8 tháng 9, 2013

Bài thơ hay nhất Đường thi về chủ đề Thu mưa đêm

Hôm nay đang ngồi trong phòng ngắm mưa ngoài trời. Chợt có tiếng gõ cửa, em gái ở phòng bên bước vào nói với vẻ mặt rất nghiêm chỉnh. Anh nghe em đọc đây:

Anh khóc trong tim em
Như mưa trên phố dài
Nỗi tương tư nào vậy
Đang nhập vào lòng em.

Chưa cảm thấy hết bất ngờ, thì em nói luôn. Em đã vào BlogE và đã đọc rất kỹ bài Xa chồng hay Anh khóc trong tim em. Qua đó em biết thêm về thơ Pháp với nhà thơ tình lớn nhất Paul Verlaine.

Tôi hứa với em rằng sau bài thơ đó, sẽ giới thiệu bài thơ hay nhất Đường thi về chủ đề Thu mưa đêm. Dưới đây là bài thơ đó.

 Dạ vũ ký bắc

Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ
Ba Sơn dạ vũ trướng thu trì
Hà đương cộng tiễn tây song chúc
Khước thuyết Ba Sơn dạ vũ thì.
                           (Lý Thương Ẩn)
Dịch nghĩa:

Trong lúc mưa đêm viết thư gửi về phương bắc

Bạn (em, anh) hỏi khi nào thì trở về, trả lời rằng chưa có ngày về.
Ở nơi Ba Sơn này những trận mưa đêm làm ngập tràn ao hồ trong tiết trời thu.
Bao giờ chúng ta có thể cùng nhau cắt ngọn nến ở cửa sổ phía tây.
Để nói chuyện về lúc mưa đêm ở Ba Sơn này.

Chú thích:
- Ba Sơn: địa danh cổ thuộc vùng Tứ Xuyên
- Tiễn chúc: cắt nến. Khi ngọn nến cháy lâu, ánh sáng yếu đi do bị tro bấc dài cản trở, người ta dùng kéo cắt tàn tro để nến cháy sáng hơn. Văn học cổ dùng hình ảnh này để chỉ cảnh lãng mạn của đôi lứa tâm sự suốt đêm trong ánh nến.

Dịch thơ:

                                    Đêm mưa viết thư gửi nàng
                                   
                                    Nàng hỏi ngày về? Chửa có ngày
                                    Ao thu mưa tối nước dâng đầy
                                    Cửa tây mong dịp cùng thắp nến
                                    Kể chuyện nơi đây lúc nước đầy.

                                                                   (TĐP dịch)


Mong rằng sẽ lại được em gái đó sang phòng đọc bài thơ dịch này.
(Trần Đông Phong)

33 nhận xét:

  1. Nặc danh20:39 8/9/13

    Đính chính: thắp = khêu
    TĐP

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh20:56 8/9/13

      Bản dịch của TĐP đã có phần thoát ra ngoài nguyên tác: 1/ đầu đề là gửi nàng thay vì gửi về bắc. 2/Không dùng địa danh Ba Sơn. Tuy nhiên vẫn giữ được ý gốc, mà làm cho mỗi người xa nhà có thể cảm nhận riêng, không nhất thiết phải ở Ba Sơn mới nhớ được người yêu.

      Xóa
    2. Nặc danh21:20 8/9/13

      Nói là "Anh khóc trong tim em" thực ra là "Con tim em đang khóc vì nhớ anh"

      Xóa
  2. Góp thêm một bản dịch trên tầm một chút nhé.

    Anh hỏi ngày về, hẹn khó sao!
    Ba Sơn mưa lớn nước tràn ao
    Song tây mong được đèn chung bóng
    Chuyện núi trong mưa hẹn buổi nào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh21:00 8/9/13

      Chủ đề bài này là tình cảm xa nhà trong mưa đêm mùa thu. Tuy nhiên bản dịch này thiếu mùa thu.

      Xóa
    2. Nặc danh21:09 8/9/13

      Bàn dịch này dùng "đèn" thay cho nến về ý cũng không sao. Tuy nhiên có tinh tế ở chữ 'tiễn chúc" cắt, sửa nến khi nến cháy rất lâu, ánh sánh kém đi, thì lại khêu nến lên. Ý chỉ đôi tình nhân tâm sự rất lâu. Dùng "đèn chung bóng" không toát ý này, hơi đơn giản.

