7 tháng 4, 2013

LÊ DUẨN VÀ VÕ NGUYÊN GIÁP

Hôm nay kỷ niệm 106 năm ngày sinh ông Lê Duẩn, cố Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, nhiều báo và blog đã đăng bài về ông, trong đó có cả bài của Tiến sĩ Lê Kiên Thành nhắc lại những kỉ niệm về cha mình với nhan đề: "Cha tôi, Lê Duẩn và kỉ niệm với Trung Quốc". Tôi thì vẫn ấn tượng với câu nói hão nổi tiếng của ông năm 1976: "Trong vòng 10 năm tới mỗi gia đình Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh". Cùng thời gian này, cả nước đang sôi nổi kỉ niệm 38 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Hai nhân vật lịch sử nổi tiếng nhất gắn liền với sự kiện trọng đại này là ông Lê Duẩn và ông Võ Nguyên Giáp. Có nhiều tin đồn đã lan truyền về cách ứng xử không đẹp của ông Duẩn với ông Giáp sau năm 1975. Nhân dịp sinh nhật cố Tổng Bí thư, blog E xin giới thiệu một bài viết đã được phổ biến trên mạng về hai nhân vật nói trên. (NCT).

Có rất nhiều câu chuyện về mối quan hệ giữa Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn được lan truyền trong dân chúng. Trong những câu chuyện đó, thực cũng có mà hư cũng có. Sau năm 1975, người đời thường bàn tán, ca ngợi ông Giáp giỏi chữ “Nhẫn”, nếu không, khó tránh khỏi tai họa? Một vị tướng huyền thoại, một khai quốc công thần, tự nhiên lại bị “thất sủng” như vậy, làm người dân trong nước và nước ngoài đều kinh ngạc. Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử thế giới cũng như lịch sử dân tộc Việt Nam, thì cái sự thăng trầm ấy của ông Giáp là có thể hiểu được. Xưa nay, người quân tử bao giờ cũng thường thua tiểu nhân đó sao!

Từ rất sớm, ông Giáp đã có vị trí rất cao trong Đảng và Nhà nước. Năm 1940, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc gặp Hồ Chí Minh tại Thúy Hồ, Côn Minh. Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh có thể nói là cuộc gặp gỡ lịch sử. Hai người sau này trở thành hai nhân vật nổi bật nhất trên bầu trời chính trị Việt Nam.
Võ Nguyên Giáp là người hết sức thân cận Hồ Chí Minh, ngay từ những ngày còn hoạt động bí mật, cùng nằm trong một cái lán giữa rừng suy nghĩ về con đường giải phóng. Có thời gian, Hồ Chí Minh mệt nặng tưởng chừng không qua khỏi, Võ Nguyên Giáp luôn ở bên cạnh và đã đón thầy lang bốc thuốc khỏi bệnh. Chiến dịch Biên Giới, cả Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đều ra trận và đã giành đại thắng. Võ Nguyên Giáp có lần đánh đàn piano để Hồ Chí Minh nghe. Hồ Chí Minh gọi Võ Nguyên Giáp là người anh Cả của quân đội. Giáo sư Đặng Thai Mai nói với con gái, ông Cụ cưng và thương anh Văn.
Sau ngày lập nước, Võ Nguyên Giáp đã là Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch Quân sự ủy viên hội, Bí Thư Đảng đoàn Chính phủ, là nhân vật trên thực tế chèo lái Nhà nước Cộng hoà non trẻ khi Hồ Chí Minh đi Pháp 4 tháng. Ông là một nhà báo, từng làm Chủ tịch Hội báo chí Bắc Kỳ, một cử nhân kinh tế, một nhà luật học. Ông còn là một nhà ngoại giao sắc sảo, làm người Pháp phải nể phục tại Hội nghị Đà Lạt.

