Cơ duyên khiến tôi lang thang trên thảo nguyên Mông Cổ và đi Bắc Hà, đi một số nơi với ông ấy. Bài bút ký có mấy vấn đề: Người Mông ở Việt Nam và người Mông Cổ, Vua Hùng và vua Hung, cuộc cách mạng dân chủ ở Mông Cổ, gánh nặng quá khứ oai hùng và hiện thực nghèo khó của đất nước...
Link TẠI ĐÂY
Hoặc đọc dươi đây:
Nhập đề:
Nhà văn Dashtseven cưỡi ngựa ở thảo nguyên |
Nhà văn Mông Cổ Dashtseven năm nay ngoài bảy mươi tuổi,
thuộc thế hệ các nhà văn lớp trước, giao du với các vị trưởng lão của văn học
Việt Nam như Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Ma Văn Kháng… và nhiều nhà văn đương đại
Việt Nam. Ông là nhà văn, và là nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử của Viện hàn lâm
Khoa học xã hội Mông Cổ. Nhà văn Dashtseven nói thạo tiếng Việt, từng học đại học
Tổng hợp Hà Nội những năm đầu thập kỷ sáu mươi, lấy tên Việt là Viên, đương kim
Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ- Việt Nam. Do điều kiện đặc biệt, tôi có dịp tiếp
xúc gần gũi với ông Viên nhiều năm. Câu chuyện trên những nẻo đường gợi cho tôi
viết thiên bút ký này…
1. 1. Người
Mông Cổ và người Mông.
Vắt sữa ngựa tại thảo nguyên Mông Cổ |
Khi tôi đến Ulan Bato, ông Viên đã hỏi rất kỹ về người
Mông ở Việt Nam. Tôi không có nhiều kiến thức dân tộc học, nên tra Google để
nói chuyện với ông Viên. Khi trở về Việt Nam, tôi đi phượt lên Bắc Hà, đi Mộc
Châu, đến Lào, đều chú ý xem xét người Mông. Đó là do cảm hứng từ gợi ý của ông
Viên Dashtseven.
Rồi ông Viên đến Hà Nội, thế là hai anh em hành
trình lên Bắc Hà, làm một chuyến đi mà theo ông “nhiều năm đã từng mong muốn”.
Ông Viên tâm sự, con người dân tộc nào cũng có một tâm cảm chung, đó là “lá rụng
về cội”. Càng nhiều tuổi càng hào hứng nghiên cứu về gốc rễ, dân tộc, quê hương
bản quán. Số phận người Mông Cổ và quốc gia Mông Cổ của ông vô cùng đặc biệt, mỗi
người chỉ cần phát hiện một phần rất nhỏ giá trị tinh thần của ông cha, cũng là
một việc rất tốt trả nghĩa tổ tiên, thôi thúc người Mông Cổ hướng đến tương
lai. Nhiều năm nay, ông Viên cố gắng đến những nơi có cộng đồng người Mông Cổ,
những cư dân vốn là hậu duệ của các chi tộc Mông Cổ thế kỷ mười ba đã từng thống
trị thế giới. Đặc biệt, ở châu Á, ông đã đi Malaysia, Indonesia, Thái Lan,
Singapore, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Ở Trung Quốc, ông đến
chân núi Himalaya, cách thủ phủ Tây Tạng hai trăm kilomet, tiếp xúc với cộng đồng
rất lớn người Mông Cổ đã ở đó từ sau khi nhà Nguyên thất bại. Các dòng họ đều tự
nhận mình là Mông, giữ lại truyền thuyết về quá trình di cư của mình. Ông Viên
đã xâu chuỗi những kinh nghiệm đó, và rút ra kết luận, người Mông ở Việt Nam, ở
Lào, ở Miama và khắp Đông Nam Á di cư từ Nam Trung Quốc, và đều là những chi
lưu người Mông xuất phát từ thảo nguyên Mông Cổ. Đó là lý do ông Viên hằng mong
đến nơi sinh sống của người Mông Việt.
Tôi tra tài liệu ở Việt Nam, kỳ lạ thay, không có
tài liệu nào nói về người Mông như ông Viên đã nói. Mọi tài liệu đều chỉ nói rằng,
người Mông (trước đây gọi là Miêu, Mèo, Hmong) di cư từ Nam Trung Quốc cách đây
300 đến 500 năm, gần nhất là khoảng 100 năm vẫn còn nhiều người tiếp tục di cư
từ phía Bắc xuống Việt Nam.
Ông Viên Dashtseven có lập luận khác, đó là khi nói
về nguồn gốc dân tộc, các nhà nghiên cứu cần có tâm thế “lạnh”, khách quan, căn
cứ chủ yếu từ tài liệu thành văn, từ kết quả khảo cổ. Còn nhà văn có một kênh
thông tin khác, đó là những giá trị tinh thần phi vật chất, sợi dây duy tình có
tính tâm linh. Đôi khi không thể chứng minh bằng lý, lập luận đậm chất duy tâm,
linh cảm lại không thể nào bác bỏ được.