      Xóa
  3. Nặc danh20:49 8/9/13

    Bài này dịch sát nguyên tác nhưng có 1 lưu ý là "cộng tiễn chúc" cùng nhau cắt nến là chỉ đôi tình nhân. Người đi xa thường là vai nam, do vậy câu 1 dịch Anh hỏi" thành ra nam hỏi nam, liệu có khả năng PV và RB từ thời Đường chăng? Chưa thể khẳng định là trên tầm.

    Trả lờiXóa
  4. Đây là một bài đăng trên trangtho-vun.blogspot.com vào ngày 21/10/2012 của một bạn kí tên là DTK:

    Hồi xưa, mới đọc bài này, thấy nhạt nhẽo, chẳng có sự tình gì xảy ra. Song một hôm, trong một tâm tư nào đó, một khung cảnh tịch mịch -- trời mưa, lá vàng, bạn cũ, người em gái bên kia ấy, v.v., mấy câu thơ rời rạc bỗng trở nên thắm thiết lạ thường.

    夜 雨 寄 北

    君問歸期未有期,
    巴山夜雨漲秋池。
    何當共剪西窗燭,
    卻話巴山夜雨時。
    Lý Thương Ẩn 李商隱 (813-858)

    Dạ vũ ký bắc

    Quân vấn quy kì vị hữu kì ,
    Ba Sơn dạ vũ trướng thu trì 。
    Hà đương cộng tiễn tây song chúc ,
    Khước thoại Ba Sơn dạ vũ thì 。

    Đêm mưa, gởi về bắc

    Bạn hỏi ngày về chửa biết ngày
    Mưa đêm ao núi nước thu đầy
    Bao giờ bên cửa cùng khêu nến
    Chuyện vãn đêm thu mưa núi bay

    ĐTK dịch
    (LPT)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh21:02 8/9/13

      Trên mạng chắc có vài chục bản dịch bài này.

      Xóa
    2. Nặc danh21:16 8/9/13

      Bản dịch này câu đầu dùng "Bạn hỏi" chỉ tình cảm bạn bè, không phải tình đôi lứa, mà lại dùng "khêu nến" ở câu 3 chỉ đôi lứa, do vậy hơi ép.

      Xóa
    3. Nặc danh21:28 8/9/13

      Bài Dạ vũ ký bắc của Lý Thương Ẩn từ khi ra đời đến nay đã làm xao xuyến không biết bao nhiêu triệu con tim. Chỉ 4 câu nhẹ nhàng trong cảnh đêm mưa thu. Tương truyền Lý Thương Ẩn có người yêu phải vào cung làm cung phi nên Lý Thương Ẩn rất nhớ nhung làm nhiều thơ về nàng nhưng không dám nói rõ là ai. Nếu nói rõ thời ấy là phạm thượng khi quân có thể bị rơi đầu.

