31 tháng 1, 2014

Xuân Giáp Ngọ nói chuyện về ngựa hay trong Tam Quốc

Trần Đông Phong

Bước sang ngày 31 tháng 1 năm 2014 là vào năm Giáp Ngọ theo âm lịch. Năm Ngọ nghĩa là năm Ngựa. Giáp  là ngôi đứng đầu trong thiên can 10 ngôi: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí. Vậy có thể coi Giáp Ngọ là năm của ngựa đầu đàn hoặc là tuấn mã, bảo mã, hay nói nôm na là ngựa hay. Vậy thế nào là ngựa hay? Ngựa hay là ngựa phải có năng lực đặc biệt và liên quan đến nhân vật, sự kiện lớn tầm quốc gia và nếu có thơ đề vịnh thì càng thú vị. Trên các trang báo Tết năm nay nhắc nhiều đến những con ngựa nổi tiếng trong truyện Tam Quốc, như là ngựa Đích Lư cứu Lưu Bị ở Đàn Khê, ngựa Xích Thố giúp Quan Công chém tướng. Một số bài kể tên ngựa nghe rất kêu, nhưng không đúng như trong Tam Quốc diễn nghĩa, cũng như không nêu xuất xứ tên ngựa. Ngựa cứu Tào Tháo trong sự kiện Uyển Thành tên là Đại Uyển, lại gọi là Tuyệt Ảnh. Triệu Tử Long cưỡi ngựa màu trắng lại được gọi là Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử. Trương Phi cưỡi ngựa đen, nhưng lại gọi là Ô Vân Đạp Tuyết, nghĩa là Mây đen giẫm tuyết trắng, có vẻ hoa hòe hoa sói. Những tên này chủ yếu lấy từ các trò chơi games điện tử. Tuy thế vẫn còn thiếu một con ngựa quan trọng.

Bài này đề cập đến con ngựa mà chưa báo nào nói đến, nhưng có chiến tích đặc biệt trong truyện Tam quốc diễn nghĩa. Đó là là ngựa Ngọc Long của Tôn Quyền (182-252). Tôn Quyền là con thứ hai của Tôn Kiên, người mở nghiệp ở Giang Đông. Tôn Kiên truyền lại ngôi cho con trai cả là Tôn Sách, Tôn Sách lại truyền ngôi cho em là Tôn Quyền. Đến đời Tôn Quyền thế chân đỉnh mới thực sự hình thành: Đông Ngô, Bắc Ngụy, Tây Thục. Đánh giá về Tôn Quyền, người đời sau có thơ rằng (Tam Quốc diễn nghĩa, Hồi 108):

Nguyên tác:

紫须碧眼号英雄
能使臣僚肯尽忠。
二十四年兴大业,
龙盘虎踞在江东.

Phiên âm:
               
Tử tu bích nhãn hiệu anh hùng
Năng sử thần liêu khẳng tận trung
Nhị thập tứ niên hưng đại nghiệp
Long bàn hổ cứ tại Giang Đông.           

Chú thích:

- Tử tu bích nhãn: Tả Tôn Quyền râu tím, mắt xanh.
- Nhị thập tứ niên: 24 năm, từ 229 đến 252, thời gian xưng đế của Tôn Quyền.
- Giang Đông: Đông Ngô, vùng đất phía đông nam sông Trường Giang.

Dịch thơ:

Mắt xanh râu tím rõ anh hùng
Tài khiến bao người tỏ tận trung
Hai bốn năm tròn xây nghiệp lớn.
Hổ chầu, rồng cuộn ở Giang Đông.
(TĐP dịch)              

