17 tháng 11, 2012

Những chuyện thật như bịa của tôi thời cấp 3

­­­­ Tôi định viết mấy lời nhận xét vào dưới bài viết của nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, nhưng nội dung muốn nói dài quá nên phải làm thành một bài phụ thêm tiếng nói với NXH để ôn lại kỷ niệm đáng nhớ về  những thầy cô giáo của chúng ta ngày xưa. Tôi chỉ kể lại những chuyện khó tin mà thật, thật 100% không bịa một chút nào.

Tôi nhớ rất rõ ngày tập trung lớp chuyên toán vào tháng 10 năm 1972. Khi tôi đến, khu vực chùa Bảo Châu khá đông người. Thầy Toán, cô Tâm và một số thầy cô giáo đã có mặt ở đó. Thầy Toán đọc danh sách lớp, nhiều bạn vẫn chưa thấy đến. Nhóm Ân Thi gồm Vững, Minh Tiến và Thành được cô Tâm dẫn đến nhà trọ trước tiên và cũng là nhà xa nhất. Bên lối đi rất nhỏ trơn lầy vào nhà trọ có mấy ngôi mộ to tướng nằm chềnh ềnh làm tôi cảm thấy lo sợ. Cô  Tâm trao đổi với chủ nhà, động viên chúng tôi ở lại rồi đưa tiếp các nhóm khác đến từng nhà dân. Chủ nhà đầu tiên của tôi là ông Cầu, lúc đó đã hơn 60 tuổi, rất quắc thước, ở chung với anh con trai nói ngọng đã có vợ. Vợ chồng anh ở riêng trong buồng nhưng không có cửa, chúng tôi ở nhà ngoài, mỗi khi đi tiểu vào cái nồi hông ở đầu nhà phải đi qua buồng anh chị, nhất là buổi tối cứ nghe anh chị rủ rỉ tâm sự ngọng líu ngọng lo mà buồn cười.

16 tháng 11, 2012

Một vài kỷ niệm về thày cô giáo cũ Cấp 3 Hưng Yên

1. Hồi tập trung vào lớp ở Bảo Châu, tôi và bố tôi đạp xe đạp đi từ Kinh Môn. Bố tôi đi xe Phượng Hoàng cũ, còn tôi đạp cái xe thiếu nhi Liên Xô. Lần đầu tiên đi xa. Đến Hải Dương, đợi ở Chợ Mát khoảng 1 giờ chiều mới có ô tô. Khi đến Bảo Châu đã muộn rồi. Một thày giáo chỉ cho bảo hỏi cô Tâm dang dẫn học sinh đi các nhà trong xóm. Tôi cứ nghĩ cô Tâm chắc là chủ nhiệm. Sau mới biết còn có thày Toán mới là chủ nhiệm dạy Toán. Tôi nhớ ấn tượng đầu tiên khi đến Bảo Châu là bố tôi rất ái ngại. Đường trơn, nhão nhoẹt. Có chỗ hai bố con phải vác xe. Rồi cô Tâm xem danh sách, xếp tôi và Khải, Phụng, Tấn ở với nhau. Tôi nhớ hình như bố tôi đợi, hôm sau nói chuyện với bố của Phụng, bố của Khải, rồi các ông mới về. Sau này mới biết, nhìn chung các ông bố đều rất không yên tâm. Con cái mới lớn, 13-14 tuổi, đi trọ học ở một nơi có vẻ rất khác với đồng đất quê mình. Tuy nhiên, cô Tâm cũng có động viên an ủi thế nào đó. Tôi không còn nhớ bố tôi có gặp thày Toán không, chắc có. Kỷ niệm về thày Toán thì rất nhiều, chúng ta sẽ nói về một dịp khác.

Chuyện lạ tuần này: Vẽ tranh nghiêm túc

Tuần này kể chuyện vẽ tranh nghiêm túc. Hài hài. Kiểu như đố tục giảng thanh trong vẽ tranh.
Xem TẠI ĐÂY
hoặc


15 tháng 11, 2012

CẢM ƠN THẦY, CẢM ƠN CÔ

Mỗi khi lật những tờ lịch gần đến ngày 20 tháng 11, có người nào đã trải qua thời cắp sách đến trường không bồi hồi  xao xuyến nhớ về thầy cô giáo cũ của mình?