Tôi đã xem bảo tàng các dân tộc ở Mông Cổ, thật ngạc
nhiên khi thấy một số dân tộc có trang phục giống như trang phục của người Mông
Việt Nam, Mông Lào, có dân tộc trang phục giống với người Dao Việt. Theo lý tự nhiên,
bộ phận di cư thường mang theo, gìn giữ tập tục cổ sơ từ thời điểm xuất phát.
Còn bộ phận dân cư nơi gốc gác có thể có những thay đổi do hoàn cảnh xã hội.
Cho nên, trang phục ngày nay của người Mông Việt, lại đúng như trang phục cổ của
người Mông Cổ ở một số địa phương.
Đến Bắc Hà, ông Viên chăm chú xem chợ ngựa. Những
con ngựa Mông Việt Nam nhỏ bé, leo núi giỏi, nếu đứng cạnh ngựa thảo nguyên
Mông Cổ, chỉ như lũ ngựa con. Ông Viên hỏi cặn kẽ tiếng Mông, những danh từ chỉ
hàm thiếc, yên cương, chỉ ngựa đực, ngựa cái, ngựa con… Con ngựa quả thực gắn
bó với đời sống người Mông, tập quán từ ngữ liên quan đến ngựa cũng tương tự
như người thảo nguyên với ngựa, nhưng có thể thấy, âm phát thì ít giống nhau.
Ông Viên lý giải: “Du mục thảo nguyên, đến chỗ du mục trên những triền núi quả
thật không thể giống nhau… Vả lại, ngôn ngữ là sinh ngữ, nó phải biến đổi theo
điều kiện xã hội và môi trường sống”.
Đối xử với con ngựa, còn một đặc điểm giống nhau nữa,
là khi phải dùng ngựa làm thực phẩm, thì người Mông Cổ rất coi trọng bộ ruột ngựa,
coi đó là bộ phận thức ăn bổ dưỡng, ưu tiên người cao tuổi trong nhà. Ông Viên
rất thích thú thưởng thức món “thắng cố” ngựa. Theo ông, người Mông đã di cư
mang theo tâm thức về món ruột ngựa, đến một nơi ẩm thực chế biến giỏi như cộng
đồng người Việt, có các gia vị địa phương đặc biệt, thì ắt sản sinh ra món thắng
cố.
Tôi đã đến thảo nguyên Mông Cổ, cảm nhận được vai
trò con ngựa trong đời sống hàng ngày của cư dân. Người Mông Cổ tự hào là bộ phận
dân cư duy nhất trên thế giới còn giữ được phong tục quý báu của tổ tiên là
hàng ngày uống sữa ngựa. Đồng cỏ Mông Cổ hàng nghìn năm trước như thế nào, ngày
nay vẫn như vậy. Dân du mục Mông Cổ sống gần giống với tổ tiên hàng nghìn năm
nay. Ông Viên nói với tôi: “Các nơi khác dùng sữa bò, sữa dê làm thực phẩm đồ uống,
coi là bổ, nhưng ở Mông Cổ thì sữa bò sữa dê chỉ để chế biến thức ăn khô dự trữ
hoặc bán cho các công ty chế biến sữa. Thức uống hàng ngày với người dân là sữa
ngựa, cội nguồn sức mạnh của thảo nguyên. Sức khỏe người du mục là bắt nguồn từ
sữa ngựa”.
Tôi đã thấy người Mông Cổ vắt sữa ngựa. Điều đặc biệt
ở loài ngựa, khác hẳn loài bò, là chỉ cho vắt sữa khi có con ngựa con của nó đứng
cạnh. Từ sữa ngựa uống hàng ngày, người ta làm ra bia sữa ngựa, một loại sữa
lên men độ rượu nhẹ có hương vị đặc biệt, dùng khi lễ lạt, hội hè. Không phải
ngẫu nhiên mà một bộ phận cư dân buộc phải chọn núi cao làm nơi sinh sống, như
người Mông Việt, vẫn gắn bó với con ngựa. Tưởng như những con ngựa không còn
phi nước đại như ở thảo nguyên, thì nó vẫn cần mẫn với người, qua những triền
núi cheo leo. Đây có thể là một luận điểm trong giả thuyết nguồn gốc người Mông
rất khó chứng minh họ xuất phát từ thảo nguyên Mông Cổ, nhưng lại khó bác bỏ. Tại
sao rất nhiều dân tộc ít người khác không gắn bó với con ngựa trong đời sống,
như người Mông Việt?
Về phong tục, người Mông Cổ thảo nguyên khi xưa,
cũng có nhiểu bộ tộc có tục bắt vợ. Và, một nét văn hóa đặc biệt nữa, là người
Mông Cổ cũng như người Mông sinh sống và tổ chức đời sống theo từng dòng họ. Năm
xưa chinh phục thế giới, người Mông Cổ cũng di cư theo dòng họ, trong tập quán
nói năng cũng dùng tâm thức “cái lý” của người Mông Cổ mà nói với nhau, nói với
người ngoại tộc.
Ông Viên Dashtseven cảm khái: “Tôi hằng mơ đến được
Bắc Hà, lần này toại nguyện”.
2.
Những
ông vua Hùng…
Nhà văn Dashtseven là
người nói tiếng Việt, cũng có thể coi là một nhà Việt Nam học, ông đã mở cho
tôi một chân trời kiến thức đối chiếu về thời đại vua Hùng. Không chỉ tổ tiên
người Việt là vua Hùng, mà tổ tiên các bộ tộc Mông Cổ cũng (gọi) là… vua Hùng.
