19 tháng 8, 2014

Chúng ta biết gì về Hai Bà Trưng?

Câu hỏi này tưởng như… ngớ ngẩn.
Trước đến nay, sách giáo khoa sử của ta đều dạy học sinh: Hai Bà Trưng là hai vị anh hùng chống quân xâm lược nhà Hán, quê ở Mê Linh, do chồng là Thị Sách bị Thái thú Tô Định giết,   khởi nghĩa thắng lợi, làm vua và đóng đô ở Mê Linh. Sau đó, Mã Viện mang quân đến đánh, Hai Bà địch không nổi, tự tử ở sông Hát. Tuy nhiên…
Gần đây, với những tư liệu và phân tích mới, hiểu biết về Hai Bà Trưng nên phổ biến rộng rãi và bàn luận công khai, góp phần soi sáng một nhân vật lịch sử, một giai đoạn lịch sử. Có một số vấn đề sau, tôi chỉ biên soạn và tóm tắt lại các bàn luận mà tôi đã đọc:


1/Tên của Hai Bà Trưng
 Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chép rằng, bà họ Trưng, tên Trắc, lại viết rõ là trước kia họ Lạc, con gái Lạc tướng Châu Diên. Đoạn này rất tối nghĩa. Có tác giả cho rằng, ĐVSKTT do các sử gia là các Nho gia đời sau chép, sao chép từ tiểu sử của bà Trưng do sách Tàu chép ra. Người Tàu chép về bà Trưng theo nguyên tắc dùng chữ Hán ghi âm Việt cổ, và theo quan niệm của họ về tên người. Thực ra, thời Hùng vương cho đến Nam Việt, người Việt bản địa chưa có họ, đều gọi theo tên. (Ngày nay, người Tây Nguyên và người Lào đều không có họ, mới chỉ có họ vài chục năm nay). Trưng thực ra là một từ cổ có nghĩa là “lớn”. Bánh Chưng cũng có nghĩa là bánh lớn, bánh cả. Có tác giả còn chỉ rõ, thực ra âm cổ phải là “Chương”. Còn Trắc và Nhị là âm cổ của từ Nhất, Nhì- Một, Hai. Như vậy Bà Trưng có nghĩa là “Bà Lớn”. Trưng Trắc, Trưng Nhị là “Lớn Cả, Lớn Hai”, hay Lớn nhất, Lớn nhì. Cái gọi là họ Trưng hay họ Lạc chỉ là tưởng tượng của sử gia Tàu mà thôi.
2/Tên của ông Thi Sách.
Có một tác giả cho rằng, trong nguyên bản sử Trung Quốc, Hán sử và các bộ sử khác của Tàu chép về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, thì chỉ có “ông Thi”, chứ không có ông Thi Sách. Nhầm lẫn là do âm “thi” sát với âm “sách”, sách có nghĩa là sách động, lôi kéo, đoạn này nói ông Thi lôi kéo dân chúng chống lại Tô Định, nên Tô Định giết đi. Các cụ sử gia Việt đọc nhầm là ông Thi Sách.
3/Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở đâu?
Câu này có vẻ… ấm ớ. Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Việt Nam ngày nay chứ ở đâu. Tuy nhiên, chưa đúng. Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Châu Diên, nhưng quy mô rất lớn, chiếm được 65 thành trì của nhà Hán. ĐVSKTT cũng chép rằng các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Như vậy, có thể sơ bộ hình dung được quy mô cuộc khởi nghĩa là ở khu vực nước Nam Việt (của nhà Triệu) cũ, gồm phần Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Côn Minh và đất đai thuộc Trung Quốc kéo đến hồ Động Đình ngày nay)
Với một quy mô như vậy, nên Hai Bà mới tịch thu được 65 thành trì. Việc này rõ ràng chính sử nước ta đã ghi, ĐVSKTT chép rõ, không hiểu tại sao các thày giáo làm sử viết sách giáo khoa cố tình thu hẹp quy mô của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Hiện tại, phía Nam Trung Quốc còn nhiều đền thờ Vua Bà. Chắc chắn cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một lần cố gắng khôi phục lại quốc gia Nam Việt của nhà Triệu. Nhà Triệu trị vì phần đất đai thuộc các bộ tộc Việt, trong đó có Lạc Việt, thì việc áp chế đồng hóa còn rất ít, giữ lại các phong tục cổ xưa, độc lập với nhà Hán. Chỉ khi nhà Hán tiêu diệt nhà Triệu, mới áp dụng các biện pháp đồng hóa khắc nghiệt, nên mới nổ ra cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng trên phần đất của người Việt. Dữ kiện lịch sử này phù hợp với lịch sử về thời kỳ Mẫu hệ của các bộ tộc Việt.
4/ Hai Bà Trưng chết ở đâu?
Hiện nay, các nhà sử học đang tranh luận rất dữ dội về việc các địa danh trong tài liệu lịch sử. Ở Việt Nam và Trung Quốc đều có nhiều địa danh giống nhau. Các trận đánh của Mã Viện cũng không phải ở phần đất Việt Nam ngày nay. Do đó, chưa chắc Hai Bà Trưng đã chết ở Hát giang Việt Nam, mà là Hát Giang ở Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc còn có truyền thuyết Mã Viện cắt đầu bà Trưng mang về kinh đô nhà Hán.
5/Các ngọc phả đền Hai Bà Trưng và vấn đề ngày sinh, ngày mất.
Việc thờ phụng Hai Bà Trưng ở khắp lãnh thổ Nam Việt cũ. ĐVSKTT cũng chép rõ, mục sau khi Hai Bà mất, thì dân các nơi lập đền thờ, “Phiên Ngung đất cũ cũng có”. Như vậy là phía Nam Trung Quốc cũng có. Các đền thờ đều có Ngọc phả, ghi lại công đức của người được thờ phụng. Đó là những văn bản thường được tô vẽ công tích, ít có giá trị lịch sử chân thực. Cho nên chuyện ngày sinh bà Trưng cũng không thể tin. Ngày xưa, tập quán thờ ngày mất, ít khi để ý đến ngày sinh. Ngày mất của Hai Bà cũng không rõ, ĐVSKTT chỉ ghi: Tháng Giêng năm 42 Mã Viện tiến quân… “đánh nhau với vua”, cũng không chép rõ đánh đến bao giờ thì được, chắc rằng không lâu, có thể một tháng… nhưng không rõ ngày nào.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.