23 tháng 5, 2014

Nhân Bao Công, nói về ý thức bầy đàn trong văn hóa Trung Quốc

Lời giới thiệu: Ngày 16/5/2014 vừa qua, tôi được Học viện Cảnh sát Việt Nam mời đến nói chuyện về Bao Công, với tư cách một nhà văn làm phim. Trong tình hình quan hệ chính trị với Trung Quốc căng thẳng, biển Đông nóng sôi sục, có bạn can ngăn không nên nói chuyện về Trung Quốc. Nhưng tôi cho rằng, văn hóa Trung Quốc và tiếp nhận văn hóa ấy là vấn đề lớn, nhân cơ hội này TIẾP TỤC nói về một vấn đề gai góc nhất của người Việt mà trước đây tôi đã viết trên báo chí, như loạt 7 bài "Nói chuyện với Trần Đình Hiến và Hà Phạm Phú về Trung quốc", và loạt 3 bài "Câu chuyện vô thường" đăng trên Tạp chí Nghệ thuật mới năm 2012-2013. Như vậy, nội dung và quan điểm của tôi phê phán Nho giáo, phê phán văn hóa Trung Quốc là liên tục, không phải vì quan hệ chính trị căng thẳng mà viết khác. Nhân đọc bài "Đọc lại Tam quốc diễn nghĩa dưới góc độ văn hóa" của Trần Đình Hiến đăng trên Tạp chí Tác phẩm và Dư luận số 2, đưa ra cái nhìn riêng về văn hóa truyền thống Trung Quốc, đó là ý thức bầy đàn, tôi đã vận dụng vào chuyện đọc Bao Công, cho nên phần liên hệ cũng có quan điểm giống với ông Trần Đình Hiến.
Bài nói chuyện kéo dài gần 100 phút liên tục. Nếu viết toàn bộ khoảng 17.000 từ. Nếu bạn nào quan tâm, sau đây tôi tóm lược lại khoảng 5000 từ, bỏ những tình tiết vụ án và những tóm lược tư liệu. (NXH)



A Nhập đề
Được anh Nguyễn Quang Thiều giới thiệu, các bạn mời tôi nói chuyện về Bao Công. Một lời ra đề rất chung chung. Bao Công là nhân vật rất nổi tiếng, phim Bao Công cũng nổi tiếng. Ai trong số chúng ta không biết hoặc không xem một tập phim Bao Công? Tôi suy nghĩ rất. Tôi không dám phân tích tác phẩm (dành cho giáo viên văn), không dám phân tích liên hệ về mặt hình sự của các vụ án (múa rìu qua mắt thợ). Mà có lẽ nên giới thiệu với các bạn cách đọc Bao Công. Tôi là 1 nhà văn, tôi đọc nó như thế nào. Các câu chuyện xử án của ông này thực ra là các bài tập tình huống, được các nhà văn và người làm phim sáng tạo nên. Vậy thì tôi sẽ nói về cái gì? Ca tụng hay là nên phê phán Bao Công.
Hiện nay người ta đang có một khái niệm là “xã hội học tập”, lại cổ vũ “học tập suốt đời”. Tôi hay các bạn, học 5 năm ở trường đại học, rồi sống hàng chục năm, chả lẽ cứ học 5 năm rồi ra làm được việc. Cho nên, đọc sách, ngày nay là báo chí, truyền thông, phim ảnh, cũng là quá trình tự học, tự đào tạo. Nếu học không có đầu óc phê phán thì không phải là học, chỉ là tiếp thu máy móc, không có sáng tạo.
Ví dụ về học tập suốt đời nó ảnh hưởng đến chúng ta. Khoảng thời niên thiếu, bạn đọc 1 quyển sách, bạn sẽ thấy khác, ví dụ thời niên thiếu của tôi, nghe kể về Bao công xử án, tôi mơ đến công lý, xã hội công bằng, cái ác nhất định bị trường trị. Lớn chút nữa, đi học đại học, đọc lại Bao Công, thấy có một số vô lý. Tại sao xã hội thực không có mấy ông Bao Công, hay chỉ có ở đời Tống Trung Quốc. Lớn chút nữa, cầm bút viết văn, tôi đọc Bao Công, muốn hiểu đằng sau xã hội ấy, những con người ấy ứng xử như thế nào. Khi nào bạn đọc sách, qua trang sách thấy con người, lúc đó mới tạm coi là đi hết chiều sâu văn hóa của tác phẩm.
B. Bây giờ, nên nhắc lại một chút câu chuyện về Bao Công. Trước hết, về con người của Bao Công. Tức là nhân vật lịch sử Bao Công (con người thật). Phần này chỉ là nhắc lại. Không có gì mới. Bạn nào vào Google đánh chữ Bao Công cũng ra hết thông tin.