Lê Duẩn thì khác. Ông hoạt động chủ yếu ở miền Trung và miền Nam, lần thứ hai bị tù Côn Đảo sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, cách mạng tháng Tám thắng lợi mới được tàu ra đón về. Trong cuộc chiến với người Pháp, ông vẫn tiếp tục hoạt động ở miền Nam. Bấy giờ, ông được dân chúng miền Nam yêu mến, còn các nhà lãnh đạo thì gọi ông là “ông 200 ngọn nến” – chỉ độ sáng đặc biệt trong tư duy của ông. Mặc dù là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, song về mặt chính quyền, ông chỉ là Trưởng phòng dân quân. Trong khi đó, ông Giáp là Tổng tư lệnh, chỉ đạo chiến trường cả nước, kể cả chiến trường Lào và Miên. Nam Bộ lúc bấy giờ có một loạt tên tuổi vang bóng: Trung tướng Tư lệnh Nguyễn Bình, các trí thức nổi tiếng Kha Vạn Cân, Ung Văn Khiêm, Trần Bửu Kiếm, Phạm Ngọc Thuần, Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, Giáo sư Phạm Thiều…
Năm 1952, Lê Duẩn có ra Bắc và lần đầu tiên gặp Võ Nguyên Giáp. Thế mà, không hiểu căn cứ vào đâu, Lê Kiên Thành, con trai Lê Duẩn, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, trích một câu của ông Giáp nói: “Đời tôi đi làm cách mạng là nhờ anh Ba”???!!!

Chiến trường chính trong cuộc chiến với người Pháp là chiến trường Bắc Bộ. Mặc dù phải chiến đấu trong vòng vây, Võ Nguyên Giáp chỉ huy ba quân đối đầu và lần lượt hạ đo ván bảy tướng Pháp: Lơcle, Valuy, Bledô, Cácpăngchiê, Đờlát, Xalăng và Nava. Sau chiến thắng Điên Biên Phủ, hòa bình được lập lại trên nửa nước Việt Nam, tên tuổi Võ Nguyên Giáp vang dội trên toàn thế giới, chỉ sau Hồ Chí Minh. Khi ấy, ở miền Bắc, dân chúng chưa được biết nhiều về Lê Duẩn.

Lê Duẩn đã sớm tiên đoán không thể có bầu cử thống nhất hai miền và đã soạn thảo Đề cương cách mạng miền Nam. Cũng thời điểm ấy, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh giao phụ trách chỉ đạo soạn thảo Nghị quyết 15, với hai người giúp việc là Hoàng Tùng và Trần Quang Huy. Điều ngạc nhiên là tư tưởng của Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp về cách mạng miền Nam có nhiều điểm trùng hợp.

Năm 1957, Lê Duẩn được Hồ Chí Minh điều ra Bắc. Lúc bấy giờ, Trường Chinh phải từ chức sau sai lầm cuộc cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng kiêm Tổng bí thư với hai trợ lý là Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Duy Trinh. Lê Duẩn rất khéo léo trong các mối quan hệ, có nhiều ý kiến sắc sảo. Võ Nguyên Giáp đề nghị Bộ Chính trị cử Lê Duẩn làm Phó Tổng bí thư để dễ làm việc, song Lê Duẩn từ chối và nói “nên chờ đến Đại hội quyết định”. Khi được đề nghị làm Trưởng ban chuẩn bị Báo cáo chính trị (Đại hội III), Lê Duẩn cũng từ chối và nói: “Đã 10 năm không ở miền Bắc, chủ trì chuẩn bị Báo cáo chính trị e khó khăn, vì vậy đề nghị hai đồng chí Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp cùng tham gia Ban chuẩn bị Báo cáo chính trị”.

Đại hội III đã bầu Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất. Võ Nguyên Giáp đã ba lần đề nghị Lê Duẩn kiêm luôn Bí thư Quân ủy Trung ương nhưng Lê Duẩn nói: “Anh là Tổng chỉ huy lâu năm nên tiếp tục làm Bí thư Quân ủy Trung ương, như vậy có lợi cho lãnh đạo”. Có thể thấy, Võ Nguyên Giáp đối với Lê Duẩn rất thiện chí.
Sau ngày đất nước thống nhất, hành trình của hai ông có vẻ ngược nhau. Trong khi tiếng nói của Lê Duẩn trong mọi lĩnh vực có tính chất quyết định, thì Võ Nguyên Giáp dần dần không còn đảm đương Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư quân ủy Trung ương nữa. Đến năm 1982, Võ Nguyên Giáp không còn ở trong Bộ Chính trị và đến năm 1991 thì ông thôi đảm đương các chức vụ chính thức. Lê Duẩn mất năm 1986, trước Đại hội VI – Đại hội “Đổi mới”. Các nhà nghiên cứu thường tự hỏi, nếu Lê Duẩn còn sống, liệu có cuộc “đổi mới” hay không?
Ông Giáp có một gia đình hoà thuận, hạnh phúc, gần như không bị mang tiếng bất cứ điều gì. Trái lại, đời sống riêng gia đình ông Duẩn nhiều khi sóng gió, với hai bà vợ. Bà vợ hai Nguyễn Thuỵ Nga sau khi ra Bắc phải sang Thiên Tân học. Bà đã kể lại cho nhà báo Xuân Ba nghe rất nhiều sự kiện xung quanh cuộc sống của gia đình bà.