      Xóa
  5. Cuộc đối thoại của Lý Thương Ẩn trong thi phẩm “dạ vũ ký bắc” tuy đơn phương nhưng đối tượng của sự đơn phương ấy lại hiện lên hết sức thầm kín và thanh tịnh. Cái hay của thơ Đường là ở điểm đó, giản đơn nhưng cao cả, hàm chứa cả một tâm hồn lữ khách "chí thiện" bao la. Hòa quyện trong cái nhẹ nhàng của Đường thi, Lý Thương Ẩn đóng vai trò là nhân vật “ôn cố tri tân”. Ông cố gắng vớt vát lại nét đẹp thuần tịnh thơ Đường của những bậc đàn anh như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên…mặc dù trong thời đại “vãn Đường” ấy, áp lực xã hội cũng như sự suy thoái của thơ văn tưởng chừng như không thể cứu vãn.
    Một đất nước mênh mông rộng lớn như Trung Quốc, khoảng cách giữa các vùng miền là rất lớn, thời nay đi lại còn khó huống gì thời xưa! Nỗi niềm của một lữ khách xa quê hương chẳng biết khi nào quay trở lại. Kỷ niệm đẹp đẽ của hai người nào đó ở phương bắc trong một đêm mưa lớn, nước hồ thu lạnh lẽo tràn trề, trong khung cảnh trầm buồn của Núi Ba, họ nói gì chúng ta chẳng biết? Tình yêu? Tình bạn? Nhà thơ đang viết về mình hay viết cho một ai đó? Đối tượng hỏi là Nam hay Nữ, đối tượng trả lời là Nữ hay Nam? Có lẽ chúng ta phải quay về quá khứ hỏi chính nhà thơ thì mới rõ. “Em hỏi ngày về, anh nói chưa!”, cũng có thể dịch “Anh hỏi ngày về, em nói chưa!” Đối tượng ra đi và đối tượng chờ đợi sẽ không còn quan trọng nữa, nhà thơ muốn nhấn mạnh một đêm mưa và giờ đây đêm mưa ấy không còn nữa! Tâm trạng của một người nhớ về kỷ niệm trong đêm mưa khiến cho ai cũng phải xao lòng.
    Tiếng mưa đối với thi nhân thực sự là vô cùng vĩ đại, cái tính “ướt” của giọt mưa chính là chất xúc tác cho những tâm hồn nhạy cảm, làm ẩm ướt những tâm hồn khô khan, làm mênh mang những tâm hồn vô định.
    Lý Thương Ẩn mơ cùng ai hội ngộ bên song cửa trời tây, đốt đèn ngồi ôn lại một đêm mưa ở Ba Sơn phương Bắc (Hà đương cộng tiễn tây song chúc, khước thoại Ba sơn dạ vũ thì). Khi nào cũng thế, kỷ niệm bao giờ cũng là sự nuối tiếc, mất đi lặng lẽ như cái bóng của thời gian, ta nào biết, ta nào có hay. Rồi cũng thế, cúi đầu xin trả lại, quá khứ và hiện thực đâu còn xa vắng, về nơi đây trong những giọt mưa đêm. Những nỗi niềm cũng trả lại thời gian.
    Chia tay quá khứ ta chẳng còn luyến tiếc, đời ướt đẫm mà ta chẳng cảm thấy mưa trong lòng. Gió ngàn khơi thổi về cho cuộc đời nghìn thu khép lại. Giật mình nhận ra, cõi vô thường tĩnh lặng giữa chốn trần ai! (Thichdoctho)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh23:03 8/9/13

      Hay quá! Đây mới đúng là lời bình hay nhất của thichdoctho!
      Vãn bối rất tâm đắc cách bình thơ chủ yếu xuất phát từ nguyên tác của Thich tiên sinh. Nếu không, sẽ rơi vào tình trạng ca ngợi văn bản của dịch giả chứ không phải tác giả.
      (Mưa Ngâu)

      Xóa
    2. Nặc danh15:46 12/9/13

      Là lời bình hay nhất của thicdoctho? Tiểu Muội Muội cũng thấy hay nhưng đọc câu " đời ướt đẫm mà ta chẳng cảm thấy mưa trong lòng". Tiểu Muội Muội thấy lạnh cả người, vì sao Thích tiên sinh lại lạnh lùng đến thế? ít nhất cũng thấy hơi ươn ướt chứ.

      Xóa
    3. Thế nên khi đọc bài thơ này bác Thích mới "giật mình nhận ra..."

      Xóa
  6. Nặc danh23:28 8/9/13

    Cho nên nhiều tuyển tập thơ Đường chỉ dịch nghĩa mà không dịch thành thơ. các bản dịch nói chung đều không chuyển được hết nguyên tác. Rất ít bản dịch thơ Đường thành công, trừ bản dịch bài Tỳ Bà Hành của Phan Huy Vịnh.

    Trả lờiXóa
  7. Nặc danh23:30 8/9/13

    Thơ Đường xướng nhất là thưởng thức từ nguyên tác âm Hán Việt

    Trả lờiXóa
  8. Nặc danh23:37 8/9/13

    Dịch nghĩa là ổn rồi. Dịch thơ đến đâu thì đến tùy cảm nhận của dịch giả. Tôi thấy bản dịch nghĩa Dạ vũ ký bắc ở mục này được đấy chứ, lại có cả chú thích. Còn người đọc muốn cảm nhận thế nào thì tùy. Nghĩ nó rộng thì bao la, nghĩ cụ thể thì riêng tư. Nghĩ đến con người thì đôi lứa, nghĩ đến thiên nhiên thì không gian thời gian và ...

