Cảm ơn đời đã có thêm một mẫu người mẹ mới: người mẹ đơn
thân. Cảm ơn mọi người đã chấp nhận hình ảnh người mẹ cùng với con mà không cần
đến một ông bố hữu hình kè kè bên cạnh. Cụ thể hơn, cảm ơn hàng xóm láng giềng
của tôi, khi nhìn thấy hai mẹ con cùng nhau xuống sân chung cư, đã không dáo
dác nhìn ngược nhìn xuôi tìm xem “bố nó đâu”. Tôi không ưa những cái liếc mắt
hay cái nhìn tò mò thương hại.
Tại sao những câu hỏi không đặt ra với những
người đàn ông mà luôn chỉ đặt ra với người đàn bà? Người đàn ông ấy cũng có thể
đang là bố của một đứa trẻ nào đó chứ. Anh ta không bị nhìn với cặp mắt phê
phán, chỉ vì anh ta không mang theo nó trong bụng mình chín tháng mười ngày,
không nuôi nấng nó. Sự thiếu trách nhiệm của anh ta, lẽ ra đáng trách, đáng phê
phán, thực tế lại đã được lờ đi vì “khuất mắt”. Còn người mẹ, thực ra, cô ấy
chỉ làm tròn chức phận của mình thôi: cô ấy mang thai và sinh con, nuôi con, dù
có một mình. Khi phải gồng mình lên gánh cả hai trách nhiệm, cô ấy lại bị dè
bỉu, kỳ thị, trong khi lẽ ra cô ấy cần được giúp đỡ, cần được trân trọng, bởi
đã dám hy sinh tuổi xuân của mình, sức khỏe của mình và thậm chí cả nhan sắc
của mình nữa, cho một sinh mệnh mới mẻ có mặt ở trên đời.
Tôi không đề nghị dư luận phải “rộng lòng chấp nhận” người
mẹ đơn thân. Theo tôi, chẳng có gì mà phải rộng lòng. Cứ theo những lẽ thường
của cuộc sống mà xét, thì người mẹ đơn thân xứng đáng được hưởng tất cả sự kính
trọng dành cho những người mẹ, vì cô ấy đã làm tròn thiên chức của mình. Cô ấy
cũng đáng được hưởng những quyền lợi của cả ông bố và bà mẹ, vì một mình cô ấy
phải làm tròn cả hai chức trách này.
Kết hôn vội vã cho thoát khỏi tâm lý “ế chồng”, kết hôn vì
nhầm lẫn, để tạo ra một gia đình không mấy hạnh phúc, để rồi dẫn đến đổ vỡ, ly
hôn… thì rồi cũng thành ra bố, mẹ đơn thân cả thôi, mà làm liên lụy đến bao
nhiêu người khác, làm nặng gánh thêm cho gia đình, xã hội. Thay vì thế, can đảm
đối diện với cuộc sống của mình, độc lập trong lựa chọn, tôi tán thành những
người mẹ đơn thân và tôn trọng lựa chọn của họ. Xã hội mở rộng dần tự do cá
nhân, nhưng những định kiến thì không phải một sớm một chiều phai nhạt được. Xã
hội cần tác động tích cực vào những định kiến ấy, thay đổi nó, để nó không đè
nặng lên những thân phận con người.
Tình yêu của người đàn bà dành cho con mình là khởi nguồn
của khả năng yêu thương trong suốt cuộc đời đứa trẻ. Nhiều, thậm chí có thể rất
nhiều người đàn bà khác có thể yêu, có thể sống làm việc và thành đạt trong
nghề nghiệp của mình, nhưng không phải người đàn bà nào cũng có thể hy sinh
cuộc đời mình cho con. Đứa trẻ sẽ tự hào về mẹ nó, sẽ không phải day dứt xấu hổ
vì thiếu bố, nếu xã hội không đặt ra trước mắt nó một biểu tượng đương nhiên là
mọi - người - đều - có - bố - và - mẹ, mà tại sao mình lại không? Từ góc độ một
người mẹ đơn thân, tôi nghĩ các hình thái khác nhau của gia đình (đầy đủ/ không
đầy đủ bố mẹ) cũng phải được nhìn nhận như một hiện tượng xã hội thông thường.
Cần dạy đứa trẻ chấp nhận điều này một cách bình thường, như cách mà tác giả
“Những tâm hồn cao thượng” đã dạy chú bé tôn trọng và đối xử bình thường với
người bạn nghèo. Suy cho cùng, đơn thân là hệ quả, khi khả năng độc lập tự chủ
của người phụ nữ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần đều đã được nâng cao. (Theo Dân trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.