31 tháng 1, 2014

Tết nhất như với những người bạn già (Khai bút năm Giáp Ngọ)

1.
Tết đến, xuân về, ai ai cũng nói về tuổi trẻ. Tôi đón Tết, lạ lùng thay, cứ có cảm tưởng gặp lại một người bạn già. Mỗi năm một người bạn. Muôn vàn tính cách, và ngày càng già đi, ngày càng thấu hiểu cuộc đời. Gặp những người bạn như thế, quá khứ sống động trở lại, nhìn về tương lai với con mắt bình tĩnh và vấn vương tiếc nuối.
Cả năm bận rộn, quay cuồng đua chen miếng cơm manh áo, nào lợi quyền, nào danh vị, cứ mỗi khi thời gian đưa chúng ta về gần với Tết, dường như thời gian nhắc nhớ anh sắp đến một thời khắc phải ngưng đọng, phải suy ngẫm. Cho đến đêm ba mươi, trước bàn thờ tổ tiên, thổ công, quây quần với con cháu, họ hàng, dường như thời gian chậm chạp ngừng lại. Sống chậm. Sống chạm vào tâm tư, tình cảm, đụng đến nhân bản và văn hóa. Khi đó thôi nghĩ về chiều rộng, ngẫm về chiều sâu, thôi nghĩ về số nhiều, ưu tư về cái tinh túy. Đó là phẩm chất của một người già hiểu đời, hiểu người. Tết như một người bạn già một năm gặp nhau một lần vậy.


2.
Mấy năm nay, cứ gần Tết là nhà văn Lê Văn Thảo lại ra Bắc, bao giờ ông cũng ới tôi. Năm ngoái, hai ông Lê Văn Thảo và Nguyễn Quang Sáng, đến ngày 25 Tết, còn ngồi ở Hồ Thiền Quang, gọi tôi đến. Nguyễn Quang Sáng đã chậm chạp lắm, nhưng quả tim ông nuôi cơ thể bằng rượu Chi-vat. Ông Thảo có 6 chai nhỏ rượu du lịch, mua ở sân bay dịp đi nước ngoài về. Thế là Nguyễn Quang Sáng uống 4 chai, còn 2 chai về khách sạn uống nốt trước khi đi ngủ. Sáng hôm sau, tôi đón Lê Văn Thảo đi Bắc Cạn, ông Thảo nói: “Nhìn tao đi chơi với mày, tao thấy mắt ông Sáng buồn lắm. Ông ấy thèm đi lắm, nhưng không đi được nữa. Tao thấy ông ấy thế, nên càng muốn phải đi…”
Tôi và ông Thảo đi một mạch lên Hồ Ba Bể, đi thuyền đến một hòn đảo hoang sơ chỉ có dăm ba mái nhà, rồi ăn một bữa giữa thiên nhiên. Ông Thảo mua một chục chai vang, uống hết thì về là vừa. Khi qua các phố Hà Nội, không khí Tết chộn rộn, thế mà mình đi về nơi hoang vắng, nơi mọi nhà dân còn bận hái cây trái vườn nhà đi bán, tính đếm những đồng hào lẻ sắp Tết. Khi đó, dường như mình đi về thời gian quá khứ xa thăm thẳm. Ông Thảo rủ rỉ kể chuyện, chuyện thời trai trẻ, chuyện ở R với những ông bạn đã đi về miền siêu thoát. Không gian cổ tích, thời gian sống chậm, câu chuyện hoài cổ, tình người đậm đặc. Cứ như mình trôi về huyền thoại…
Lê Văn Thảo là một nhà văn kín đáo. Nhưng đó là một ông già cởi mở. Tuy nhiên, nhiều người nghĩ khác, họ chỉ biết ông Thảo lầm lì, khó tính và thấy lạ khi tôi hay đi với ông ấy. Tôi gặp ông Thảo không phải để bù khú, không phải để cùng tận hưởng kiểu nâng cốc “dô, dô”. Tôi đi với ông bao giờ cũng có cảm tưởng Tết đang đến gần. Mình đi bên một ông hình dáng thì già, mà tâm tư thì trẻ. Có những phút ông hát như một thời trai trẻ ôm đàn. Không gặp ông lâu lâu lại nhớ. Gặp rồi thì toàn chuyện quá khứ, có chuyện kể đi kể lại, mỗi lần một văn cảnh khác. Vẫn chuyện Lê Anh Xuân, Hồng Sến ở R, mà mỗi lần họ lại sống một cách khác. Cứ Tết về, tôi lại nhớ những người bạn già như ông nhà văn Lê Văn Thảo.
Năm nay, gần Tết, ông Thảo điện thoại ra, than một câu: Không hiểu sao năm nay không thấy khỏe như năm ngoái. Tôi chợt nhận ra, Tết năm nay cũng không vui như năm ngoái. Tuổi chúng ta cứ dầy thêm, thì nhìn cái Tết cứ khác dần, như những người bạn già dần dần xa chúng ta, cho đến khi ta đi theo họ…