Đi qua lối rẽ vào Đền
Hùng, ông Viên hỏi tôi: “Theo anh, vì sao lại là vua Hùng?” Dường như giải
thích câu hỏi, ông nói: “Họ là Hùng, hay tên, hay nước Hùng?”
Về chữ “Hùng”, sử gia
và nhà văn hóa Việt Nam đã tốn không ít giấy mực. Nào là thời đại vua Hùng kéo
dài hai nghìn năm, nào là các vương triều Hùng vương là các “dòng” vua, chứ
không phải “đời” vua, có tài liệu còn viết giấy trắng mực đen các ông vua Hùng
sống đều một trăm mấy chục tuổi… Tôi thì thích lý giải của ông Trần Quốc Vượng,
nên nói với ông Viên Dashtseven ý kiến ấy. Thời xưa, người đứng đầu bộ tộc tiếng
địa phương là Khun/Khung/Hung gì đó, thực ra hình dáng quốc gia không rõ ràng,
các bộ tộc thường phục tùng một người đứng đầu của bộ tộc hùng mạnh nhất. Sau
này, thời Hán hóa, sử gia Hán có chữ, bèn ghi lại âm đó bằng mặt chữ “Hùng”. Rồi
con cháu tưởng tượng ra thời của tổ tiên cũng quy củ như thời có vua, bèn gọi
“Hùng vương”.
Ông Viên gật đầu, thốt
lên: “Đúng rồi”. Ông cũng nói rằng, đã tiếp xúc với nhiều người Việt, đã nghe
nhiều người giải nghĩa chữ Hùng, đây là ý kiến ông cho là đúng nhất.
Vì sao?
Người Mông Cổ thế kỷ mười
ba chinh phục thế giới, chính là hậu duệ của người Mông và các bộ tộc du mục
làm nên cái gọi là Đế quốc Hung Nô, theo cách gọi của người Trung Quốc. Địa bàn
của Hung Nô trải dài phần Trung Á, lãnh thổ Mông Cổ, Bắc Trung Quốc bây giờ. Đế
quốc Hung Nô tồn tại khoảng trước năm hai trăm trước công nguyên (trước thời Tần)
và hùng mạnh vài trăm năm đến khoảng thời Đường Trung Quốc. Trong thời Tần,
Hán, người Hung Nô là nỗi khiếp sợ của quân đội Trung Nguyên. Tuy nhiên, Hung
Nô tan rã bắt đầu từ thời trị vì của Hán Vũ Đế. Danh xưng Hung Nô là do người
Hán đặt ra, có ý miệt thị và dồn vào đó nỗi căm tức: Người/nước Hung (là) nô lệ.
Cho nên, giờ đây người Mông Cổ chỉ nhận
là hậu duệ của “đế quốc” Hung (mà không có chữ Nô). Cũng như nước Hung-ga-ri là
hậu duệ của người Hung (nô) xâm chiếm châu Âu.
Ông Viên cho biết, người
Mông Cổ và các bộ lạc thảo nguyên (cả Trung Á và Tây Tạng) đều gọi người đứng đầu
bộ tộc là Hung. Có thể phát âm khác một chút tùy địa phương: Hung/ Khung/ Un/
Ung. Các bộ lạc thần phục, hay đất đai thần phục đều là của Hung/Khung/Un/ Ung.
Do đó, tổ tiên của người Mông Cổ và các bộ lạc du mục cũng là Hung. Người Hán
dùng chữ Hung để gọi, sau này thêm chữ Nô miệt thị. Còn tại Nam Trung Quốc, họ
dùng chữ Hùng, hợp với tập quán đơn âm của vùng Bách Việt Lưỡng Quảng.
Một lần nữa, tôi đã kiểm
chứng giả thuyết của ông Trần Quốc Vượng nêu ra về chữ Hùng và thấy linh cảm tài
tình của nhà sử học khi nêu ra giả thuyết về một hiện tượng khó có thể chứng
minh.
Các vua Hùng của vùng
thảo nguyên Mông Cổ và Trung Á có thể tồn tại đến thời Tần Hán, còn các vua
Hùng của Việt Nam đã bị Tần Hán chinh phục từ trước đó, ký ức huyền thoại chỉ
còn giữ đến “đời Hùng vương thứ mười tám”, ký ức sử thành văn thì giữ đến nước
Nam Việt của Triệu Vũ đế, nên các sử gia phong kiến đều coi nước Nam Việt của
Triệu Đà là tiếp nối thời đại Hùng vương, Hai Bà Trưng khởi nghĩa là muốn khôi
phục nước Nam Việt, khôi phục tổ chức xã hội Hùng vương. Trong khi đó, tương ứng
thời kỳ nước Nam Việt, các vua Hung ở Mông Cổ vẫn còn thét ra sấm sét khiến người
Hán kinh sợ.