(Tóm tắt tiểu sử Bao Chửng)
1. Từ thực tế đến huyền thoại Bao Công: Bao công làm Tri phủ Khai phong được 1 năm. Vậy 1 năm xử được bao nhiêu vụ án? Vụ án nào tạo nên tiếng tăm của Bao Công lưu truyền trong dân gian? Chưa ai biết rõ. Phần lớn là giai thoại, truyền tụng? Sau đây tôi sẽ bàn, vì sao lại thế? Muốn bàn đến điều này, phải hiểu con người Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc?
2. Huyền thoại Bao Công dai dẳng trong dân gian, tôi chưa có tư liệu chính thức về tiểu thuyết, truyện về Bao Công. Nhưng chỉ biết là các tác phẩm phóng tác rất nhiều. Về tiểu thuyết, truyện Bao Công. Chắc chắn những giai thoại về Bao Công được viết thành sách rất nhiều. Đại Lục và Đài Loan đều phóng tác. Trung Quốc có truyền thống trường thiên tiểu thuyết, với từng nhân vật, từng triều đại sau này cũng gia công thành các bộ sách rất đồ sộ. Ví dụ Thất hiệp ngũ nghĩa (khuyết danh) viết theo lối chương hồi, đầu và cuối chương có 2 câu thơ, cuối chương có thể có “xem hồi sau sẽ rõ”, lưu hành 100 hồi, thêm thắt các nhân vật kiếm hiệp, hảo hán.
Bao Công xử án của Trần Văn Thủy (26 chương) là loại sách kể về các vụ án của Bao Công, điểm xuyết một số nhận xét về tình huống vô lý, về kiến thức luật pháp, kiểu như lời bàn Mao Tôn Cương của Tam quốc. Nhưng về mặt văn học, có thể nói giá trị văn học cực thấp, nếu không nói là con số không. Qua bản dịch ngôn ngữ miền Nam, nói thật là không thể đọc nổi. Các câu chuyện có thể phân loại thành mấy mô-tuyp: Thường là có viên tri huyện xử oan sai trước, sau đó Bao Công tình cờ đi đến mà xử lại; hoặc có một số vụ án cần đến các giấc mơ báo mộng để phá án; một số vụ án có yếu tố ma quỷ, thậm chí Bao Công phải lên thiên đình nhờ đến các thần mới giải nổi.
Với các bạn làm nghiệp vụ liên quan đến pháp luật, tôi khuyến khích các bạn đọc tác phẩm này, nhưng nên bóc lớp vỏ ngôn ngữ, phân tích các tình huống. Tình huống có hai cách hiểu: phù hợp với bối cảnh câu chuyện, đó là xã hội và con người thời Tống Trung Quốc, và liên hệ với thời nay. Với tôi, còn một thao tác nữa, đó là mức độ nghệ thuật của các chi tiết hư cấu.
3. Sau đây, nói về nhân vật Bao Công trong bộ phim Bao Thanh Thiên. Kể từ khi bộ phim này ra đời, nhân vật Bao Công bắt đầu nổi tiếng. Các diễn viên cũng được nhiều giải thưởng ở Đài Loan và Đại lục. Những bài hát trong phim này sau đó tách ra cũng là những tác phẩm âm nhạc đặc sắc. (Tóm tắt về hành trình từ 236 tập phim năm 1993 đến nay đã gần 1000 tập, sau khi tiếp tục làm Tân Bao Thanh Thiên từ 2008)
4. Như vậy, Bao công  xử án cả đời không hết các vụ án mà ngày nay người ta truyền tụng. Tất nhiên đó là vô lý. Đây chỉ là nhân vật Bao Công, lấy Bao Chửng làm nguyên mẫu. Các vụ án cũng do các tác giả dân gian và các nhà làm phim dựng lên mà thôi. Cho nên, có thể thấy chuyện Bao Công mà quần chúng nhân dân thường truyền tụng, hoặc được biết qua phim ảnh là 1 phần thực 99 phần giả.