3.
Nhà văn Tô Đức Chiêu đồng hương Hải Dương với tôi, nên các câu chuyện của ông quen thuộc như thể tôi đã nghe anh mình, bố mẹ mình kể lại. Có một Tết, tôi và ông đi ngang qua thành phố Hải Dương, nhìn những phố xá và nhà cao tầng, ông Chiêu chỉ rành mạch từng nơi, và kể ông đã từng đánh dậm ở chỗ này, móc cua đơm cá ở chỗ kia. Vào thời gian Tết nhất, người ta hay nghĩ về ông bà, tổ tiên. Khi tôi nghe ông Chiêu kể chuyện, là một lần tôi hình dung ra rõ rệt ông bà mình đã sống như thế nào. Giống như một bức ảnh thường ngày hiện ra trên màn hình máy tính mờ mờ, đến thời điểm ấy, nó “load” rõ nét, đầy đủ độ phận giải, làm bừng sáng cái nhìn của người ta.
Ông cụ thân sinh nhà văn Tô Đức Chiêu là con địa chủ, rồi đi dạy học, làm Tổng sư. Đoạn lý lịch ấy trùng lặp ngạc nhiên với ông nội tôi, cụ nội tôi từng làm Chánh tổng, địa chủ vướng vào nghĩa quân Bãi Sậy mà khánh kiệt, rồi ông nội đi dạy học, làm Tổng sư ở Kinh Môn. Câu chuyện của ông Chiêu thích nhất là nghe khi sắp Tết. Đó là giây phút chúng ta có cảm giác liên tục về giòng giống, về họ hàng, huyết mạch. Tết đến khi mùa xuân về. Hình thức của nó hớn hở và vui tươi, đó là thời tương lai vĩnh cửu. Nhưng phong vị của nó mang tính nhân văn thì gắn chặt với ký ức và hoài cổ. Đó là cái Tết đặc biệt Việt Nam. Những nhà văn già dường như có đặc điểm rất giống với cái Tết của người Việt. Thời gian vô nghĩa nếu không có tết. Văn hóa người Việt sẽ ra sao nếu không có các nhà văn già? Họ ở cái tuổi thấu hiểu trời và người, và tâm hồn họ trong một góc thẳm sâu là sức trẻ. Nếu không có cái góc thăm thẳm ấy, thì sao ra văn ra thơ được.
Năm đó gần Tết rồi, mà tôi gặp chuyện chẳng ra sao. Tôi có mâu thuẫn với một nhà văn trẻ, cãi nhau trên báo chí. Rồi có những cái tin nhắn nặc danh cứ chĩa vào chị ta. Một nhà văn nữ khác thì thào với tôi, đại ý thằng ấy thằng nọ nghi là cậu nhắn những cái nặc danh ấy. Thằng nghi tôi lại ở báo ngành công an, thế thì sự truyền tụng nguy hiểm thế nào? Phải nói là bực bõ lắm. Cái báo công an ấy, có anh Phó tổng biên tập thó gần y sì bài thuyết minh phim của tôi đăng vào sách mang tên ông ta, khi phát hiện ra, ông phó tổng này chỉ gọi điện xin lỗi. Tôi bảo ông hãy xin lỗi công khai bạn đọc ấy… Đại khái cuộc đời cứ có những cái tréo nghoe. Ông Tô Đức Chiêu bảo: “Chúng ta sống trên đời thật, chứ không phải ở thiên đường. Có tai ương, nhưng vẫn có Tết đến xuân về. Ai cũng sống đủ một cuộc đời mà. Cậu có tớ hiểu cậu, còn chúng nó không biết cậu thế nào là thường thôi”. Ông ấy là một ông già trải đời, nói một câu khiến mình thấy những tai ương mình thấy chỉ còn bé xíu. Có những người bạn già, cũng như thời gian có Tết.

