6 tháng 12, 2012

Từ "gia đình" trong tiếng Việt

 Theo yêu cầu của một bạn E 12:38 trong bình luận bài Gia đình của LPT sưu tầm, tôi xin nói chữ “gia đình”, trong tiếng Việt và âm Hán Việt. Bài dài nên để riêng ra đây.
Gia đình (tương đương trong tiếng Anh “family”) được cấu tạo từ 2 thành tố “gia” và “đình”, dùng để chỉ đơn vị sinh sống của một cặp đàn ông, đàn bà sinh con đẻ cái dưới một mái nhà. Đó là từ Hán –Việt, nên nguồn gốc xuất xứ của nó là vay mượn ở CHỮ HÁN. Ngoài lề: Có lẽ xưa kia người Trung Quốc đô hộ dân Việt, mang chữ của họ sang, nhưng người Việt không uốn lưỡi đọc chính xác như người Hán, mà cứ tiếng “bồi” mà đọc. Lâu dần thành âm Hán –Việt, rồi hình thành kho tàng từ Hán –Việt. Cho nên từ Hán Việt, không phải là từ Hán, nó chỉ được dùng cho người Việt, là di sản văn hóa Việt.

Tuy nhiên, Chữ Hán là loại chữ chiết tự. Từng cụm từ cũng chiết, mà từng chữ cũng chiết. Từ phát âm Hán -Việt là “gia” (dĩ nhiên người Hán đọc là gì đó, chứ không phải “gia”) thì có đến 50 chữ. Trong đó chỉ có 1 chữ nghĩa là “nhà” dùng trong từ "gia đình". Từ "nhà" này chữ Hán là 家,. đây là ghép của bộ miên (宀) nghĩa là nhà và chữ thỉ (lợn) bên dưới mái nhà. Từ có phát âm Hán -Việt là “đình” thì có 21 chữ, cũng chỉ có 1 chữ có nghĩa là “sân trước” dùng trong từ ghép “gia đình”. Như vậy, gia đình theo quan niệm cổ xưa của người Hán là “nhà nuôi con lợn, có cái sân”. Gia đình là bước tiến hóa quyết định hình thành xã hội loài người văn minh, từ giã cách sống quần cư trong hang đá, từ bỏ săn bắn mà nuôi gia súc. Nếu cứ từ nguồn gốc mà xét, thì gia đình (trong chữ Hán) chỉ để chỉ nơi chốn, có vật nuôi để sinh sống, không đề cập đến chủ nhân trong nhà.
Hiểu từ gia đình của người Hán như thế, nên khi đi Trung Quốc, tôi mới vỡ lẽ người Hán tổ chức gia đình lớn gồm bố mẹ, ông bà, con cái là các gian nhà quây quanh một cái sân rộng, hình chữ nhật hoặc vuông. Tứ đại đồng đường của họ là mô hình nhà hình chữ “khẩu” như thế.
Tương đương với từ “gia đình” thì tiếng Việt có từ “nhà”, vừa ngắn gọn, vừa dễ hiểu. Biến thể từ “nhà” trong tiếng Việt rất thú vị. Ông Nguyễn Công Hoan đã viết hẳn một bài khảo luận quanh một chữ “nhà”. Cũng là từ “nhà”, nó biến thể rất khác nhau. Vợ chồng gọi nhau là “nhà”. Ngày xưa người trẻ vợ chồng gọi nhau “Nhà ơi”, hoặc “Nhà làm cho tôi cái này cái kia”. Nói với người khác thì âu yếm nói về “nhà tôi”. Cho nên có câu chuyện, đồng chí Việt mang vợ ra giới thiệu với đồng chí Liên Xô là “ec tơ môi đôm” (như tiếng Anh This is my hause). Cách gọi này ảnh hưởng đậm của người Hán chăng?. Từ gia cũng chỉ các tôn xưng như gia phụ, gia huynh, gia nhân… Tuy nhiên, gọi nhau là “nhà” hoặc “nhà tôi” thì người Hán chịu, vì người Hán gọi chồng là “phu quân”, dùng chữ “quân” (tôn trọng) chỉ đàn ông, gọi vợ là “phu nhân”, dùng chữ “nhân” (xa lạ thấp kém) gọi đàn bà. Cách gọi vợ chồng là “nhà” chính là đặc sắc Việt Nam. 
Để chỉ người giỏi một lĩnh vực, người Việt cũng như người Hán, gọi các chuyên gia là nhà, nhà văn, nhà bác học, nhà nông học, nhà chính trị… thế mà gọi vợ là “nhà tôi” thì chính là “chuyên gia giỏi về tôi” (dĩ nhiên phải giỏi mọi thứ rồi), thể chả phải là cách tôn vinh người vợ hay người chồng mình hay sao? Nói thế tức là vợ hay chồng phải hiểu nhau hơn mọi người khác. "Chuyên gia về tôi" cơ mà. Đó là giá trị quan trọng nhất của gia đình. Family của đồng chí Anh hay Gia đình của đồng chí Hán có mà chiết tự trời gì cũng không như vậy.
Do đó, theo tôi “family” tương ứng với “gia đình”, nhưng không có nghĩa là “nhà”. Nhưng “nhà” trong tiếng Việt thì có một nghĩa đúng là thế, mà lại là từ chỉ chính con người yêu nhau làm việc sinh con đẻ cái trong cái nhà ấy. Thế mới tài. Gia đình thuần Việt, tức là có vợ, có chồng, vợ chồng hiểu nhau, yêu nhau. Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn, thực ra là một câu tôn vinh giá trị gia đình.
 Tiếc thay, cách xưng hô ấy giờ đây có vẻ sắp trở thành cổ xưa. Người trẻ tuổi ảnh hưởng của tập quán phương Tây, gọi nhau anh anh em em, rồi anh ấy, em ấy, rồi "ông xã", đặc biệt là "ông xã", "anh xã", chả có nghĩa lý quái gì cả.
(NXH)