Người Mông Cổ giờ đây
cũng bắt đầu nghi ngờ và bác bỏ truyền thuyết Hung Nô là hậu duệ của vua Kiệt,
một vị vua hung bạo trong lịch sử Trung Quốc (Kiệt, Trụ, đối lập với Nghiêu,
Thuấn). Đó hẳn là sản phẩm Đại Hán. Kiệt là vua sống thời cuối Hạ, trong khi đó
đất đai và dân cư của Hung tồn tại sớm hơn nhiều. Hay ho làm sao, người Việt tự
viết nên huyền thoại về nguồn gốc của mình, tôn vua Hùng làm anh trưởng trong một
bọc của mẹ Chim Âu, bố Rồng Lạc. Tôi đã cắt nghĩa nguồn gốc chữ “đồng bào” cho
ông Viên, nhân bàn về các ông vua Hùng, vua Hung của hai dân tộc. Ông Viên thốt
lên: vua Hùng Việt Nam thật may mắn, còn Hung (trong suy nghĩa, phất âm “Hung”
đã hàm ý là thủ lĩnh, là vua rồi) của người du mục vẫn còn oan khuất.
3.
Gánh
nặng quá khứ.
Đến Mông Cổ, du khách
không thể bỏ qua các viện bảo tàng. Đập ngay vào mắt chúng tôi là bản đồ Mông Cổ
thế kỷ mười ba. Vó ngựa người Mông Cổ đã đến gần hết cựu thế giới. Tôi đã đến bảo
tàng ở UlanBato và nơi thờ phụng Tringit Khan (Thành Cát Tư Hãn) cách thủ đô gần
trăm cây số, đều thấy những bản đồ kiêu hãnh của người Mông Cổ. Cho đến nay,
cũng còn thấy dấu vết Mông Cổ khắp châu Âu, châu Á (trừ Ấn Độ).
Nhưng tại sao một dân tộc
hùng mạnh như vậy, bây giờ chỉ còn vang bóng trong các viện bảo tàng?
Lịch sử Việt Nam cũng
có một chút liên quan với Mông Cổ. Đó là dấu vết vó ngựa quân Nguyên Mông thế kỷ
mười ba. Tại Mông Cổ, việc Mông Cổ có coi Việt Nam là khu vực chiếm đóng không,
cũng là vấn đề không nhất trí. Tôi nhìn thấy một bản đồ ở Bảo tàng UlanBato có
cả Việt Nam trong “khu vực thuộc Mông Cổ thế kỷ XIII”. Nhưng nhà văn Tô Đức
Chiêu kể lại, trong chuyến đi Mông Cổ đã nhìn thấy một bản đồ không có lãnh thổ
Việt Nam ngày nay nằm trong thành phần chinh phục của Mông Cổ và được lý giải
là: Quân Mông Cổ có đến, nhưng không hợp phong thủy nên rút lui về. Cách nào
cũng có lý giải hợp lý hợp tình, bởi vì, dù cho năm 1258 gọi là quân Mông đánh
Đại Việt, thì chỉ có các tướng Mông, còn đạo quân gồm quân sĩ Trung Quốc, quan
lại nhỏ đi theo là lũ Hán Nô. Cho đến cuộc viễn chinh đối diện với quân Trần của
Hưng Đạo vương, thì ngoài vài tướng Mông Cổ, các tướng cũng đã là Hán Nô cả rồi.
Chiến thắng oai hùng của
quân Mông dẫn đến việc các dòng họ Khan chia nhau chinh phục thế giới, riêng
dòng họ Khan Kubilai (Hốt Tất Liệt) đã làm chủ Trung Hoa lập ra nhà Nguyên khét
tiếng. Tuy nhiên, cũng như sông có khúc, người có lúc, một triều đại huy hoàng
rồi cũng suy tàn, và nhà Nguyên đã bị nhà Minh đánh bại. Theo ông Viên, hoàng
gia Nguyên gồm các quý tộc Mông ở Trung Quốc, toàn bộ đã kéo về nguyên quán.
Hoàng gia Nguyên trở về mà không bị mất mát mấy. Sau đó, chính các dòng Khan từ
Trung Quốc về lại tranh hùng với các Khan nơi bản quán.
Lý lẽ của ông Viên khiến
tôi ngạc nhiên. Bấy lâu nay, người Việt thường có quan niệm là những người
Mông, Mãn cai trị Trung Quốc, phần lớn bị Hán hóa, trở thành người Hán, do sức
mạnh văn hóa Hán. Ông Viên Dashtseven cho rằng, có thể người Mãn kéo ồ ạt đến
Trung Nguyên bị Hán hóa, do đặc tính thời đại, nhưng dứt khoát người Mông không
có cái gọi là “bị Hán hóa”. Bởi vì người Mông Cổ thế kỷ mười ba dân số rất ít,
di cư khắp thế giới, thì bộ phận tinh hoa hoàng tộc làm vua ở Trung Quốc cũng
không nhiều, khi bị động, đã kéo hầu như toàn bộ trăm phần trăm về đất Mông Cổ.
Bộ phận dân cư sinh sống xa kinh đô, thì như đã nói, đã thiên di gian khổ và
lâu dài, trở thành dân tộc Mông, chứ quyết không thành người Hán. Thời gian và
những biến cố phủ lên các tộc người di cư, làm biến dạng phong tục tập quán,
phát sinh những tập quán mới, hình thành những cộng đồng, mà người Mông ở các
nước phía Nam Trung Quốc là những cộng đồng ấy.