    Trả lờiXóa
  9. Nặc danh23:40 8/9/13

    Nói là thưởng thức từ nguyên tác thì hay, nhưng mấy ai hiểu nguyên tác chữ Hán của Đường thi, tiếng Pháp của Paul Verlaine, tiếng Nga của Puskin

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hiểu nguyên tác thơ tiếng Pháp tiếng Nga thì tương đối khó vì phải biết tiếng mới cảm được. Thơ Đường chữ Hán có thuận lợi là âm điệu gần gũi với tiếng Việt. Đọc phần phiên âm đã thấy được nhạc điệu du dương của bài thơ, luật bằng trắc chặt chẽ, vần điệu rõ ràng. Còn để hiểu ý thì xem phần dịch nghĩa chứ đừng xem phần dịch thơ. Tôi nhất trí quan điểm của NXH và một số bạn cho rằng dịch thơ đường ra thơ lục bát là vô cùng phản cảm, làm mất hết cái chất thi vị của thơ Đường. Nhiều vị không có ý tưởng gì cao xa cứ đòi dịch thơ của các nhà tư tưởng lớn, làm cho thơ dịch đã giảm chất lượng rồi, còn bị "trẻ con hóa" nữa. Cứ như bác Thích thưởng thức nguyên tác thơ Đường qua bản phiên âm từ chữ Hán rồi xem dịch nghĩa thế mà bình thơ vẫn hay, thể hiện được cái hồn của bài thơ. Chứ nếu bình từ mấy bài dịch thì thành thơ dở ẹc (NCT)

      Xóa
  10. Nặc danh12:28 9/9/13

    Sáng nay em gái phòng bên đã sang phòng tôi đọc lại bài Anh khóc trong tim em, nhưng em lại chưa vào BlogE đọc bài Thu mưa đêm. Thế là lại phải đợi đến ngày mai.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh15:26 12/9/13

      Không biết em gái phòng bên là ai nhỉ? một bông hoa rừng mộc mạc trắng trong? thật vui vì đã có một ai đó ngóng chờ và mong đợi. Dịch giả cũng có tâm trạng gần giống như "đối tượng" trong bài thơ thì phải, cũng chờ, cũng mong em gái phòng bên sang cùng bình thơ trong ngày mưa thu dịu nhẹ hà thành.

