13 tháng 8, 2014

Hội cựu học sinh?

Hôm vừa rồi, nhân qua Hải Dương, tôi có gặp một bạn giáo viên trẻ của trường Chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương, theo lời đề nghị của bạn ấy, trao đổi quanh chuyện tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm trường Nguyễn Trãi, và 50 năm khối chuyên toán Hải Hưng.
Có lẽ bạn gái ấy rất nhiệt tình, năng động, và muốn cuộc tổ chức lễ hội thật hoành tráng, cũng muốn nhiều người chung tay góp sức vào lễ hội. Đó là điều rất hay. Tuy nhiên, tôi chỉ hỏi mấy câu, thì tình thế cuộc trao đổi đã khác. Có lẽ sau cuộc gặp, bạn ấy thất vọng về cuộc trao đổi.

Tôi hỏi: Thứ nhất là đối tượng? Ai sẽ tham gia. 50 khóa thì nhiều khóa không biết đến trường Nguyễn Trãi, điều gì gắn kết họ vào với ngôi trường xa lạ với họ, chỉ với một cái danh là khối chuyên Hải Hưng. 50 khóa, thì đủ các lứa tuổi, từ già đến rất trẻ, bao nhiêu người dự kiến sẽ tham gia?
Tôi hỏi: Để làm gì? Bạn tổ chức lễ hội để thành lập một hội cựu học sinh (sau đó được trả lời là mục đích này) hay là quảng bá thương hiệu cho trường Nguyễn Trãi, hay tạo ra một sự kiện truyền thông. Chú ý rằng, nếu tôi là hội viên hội cựu học sinh, thì tôi cũng muốn có một sự kiện truyền thông nhiều người biết đến. Hội cựu học sinh này sẽ có tôn chỉ mục đích gì? Giao lưu nội hội, hay là tổ chức liên kết với trường Nguyễn Trãi. Giúp nhau trong cuộc sống hay thúc đẩy gặp gỡ, tạo điều kiện quen biết rồi nảy ra các cái khác.
Tôi hỏi: Định làm những gì trong lễ hội? Trả lời: Làm video clip, làm ấn phẩm Kỷ yếu danh sách cựu học sinh, tổ chức giao lưu trên sân khấu. Video clip thì chưa bắt đầu, không phải để chiếu trong lễ hội, mà cùng với ấn phẩm danh sách cựu học sinh, sẽ cho thành quà tặng đại biểu. Giao lưu thì đã chuẩn bị cuộc thi sáng tác 10 ca khúc về trường Nguyễn Trãi. Mới được 7 ca khúc. Tôi bảo: Nếu giao lưu mà mang ra hát 10 ca khúc truyền thống tự sáng tác, thì giống như hội diễn sân khấu nghiệp dư, còn thời gian giao lưu thì sao, hỏi đáp với ai, tại sao, hỏi gì... Videoclip thì làm thế nào, chi bao nhiêu, làm cái này như mua xe ô tô, sẽ có giá làm từ 5 triệu đồng đến hơn 1 tỷ một đĩa phim tài liệu... Liệu có vượt qua phóng sự tin tức hay quảng cáo thường tình không? In sách Kỷ yếu thì cứ một cái ảnh, kèm mấy dòng thông tin, 50 khóa cũng đủ dày cộm, liệu có ai cần không?
Cuối cùng, tôi hỏi: Đã chuẩn bị kế hoạch triển khai như thế nào rồi. Cho đến nay, mới chỉ tìm kiếm được danh sách 50 khóa. Còn mọi việc đang trong dự kiến, 17/8 sẽ bàn tiếp. Tôi cho rằng, việc tìm ra danh sách học sinh 50 khóa là quá đáng khen. Hồi làm sách về khóa 72-75, chúng tôi cũng phải lặn lội khá lâu để truy tìm thông tin các thành viên.