          Sự nghiệp của Tôn Quyền tuy hiển hách như thế, nhưng cũng có lúc nguy nan, may nhờ sức ngựa mà vượt qua. Đó là vào năm 213, tại địa điểm Hợp Phì đã diễn ra trận giao tranh ác liệt giữa quân của Tào Tháo và quân của Tôn Quyền. Kết quả là quân của Tào Tháo do Trương Liệu chỉ huy đại thắng, uy danh lẫy lừng khiến cho trẻ em ở đây đang khóc đêm cũng phải nín khi nghe tên Trương Liêu. Tôn Quyền thoát chết trong trận này chỉ trong gang tấc. Số là Tôn Quyền bị mắc mưu phục binh của Trương Liêu ở bắc bến Tiêu Diêu, thua chạy đến cầu Tiểu Sư, thì cầu gãy đứt hơn một trượng. Theo lời của quân lính, Tôn Quyền cho ngựa lùi lại lấy đà, rồi thúc ngựa nhảy vọt qua khúc cầu gãy, chạy thoát về phía nam. Nếu không thì lịch sử đã có thế có một trang khác. Đó là ngựa Ngọc Long. Đời sau có người làm bài thơ ca ngợi con ngựa của Tôn Quyền về sự kiện này so sánh với ngựa Đích Lư cứu Lưu Bị, mà La Quán Trung đã ghi lại trong truyện Tam quốc diễn nghĩa, Hồi 67:

Nguyên tác:

的卢当日跳檀溪,
又见吴侯败合淝。
退后着鞭驰骏骑,
逍遥津上玉龙飞.

Phiên âm:

Đích đương nhật khiêu Đàn K
Hựu kiến Ngô hầu bại Hợp P
Thoái hậu trước tiên trì tuấn kị
Tiêu Diêu tân thượng Ngọc Long phi.


Chú thích:

- Đích Lư: Tên ngựa Đích Lư cứu Lưu Bị ở thác Đàn Khê.
- Đàn Khê: Suối Đàn Khê nơi lưu Bị gặp khó được ngựa Đích Lư nhảy vọt lên cao 3 trượng chạy thoát, trong khi quân địch đuổi sát phía sau.
- Hợp Phì: Địa điểm chiến lược thường có giao tranh giữa Bắc Ngụy và Đông Ngô thời Tam Quốc.
- Tiêu Diêu: Bến sông có cầu Tiểu Sư nơi Tôn Quyền thoát hiểm.
- Ngọc Long: Tên ngựa cứu Tôn Quyền trên cầu Tiểu Sư.

Dịch thơ:

Đích Lư ngày trước vượt Đàn Khê
Nay thấy Tôn Quyền bại Hợp Phì
Lùi bước, vút roi, oai tuấn mã
Tiêu Diêu bến ấy Ngọc Long bay.
(TĐP dịch)

Sau trận Hợp Phì năm 213, Tôn Quyền củng cố liên minh Ngô-Thục và xưng Hoàng đế Đông Ngô (229-252), cục diện Tam Quốc chính thức hình thành. Rõ ràng là ngựa Ngọc Long đã đóng góp phần không nhỏ cho sự nghiệp của Tôn Quyền nói riêng và thế chia ba thiên hạ nói chung.

Thật là:

 三分鼎足浑如梦
踪迹空留在世间

Tam phân đỉnh túc hồn như mộng
Tung tích không lưu tại thế gian.

Nghĩa là:
Chân vạc chia ba như giấc mộng
Còn đây dấu vết giữa nhân gian.
                                                           (TĐP)


4 nhận xét:

  1. Nặc danh00:57 31/1/14

    Chà chà năm mới Giáp Ngọ xem một bài quá hay về ngựa

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh01:12 31/1/14

    Truyện hay thơ hay. Mình thuộc lòng Tam Quốc nhưng không thưởng thức được thơ. Nay đọc bài này, rất khoái mấy bài thơ. Cám ơn tác giả

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh10:38 31/1/14

    Truyện và thơ về ngựa hay tuyệt. HY vốn thích ngựa mà! Cảm ơn anh TĐP về bài viết đặc sắc sáng mồng một Tết Giáp Ngọ.
    Có điều, HY chưa rõ Ngọc Long đã cứu Tôn Quyền trên cầu Tiểu Sư là Bạch Mã hay Ô Mã, là giống chú ngựa nào trong mấy bức ảnh minh họa?
    HY thích Bạch Mã hơn.
    (Hải Yến)

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh12:48 31/1/14

    Ngựa mầu nào là tùy người đọc thôi

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.