20 tháng 8, 2014

Bà Triệu là ai?

Ngày nay, chúng ta quen cụm từ “Bà Trưng, bà Triệu”, nhưng thực ra hai bà khác nhau quá nhiều. Sống cách nhau 200 năm, cuộc đời và sự nghiệp không giống nhau, chỉ giống nhau ở hành động anh hùng, chống quân xâm lược, và đều là anh hùng dân tộc. Nếu như còn có những người hiểu rất ít về bà Trưng, thì chắc là còn nhiều người hơn không mấy hiểu về bà Triệu. Tôi tổng hợp các vấn đề về bà Triệu như sau:
1.Bà Triệu tên là gì? 
Các sách giáo khoa đều ghi bà là Triệu Thị Trinh. Thực ra, tên Triệu Thị Trinh chỉ có từ khi ông Trần Trọng Kim viết quyển “Việt sử lược”. Sau đây trích trong Wikipedia, một bách khoa toàn thư trên mạng: “Những bộ sử cổ chỉ gọi bà là Triệu nữ (cô gái Triệu), Triệu Ẩu (sẽ nói sau). Những tên gọi Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh, Triệu Quốc Trinh... theo tác giả Văn Lang thì rõ ràng là mới đặt gần đây. Tác giả cho biết vấn đề tên gọi này (cũng như tên gọi của Bà Trưng) thuộc phạm trù ngôn ngữ Việt cổ và cách đặt tên người ở thời gian đầu Công nguyên, còn đang được nghiên cứu. Ngoài ra, Bà Triệu còn được người đời tôn là Nhụy Kiều tướng quân (vị tướng yêu kiều) và Lệ Hải bà vương (vua bà ở vùng biển mỹ lệ). Riêng cái tên Triệu Ẩu (趙嫗), thấy xuất hiện lần đầu trong Nam Việt chí, Giao Châu ký (thế kỷ 4, 5) rồi đến Thái bình hoàn vũ (thế kỷ 10) chua dưới mục Quân Ninh (tức Quân Yên cũ)”
Trước đây, Hồng Đức quốc âm thi tập, Đại Việt sử ký toàn thư, Thanh Hoá kỉ thắng, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục...đều gọi bà là Triệu Ẩu. Sau, sử gia Trần Trọng Kim khi cho tái bản Việt Nam sử lược đã không giải thích mà chỉ ghi chú rằng: Bà Triệu, các kỳ xuất bản trước để là Triệu Ẩu. Nay xét ra nên để là Triệu Thị Chinh (tr. 52).
Như vậy, thực ra “bà Triệu” chỉ là người đàn bà được gọi bằng họ, sử sách Trung Quốc không ghi tên. Từ ngày bà vùng lên đến thời Trần, khoảng 1000 năm sau thì nước ta mới có bộ sử đầu tiên, tham khảo chủ yếu từ tư liệu thành văn của Trung Quốc. Họ chỉ ghi chung là Triệu nữ- cô gái họ Triệu. Còn tên Triệu Ẩu cũng là do quân thù của bà Triệu đặt ra. Sau này, khi được nhân dân tôn làm thần, thì được đặt mỹ danh là Triệu Trinh nương (Nàng họ Triệu). Từ “Trinh nương” là mỹ từ chỉ cô gái chưa chồng, cùng nghĩa với chữ “nữ” theo cách gọi dân dã. Sau này, các sử gia nước ta có tinh thần dân tộc, mới gán cho bà Triệu cái tên Thị Trinh, Quốc Trinh. Cứ như là bà có tên là Trinh vậy. Gọi là “Bà Triệu” là đủ, không việc gì phải phổ biến cái tên Triệu Thị Trinh đầy hư cấu nữa.
2. Có thật bà Triệu có vú 3 thước?
Tôi tình cờ đọc trang web www.lichsuvietnam.vn, rất ngạc nhiên thấy nói ngày sinh của bà Triệu là 2/10/226. Lại nói rằng bà Triệu vú dài 5 thước. Thước là đơn vị cổ, bằng 0,4 mét. Vậy bà Triệu vú 2 mét. 
Sách “Giao chỉ chí” của người Trung Quốc viết: Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài ba thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các quận, huyện, thường mặc áo ngắn màu vàng, chân đi giày mũi cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu, sau chết làm thần.
Như vậy, việc nói bà Triệu vú dài 3 thước, cũng như gọi tên bà là Ẩu, cũng là hành vi của người Trung Quốc, chép về một người theo họ là kẻ phản loạn. Họ hoặc là miệt thị, hoặc là thêu dệt thành hiện tượng kỳ quái. Cứ tuyên truyền hình ảnh vú dài cũng là vô tình ăn vào bả độc hại của chính sách Đại Hán.
Trong trang web trên còn kể, quân Ngô cho quân cởi truồng đánh, bà Triệu không chịu được, xấu hổ nên thua. Đây cũng là một kiểu điển hình sao tẩm sách cổ của Tàu mà không có phân tích kỹ, các ngọc phả vô tư chép tam sao thất bản, các Nho gia sử gia vô tư chép lại vì tư tưởng tôn Nho, quên dân tộc, cứ thế mà bê vào sách vở bàn về lịch sử. Nay các nhà báo cũng cứ vô tư mà thuật chuyện, thật đáng buồn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.