Một bộ phận dân cư Mông
Cổ sau thế kỷ mười ba đã sinh sống và đan kết với thổ dân Tây Tạng, làm thành một
nền văn hóa đặc sắc, có tự dạng chữ viết gần giống nhau. Ngày nay, Phật giáo ở
Mông Cổ cũng thuần một dòng Mật tông với Tây Tạng. Tôi đã đến các ngôi chùa
Mông Cổ, chứng kiến họ tự do công khai thờ Đại Lai Đạt Ma thứ 14 đang lưu vong.
Đó là sự lựa chọn thuần tôn giáo mà nhà nước cũng không can thiệp được.
Một nét đặc sắc tương đồng
nữa, là giống chó ngao Tây Tạng. Theo ông Viên, giống chó ngao Tây Tạng, thực
chất là chó chăn cừu Mông Cổ. Con chó này theo chân quân viễn chinh, rồi định
cư lại vùng người Mông cách thủ phủ Tây Tạng hai trăm kilomet. Cho đến năm
1980, nước Mông Cổ còn khoảng 500 con chó giống này. Nhưng đến nay đã hầu như vắng
bóng chó thuần chủng, chỉ còn những con chó lai. Hậu quả của việc thu mua của
người Trung Quốc, bởi vì người Trung Quốc sang thảo nguyên Mông Cổ mua giống
chó này với bất cứ giá nào. Với đời sống du mục, và với nền quản lý hành chính
còn yếu kém, thì người Mông Cổ không thể chống đỡ được cuộc xâm lăng chiếm dụng
nguồn gen quý con chó thuần chủng.
Tôi đã đi xe ô tô trên
thảo nguyên Mông Cổ, chứng kiến những con chó xù như con sư tử nhỏ, xông ra ác
liệt sủa và chạy theo xe ô tô, đến một lúc đột ngột dừng lại, đó là phạm vi đất
đai sở hữu của chủ chó. Không có hàng rào đánh dấu, chỉ có một hai mô đất nếu
không để ý thì không thấy được. Nhưng con chó biết rất rõ phạm vi cương thổ của
nó. Ông Viên chỉ những con chó ấy, nói rằng chúng chỉ là con lai của loài chó
quý Mông Cổ đã bị người Trung Quốc thu mua như cướp mất, rồi chiếm dụng cả cái
tên, đặt thành chó Ngao Tây Tạng.
Tôi đã đến thảo nguyên
Mông Cổ, khi ấy là tháng Tám dương lịch, cỏ thảo nguyên đã hết lứa tốt nhất mọc
từ mùa xuân, bắt đầu đến lớp cỏ tái sinh, rồi cũng sẽ bị lũ gia súc mót hết để
đón mùa tuyết rơi. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi phát hiện ra những loại có tên là
“cỏ” trên thảo nguyên, khác hẳn với cỏ Việt Nam. Đây là những loại cây giống
như những loại cây làm thuốc mà chúng ta thấy, và giống các loại rau thơm ở Việt
Nam. Mỗi cây là một hình dạng, muôn vạn loại, muôn vạn hương hoa. Ngắt một cọng
cỏ thảo nguyên Mông Cổ, xoa trong bàn tay, rồi đưa lên ngang mặt, sẽ cảm nhận
được mùi hương hăng hắc thơm vô cùng quyến rũ.
Ông Viên nói: “Nó vẫn
thơm như thế từ xa xưa…”
Ông tự hào nói: “Mông Cổ
là nơi cư dân vẫn giữ nếp sống như cha ông mình cách đây hàng ngàn đời, đó là
du mục; cỏ thảo nguyên này vẫn là hậu duệ của cỏ ngày xưa, ngựa bò dê cừu này vẫn
là hậu duệ của cha ông chúng đã từng theo Thành Cát Tư Hãn…” Tôi hỏi ông Viên:
“Anh có đọc quyển “Tô tem sói” của Khương Nhung bên Trung Quốc không?”. Ông
Viên cười: “Có chứ. Người Mông Cổ may mắn không bị mất môi trường sống như Nội
Mông, nhưng cũng đã những cú sốc vì làn
sóng định canh định cư hồi tập thể hóa (Mông Cổ chưa có công xã, chỉ có hợp tác
xã chăn nuôi, nhưng quá trình tập thể hóa dù đau đớn cũng không thiệt hại nhân
mạng. Tuy nhiên, hồi những năm ba mươi, hàng nghìn trí thức và sư sãi Phật giáo
bị giết vì nghi là gián điệp Nhật, do quan hệ Nhật- Liên Xô hồi đó căng thẳng)…”
Chuyện công xã... Cũng
là một khúc quá khứ. Đó cũng là một kiểu gánh nặng khác, giống như người Việt
Nam hay nói, đó là vấn đề “nhạy cảm”
4.
Đối
thoại
Nguyễn
Xuân Hưng (NXH): Thưa anh,tại sao Mông Cổ một thời gian
cũng phải theo phong trào “công xã nhân dân” mà nhịp sống truyền thống du mục vẫn
giữ được?
