâu lắm rồi chẳng viết được bài thơ nào, bỗng sáng này cảm hứng về dào dạt, liền khai bút đầu xuân. Thơ ở đâu tràn về cứ đẩy ngòi bút lướt trên giấy, chỉ 5 phút mà đã đầy một bài lục bát. Cảm hứng này có lẽ đến từ N22 đấy. Anh xin tặng em bài thơ khai bút đầu xuân Quý Tỵ nhé.

18 tháng 2, 2013

Đi hội đầu năm, cố gắng lắm mới không... bực

Trưa ngày mồng 9 âm lịch, ngày đầu tiên đi làm, cơ quan chúng tôi có việc, nên phải rủ nhau đi Côn Sơn- Kiếp Bạc. Nói thêm, năm nay chúng tôi có một đề tài nghiên cứu về lễ hội... Rủ nhau đi Côn Sơn là vì cũng vừa đường, 80km, về đến nhà vừa chiều tối. (Nói thẳng nhé: Đi xe biển xanh đàng hoàng, xe của cơ quan truyền thông mà)
Hôm nay, ngày khai hội Yên Tử, nên khách thập phương đổ dồn về Yên Tử, đợi đến tối là truyền hình trực tiếp. Tối về, tôi thấy ông Nguyễn Thiện Nhân đọc diễn văn, ông lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đọc đáp từ... (Đoạn đầu nghe đã chối tỷ rồi, thư ký nào viết cho lãnh đạo: Trúc Lâm tam tổ được sáng lập ở Yên Tử...)
Đi lễ hội mùa Xuân, có điều hồ hởi, là được sống trong không gian văn hóa dân tộc, tưởng như mình đang đi vào con đường kết nối truyền thống ông cha, đáng tự hào và linh thiêng. Nhưng rồi, đến lễ hội, cái vui cứ hao hụt dần, cái buồn cứ dầy thêm.

Có thể bạn chưa biết lễ hội độc đáo này


Cứ mỗi độ Xuân về, nhằm ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, phường Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ lại nô nức với lễ hội Trò Trám, hay còn gọi là Linh tinh tình phộc. Đây là lễ hội mang tín ngưỡng phồn thực rất cổ xưa của người Việt. 

Đã có lúc lễ hội này bị lãng quên, do chiến tranh và cũng bởi tư duy hẹp hòi cho rằng, có nhiều phần dung tục. Mấy năm gần đây, lễ hội được phục dựng, gần như nguyên vẹn ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng cổ xưa…

Ngôi miếu cổ, nơi diễn ra lễ hội là miếu Trò, nằm ở rìa xóm Trám (phường Trám), thuộc xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, cách đền Hùng khoảng 5 km về phía Đông Nam. Theo các nhà khảo cổ, đây là địa danh nằm trong vùng di chỉ đồ đá cũ của người Việt cổ. Tứ Xã có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt cao. Đời vua Lê Hy Tông có cụ Nguyễn Quang Thành, đỗ Tiến sĩ năm 1680, khi mới 24 tuổi, làm quan tới chức Thiêm đô ngự sử; quan võ Chử Đức Cương, từng trấn ải biên thùy, được phong tước Quận công. Ngoài ra còn Nhất nguyên Nguyễn Tất An; Chánh tổng Nguyễn Công Hòa (còn gọi là "Tổng Cóc") người có thiên tình sử lãng mạn với bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương…

Mơ chùa Hương

Cứ đến mùa lễ hội chùa Hương tôi lại xốn xang nhớ về thủa ấy, cái ngày cách đây đã 33 năm, khi tôi còn là sinh viên năm cuối Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày ấy, đi chơi chùa Hương với sinh viên nghèo như tôi là một niềm mơ ước, vì điều kiện đi lại rất khó khăn. Một hôm, trong giờ học, cô bạn gái tôi si mê bỗng nhiên giúi vào tay tôi một gói nhỏ những trái mơ, tôi mới biết cô ấy đi chơi chùa Hương cùng với anh trai vào ngày Chủ Nhật. Thế là tôi viết bài thơ tặng cô ấy. Đây là một trong những bài thơ đầu tay của tôi. Bài thơ này đã được đăng trên báo Người Hà Nội năm 1986 (tôi không nhớ số nào). Giờ đọc lại bài thơ vẫn thấy đầy cảm xúc, sao ngày ấy nó không thể làm rung động trái tim em nhỉ? (NCT)