5. Như vậy, từ Bao Công nhân vật lịch sử đến Bao Công nhân vật điện ảnh, là cả một khoảng dài, khác xa nhau. (…)
6. Nói về sự phóng tác, phải kể đến truyền thống tiểu thuyết của Trung Quốc. Văn học Trung Quốc có truyền thống tiểu thuyết, đặc biệt có nhiều bộ tiểu thuyết lớn. Từ một chi tiết, phóng tác thành tiểu thuyết dã sử đồ sộ. Người Trung Quốc chấp nhận tiểu thuyết như một bộ phận đời sống. Có khi tiểu thuyết còn sống lâu bền, có sức sống mạnh hơn sự thật lịch sử. Điển hình là Tam Quốc diễn nghĩa. (…)
7. Với Bao Công, họ phóng tác thế nào? Có Triển Chiêu, tức là tài liệu lịch sử ghi lại rằng có 1 ông Triển Chiêu làm Thị vệ bên cạnh Bao Công, hàm tứ phẩm. Nhưng khi biến thành Triển Chiêu võ công xuất chúng, thì chỉ có sản phẩm của nền điện ảnh Đài Loan, quê hương của Kim Dung. Ngoài ra, các nhân vật Công Tôn Sách, Trương Long, Triệu Hổ, Vương Triều, Mã Hán hoàn toàn hư cấu. Nó có tác dụng bồi dầy thêm giai thoại, hiện thực hóa giai thoại, tạo ra cảm giác Bao Công có một bộ máy giúp việc đắc lực. Về hư cấu Bao Công, có những điểm chú ý sau:
Thứ nhất, mặt Bao Công không đen và cũng không có vầng trăng trên trán. (…) Thứ hai, Bao Công sống với cha mẹ, chứ không phải là vì sinh ra mặt đen mà bị cha mẹ bỏ đi, do “Tẩu nương” (chị dâu) nuôi nấng. (…) Hiện nay, hậu duệ của Bao Công có trên 100.000 người, tập trung nhiều nhất ở hai thôn Đại Bao và Tiểu Bao thuộc xã Giai Tập, huyện Phì Đông, tỉnh An Huy, Trung Quốc.  Thứ ba, Bao Công làm quan phủ doãn phủ Khai Phong, ở phủ Khai Phong xử án chỉ có 1 năm, (…)
8. Với các vụ án, họ phóng tác thế nào? tựu trung lại là lấy xưa nói nay, lấy chuyện xưa mà nói chuyện ngày nay. Vấn đề là vụ án ấy phải khoác tấm áo bối cảnh lịch sử của thời Bao Công mà thôi. Nhưng nếu nói về các vụ án, thì Seloc Hom cũng phá án các vụ án như vậy, Acsen Lupanh cũng phá án các vụ án… Từ đó, chúng ta có thể thấy xã hội phương đông- phương tây, quan hệ con người trong 2 xã hội ấy khác nhau. (…) Muốn tìm hiểu điều này, có lẽ chũng ta tìm hiểu qua bối cảnh thời Bao Công sống, sau đó mảnh đất xã hội nảy sinh các giai thoại Bao Công
9. Bao công (nhân vật lịch sử) sống vào thời kỳ nhà Tống.
(Tóm lược hoàn cảnh lịch sử thời Tống)
Tóm lại, do phát triển cực thịnh, mà các quan hệ xã hội phức tạp, nảy sinh nhiều mâu thuẫn, nhiều vụ án. Các quan lại phải đối mặt với những vụ án tinh vi hơn, phức tạp hơn. Con người trong một thời đại phát triển tiểu thủ công nghiệp, tức bứt phá ra ngoài nông nghiệp, hay du mục truyền thống, thì cũng có nhận thức tốt hơn. Điều này là mảnh đất tốt cho các nhà làm phim, hay nhà văn hư cấu các tình tiết, tạo ra các tình huống ly kì.
10. (…) Vì sao những chuyện Bao Công hầu hết là hư cấu, mà người xem vẫn nhiệt liệt hoan nghênh, họ vẫn tin trong đời có ông Bao Công như vậy? Và, nhất là đối với các bạn Việt Nam, xem phim Trung Quốc, đọc tiểu thuyết Trung Quốc, ta phải hiểu các câu chuyện ấy như thế nào? Tôi đặt vấn đề thế này: Nếu châu Âu, Mỹ xem Bao Công có thích không? Chắc chắn họ cũng sẽ xem, nhưng họ không thích. (…) Văn hóa phương Tây đề cao chủ nghĩa nhân văn, không chấp nhận các biểu hiện của một xã hội Nho giáo, không chấp nhận mẫu quân tử Tàu. Nên họ cho đó là bộ sách làm băng hoại con người. Trở lại chuyện Bao Công. Trước khi xem xét một số điểm về các vụ án của Bao Công, phải xem xét câu chuyện Bao Công dưới góc độ văn hóa Trung Quốc.