Dashtseven
(V): Có thể do sức mạnh truyền thống. Với chiều sâu hàng nghìn năm, mấy chục
năm công xã tập thể hóa không thể xóa được, nhưng cũng để lại nhiều “vết
thương” khó quên?
NXH: Như “cải cách ruộng
đất” của Việt Nam chăng?
V: Có mặt nào đó tương
tự, nhưng cũng có cái khác. Cải cách ruộng đất ở Việt Nam theo mô hình Trung Quốc.
Còn công xã Mông Cổ là mô hình Liên Xô thời Stalin. Cũng là nỗi đau, nhưng vết
thương có khác.
NXH: Trước hết, chúng
ta nói về lịch sử, dường như Việt Nam và Mông Cổ cũng giống nhau ở chỗ, xuất
phát của cách mạng là không phải hướng đến lý tưởng cộng sản, mà là những phong
trào yêu nước.
V: Đúng. Xukhe Bato hướng
đến nước Nga Xô viết không phải là xây dựng xã hội theo nguyên tắc của nhà nước
xã hội chủ nghĩa, mà gần giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh, giành độc lập là yêu cầu
tối thượng. Thời kỳ này, Mông Cổ bị nhà Mãn Thanh cai trị, nên Xukhe Bato hướng
đến nước Nga là đúng đắn. Sau Xukhe Bato, Troibanxan cũng không cương quyết
theo con đường của Stalin, chỉ đến Xedenban thì cách mạng Mông Cổ mới bắt đầu một
thời kỳ Xô viết, dập khuôn tập thể hóa, công xã nhân dân…
NXH: Tuy vậy, có vẻ vết thương về thời kỳ đó không
dai dẳng như cuộc cải cách ruộng đất ở Việt Nam.
V: Gần đây, các sự việc
thời kỳ đầu thành lập nước mới được bạch hóa. Thực ra, trong hàng ngũ lãnh đạo
cao nhất cũng có sự đấu tranh. Nguyên nhân cái chết của các lãnh đạo không muốn
dập khuôn Xô Viết trong những cuộc thanh trừng, vẫn là một chủ đề tranh cãi. Từ
đó, triển khai xuống cơ sở cũng không phải là dễ dàng, với một địa bàn dân cư
thưa thớt, đi lại khó khăn. Vết thương về thời kỳ đó ngày nay không còn nhức nhối,
có lẽ là kết quả của cuộc cách mạng dân chủ năm 1990. Đảng Nhân dân cách mạng
Mông Cổ đã phải nhận lỗi lầm trước toàn dân về những sai lầm, nói khéo là do “học
tập nước ngoài máy móc”, thực chất là phải làm theo Maxcova vô điều kiện.
NXH: Dù sao, nỗi đau
Mông Cổ có lẽ cũng có cái lý. Hướng về nước Nga Xô Viết cũng là con đường tất yếu
để chống lại Mãn Thanh Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp.
V: Đây cũng là một vấn
đề phức tạp. Có thể lấy ví dụ cuộc đời Troibansan. Ông là người Staninnit, có
trách nhiệm vì những làn sóng tập thể hóa, nhưng ông cũng là một người dân tộc
chủ nghĩa nhiệt thành. Chính Troibansan thúc dục Liên Xô ủng hộ giấc mơ lấy lại
Nội Mông, nhưng rồi do lợi ích nước lớn, mà Liên Xô đã thỏa thuận với Trung Quốc
bất chấp lợi ích dân tộc Mông Cổ. Cái chết của Troibansan đang là một nghi vấn.
Ông chết trong giai đoạn cuối đời thất vọng với chính sách của Liên Xô. Chỉ đến
Sedenban, Mông Cổ mới hoàn toàn chịu “hữu nghị” với người anh em lớn ở phương Bắc.
NXH: Cuộc cách mạng dân
chủ Mông Cổ liệu có phải là đổi một con đường cũ lấy con đường mới vẫn trên nền
đường đó không, và được truyền cảm hứng từ sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết?
V: Ở Mông Cổ có thuyết ấy,
ám chỉ việc dù cho đổi khác thì vẫn là phụ thuộc vào nước Nga. Xưa nước Nga Xô
Viết, ngày nay nước Nga nửa dân chủ. Thực tế không phải như vậy. Khởi nguồn cuộc
cách mạng dân chủ là làm sóng phản đối chính sách lệ thuộc của nhà nước Mông Cổ.
Có thể nói, những nhà dân chủ mà phần lớn là trí thức đã có sự thức tỉnh văn
hóa, phản kháng trước rất lâu những lộn xộn dẫn đến đổ vỡ của Đảng cộng sản
Liên Xô. Khi mà những biến cố ở Nga xảy ra, thì nó tiếp sức cho phong trào dân
chủ ở Mông Cổ một sức mạnh, khiến nó thành công.
