30 tháng 5, 2014

Cho chữ

Truyền thống Việt Nam từ xưa học chữ tượng hình, theo triết lý giáo dục Nho học, nên việc học chữ cần phải khổ luyện. Người có chữ trong xã hội ít, hay chữ càng ít hơn. Hệ thống khoa cử Nho giáo đào tạo "công chức" cho việc cai trị, nên dưới con mắt của dân chúng, người có chữ khác hẳn người không có chữ. Tết đến thì các ông có chữ bận bịu, nào viết câu đối, nào cho chữ... Hoặc nhà có việc làm nhà, làm nhà thờ, làm phần mộ, khánh thành cửa hàng... đều cần đi xin chữ của các cụ đồ Nho, có cụ đỗ đạt thì chữ càng quý.
Đến thời Nguyễn, thực dân Pháp đến khai thác thuộc địa, trong cái rủi cũng có cái may, Pháp để lại cho Việt di sản chữ hệ la tinh, ghép vần. Thế là việc học hành, có chữ đơn giản đi nhiều. Đó là một cái may lớn mà lịch sử làm ra, kẻ thống trị và người bị trị đều không lường được. Đó là một lần người tính không bằng Trời tính.
Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà... sống vào thời tranh tối tranh sáng của lịch sử chữ viết. Những nhà Nho cuối cùng, họ cũng là những trí thức đầu tiên thế hệ bút sắt, chữ Latinh. Tuy chữ quốc ngữ đã có, nhưng chưa có vị thế như ngày nay, phong tục cho chữ, xin chữ vẫn thịnh hành.

29 tháng 5, 2014

Thời kỳ "thoái trào" hay là đi tìm phong cách mới

(Tâm sự nhỏ)
Có hàng vạn blog đang tồn tại trên mạng. Nhưng chỉ có hàng trăm cái có thể sống sôi nổi. Và Blog này có thời đã sôi nổi như vậy. Hiện nay, blog này đang "ốm". Cũng như con người, có lúc sôi nổi, có lúc trầm tư. Blog là một sáng tạo độc đáo để nó có thể sống tự thân như một con người. Khi nó không còn chức năng báo chí, không còn giống như diễn đàn, thì nó sẽ như một kho lưu trữ. Hiện nay nó đang là cái kho ấy. Hoặc nó là địa chỉ "hộp thư chết"?