31 tháng 7, 2015

Đi học

Năm 1972, tôi vừa qua tuổi 13, bố tôi 62 tuổi. Tôi đang học lớp 8 thì có Ty Giáo dục báo rằng, tôi trúng tuyển vào lớp chuyên toán của tỉnh. Mẹ tôi không cho đi, vì lớp học ở tại Hưng Yên, sau được giải thích là được học bổng 9,5 đồng/tháng, và 15 kg gạo, nên cũng đồng ý. 9,5 đồng là bao nhiêu? Tiền ăn cả tháng của cán bộ huyện là 18 đồng, thế mà mình được 9,5 đồng, chỉ phải lo 8,5đồng/tháng. Oách.
Bố tôi đưa tôi đi học.
Hai bố con đi hai xe đạp. Bố tôi đi xe phượng hoàng ghẻ. Tôi đi xe thiếu nhi Liên Xô. Hai bố con đạp xe từ Kinh Môn lên Hải Dương-30km. Đến bến xe thời chiến, họ báo rằng sơ tán đến Chợ Mát. Rồi từ Chợ Mát đó, đợi xe rất gian khổ, mới mua được vé người và xe đạp đi Hưng Yên.  Xe đạp để lên nóc xe. Người nêm như đóng hộp. Xe 45 chỗ thì khoảng 65 người. May bố tôi già được ngồi. Còn tôi ngồi dưới nền xe, ngồi dưới một rừng chân của người đứng. Đường 39 đầy ổ trâu, hơn 60 km, chạy có … hơn 4 giờ đã tới nơi.


Trong khoảng 4 giờ đi xe ấy, tôi đã nói chuyện với bố nhiều hơn tất cả 13 năm trước  và có lẽ cả 13 năm sau nữa cộng lại. Vì tôi lớn lên thì ngày thường bố đi làm rất vất vả, sau đó thì tôi lại đi biền biệt.
Xe qua Phố Nối, bố tôi chỉ cho tôi biết địa phận xã Trung Hưng: Đây là địa phận quê nhà ta, cụ nội con đã từng có ruộng bao phủ khắp mấy xã. Một cụ chánh tổng rất giàu, cuối cùng cũng phá sản vì dính vào giặc giã và chiến tranh. Ông nội con vì thế mà không làm giàu, không làm quan, chỉ dạy học.
-Sao bố không làm giàu, không làm quan, không dạy học?
-Các học trò của ông Đồ đã bắn nhau chí tử, người đi cách mạng xử tử người làm cho Tây. Người làm cho Tây giết người làm cộng sản.
Tôi khi đó mới 13-14, biết gì. Bố tôi kể rất nhiều chuyện. Rồi kết luận: Thời nào cũng nên học hành, rồi tính sau.
Khi đạp xe qua trung tâm thị xã Hưng Yên, tôi nhớ nhất là đã hỏi bố: Thị xã ở chỗ nào hả bố?  Trong suy nghĩ, tôi có chuẩn mực thị xã là Hải Dương, nên không hiểu những dãy nhà cấp 4, đường đất lại là thị xã.
Lớp chuyên toán sơ tán tại xóm ngoài đê Bảo Châu, xã Quảng Châu, huyện Tiên Lữ. Đi qua Phố Hiến vang bóng một thời. Tôi ở xã nhất lớp, đến sau 1 ngày. Người đầu tiên gặp không phải thày chủ nhiệm dạy toán, mà lại là cô giáo rất trẻ, cô Tâm năm đó mới ra trường dạy văn. Buồn cười nhất là các cô giáo thày giáo, và các phụ huynh khác đều gọi bố tôi bằng cụ. có nhiều ông xưng con.  Hôm sau, tôi tiễn bố tôi đạp xe về thị xã Hưng Yên để tìm cách về quê Kinh Môn, khi đó còn bé đã thấy thương bố già, khóc một lúc lâu, giờ nghĩ lại vẫn khóc như hồi ấy.
Đó là ngày 16/10/1972. Chỉ sau đó 2 tháng, từ một thằng bé chưa đủ 14 tuổi lơ ngơ, tôi làm một chiến công là nhân dịp 12 ngày đêm bom đạn ở Hà Nội, được lệnh nghỉ học, tôi đã đạp xe đạp một mạch hơn 100km từ Hưng Yên về Kinh Môn.
Bố tôi bảo: Thế là học được rồi.
( 17/6 âm, giỗ bố)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.