Đối với cựu học sinh lớp chuyên toán cấp 3 tỉnh Hải Hưng khóa 1972-1975, bên cạnh các thầy cô giáo khác, Thầy Đặng Đình Toán và Cô Hoàng Thị Tâm đã để lại ấn tượng hết sức sâu sắc. Trong buổi ban mai của cuộc đời chúng em, Thầy và Cô không chỉ là người mang đến tri thức mà còn là người ươm mầm nhân cách, để hôm nay chúng em hiểu thế nào là sự cao quý của tình bạn trong sáng, tình đồng loại, sự bao dung và lòng nhân ái; để chúng em biết sống tình nghĩa, biết chia sẻ yêu thương với mọi người.

Một bài báo cách đây 9 năm tôi viết về thày giáo cũ dạy toán cao cấp ở ĐHBK

Cách đây đúng 9 năm, tôi là nhà báo, đã viết một bài báo về thày giáo cũ dạy Toán ở khoa Hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong đời làm báo, viết không dưới 1000 bài lớn nhỏ, nhưng đó là một trong những bài tôi thấy thích thú. Ông thày đó cũng bảo tôi: Có hàng chục bài báo viết về thày, nhưng bài báo tôi viết thì thày và cả họ hàng đều thích nhất.
Giáo sư Đinh Xuân Bá dạy Toán cho khoa Hóa ĐHBK chúng tôi, hết chương trình cao cấp, đến quy hoạch tuyến tính, phi tuyến (2 năm đầu đại học), sau đó khóa tôi chọn 20 trong số 110 sinh viên, để đào tạo riêng kỹ sư nghiên cứu, chúng tôi lại học 2 năm toàn toán là toán, rất nặng, từ topo, đến tổ hợp.... Mọi người nói vui, khôi hài là "chuyên toán" của khoa Hóa. Sau này chuyện thí điểm đó được thêm 1 khóa nữa là dừng. Học toán quá nặng. Giáo sư Đinh Xuân Bá sau đó là Phó chủ tịch Hội Tin học, rồi thành lập Tổng công ty SECOIN, 5-6 năm nay, không rõ đế chế doanh nghiệp gia đình của ông thế nào. 2 năm trước, tôi có gặp ông, ông đã về hưu nghỉ điền viên ở gần Bát Tràng. Một kỷ niệm về thày giáo tôi muốn kể chia sẻ nhân ngày 20/11 năm nay.
Bài vẫn còn trên mạng TẠI ĐÂY hoặc trên blog của K20 Hóa ĐHBK TẠI ĐÂY

14 tháng 11, 2012

Đất mới, nhớ hình ảnh cũ

Tôi tình cờ vào wikimepia, một trang web bản đồ tự chú thích. Nhìn về chỗ Chợ Gạo, những hình ảnh mới cứ gợi nhớ thời gian cũ

13 tháng 11, 2012

Hài hước về xe chính chủ

Mới có 3 ngày tồn tại, một trang Facebook có tên "Hội những người phản đối luật mới của bác Thăng" đã có gần 100.000 người viết commment.
Sau đây là mấy comment bằng tranh châm biếm

Chuyện Văn Huệ công Trần Quang Triều và Uy Túc công Trần Văn Bích


Lời dẫn: Thấy các bạn bàn luận nhiều về chuyện người đàn ông góa vợ tái giá, tôi xin hiến câu chuyện sau:
Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 25b) có chép 2 mẩu chuyện về lòng chung thủy của Uy Túc Công và Văn Huệ Công.
Xin tóm lược như sau :
Uy Túc Công (tên thật là Trần Văn Bích, con trai Trần Đạo Tái, cháu nội của Trần Quang Khải) có vợ là Công chúa Thiên Trân. Công chúa Thiên Trân chẳng may mất sớm, vua Trần Anh Tông thương xót lắm, thân đến đưa tang. Uy Túc Công lăn ra đất, khóc lóc rất thảm thiết, Vua đến cũng không dậy nổi, phải hai người dìu mới ra tiếp được. Bấy giờ, phần vì thấy Uy Túc Công có vẻ thương vợ quá, phần vì thời ấy có lệ định rằng, những ai lấy Công chúa, nếu Công chúa mất trước hoặc bỏ nhau thì không được lấy vợ khác, nên ai cũng tin là Uy Túc Công nhất định sẽ ở vậy đến hết đời. Ấy vậy mà sau đó chẳng bao lâu, Uy Túc Công lại lấy Công chúa Huy Thánh.
Văn Huệ Công (tên thật là Trần Quang Triều, con của Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng, cháu nội Trần Hưng Đạo) có vợ là Công chúa Thượng Trân. Công chúa Thượng Trân cũng chẳng may mà mất sớm, vua Trần Minh Tông cũng thân đến đưa tang như trước đó vua cha đã đến đưa tang Công chúa Thiên Trân vậy. Khi Vua đến, Văn Huệ Công ra đón tiếp, tâu bày mọi việc rành mạch, xem bề ngoài như chẳng hề có đau buồn gì. Mọi người thấy vậy ai cũng cho là chẳng bao lâu nữa, Văn Huệ Công sẽ lấy vợ khác, nào ngờ, về sau Văn Huệ Công lại đi tu suốt đời.