11. Trong các vụ án, Bao Công luôn có một cái gọi là “thượng phương bảo kiếm”. Nếu không có cái ấy, Bao Công có làm gì nổi không? Tự các bạn trả lời. Vấn đề là tại sao Tống Nhân tông trao thượng phương bảo kiếm cho Bao Công, mà các ông vua khác không trao, hoặc trao “vụ việc”, xong rồi thu về. Hoặc không tin, không trao? Bao công làm gì, dù ông ta có tài giỏi đến mấy, không có thượng phương bảo kiếm cũng khó mà làm gì được. Đó là biểu hiện rõ nhất quyền lực của hoàng đế trong xã hội Trung Quốc. Văn hóa truyền thống Trung Quốc chấp nhận Nho giáo là lý thuyết để tổ chức xã hội, trong đó vua là cao nhất, là thiên tử. Vua bảo chết phải chết. Vua không có lỗi. Vua là luật pháp. Vua sáng thì đời thịnh, vua tối thì đời suy. May thay Bao Công sống trong thời thịnh. Sau này, có lẽ câu chuyện về Bao Công truyền tụng trong dân gian cũng là một ước mơ, một hy vọng về thời minh quân thịnh trị. (Bây giờ tại sao chúng ta thấy đúng, tất nhiên và tự nguyện học tập Bác Hồ, kể mãi câu chuyện về Bác Hồ, cũng như Trần Nhân tông viết “người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong. Thời Nguyên Phong vua Trần Thái tông đánh giặc Nguyên, chắc chắn đó là thời thịnh) Các bạn chắc học nhiều về luật, chắc biết rõ nguyên tắc xét xử hiện đại, xét xử là thượng tôn pháp luật. Loài người hiện đại chấp nhận nguyên tắc tổ chức xã hội lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhưng xã hội Nho giáo Trung Quốc thì không như vậy. Có điều tương tự với xã hội phong kiến Việt Nam, nhưng các điều luật của Việt Nam khác với Trung Quốc.
Tóm lại, xã hội Trung Quốc không chấp nhận pháp trị. (Có chuyện Hàn Phi Tử bàn và hô hào pháp trị từ Xuân thu chiến quốc, thời mà bách gia chư tử nở rộ, khi đó Nho giáo chưa cuất hiện, xã hội còn có hơi hướng dân chủ. Sau này, Vương An Thạch đã cải tạo đổi mới theo hướng pháp trị, nhưng vấp phải tư tưởng cổ hủ của tầng lớp Nho sĩ Trung Quốc) Vậy tại sao lại thế, vẫn phải xem xét, bàn về văn hóa.

12. Nói xã hội Trung Quốc cổ đại không có nguyên tắc “pháp trị” (mặc dù pháp ở đây là vương pháp), vua là con trời, vậy thì nó có phải là “nhân trị” không? Theo ông Trần Đình Hiến, nhà Trung Quốc học, dịch giả các tiểu thuyết Trung Hoa (Tô tem sói, Mạc Ngôn) thì thực tế lịch sử Trung Quốc không chấp nhận nhân trị, vì nhân trị là chính trị của một người. Nhân trị từng có trong lịch sử Trung Quốc, nhưng đó chỉ là cá biệt. Các các nhân dù có xuất sắc đến mấy, thì họ cũng bị lịch sử tiêu diệt. Vì bản chất nó đối lập với tinh thần Trung Hoa, tư tưởng Trung Hoa, đó là ý thức bầy đàn. Nếu hiểu được lẽ này, thì vua cũng là bé nhỏ, ngay nhà vua cũng không bao giờ coi công lao của cá nhân, mà phải nói “nhờ phúc ấm tiên tổ, nhờ oai linh công đức của thần thánh phù hộ”. Tóm lại, khi mà đặt cá nhân vào trọng tâm, thì cá nhân ấy sẽ không còn đất sống. Bao Công có thể rất liêm chính, dùng thượng phương bảo kiếm rất đúng đạo lý, nhưng ông bộc lộ cá tính, vậy thì ông ở phủ Khai Phong một năm, cũng là dài. Phần còn lại là là truyền tụng, đó là ước mơ về một ông quan thanh liêm.
13. Nếu nói xã hội Trung Quốc không phải pháp trị, nhân trị, thì là gì? Thực chất, có thể nói, đó là “lễ trị”, “đức trị”. Trên đây nói nhân trị chỉ là cá biệt, là ứng với một số thời kỳ đặc biệt, có chiến tranh, loạn lạc. Còn thời bình cứ khư khư giữ cái nhân trị, ắt sẽ bị tiêu diệt. Thời bình, vua ngu vẫn tồn tại, vì cơ chế định hình rồi. Cơ chế đó là Lễ. Lễ nghi phải thế. Ai thi hành lễ? Đó là ông quan. Cho nên xã hội phong kiến Trung Quốc thực chất là “quan trị”. Dân trí Trung Quốc cổ đại thực chất là quan trí. Khi có quan trị, thì đức trị lên ngôi. Quan có đức thì Lễ thi hành tốt, Quan không có đức thì Lễ ngả nghiêng. Bao Công là hình ảnh của một ông quan có đức. Chính trị của Bao Công là Lễ trị và Đức trị.