NXH: Tôi đã nhìn thấy
những bức ảnh về phong trào này ở viện bảo tàng, người lãnh đạo cầm một cái loa
điện, sau này là Tổng thống đầu tiên của Mông Cổ…
V: Điều lý thú là ông ấy
là học sinh của Trường học số 14 mang tên Hồ Chí Minh ở thủ đô UlanBato. Các tượng
đài Lê-nin, Stalin bị loại bỏ ở Ulan Bato, nhưng tượng đài Hồ Chí Minh tại trường
này vẫn còn nguyên vẹn. Trường học mang tên Hồ Chí Minh đã đào tạo cho Nhà nước
Mông Cổ thời kỳ dân chủ nhiều nhà lãnh đạo tài năng. Theo sau tổng thống đầu
tiên, hai vị thủ tướng cũng xuất thân từ trường này. Hồ Chí Minh vẫn là một tên
tuổi đáng kính trong xã hội Mông Cổ.
NXH: Tại sao vậy? Có gì
khác với việc đánh giá lại các cán bộ lãnh đạo của Nhà nước Mông Cổ?
V: Hồ Chí Minh trước hết
là người giống như Xukhe Bato, tìm con đường giải phóng dân tộc, chống ngoại
xâm. Người Mông Cổ vẫn ngưỡng mộ Xukhe Bato. Không thể lấy những lỗi lầm của những
người đi sau ông để hạ thấp vị trí của ông trong lịch sử. Sau năm 1990, mộ Xukhe
Bato ở Quảng trường trung tâm thủ đô được dời đi, mang về quê chôn cất, là một
cử chỉ tôn kính mang tính truyền thống, phù hợp với tâm linh dân tộc.
NXH: Vâng, tôi đã đến
Quảng trường Xukhe Bato, vẫn còn tượng đài ông ấy cưỡi ngựa rất oai hùng.
V: Chỉ có nền dân chủ
thực sự mới đảm bảo sự tranh luận công khai, công bằng trong xã hội. Vàng thau
không thể bị lẫn lộn. Tượng đài một số vị bị hạ bệ, nhưng tượng đài Hồ Chí Minh
thì vẫn tồn tại tại ngôi trường mang tên Người, một trường học hàng đầu ở thủ
đô Ulan Bato, nơi đào tạo ra các lãnh tụ của nền dân chủ mới ở Mông Cổ.
NXH: Chúng ta trở về một câu hỏi có tính phổ
quát, ít nhạy cảm, đó là tại sao với một lịch sử oai hùng, nước Mông Cổ ngày
nay vẫn là một quốc gia đang phát triển?
V: Gánh nặng chiến công
quá khứ không ai cảm nhận hơn là người Mông Cổ ở chính thảo nguyên, nơi phát
nguồn văn minh chinh phạt trên lưng ngựa. Quá khứ dù oai hùng đến đâu cũng chỉ
là quá khứ. Các vấn đề của ngày hôm nay mới là những câu hỏi nóng bỏng. Người
Mông Cổ cũng có những câu hỏi thôi thúc như Việt Nam: Tại sao nghèo? Vì sao
không thể vươn lên? Sống ở nơi kẹp giữa các cường quốc, phải sống như thế nào?
Đó là một câu hỏi không chỉ tôi và anh trả lời được.
5.
Những
câu hỏi lớn (phần viết thêm)
Tôi đã cùng ông Viên
Dashtseven đi thảo nguyên, sống một “khoảng khắc” thời gian với người du mục. Một
mặt, người Mông Cổ tự hào đã sống lại cuộc sống cha ông vốn gián đoạn mấy chục
năm công xã, một mặt khác, họ cũng cảm nhận sự thúc bách của cuộc sống toàn cầu
hóa đang xâm chiếm đời sống thảo nguyên.
Đầu tiên nói về căn lều
truyền thống. Người Mông Cổ đã giải quyết căn bản căn lều theo hướng… thị trường.
Không còn căn lều hoàn toàn truyền thống như xưa nữa. Khung xương gỗ đã là gỗ
công nghiệp, mái không phải là da thuộc, mà là da giả. Nói chung có mọi cấp chất
lượng và giá cả căn lều, từ hàng thủ công đến công nghiệp, dao động lớn từ 400
đô đến 40.000 đô Mỹ. Điều đáng nói là phần lớn hàng lều công nghiệp đều là hàng
Mông Cổ.
Thay cho xe ngựa kéo
ngày xưa, ngày nay đã là xe tải, xe bán tải, xe ô tô nhỏ. Có mặt của những
phương tiện này, kéo theo một vài rắc rối trong gìn giữ môi trường. Chất đốt vẫn
là phân gia súc, nhưng sức kéo lại chạy bằng xăng dầu. Chỉ có những trung tâm
thị trấn mới có trạm xăng dầu. Vậy thì phải dự trữ bằng can hay mọi loại đồ đựng
khác. Cùng với hàng loạt đồ đựng khác, đồ nhựa có nguy cơ làm biến dạng sinh
thái thảo nguyên. Tôi đã chứng kiến nhiều gia đình đi picnic, khi ra về, mọi
người đều thu dọn rác rất kỹ, mang lên xe ô tô để về thị trấn, thành phố vứt
vào bãi rác. Nhưng duy trì một nếp sống mới hà khắc như thế, cũng là một thách
thức.