Khi mới ra Bắc, Lê Duẩn thường tâm sự với Võ Nguyên Giáp những khó khăn trong công việc. Và ông thường kể với ông Giáp, năm 1940, nhờ có chị Thái (vợ đầu ông Giáp) nên Lê Duẩn thoát khỏi án tử hình.
Võ Nguyên Giáp đánh giá:
Trong hơn 10 năm đầu xây dựng CNXH trên cả nước, đã phạm sai lầm nghiêm trọng: muốn nhanh chóng thực hiện kinh tế XHCN với hai thành phần quốc doanh và tập thể ở trình độ cao; vận dụng triệt để cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bài xích mọi quan hệ thị trường…vội vã nhập tỉnh, nhập huyện, nhập xã, nhập HTX…Những chủ trương không phù hợp quy luật đó đã làm cho nền kinh tế nước ta lầm vào khủng hoảng trầm trọng…”. “Những khuyết điểm, sai lầm nói trên là trách nhiệm chung của Bộ Chính trị và Trung ương, trong đó anh Ba là người chủ trì có trách nhiệm lớn”.
Anh Ba “có những phản ứng quá mức đối với những ý kiến khác mình. Điều đó đã hạn chế không khí dân chủ nội bộ, nhất là về những năm cuối đời”. 

Võ Nguyên Giáp viết rất nhiều tác phẩm quân sự xuất sắc. Còn Lê Duẩn thường không tự mình viết, mà nói ý cho trợ lý, thư ký ghi rồi ông xem lại. Võ Nguyên Giáp đạt được sự yêu mến gần như tuyệt đối của toàn quân, là người anh Cả đầu tiên và duy nhất của quân đội. Võ Nguyên Giáp là một nhà sử học hàng đầu, còn là một nhân chứng đặc biệt. Thế giới nghiên cứu nhiều về Võ Nguyên Giáp. Phương Tây đặc biệt ca ngợi Võ Nguyên Giáp – kể cả những người từng là đối thủ của ông. Đờ Cát nói ông rất tự hào khi được thua trận trực tiếp ông Giáp.

Hai con người. Hai tài năng. Hai tính cách. Hai số phận. Có giống nhau và có khác nhau. Tôi không dám và tất nhiên – không đủ tư cách để so sánh hai ông, chỉ phác lên vài nét về hai ông, qua các tài liệu lịch sử đã được công bố công khai.
Võ Nguyên Giáp có một bài viết về Lê Duẩn rất thiện chí với những đánh giá rất thoả đáng. “Dĩ công vi thượng – đặt lợi ích dân tộc lên trên hết” – đó là phương châm sống của Võ Nguyên Giáp, làm nên nhân cách Võ Nguyên Giáp, cho nên, ông luôn được người đời ca ngợi và tự hào

25 nhận xét:

  1. Bức ảnh kèm bài là hình ảnh TBT Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay các phi công thuộc “Phi đội Quyết Thắng” đã lái máy bay A37 thu được của Mỹ trước đó ít ngày và bỏ bom sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975. Phi đội gồm các phi công: Nguyễn Thành Trung (người của ta cài vào hàng ngũ "địch"), 4 người khác là Từ Để, Nguyễn Văn Lục, Hoàng Văn Vượng và Hán Văn Quảng - những phi công đang lái máy bay chiến đấu MIG vừa chuyển sang tập huấn sử dụng máy bay A37 được 5 ngày ở Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có Trung úy Trần On, nguyên là hoa tiêu huấn luyện A37 của không quân ngụy đã trình diện, nay xin tình nguyện tham gia chiến đấu. (NCT)