14. Bây giờ, chúng ta bàn xem cái lễ và đức ấy là cái gì? Biểu hiện rõ nhất của Lễ, theo lý luận Nho giáo, đó là tôn ti. Quân tôn (cao), thần ti (hèn). Quan tôn, dân ti. Tôn là đại diện chân lý, đạo đức, ti là hèn, ngu, phải dạy bảo. Cho nên muốn lời nói của mình có trọng lượng, thì phải làm quan, nếu không chả ai thèm nghe. Hoàng đế dù mới lọt lòng cũng phải phủ phục xuống lạy nó, nó khóc oe cũng hô “Hoàng thượng sáng suốt”. Tóm lại, theo ông Trần Đình Hiến, có thể tóm tắt trật tự xã hội, văn hóa Trung Quốc trong “tam minh”: Hoàng đế thánh minh, quan trên cao minh, cấp trên anh minh. Do đó, Bao Công xử án, mang chém người cũng có tôn ti: Long đầu trảm, hổ đầu trảm, cẩu đầu trảm. Phạm tội vi phạm lễ giáo, con dao chém cũng có tôn ti của dao.
15. Đó là nói về Lễ trị. Còn Đức trị là gì? Biểu hiện nó là gì? Lễ khống chế, quy định hành vi của ông quan, đức thì không có quy định, nó chỉ được điều chỉnh nhờ văn hóa, phong tục, nhờ tu dưỡng rèn luyện. Đức là dòng chảy ngầm trong ông quan, không thi thố cụ thể được. Nếu quan có đức thì xã hội an lành, dân yên vui. Có ông Bao Công thì xã hội mới yên, kẻ gian sợ, vua trị nước được tiếng là minh quân, mà dân thì vui sống. Vậy thì đức là mục đích, mà lễ là phương tiện. Vậy thì cái đạo đức thay pháp chế đó là loại đạo đức nào? Điều này phải xem xét đến văn hóa mới giải đáp nổi.
16. Pháp chế chỉ quy định người ta không được làm gì, chứ không quy định cụ thể phải làm cái gì? Trong xã hội pháp quyền hiện đại, nhờ có dân trí, dân chủ mà xã hội phát triển. Muốn có dân chủ, dân trí, thì cá nhân được đề cao, chủ nghĩa nhân văn có nội dung mới. Muốn xã hội pháp quyền, mọi người phải bình đẳng trước pháp luật. Còn xã hội Trung Quốc, phải xử lý quan hệ người với người, trong xã hội ý thức bầy đàn rất lớn, thì pháp trị bất lực. Người ta cần phải quy định chuẩn mực ứng xử, đạt được nó là người quân tử, là có đức. Đó là bộ nguyên tắc “ngũ thường” các tiêu chuẩn con người của Nho giáo: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và các nguyên tắc ứng xử về tôn ty: Tam cương. Người có đức là quân tử, hay gọi luôn là hảo hán, người Hán tốt, tóm gọn nguyên lý ứng xử là Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Trong xã hội có ý thức bầy đàn, không thể quy định không được làm gì, mà phải quy định anh chỉ được làm những gì. Cái chỉ được làm đó là đức. Hành xử có các quy tắc, làm gì cũng không được khác với luật lệ. Cho nên đạo đức có thể thay pháp chế, mà pháp chế không thay nổi đạo đức. Trong xã hội ấy, tất cả đều tốt chỉ là lý tưởng, vì không bao giờ có, cho nên ắt sinh ra cái xấu, sinh ra những con người làm nhiều việc khác với bầy đàn, việc xử án cũng là một cách loại trừ cái xấu, Bao Công là một hy vọng và sống mãi trong văn hóa Trung Quốc cũng vì vậy.
17. Ở đây, có một mâu thuẫn lớn: Muốn ông quan tốt, thì không tránh khỏi phải có cá tính. Nhưng xã hội bầy đàn với những nguyên tắc tôn ti không thể dung hòa cá tính. Phủ nhận cá tính, phủ nhận giá trị cá nhân làm nên bầy đàn, đó là một cái vòng quẩn của xã hội Trung Quốc. Cho nên, muốn làm quan tốt, muốn xét xử tốt như Bao Công, đôi khi cũng phải làm chệch đi, tức là vi phạm cái gọi là Lễ để giữ cá tính. Một ví dụ về việc chém viên quan tên là Lỗ Trai Lang.
o (tóm lược vụ án Bao Công lừa vua để chém viên quan tham thân cận của vua)  Thực ra, Bao Công đã lừa Hoàng đế. Hoàng đế phê văn từ nhiều, không thể nhớ hết được. Bao Công viết chữ Ngư Văn Tức, sau khi được phê, thì thêm nét, thành chữ Lỗ Trai Trang.