4 nhận xét:

  1. Hay! đến tuổi này mới đi tìm khái niệm GIA ĐÌNH kể cũng đã muộn. Hiểu khái niệm tây, tàu, Việt rồi ta mới thấy vai trò của gia đình quan trọng như thế nào trong đời sống xã hội. Cảm ơn NXH và LPT đã gợi mở ý tưởng mới(NCT)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh22:16 8/12/12

      Cảm ơn anh XH nhé!thông thường,có lẽ đa phần mọi người chỉ hiểu GIA ĐÌNH theo nghĩa cảm nhận rằng: gia đình là nơi ta được về nương náu,là nơi ta yêu thương và được yêu thương,là bến đỗ bình yên trong mọi giông tố cuộc đời..giờ mới được hiểu sâu xa về mặt ngữ nghĩa hai chữ GIA ĐÌNH. Chữ NHÀ TÔI trong tiếng Việt hay và thâm thúy quá,người nước ngoài sao có thể hiểu hết được! Em chợt nhớ lại một chuyện tiếu lâm: Có anh kia,dẫn ông bạn người ngoại quốc đến thăm ngôi nhà mới xây của mình,khách đang mải miết ngắm nhà thì bà vợ ra chào,chủ nhà liền giới thiệu: Đây là "nhà tôi".Ông khách gật đầu chào rồi nói nhỏ: - Cao đấy! đẹp đấy! cho tôi hỏi, cái toalet nó ở đâu?!

      Xóa
  2. Nặc danh22:19 8/12/12

    Phiên âm của chữ "gia" trên đây là "jia". Người Trung Quốc gọi âm "cà" trong Cà-phê, hay âm Ca trong Canada đều là jia (Gia). Đề nghị tác giả bài viết có dịp thì nói về 50 chữ gia, 21 chữ đình, có lẽ có nhiều chuyện hay

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh22:50 9/12/12

    Chắc từ "ông xã", "bà xã" cũng có nguồn gốc gì đó chứ, ông NXH bảo không có nghĩa lý quái gì chắc là ghét người ta dùng từ đó thôi, phải không?

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.