      Xóa
  11. Nặc danh18:10 9/9/13

    Về dịch thơ Đường... Hiện tại, do lịch sử để lại, nước ta có một di sản rất nhạy cảm là âm Hán Việt với mặt chữ Hán, và chính chữ Nôm cũng là di sản. Âm Hán Việt là cách phát âm "Việt hóa" các âm Hán đọc mặt chữ Hán, sau dần qua nhiều thế hệ, thì thành âm Hán Việt. Nguồn gốc Hán Việt còn là một đề tài khó, vì thời gian quá khứ mờ mịt, tuy nhiên, có thể khẳng định âm Hán Việt chịu ảnh hưởng lớn của tiếng Quảng Đông, chính là tiếng cộng đồng người Việt phương Nam trong gia đình Bách Việt. Cho đến nay, người Bắc Kinh vẫn gọi tiếng Quảng Đông là "Việt ngữ". Và, vì sao tôi lại lan man từ chuyện dịch thơ Đường sang tiếng Quảng và âm Hán Việt? Là vì chữ Hán thì không thay đổi, nhưng tiếng Hán thì biến đổi rất mạnh, ảnh hưởng của âm Hán phía Bắc Trung Hoa, cho nên, người Trung Quốc đọc thơ Đường bằng âm Bắc Kinh hiện nay, thì không ra làm sao cả, luật bằng trắc đã biến đổi rồi, mà người Quảng Đông vẫn tự hào là đọc thơ Đường bằng âm Quảng Đông mới giữ lại vần điệu xa xưa. Tôi đã nói chuyện với một số nhà văn Trung Quốc, cả nhà làm phim, họ nói nghe người Việt Nam ngâm thơ Đường bằng âm Hán Việt thì thích lắm, không hiểu nghĩa, nhưng thấy rõ cái hơi thơ xưa, nhiều từ “na ná” từ Hán, nhưng đặc biệt là vần điệu thì vẫn y nguyên thơ cũ. Cho nên, cái âm Hán Việt nó giữ lại luật bằng trắc, âm hưởng câu thơ cổ của Đường thi. Nhiều bạn tưởng âm Hán Việt là phiên âm chữ Hán bây giờ, hoàn toàn sai lầm. Rất ít thanh niên (không học chữ Hán) hiểu được giá trị của âm Hán Việt, và nhầm đó là ngoại lai.
    Nói thế để bàn đến vấn đề dịch. Từ xưa, nhiều người dịch thơ Đường hay dịch ra thơ ra lục bát. Tản Đà dịch thơ Đường ra lục bát rất hay. Nhưng tôi vẫn kiên trì một quan niệm, dịch thơ Đường phải là chuyển ý, chuyển tứ, chuyền cả vần điệu. Muốn thế thì không thể thơ 7 chữ dịch ra lục bát, thơ 5 chữ cũng chơi sang lục bát… Đó là sáng tác lại rồi. Bài dịch hay là bài dịch mà chữ nghĩa tương đồng, ý tứ tương thích, vần điệu tương liên. Đối chiếu các tiêu chí của tôi, tôi thấy bản dịch của Trần Đông Phong là khá, vì chuyển được chữ, ý tứ và vần điệu. Khi mà đọc lên “Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ” mà câu dịch là “Anh hỏi ngày về, hẹn khó sao”, vẫn là vần bằng, nhưng thanh huyền bị làm thành thanh không, câu thơ nhẹ bẫng, cái vần điệu bị lạc đi. Bản dịch của TDP còn giữ được điệp từ “kỳ” chuyển thành “ngày” cũng làm điệp từ trong câu dịch. Do việc phải tôn trọng vần điệu, mà câu “Hà đương cộng tiễn tây song chúc” dịch là “Cửa Tây mong dịp cùng khêu nến” sẽ ổn hơn là “… thắp nến”
    Ôi, ngày nay rất nhiều bác dịch thơ Đường, còn bị quan niệm nhìn thấy tên tuổi lớn thì mờ mắt. Nhưng tôi đọc các bài dich của các bậc túc nho ngày xưa, dù cho họ uyên thâm Nho học, nhưng bản dịch thì trúc trắc và gò gẫm đến buồn cười. Hiện tại, cũng còn có nhiều quan niệm học phiệt, ví dụ vừa rồi ông bạn Nhà thơ Đỗ Trung Lai dịch lại thơ Đường, thì lập tức có ý kiến, rằng bao nhiêu người uyên thâm Hán học còn ngồi đó, “lão này” biết nửa chữ mà đòi dịch ư? Liền có hội xúm vào đánh ông Lai tới tấp…
    Nhân chuyện dịch thơ Đường của Trần Đông Phong, tôi lan man mấy chuyện thế góp vui hóng chuyện của các bạn độc giả blog E
    (NXH)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh09:29 10/9/13

      Bác có biết Tản Đà dịch lục bát thơ Đường không?
      Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế

      Trăng tà chiếc qua kêu sương
      Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
      Thuyền ai đậu bến Cô Tô
      Nửa đêm vẳng tiếng chuông chùa Hàn San.
      Tản Đà dịch

      Xóa
    2. Nặc danh09:34 10/9/13

      Tản Đà còn dịch bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu

      Người xưa cưỡi hạc đi đâu
      Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
      Hạc vàng đi mất từ xưa
      Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
      Hán dương sông tạnh cây bầy
      Bãi thơm Anh Vũ xanh đầy cỏ non
      Quê hương khuất bóng hoàng hôn
      Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
      Tẩn Đà dịch

      Xóa
  12. Nặc danh20:38 9/9/13

    Bác nói rất hay. Tôi dịch bài Dạ vũ ký bắc cố tình chuyển chữ phương bắc thành nàng, bỏ chữ Ba sơn đi dịc là "ở đây" là để gửi gắm cô phòng bên. Nếu lắp lại là sát ý, chuẩn men:

    Đêm mưa viết thư gửi về phương bắc

    Bạn hỏi ngày về? Chửa có ngày.
    Ba Sơn mưa núi nước ao đầy.
    Cửa tây mong dịp cùng khêu nến.
    Kể chuyện Ba Sơn thu nước đầy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh21:21 9/9/13

      Đính chính: núi = tối. Có mấy chữ mà cũng sai. Chán thế. Thôi về đi. Tóc bạc hết rồi.