18. Trong xã hội Trung Quốc, muốn xét xử công minh, cần phải có trí tuệ sắc bén, có kiến thức về tự nhiên, xã hội. Bao Công đã là người như vậy. Ông ta phân xử, dùng đức trị để giải quyết các mối quan hệ, nhằm đạt đến mục tiêu xã hội lý tưởng. Trong quá trình đó, tự ông trở nên có cá tính, vượt ra ngoài ý thức bầy đàn. Ngay cả vương pháp, có lúc cũng bị vượt qua, như ví dụ trên đây, phải lừa cả hoàng đế. Xét theo ngôn ngữ hiện đại, thực sự Bao Công cũng phạm vào tội gian trá, sửa chữa hồ sơ. Ví dụ về phải dùng lừa bịp để đạt đến mục đích là ví dụ điển hình để nói rằng, dùng phi đạo đức để đạt đạo đức trong văn hóa Trung Quốc. Suốt chiều dài lịch sử, muốn duy trì bầy đàn, hoặc là bạo lực, hoặc là lừa bịp. Bao công phải lừa bịp, lừa cả Hoàng đế để thực hiện công lý, đạt mục tiêu đạo đức. Cái đạo đức ấy thực chất là duy trì bầy đàn, tiêu diệt cá tính, thực chất cũng là thứ phi đạo đức. Cái tinh vi của văn hóa Trung Quốc, cái xấu xa về bản chất của Nho giáo chính là ở chỗ này. Anh phải dùng Lễ giáo, những Tam cương, Ngũ thường để lừa bịp con người, duy trì con người vào bầy đàn. Đó là mặt ghê tởm nhất của Nho giáo. Ít ai nhận thấy.
19. Tóm lại, những vụ phá án của Bao Công, một thực trăm giả. Cái giả là do đời sau dựng lên. Bao Công xử án không thượng tôn pháp luật, mà dùng Lễ (biểu hiện của vương pháp) để thay các điều luật, để đạt đến đức trị. Nhưng cái mục tiêu đạo đức ấy cũng lại là phi đạo đức, vì nó không góp phần vào nâng cao phẩm giá con người. Dù cho các nghi can bị xử, hay nạn nhân thắng án, thì cuối cùng cũng là duy trì cuộc sống bầy đàn, tiếp tục tư tưởng bầy đàn trong xã hội cổ đại Trung Quốc mà thôi. (Mở ngoặc về chuyện này. Nếu bạn nào đọc cuốn Tô Tem Sói của Tác giả Khương Nhung (TQ) do Trần Đình Hiến dịch, sẽ thấy dòng chảy văn hóa Hán ở đây. Mượn chuyện mô tả đời sống người Mông ở khu nội Mông, chuyện thần thánh hóa sói, lấy sói làm tô tem, mà Khương Nhung coi bản chất của người Hán là cừu, không thể địch với người Mông là sói. Hoặc các dân tộc đã đô hộ Hán như Nguyên, Thanh cũng là bản chất sói. Cuốn tiểu thuyết đã gây tiếng vang, khiến các Ủy viên Bộ Chính trị phải đọc, sau đó họ nhiệt liệt hoan nghênh. Đó là liệu pháp mà binh pháp nói là “khổ nhục kế”. Người Hán muốn vùng lên thoát khỏi nốt cừu, thì rồi cũng tiến đến gần như sói, cũng là bầy đàn cả mà thôi. Dù sao, làm đàn sói còn hơn đàn cừu) Chuyện cách đây 30 năm, ngày nay đàn cừu Hán đang trở thành đàn sói thật rồi.
20. Vậy bài học trong các vụ án của Bao Công là gì? Trước hết đó là bài học về quan trí. Làm quan thanh liêm, hết lòng vì con người. Dĩ nhiên là con người trong tư tưởng của Bao là cá thể của bầy đàn, chứ không có giá trị nhân văn như cách hiểu hiện đại. Nhìn chung các vụ án tình tiết lắt léo, do con người trong xã hội Trung Quốc, phải sống trong một xã hội Nho giáo tôn ty hà khắc, nên tự nhiên phải có thủ đoạn sống. Điều mà lịch sử Việt Nam gọi là “thâm”, người Tàu thâm nho, là như vậy. Do con người phải toan tính, nhiều thủ đoạn sống thấp hèn, mà các vụ án cũng tinh vi hơn, đòi hỏi phá án phải có kiến thức rộng. Đối phó với nghi can thủ đoạn, thì người xử án cũng phải thủ đoạn hơn một bậc. Bao Công đã xuất hiện trong lịch sử như vậy, nên dù ông chỉ xử 1-2 vụ án, mà tiếng tăm ông còn mãi.