Một vấn đề ảnh hưởng lớn
đến nếp sống, đó là cho con cái đi học. Một đất nước rộng gấp gần 6 lần lãnh thổ
Việt Nam, chỉ có chưa đến 3 triệu dân. Ông Viên Dashtseven nói vui, Hội Phụ nữ
Mông Cổ có nhiệm vụ ngược với Hội Phụ nữ Việt Nam, đó là thúc đẩy và khuyến
khích sinh đẻ. Nhưng nuôi một công dân ở Mông Cổ vô cùng nặng nhọc, khó khăn
hơn ở Việt Nam. Một huyện ở Mông Cổ mà tôi đến, có khoảng gần 100 hộ dân. Chủ tịch
huyện có thể biết rõ tất cả dân cư của mình, nhưng khó mà đến ngay từng nhà,
ngay cả thời điện thoại di động phổ cập. Bởi vì diện tích huyện lớn bằng khoảng
gấp đôi tỉnh Hưng Yên, mà các hộ dân thì du mục, có ngày di động gần một trăm
kilomet. Khi có đứa bé đến tuổi đi học, người mẹ phải đi cùng con đến thị trấn,
ở với nó 1-2 năm, thì mới yên tâm cho con ở nội trú, trở về căn lều du mục. Tất
cả các trường học đều có nội trú, nhưng cho đến nay, với mức độ xã hội Mông Cổ,
không bà mẹ nào yên tâm để con mình ở trường một mình. Với người Mông Cổ, việc
ăn đơn giản, thì việc ở càng đơn giản hơn, có thể sắm một cái lều, cắm ở đâu đó
gần trường, gần nguồn nước, và thế là ở 1-2 năm cho đứa con cứng cáp để gửi gắm
vào trường nội trú. Học hành là cả một vấn đề lớn cho xã hội du mục. Cho nên,
việc vẫn có những người không đi học, hoặc học đủ đọc viết thôi, cũng là một vấn
đề của người Mông Cổ.
Trong khi đó, người Nhật,
người Hàn đã hiện diện ở Mông Cổ như những ông chủ đầy thế lực. Người Nhật, Hàn
mang hàng hóa và ô tô đến. Họ thuê đất trồng rau. Tôi bảo ông Viên, liệu có đến
ngày họ thuê đất chăn nuôi thức ăn công nghiệp không? Khi đó thì đời sống người
Mông Cổ bắt đầu đối mặt với thảm họa mà thế giới và Việt Nam đang chịu đựng, đó
là thức ăn bị đầu độc. Ông Viên tự tin cho rằng, điều đó chưa đến, chừng nào
người láng giềng phương Nam khổng lồ còn chưa tràn qua biên giới…
Người láng giềng phương
Nam của Mông Cổ, cũng là người láng giềng phương Bắc của Việt Nam. Hai nước dường
như gặp cùng một vấn đề, nhưng hiện nay ở Mông Cổ vẫn còn cơ hội lạc quan.
Trong chuyến đi thảo nguyên với tôi và ông Viên, có một nữ nhà thơ, đồng thời
là chủ một doanh nghiệp xây dựng, doanh thu khoảng 50 triệu USD một năm. Bà chủ
doanh nghiệp cho biết, bà buộc phải thuê nhân công xây dựng là người Trung Quốc,
nhưng cũng có cam kết làm đúng luật, nghĩa là không cho người Trung Quốc ở quá
4 tháng, một người trong 3 năm không được gia hạn quá một lần. Bà nói, quy định
này có thể thay đổi chút ít về thời hạn, nhưng mục tiêu là kiểm soát lao động
và không để người Trung Quốc định cư ở lại. Theo bà chủ này, mỗi người chủ
doanh nghiệp Mông Cổ vốn có sẵn tinh thần dân tộc trong máu, không bao giờ làm
trái pháp luật, dù cho bà có thiệt hại tiền bạc, nhưng quyết không để thiệt đến
quyền lợi chủ quyền đất nước. Đây là một lần tinh thần dân tộc được dịp phát
huy, nhờ hun đúc từ tinh thần của các vua Hung và Thành Cát Tư Hãn ngày xưa.
Bằng thứ tiếng Anh
không lưu loát, tôi đã hỏi chuyện một cảnh sát, và được biết, công việc quan trọng
nhất của họ là tìm người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp. Còn người Việt thì
sao? Anh ta cười, bảo tôi đến phố sửa chữa ô tô. Tại đó, có khoảng 700 người Việt
làm thợ sửa ô tô. Họ chỉ làm thợ dưới sự cầm trịch của ông chủ Mông Cổ. Tại sao
không người Việt nào đầu tư sửa ô tô ở Ulan Bato, mà chỉ làm thuê? Đó là một
câu hỏi thú vị, nếu nghiên cứu Luật đầu tư nước ngoài của họ. Luật đảm bảo cho
những nhà đầu tư lớn có tiềm lực đứng chân. Điều này Mông Cổ tỏ ra kế thừa trí
tuệ và sức mạnh của các Hung và Thành Cát Tư Hãn mà con cháu vua Hùng nên học hỏi…
Nương nhẹ với các bạn Việt Nam, kiên quyết với các bạn Trung Quốc, đó cũng là một
cách làm đáng kính trọng, đơn giản tôi là người Việt.
Còn nhiều vấn đề khác
thú vị mà tôi định nói, nhưng tôi muốn đến đất nước thảo nguyên ấy một lần nữa
rồi mới viết…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.