      Xóa
    2. Nặc danh21:25 9/9/13

      Bài này dịch sát đấy. Nguyên tác dùng chữ Ba Sơn 2 lần có ý nhấn mạnh điểm đặc biệt của mưa ở Ba Sơn. Ít bản dịch chú ý điều này.

      Xóa
  13. Nặc danh20:47 9/9/13

    Còn có Phan Huy Vịnh dịch bài Thu hứng kỳ nhất trong Thu hứng bát kỳ của Đỗ Phủ rất chuẩn về thể loại, vấn điệu:

    Thu hứng
    Kỳ nhất
    Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
    Vu sơn Vu hiệp khí tiêu sâm
    Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng
    Tái thượng phong vân tiếp địa âm
    Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
    Cô chu nhất hệ cố viên tâm
    Hàn y xứ xứ thôi đao xích
    Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.
    Đỗ Phủ

    Thu hứng
    Bài 1
    Lác đác rừng phong hạt móc sa
    Ngàn lau hiu hắt khí thu mờ
    Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm
    Mặt đất mây đùn cửa ải xa
    Khóm cúc tuôn rơi dòng lệ cũ
    Con thuyền buộc chặt mối tình nhà
    Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước
    Thành quạnh chày vang bóng ác tà.
    Phan Huy Vịnh dịch

    Tôi có thằng cháu vợ gọi bằng bà đặt tên là Thiên Dũng lấy từ bài này.

    Trả lờiXóa
  14. Nặc danh19:18 10/9/13

    Hôm nay nhân lúc phải nhường phòng làm việc cho sửa chữa,liền sang phòng NCT chơi, được tặng thơ. Trong lúc nói chuyện, NCT hỏi về Mạnh Hạo Nhiên. Sau giờ làm việc nán lại dịch nghĩa một bài thơ của Mạnh Hạo Nhiên post lên cùng xem. MHN là nhà thơ Đường nổi tiếng, có nhiều bài đã được dịch lưu truyền ở VN. Vào Google gõ Mạnh Hạo Nhiên là có ngay. Tuy nhiên Bài thơ này chưa từng xuất hiện trên văn đàn Việt Nam. Xem nhé:

    Đại đê hành 

    Đại đê hành lạc xứ,
    Xa mã tương trì đột。
    Tuế tuế xuân thảo sinh,
    Đạp Thanh nhị tam nguyệt。 
    Vương tôn hiệp châu đạn,
    Du nữ căng la mạt。
    Huề thủ kim mộ đồng,
    Giang hoa vị thùy phát。
    Mạnh Hạo Nhiên     
     
    Dịch nghĩa:

    Khúc ca trên con đê lớn

    Đi trên con đê lớn, đây là nơi vui vẻ.
    Ngựa xe cùng nhau đua tranh.
    Hàng năm vào mùa xuân cỏ mọc lên.
    Tháng hai, tháng ba có hội Đạp Thanh.
    Chàng trai con nhà vương giả cầm cung mầu đỏ.
    Thiếu nữ đi chơi xuân kiêu sa với tất lụa mỏng dệt bằng tơ.
    Chiều nay họ cầm tay nhau cùng đi chơi.
    Hoa trên sông vì ai mà nở.
    Tác giả: Mạnh Hạo Nhiên

    Chú thích:
    - Đạp Thanh: Giẫm lên cỏ xanh, Lễ hội đầu xuân, thanh niên nam nữ đi chơi lúc cỏ mới mọc xanh tươi. Truyện Kiều có câu:
    Thanh Minh đương tiết tháng ba
    Lễ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh.
    Nơi đây Kim Kiều gặp nhau.
    (TĐP dịch nghĩa)

    Trả lờiXóa
  15. Nặc danh23:57 23/10/13

    Seoul đau đầu vì hàng cây tuyệt đẹp mùa thu
    http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuoc-song-do-day/seoul-dau-dau-vi-hang-cay-tuyet-dep-mua-thu-2899165.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh11:18 24/10/13

      Bác cứ hay chỉ cho cháu vào cây rừng nhiều quả thối và chó sói.
      (Cháu HT).

      Xóa
    2. Nặc danh12:52 24/10/13

      Chó sói bị tuyệt chủng rồi, từ 1850 ở Landes

      Xóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.