o Tóm lại, Bao Công trong tác phẩm là một ông quan hư cấu, ông ta hiểu hơn ai hết bản chất của con người Trung Hoa. Phải hiểu rất rõ con người mới xử được những vụ án đó. Một ví dụ về vụ án đêm tân hôn. Tên nhân vật tôi không nhớ. Tóm tắt là trong đêm tân hôn, hai vợ chồng đều con nhà quyền quý, có học. Cô vợ bày đặt ra rằng: Thiếp cho chàng một vế đối, chàng đối được thì mới được vào phòng tân hôn. Dĩ nhiên anh chồng lúc đó thì không còn đâu tâm trí mà đối, bèn bực bội bỏ đi uống rượu với bạn, rồi giận dỗi nói với các bạn là sẽ ngủ đến sáng không về. Rượu vào lời ra, anh ta kể chuyện như thế như thế. Cuối cùng, mọi người uống say khướt cùng ngủ. Nhưng trong số đó thì có 1 anh không say, sau khi mọi người ngủ thì anh ta lẻn về nhà anh mới cưới, lẻn vào phòng cô dâu. Hai người mây mưa, đến gần sáng anh chồng thật mới về. Hai người đối đáp, té ra cô vợ nhầm. Cô vợ thắt cổ tự tử. Mọi người cho rằng anh chàng kia giết vợ. Phải đến Bao Công mới tìm ra chân tướng sự việc.
Câu chuyện này, nếu đặt vào hoàn cảnh thời Tống, thì có thể xảy ra. Bởi vì hôn nhân xã hội Nho giáo là do bố mẹ đặt. Qua mai mối, các thủ tục nhiêu khê cưới hỏi, rồi đến khi đón dâu vào động phòng hai người vẫn che mặt. Phim ảnh, tiểu thuyết Trung Quốc lấy đề tài tráo dâu, tráo rể nhiều rồi.
Nếu bạn đọc ngày nay, có thể đặt ra nhiều nghi vấn. Cái vô lý ngày nay không tin, đó là việc vợ có thể nhầm chồng. (mặc dù cái vô lý ấy là có lý). Còn tình tiết hư cấu thì mới là vô lý. Một loạt các yếu tố tình cờ chen vào, khó mà phá án: Tại sao cô vợ lại tắt đèn khi chồng về? Tại sao nhà không nuôi chó? Tại sao vợ không thấy chồng nói gì mà vẫn chịu, trong khi trước đó thì bày đặt ra câu đối?
21. Bài học về hiện tượng tác phẩm phim ảnh, tiểu thuyết Bao Công là gì? Các tác phẩm về Bao Công thuộc phạm trù văn hóa, bài học của nó cũng nên xét ở bình diện văn hóa. Người viết về Bao Công, cũng phải hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc (dân tộc ở đây là dân tộc Trung Quốc). Phải hiểu độc giả mới làm cho họ say mê đến thế. Người Trung Quốc luôn luôn đề cao sức mạnh văn hóa. Cái gọi là ý thức bầy đàn của văn hóa trong quá khứ, cũng có tác dụng lớn là hình thành tâm lý dân tộc, tư tưởng dân tộc. Bao Công được hoan nghênh, có thể là vì Bao Công thu lại “túi khôn” của người Hán thời quá khứ, đó cũng là một cách tuyên truyền văn hóa truyền thống. Nên có đến hàng trăm vụ án, gần một nghìn tập phim, mà người ta vẫn hoan hỉ xem. Có lẽ Bao Công là điển hình của trí tuệ con người Trung Quốc, khôn ngoan, tài năng, muốn đạt mục đích bất chấp thủ đoạn, cũng muốn công bằng xã hội, cũng thấy bất bình thì không tha…. Vân vân.