    Trả lờiXóa
  2. Theo từ điển Wikipedia, Ông Lê Duẩn có hai người vợ:

    1.Bà Lê Thị Sương (25 tháng 12 năm 1910 - 6 tháng 8 năm 2008) kết hôn năm 1929 ở quê. Có bốn người con:
    - Lê Hãn (sinh 1929), tên thường dùng là Lê Thạch Hãn, Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý các nhà trường Quân đội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nghỉ hưu;
    - Lê Thị Cừ;Chồng là Lê Bá Tôn (Cán bộ lãnh đạo của Bộ CN nặng).
    - Lê Tuyết Hồng có chồng là Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại;
    - Lê Thị Diệu Muội (1940-2008), Phó Giáo sư, Tiến sĩ sinh vật học. (trùng họ tên với bà Muội khác là bạn ông Duẩn chứ không phải con của ông ấy,như ai trước đây đã ghi nhầm. Bà này nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội khóa V, Thứ trưởng Bộ Nội thương);

    2.Bà Nguyễn Thụy Nga (tên thường gọi Nguyễn Thị Vân hoặc Bảy Vân)[20][21], kết hôn năm 1950 tại miền Tây Nam Bộ, do Lê Đức Thọ làm mối, Phạm Hùng làm chủ hôn. Sau 1975, bà Nga làm Phó ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy An Giang, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Hành chánh trị sự của Báo Sài Gòn Giải phóng. Hiện bà sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Có ba người con:
    - Lê Vũ Anh, kết hôn giáo sư toán học Viktor Maslov người Nga ở Moskva, mất năm 1981 do băng huyết khi sinh đứa con thứ ba (là con trai); cả 3 người con của bà sau này đều lớn lên và ăn học ở Nga, nhưng hiện tại đều làm việc tại Anh.
    - Lê Kiên Thành (sinh 1955), học kỹ sư hàng không tại Liên xô, sau đó là phó tiến sĩ vật lý. Khi về nước chuyển ngành sang kinh doanh, từng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kỹ thương Techcombank, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển đô thị; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến Thực phẩm Thái Minh; chủ một sân gôn và là Phó Chủ tịch thường trực Hội Gôn Việt nam. Ông còn là thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam TP Hồ Chí Minh.
    - Lê Kiên Trung (sinh 1958), Cục trưởng Cục Hải quan Tp.HCM (từ tháng 12 năm 2007). Hiện là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục An ninh II - Bộ Công an (2011).

    Võ Nguyên Giáp cũng có 2 người vợ
    1. Ông kết hôn lần đầu với chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái (Em gái nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) năm 1934 và có với nhau một người con gái là Võ Hồng Anh (1941-2009), một tiến sĩ khoa học ngành Toán-lý đã từng đoạt giải thưởng Kovalevskaia năm 1988.
    2. Sau khi bà Quang Thái hy sinh, năm 1946, ông tái hôn với giáo sư Đặng Bích Hà, con gái của giáo sư Đặng Thai Mai. Ông bà có 4 người con, 2 gái và 2 trai
    - Võ Hòa Bình (1951-), con gái.
    - Võ Hạnh Phúc (10 tháng 8 năm 1952-), con gái, vợ đầu tiên của Trương Gia Bình nay đã li hôn. Hiện là Ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn HIPT.
    - Võ Điện Biên (1954-), con trai. Hiện là Giám đốc Công ty CP Đông Sơn.
    - Võ Hồng Nam (1956-), con trai. Hiện là Giám đốc Công ty CP Máy tính Truyền thông Hồng Nam. (LPT)

    Trả lờiXóa
  3. Tôi không hiểu tại sao rất nhiều bạn đọc truy cập bài này và bài về đại tướng Nguyễn Chí Thanh? (mặc dù đây chỉ là những bài sưu tầm, đã có trên mạng từ lâu). Có phải đây là chủ đề quan tâm của các bạn? BBT muốn biết để có thể phục vụ bạn đọc tốt hơn. Mong nhận được lời giải thích của độc giả (BBT)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những thứ được cho là sự thật thi không thể giấu mãi muon biết về nó chỉ có thông tin từ lề trái !đại tướng là người Hiền lành quá nên bị chèn ép!