MƠ CHÙA HƯƠNG

Em đi chơi chùa hương Chủ nhật
Quà cho anh em chẳng có nhiều
Mấy quả mơ giúi tay anh vội vã
Mà thấy tình nghĩa nặng bao nhiêu!

Ai ăn mơ cũng kêu chua kêu chát
Chỉ riêng anh thấy thật ngọt ngào
Bởi lúc em trao anh bắt gặp
Đôi mắt em cười đẹp làm sao!

                                      ( NCT- 2/1980)

Thơ nhập thế và nhà văn, nhà thơ trí thức

Cách đây 80 năm, khi mà yêu cầu cấp bách về độc lập dân tộc đặt ra, đã có cuộc tranh luận "nghệ thuật vị nghệ thuật" và "nghệ thuật vị nhân sinh", với hai đại diện chính là Hoài Thanh và Hải Triều (thân phụ Nguyễn Khoa Điềm". Chuyện đó chắc ai trong chúng ta đều có biết qua bài học.
Sau này, những chủ soái "nghệ thuật vị nhân sinh" trở thành ca sĩ của chính quyền, thì lại sản sinh ra dòng thơ bay bướm, lạc quan tếu, câu chữ lễnh loãng, vần vèo... Mà điển hình là thơ Tố Hữu. Khởi đầu là một phong trào phê phán thơ Tố Hữu của nhóm Nhân văn, dẫn đến cuộc đấu tranh Nhân văn -Giai phẩm nổi tiếng.
Đến thời Đổi Mới, những "Thi tử" của dòng thơ Tố Hữu với phương pháp sáng tác "hiện thực xã hội chủ nghĩa" vẫn tiếp tục giọng ca véo von, mà chủ lưu là ca ngợi chế độ mới. Có lẽ vì vậy mà một dòng thơ mới ra đời, trong đó dẫn đầu là Nguyễn Quang Thiều, với câu cú trúc trắc, phá cách, y sì thơ dịch. Thi đàn phân chia thành phe phái, một bên (cũ) chửi tung toành bên kia là không biết làm thơ, một bên (mới) dè bỉu đám thơ xưa là cũ dỉn.

17 tháng 2, 2013

Đầu Xuân, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội làm thơ

Đầu năm nay, tôi rất lạ và thấy thú vị vì bắt gặp bài thơ của ông Phạm Chuyên, Nguyên Thiếu tướng Giám đốc Công an Hà Nội. Về ông Phạm Chuyên, tôi không quen nhưng có nói chuyện và uống bia, vì ông Chuyên chơi với ông Đào Quang Thép, cách đây dăm năm chiều nào cũng bia bọt ở quán Bầu Bạn (Cầu Giấy), mà ông Thép thì là bạn vong niên với tôi. Dĩ nhiên ông Phạm Chuyên không cần biết tôi là ai, chỉ chơi với đám văn sĩ đã nổi danh, hotboy của phương tiện truyền thông. Khi đó tôi cũng coi ông Chuyên như đám công an phạt xe đầu đường thôi. Nhưng gần đây, thấy ông đến thăm nhà Đoàn Văn Vươn, phát biểu những câu có vẻ đầy tiết tháo, thì cũng nể. Nay đầu Xuân, choảng bài thơ này nhân dịp 17/2, thì cũng kinh. Ngẫm ra, đang có một dòng chảy âm ỉ trong nhân dân quyết liệt phản đối chính quyền đấy. Những người như ông Phạm Chuyên (như Vũ Khoan, Nguyễn Mạnh Cầm, Vũ Mão, Nguyễn Văn An...) khi cởi áo quan, làm dân thì bắt đầu thấy muốn nói cái tiếng nói khác với quan (NXH)