Lời bàn (của Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần):
Uy Túc Công đi lấy vợ khác, đó cũng là sự thường, chẳng thể coi là lỗi. Văn Huệ Công đi tu, ấy cũng chẳng phải là điều hay, vì xét ra, chùa chiền đâu chỉ để riêng đón những người góa vợ tới tu hành. Cái đáng bàn là ở đời, chớ nhìn sự việc một cách hời hợt để rồi đoán già đoán non. Lỗi có chăng chính là ở những kẻ (...) đàm tiếu những điều mà chính họ cũng không hay biết gì cả.
(Lời bàn này lấy trong sách Việt sử giai thoại)


12 tháng 11, 2012

Thông báo kỹ thuật

Hôm qua, tôi phát hiện ra rằng, khi chạy blog của ta (và các blog khác nói chung) trên trình duyệt IE (trình duyệt mặc định của Window, biểu tượng có chữ e và vòng tròn) thì ảnh hiển thị của album ảnh bị lỗi. Ảnh sẽ bị chạy khỏi nền. Tôi không thấy bạn nào kêu ca về lỗi này, có lẽ các bạn đều không dùng IE.
Nguyên nhân là: Trình duyệt IE (Internet Explore) là trình duyệt mặc định của Window, bị Window kiểm duyệt mã, chứ không phải các phần mềm nguồn mở như các trình duyệt khác.
Do vậy, hiện nay người ta chuyển sang dùng các phần mềm lướt Net của bên thứ ba. Rất nhiều trình duyệt Net khác, hiện nay có trình hàng đầu được dùng là Chrome (của hãng Google), nếu bạn chưa dùng mà có ý đình dùng thì tải TẠI ĐÂY. Tôi khuyên các bạn dùng trình này, vì nhiều tính năng ưu việt, nhanh, và cũng vì blog của ta cũng chung dịch vụ của Google.
Trình duyệt thứ hai được dùng nhiều là Firefox của Hãng Mozilla. Tải Tại đây Trình này cũng nhanh, hợp với các blog tùy biến mã nguồn.
Cả hai trình duyệt này đều MIỄN PHÍ. Khi dùng các trình duyệt này, các blog đều đẹp long lanh. Vì chúng là các trình dùng mã nguồn mở, có nghĩa là cho phép người dùng tác động vào mã nguồn, thích ứng với các thiết kế.
(Nguyễn Xuân Hưng)

11 tháng 11, 2012

Thăm nhà Sự (Bím)

Tối 11/11/2012, NXH đi qua quê Kinh Môn, có đến thăm Sự, Lê Đắc Cường đang trực có đến. Sự mời ở lại ăn tối và giới thiệu vợ mới. Vợ mới tên là Hồng, sinh năm 1975, người TP Hải Dương, vốn là người học Trung cấp (không rõ là trung cấp gì), đi lao động ở Nga mấy năm, sau đó về làm việc ở Hà Nội, Hải Dương, chưa lấy chồng lần nào, chưa có con nào.
Đại khái thế. Tình hình là người mất đã xong mọi việc trên đời, người sống tiếp tục phải sống tiếp. Chúng tôi đã chúc mừng anh Sự và chúc anh Sự tiếp tục cuộc sống mới may mắn, hạnh phúc.


Chúc mừng sinh nhật

Chúc mừng sinh nhật lần thứ 55 của Diện. Chúc gia đình nhà giáo vui và hạnh phúc nhân ngày 20-11 (đồng niên, đồng hương, đồng nghiệp )