      Xóa
  4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực sự là một vĩ nhân, 1 con người đáng kính muôn đời của dân tộc. Thật vinh dự khi được xem các tư liệu về ông. Cảm ơn những bà mẹ đã sinh ra cho dân tộc Việt Nam những con người vô cùng vĩ đại và muôn vàng kính yêu như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dai tuong Vo Nguyen Giap la nguoi giup viec xuat sac cho chu tich Ho Chi Minh, sau la cho tong bi thu Le Duan, giup hai nguoi nay hoan thanh tot nhiem vu "cam lai" cua ho.

      Xóa
    2. Tôi là người thế hệ sau này, thế hệ chẳng cần để ý gì đến chuyện của thế hệ đi trước, tôi làm công việc là làm thị trường nên phải đi nhiều nơi, từ thành phố về nông thôn đến những nơi hẻo lánh, đâu đâu tôi cũng gặp nhân dân treo 2 ảnh bác hồ và đại tường võ nguyên giáp, mặc dù đại tướng vng là thế hệ xưa rồi chẳng còn liên hệ gì đặc biệt với thế hệ trẻ ngày nay, nhưng không hiểu sao trong tiềm thức của mọi tầng lớp nhân dân vẫn coi đại tướng là bậc thánh nhân vĩ đại cùng với bác hồ, và tôi cũng cảm thấy vậy,

      Xóa
  5. Nặc danh21:23 19/8/13

    Lây bài của người khác thì nên ghi tên tác giả. Như vậy mới tỏ ra là người có văn hóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin lỗi, bạn hình như không sống ở Việt Nam thì phải! Chúng tôi đăng lại bài viết này cũng không biết tác giả là ai, chỉ biết nó đã lưu truyền trên mạng Internet từ lâu lắm rồi. Nhiều trang mạng đã đóng bài này nên đọc giả đổ xô vào xem trên blogE thôi. Nếu bạn là tác giả xin bạn cho biết quý danh để chúng tôi bổ sung vào bài viết cho đúng với yêu cầu về "văn hóa" của bạn. (BBT)

      Xóa
    2. Nặc danh15:12 27/8/13

      Hình như bài này của của tác giả Lê Mai thì phải. Tra Google thấy trang blog Lê Mai có bài "Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn" nhưng không vào đọc được vì phải có mật khẩu. Cảm ơn blogE đã mở rộng cánh cửa để mọi người vào xem và trao đổi. Những ngày gần đây có nhiều bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng tôi thấy đây vẫn là bài viết chân thực và đúng đắn nhất, mặc dù đã có từ lâu.

      Xóa
    3. Nặc danh22:07 12/9/13

      Xin lỗi và xin cảm ơn BBT. Bài này đúng là của tác giả Lê Mai. Và tên bài là Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn. Ông LM là bạn tôi và blog ông ấy phải có mật khẩu mới vào đọc được. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn.

      Xóa
    4. Trên blog E còn đăng một bài viết nữa của nhà báo Lê Mai vào dịp kỉ niệm sinh nhật lần thứ 103 của Đại tướng (25/8/2013).Bài viết nhan đề "Võ Nguyễn Giáp - Một con người một thế kỉ"

      Xóa
  6. Câu Lê Kiên Thành nói, xuất phát từ 1 câu chuyện, 1 tình huống rất đặc biệt, 1 bí mật mà có lẽ lịch sử chưa - và sẽ không bao giờ công khai, bởi nó là 1 sự thật mà có lẽ ko ai muốn tin. Chỉ cần biết rằng, câu nói đó của Đại tướng là có thật, và gia đình Đại tướng ko bao giờ phản ứng về câu nói của LKT. Chuyện của người trong cuộc, người ngoài cuộc rất khó nhìn tường tận

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu điều quý ông HHH nói là sự thật - có lẽ đó là bí mật không phải ai cũng biết được. Và lịch sử, như chúng ta thường nói, là duy nhất nhưng trình bày lịch sử, giải thích lịch sử thì có thể làm đi làm lại nhiều lần. Xin cảm ơn ông HHH. Dù sao, tôi hy vọng sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề này.