22. Có người nói, Bao Công xử án là cách nghệ sĩ bày tỏ sự phản kháng với xã hội phong kiến, tố cáo xã hội đầy rẫy những bất công, tệ nạn. Nói thế thì xã hội còn có xử án thì xã hội dở à? Không phải như vậy. Bao Công không có phản kháng trong tư tưởng, mà ngược lại, ông chấp nhận xã hội ấy, yêu say mê xã hội ấy chứ. Có yêu chế độ mới thực thi điều luật vì nó. Nhưng cách mà các nhà làm phim, hay tiểu thuyết trình bày xã hội nhà Tống, cách mà Bao Công phải lao tâm khổ tứ để phá án, chính là cách đem đến thông điệp về một xã hội Nho giáo, trong đó con người chỉ là con ong cái kiến, một cá thể vô thức trong bầy đàn mà thôi. Cái giá trị tố cáo nếu có thì nằm ở đó. Tố cáo mặt thật của văn hóa xã hội cổ đại, do Nho giáo làm băng hoại con người, chứ không đơn giản là tố cáo xã hội phong kiến có những ông quan tham nhũng.
23. Bài học về dùng xưa nói nay và dùng nay soi chiếu xưa. Đôi khi chuyện dùng các tích cũ về các vụ án để giáo dục văn hóa truyền thống, nói cái trí khôn của Bao Công. Nhưng nếu các bạn ngày nay xem phim Bao Công, không có đầu óc phê phán thì không thể rút ra được bài học thật sự. Lúc nào cũng xuýt xoa Bao Công tài, Triển Chiêu giỏi, Công Tôn Sách hay, thì cũng sẽ ngập chìm trong cái bể rối rắm tung hứng của các thủ đoạn quan hệ xã hội Trung Quốc. Ví dụ: Có ai thử đặt câu hỏi, tại sao Bao Công là tri phủ Khai Phong, mà suốt ngày xử án? Hoặc các tri huyện cũng phải xử án? Ngày nay có làm được thế không? Không được. Bởi vì ngày nay hành pháp không thể đồng thời làm việc của tư pháp. Cho nên việc oan sai là rất dễ xảy ra. Quá nhiều oan sai, nên mới có Bao Công thành hình tượng được truyền tụng như vậy.
24. Ví dụ một vụ án, (có tình tiết lắt léo) ta sẽ phê phán và tìm hiểu nó như thế nào? Vụ án con nhện đoán án. Ta thấy gì trong vụ án này: Có đầy rẫy vô lý.
* Vụ án trên đây điển hình là loại vụ án hiếp dâm trong các vụ án Bao Công xử:  Ví dụ: Vụ án cái chổi, chỉ vì mâu thuẫn chị em dâu mà người em dâu tự tự chết. Quan huyện tập trung khai thác các chi tiết, theo suy đoán mâu thuẫn người- người mà giết nhau. Sau đến Bao Công suy luận theo hướng khác, chỉ vì bị mang tiếng nhục oan thông dâm với anh chồng mà nạn nhân tự tử. Ở đây yếu tố văn hóa lại một lần nữa là một nút thắt. Người đàn bà trong xã hội Nho giáo có địa vị thấp lắm, chịu các Tam cương như gông cùm, áp lực tâm lý kinh khủng. Dù cho cực khổ mấy cũng chịu được, nhưng mang tiếng nhục vi phạm tam cương thì chỉ có đường chết.
* Có một mô tuýp vụ án kiểu như phân xử trộm vặt: Trộm ngỗng, trộm ô… Trộm ngỗng thì hỏi xem con ngỗng ăn gì, phân mầu gì (ai nuôi mới biết), trộm ô thì chia đôi cái ô, mỗi người một nửa ô rách, anh nào vui hớn hở thì đích thị là kẻ cướp. (Đó là dạng túi khôn trong dân gian)

25. Các vụ án và giai thoại phá án trong lịch sử Việt Nam.
Phí Trực phá án:
Đoàn Khung xử chữa cháy:
26. Vụ án oan liên quan đến Trần Quốc Chẩn
27. Nếu nói các vụ án, đặc biệt là án oan trong lịch sử Việt Nam thì không ít. Vụ án Lê Văn Thịnh. Hoặc vụ án Lệ Chi viên, chu di tam tộc Nguyễn Trãi. Hoặc vụ án liên quan đến Tuyên phi Đặng Thị Huệ thời Lê Trung Hưng, chỉ vì tranh ngôi thế tử mà hàng chục quan lại dính lao tù, trong đó có Nguyễn Khản (anh của Nguyễn Du). Hoặc vụ án oan Trần Nguyên Hãn Hoặc vụ án Lê Văn Duyệt thời Minh Mạng, Vân vân…
Soi chiếu trong lịch sử Việt Nam, có thể rút ra nhiều bài học quý từ những vụ phân xử, vụ án liên quan đến các nhân vật lịch sử. Tiếc rằng, Việt Nam không có những ông quan nổi danh như Bao Công. Cũng là vì, lịch sử văn hóa, lịch sử tư tưởng người Việt khác với người Hán. Các bạn là những trí thức, cần phải hiểu sâu sắc vấn đề này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.