4.
Tôi đến thăm nhà văn Ma Văn Kháng khi mới tập tọng viết văn. Đó là một lão nông giữa lòng thành phố. Hình thức biểu hiện như cây cỏ, mà tâm tư như cổ thụ giữ rừng già. Lao động nhà văn của ông Ma Văn Kháng cũng như lao động nhà nông. Cần mẫn đến ngạc nhiên. Người trồng lúa có suy nghĩ gì khác khi họ làm viêc không? Đó là công việc truyền đời từ tổ tông đến họ. Nhà văn Ma Văn Kháng có thể viết tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp bút… Bất cứ cái gì động bút đến đều thành văn. Đó là một tấm gương lao động phi thường. 
Hồi mới quen, tôi hay đến chơi khi sắp Tết. Nhưng không phải đến lúc Tết, mà ngày thường, trong tâm khảm thì tôi vẫn thấy bình yên mỗi khi nhớ đến ông. Gặp gỡ một nhà văn già như Ma Văn Kháng, thời gian sống dường như không bình thường, nó ngưng đọng đặc biệt. Vào dịp Tết, các phong tục tổ tiên sống lại, dường như nó đã được thanh lọc qua thời gian vô tận đến nay. Tiếp xúc với Ma Văn Kháng, dường như tôi thấy câu chuyện của ông cũng đã được chiêm nghiệm kỹ càng rồi, đã lọc qua con mắt nhà văn của ông mà thành chuyện kể đến tôi.
Ngày Tết người ta thường chúc nhau những lời hay ý đẹp, cố tránh những điều không tốt. Đó là cách diễn đạt hy vọng tương lai, đúc kết vào hành vi sống. Gặp một nhà văn già như Ma Văn Kháng, có thể nhìn thấy những hy vọng thông qua cách nói, cách viết và các câu chuyện của ông. 
Có một năm, tôi đến ông, than thở rằng, tại sao thời nay các nhà văn nổi sóng truyền thông lại thường không phải là nhà văn hay nhất, và tại sao những nhà văn hay nhất lại thường âm thầm ít người biết đến? Ông Ma Văn Kháng nói: Ai cũng biết là mùa xuân về, ai cũng sắm Tết. Nhưng mà những cái Tết vui tươi nhất lại là trong lòng người thì mấy ai hiểu nổi. 
Ông Ma Văn Kháng kể, thời ông còn ở Ban Chấp hành Hội Nhà văn, có người đã đến quỳ xuống trước mặt ông xin một phiếu. Đó là cách mà con người sống với dã thú. Nó coi mình như dã thú. Có khi mình viết ra những dòng nhân văn, người ta lại “phiên dịch” thành ý này ý nọ, cũng là bởi vì họ đọc văn bằng mắt người mà lòng không phải của con người… 

5.
Những nhà văn tôi quen biết đều hơn tuổi tôi rất nhiều. Những Hoàng Minh Tường, Nguyễn Khắc Trường, Bắc Sơn, Hà Phạm Phú, Hà Đình Cẩn, Đỗ Trung Lai, Chu Lai, Nguyễn Hữu Hà, Trần Quốc Toàn… và nhiều nhà văn khác. Có lẽ vì mình vốn tính tình khó chịu, già lão. Cũng có lẽ mình vốn chọn chỗ lành, thôi thì cứ nên im lặng mà nghe. Nên tôi ít có bạn trẻ hơn. Hoặc là các ông nhà văn già thường nhìn thấy tôi sự yên ổn? Tôi thường không cắt nghĩa nổi. Cho đến mấy năm gần đây, hay đi với ông Lê Văn Thảo dịp gần Tết. Tôi mới vỡ lẽ, hóa ra mình nhìn các ông ấy với tâm trạng người đời đến Tết. Nên mới ra như thế. Đón Tết thì vừa vui vừa lo, vừa mừng vừa sợ. Cũng như mình đứng trước các bậc trưởng lão cây đa đại thụ. Đón Tết thì vừa hoài cổ vừa hy vọng mùa xuân, trí thì già mà tình thì trẻ, cũng như những ông già nhà văn thâm trầm mà lãng mạn.
Các bạn già nhà văn cũng như Tết vậy, mỗi năm chắc sẽ già dặn hơn, rồi đến khi mình cũng thành nhà văn già, thì mình cũng hòa vào Tết. Để đến khi con cháu nhớ đến mình mỗi khi Tết đến xuân về. Hạnh phúc của một đời viết văn, kể như khuôn lại bấy nhiêu cũng là nhiều.


1 nhận xét:

  1. Nặc danh22:03 31/1/14

    Lâu lắm mới được đọc bài của nhà văn Nguyễn Xuân Hưng. Vẫn là lối viết mang phong cách NXH: Chậm rãi, đầy suy tư.
    Cảm nhận Tết giống như những người bạn văn già "thâm trầm mà lãng mạn" ... "trí thì già mà tình thì trẻ" ... thật sự là những cảm nhận rất lạ.
    Có điều, nhà văn viết: "Những nhà văn tôi quen biết đều hơn tuổi tôi rất nhiều ...Có lẽ vì mình vốn tính tình khó chịu, già lão ..." hình như không đúng lắm. HY đã đọc văn của nhà văn NXH và văn của nhiều nhà văn trong số những "nhà văn già", bạn của nhà văn NXH, HY cho rằng: Có lẽ tại văn chương của các nhà văn già trẻ gặp nhau ở nhiều điểm đấy thôi.
    Còn ngoài đời, tuy HY chưa được gặp nhà văn NXH, nhưng em nghe hai con em (khi đến xin sách hộ em), kể rằng: Bác NXH cả ngoại hình và cách nói chuyện đều rất trẻ trung, gần gũi và đẹp ... trai!
    (Hải Yến)

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.