      Xóa
    2. Nặc danh13:59 18/10/13

      Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
    3. Toi tin LKT. Nam 1936-1937 D/C Le Duan ve van dong khoi phuc lai dang bo trung ki, roi duoc cu lam bi thu trung ki, thi D/C Vo Nguyen Giap la nguoi trung ki co tri thuc, chac D/C Le Duan co tim gap van dong Vo Nguyen Giap vao dang? nam 1940 VNG duoc ket nap vao dang.

      Xóa
    4. Chuyện ông Giáp phải cảm ơn ông Duẩn thì xem ở Hồi ký của ông Trần Quỳnh, và "tạp ký" "Đèn cù" của Trần Đĩnh nói rõ hoàn cảnh.(nhưng lưu ý là trừ bớt cái nhìn méo mó của mấy ông ấy do bị "ngã ngựa".)..Ở đây có một bài học chung rút ra là "chủ nghĩa giáo điều' về "đấu tranh giai cấp", rất máy móc. Nguyễn Ái Quốc đem các "học trò tuấn tú" sang học Staline, rồi các "học trò tuấn tú" ấy đã phản lại người thầy của mình là "Nguyễn Ái Quốc". Đến nỗi Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện ra sai, mà không những không sửa được, mà xuýt mất mạng, vì các học trò Stalinism của mình. Họ vu cho cụ là liên kết với giai cấp địa chủ và tư sản, rồi "đào tận gốc, trốc tận rễ" cả những người yêu nước đã hướng về Đảng, và thực sự đi theo cách mạng, có nhiều công lao...Cái việc "xác định giai cấp cho vơ riêng, chồng riêng", cha riêng, con riêng" là một trò chơi "bẻ que chọc mắt", khiến cho nội bộ nghi ngờ nhau. (Ông Duẩn chắc chắn đã biết rằng mình là con trai ông Lê Hoan, nhưng không dám khai thật lý lịch của mình. Ông Lê Đức Thọ là cháu của Tuần phủ Phan Đình Hòe, nhưng khi vào Đảng, như mọi người, ông đã thề "đầu hàng giai cấp vô sản" rồi. Chỉ có ông Giáp là không thể che dấu bằng cấp và thành phần trí thức đã học trường Tây của mình.Đó chính là cái "gót Achille" của ông, cũng như nhiều trí thức khác...Lại thêm một cái tai bay vạ gió (hay là một cú đòn hiểm mà chánh mật thám Macti đã đánh vào Đảng Cộng sản, theo kiểu Tào Tháo xóa thư lừa Hàn Toại), bằng lá thư gửi cho Ông Đặng Thai Mai và Võ Nguyên Giáp, mà ông Trường chinh ngẫu nhiên liếc thấy, khi đến chơi nhà ông Đặng Thai Mai...(xem ở tạp ký của Trần Đĩnh)...Cái trò chơi "phân định thành phần giai cấp" ấy nó làm hại cho Cách mạng rất nhiều, nhất là thời Cải cách ruộng đất, và ảnh hưởng chủ nghĩa "Mao nhều" mãi về sau này (cũng xem ở sách trên). Bây giờ chúng ta kế thừa Hồ Chí Minh, và thừa nhận những công lao to lớn của các nhà lãnh đạo tiền bối là Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trương Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh vân vân, Nhưng ta phải tránh những sự "ấu trĩ, tả khuynh" của họ...

      Xóa
  7. Theo thống kê của máy tính. Bài viết "Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp" của tác giả Lê Mai đã được truy cập 4000 lượt, dẫn đầu danh sách bài viết nhiều người xem nhất của BlogE. Điều này chứng tỏ thông tin và bút pháp của Lê Mai đã thu hút khán giả đến với blog của chúng tôi. Xin cảm ơn Anh Lê Mai, mong nhận được sự cộng tác và hỗ trợ của Anh. Địa chỉ mail của chúng tôi là 8e9e10e@gmail.com. (BBT)

    Trả lờiXóa
  8. Nặc danh02:12 7/10/13

    Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh02:20 7/10/13

      Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
    2. Nặc danh12:32 7/11/14

      Ông Võ Nguyên Giáp là một ông Thánh thứ hai sau Bác Hồ !!! Chính con người, sự nghiệp và cống hiến vĩ đại của ông đã biến ông thành Thánh. Tình cảm của nhân dân dành cho ông khi sinh thời và khi ông đi vào cõi vĩnh hằng nói nên điều đó! Đừng có ngu ngốc mà ghen tuông với Người. Có giỏi hãy tu tâm tích đức mà học và làm như Người đi.






      Xóa
  9. Thật đáng tiếc khi có những Bất đồng, xung đột như vậy. Điều đó đã làm cản trở sự phát triển của đất nước và dân tộc.
    Rồi đây Lịch sử sẽ là người phán xét cuối cùng nhưng giờ đây chúng ta đã có thể thấy rõ sự phán xét của Nhân dân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái sai về thành phần chủ nghĩa còn kéo dài mãi đến kháng chiến chống Pháp, Cải cách ruộng đất, và cả đến sau khi đánh Mỹ. Cụ thân sinh ra ông Giáp bị Pháp bắt,giết tàn bạo bằng cách kéo lê sau xe Jeeep, ông lại chỉ huy thắng trận Điện Biên, mà đến Đại hội 4 vẫn bị ông Lê Đức Thọ lôi ra chất vấn về lá thư củ mật thám Mác ty gửi cho Ông Mai và ông Giáp, thì ta thấy hành động kỳ quái, vô lương tâm của người làm công tác Tổ chức Đảng. Chính đến lúc ấy, nhiều người mới thấy một phần ác y của ông Thọ.Sau Đại hội nghe nói bà Nguyễn Thị Định, ông thượng tướng Đinh Đức Thiện cũng nói ông Thọ là người "phá Đảng". Khi mà nhiều người đã biết, thì đương nhiên, ông Giáp vốn là một người độ lượng chẳng cần thanh minh, hay trả đũa làm gì. Thái độ ấy càng làm cho người dân thương mến ông (thể hiện ở đám tang của ông).Về cá tính, về đời tư, ngày nay các cán bộ bình thường cũng có cái nhìn thoán hơn trước, nên người ta cũng không đặt nặng vấn đề về chuyện gia đình, chuyện riêng tư của các ông lãnh đạo. Nhưng những cái sai lớn, gây tác hại trầm trọng đén sự nghiệp toàn Dân, thì lớp lãnh đạo ngày nay có trách nhiệm phải biết, và phải sửa. Ngày xưa cổ hân đã nói: trị nước mà tướng văn tướng võ bất hòa thì quốc gia lâm nguy...Muốn "nới sức cho dân", mà lại không cho dân làm giàu thì sao nước mạnh. Muốn trọng dụng nhân tài, mà cử đi học nước ngoài toàn các cháu học dôt, chỉ cần con nhà "bần cố" thì lấy đâu ra "nhân tài"...Đến lúc này thì cái bệnh "bình quân chủ nghĩa", ỷ lại thân quen, đã làm cho các cơ sở kinh tế quốc doanh trở thành tai họa, gánh nặng, chứ không còn là "đầu tầu", chỉ là chỗ để "nhét các con em của mấy ông" để mà nuôi chúng, gọi là "vườn trẻ không có bô" thì làm sao kinh tế vươn lên được...Nay lại thêm có "thù trong giặc ngoài" đe dọa, ngân sách quốc phòng được quyền không công khai, thì tham ô lãng phí là khó kiềm chế... Đây là kẽ hở, rấ dễ để kẻ thù lợi dụng, bôi nhọ, lật đổ, cần có biện pháp thiết thực, cụ thể lấy lại lòng tin của toàn dân, toàn Quân.

      Xóa
    2. Nặc danh17:39 9/7/15

      Bài này T/g viết có lý luận tương đối rõ ràng , có ý xây dựng và bảo vệ chính quyền CM. tôi không có ý kiến gì thêm ! có lẽ phải nghiên cứu kỹ hơn nữa .

      Xóa
  10. Nặc danh21:41 19/12/13

    Càng đọc những bài viết về ông, càng thấy mến yêu và kính trọng vô cùng. Đây là bài viết và đăng trước khi ông mất, chắc hẳn khách quan và đáng tin cậy. Tìm đọc những bài viết về ông, cảm xúc vẫn vẹn nguyên cùng những giọt nước mắt.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.