Tóm lại, tôi mường tượng ra kế hoạch của các nhà tổ chức rất hoành tráng. Nhưng tôi cũng nói ngay, nếu các bạn tổ chức không khéo, thì có đa số thành viên sẽ cảm thấy buổi lễ không phải của họ, không dành cho họ, không phải vì họ. Có mấy đối tượng dễ được săn đón, đó là người có tiếng, người có chức, người có tiền. Tức là văn nghệ sĩ, các chủ tịch, bí thư, các nhà doanh nghiệp. Còn lại, đa số cựu học sinh là trí thức thì cũng sống âm thầm, dù cho là nhà khoa học cũng không sống với truyền thông, nên cũng ít ai biết. Tổ chức mà không đến nơi, dễ dẫn đến tâm lý đi chợ, đi vãn cảnh, rồi ăn một bữa như ăn đám cưới.
Có lẽ những suy nghĩ và lời nói của tôi khiến cho bạn trẻ trường Nguyễn Trái mất hứng, nên cuối cùng ra về bạn có vẻ không hào hứng như khi gặp tôi. Tôi nghĩ rằng, dù bạn làm gì, thì cũng cần có các phương án, và rất cần các ý kiến phản biện. Phản biện và xem xét mọi khía cạnh vấn đề hoàn toàn không phải là bàn lùi, hay bàn tiêu cực như đa số các bạn trẻ nghĩ. Tôi thấy cách tiếp nhận lời phản biện của tôi như vậy, thì tôi tin rằng, Ban tổ chức lễ hội khó mà đạt được mục tiêu lớn.
Dù sao, sau đó tôi cũng góp ý: Ban tổ chức nhà trường nên thu gọn quy mô, xét đến thực tế mà tổ chức cho vừa sức. Như thế không có nghĩa là rút gọn mục tiêu, mà có khi quy mô nhỏ mà mục tiêu lớn. Ví dụ: Giao lưu trên sân khấu thì không nên áo gấm đi đêm. Ta nói chuyện với nhau thì cần gì chuẩn bị. Sao không làm một cái giao lưu truyền hình trực tiếp. Đó là mục đích truyền thông. Đài truyền hình sẽ tham dự và họ chủ động làm chương trình theo yêu cầu của mình. Hoạt động chính là nhằm vào các học sinh đang học tại trường, và các học sinh 5 khóa gần nhất. Kỷ niệm còn nóng hổi. Còn các khóa trước thì chỉ nên có đại diện. Khóa trước không có kỷ niệm gì với trường, thì họ sẽ đi ít, nếu có "việc" họ mới đi. Ví dụ tổ chức một cái hội thảo, hay làm cái ấn phẩm đặt họ viết bài. Hoặc tổ chức trao huy hiệu kỷ niệm. Tóm lại, người cũ thì già, già thì hay dở người. Nếu đến ngơ ngơ không nhắc đến thì họ chả đến. Thế đấy.
Tôi thông báo với các bạn lớp E tình hình trên đây. Để nói rằng, tổ chức một lễ hội đơn giản như hơn 30 người tham gia của lớp E còn khó khăn, đằng này trường Nguyễn Trãi làm hoàng tráng 50 khóa thì quá khó chứ. Nếu các bạn ấy không có một nhóm nòng cốt bàn bạc mọi nhẽ, có một cái đầu để quyết, thì khó mà thành công được.
Tái bút: Viết đến đây, tôi mới ý thức được rằng, Hội Nhà văn đã tổ chức Lễ hội Ngày thơ VN hàng năm ở Văn Miếu là quá giỏi. Một lễ hội hàng năm, mà không năm nào giống năm nào, năm nào cũng có trọng tâm, nhưng vẫn có các mục "xương sống". Mà người thì vẫn cứ đến đông đúc, đúng như Hội. Chẳng có ăn uống gì, mà vui vẻ. Khóa ta 72-75, chỉ 5 năm tổ chức một lần cũng khá, có khóa gặp nhau chả nổi 1 lần. Trường Nguyễn Trãi có một cái đầu như Hữu Thỉnh mà tổ chức lễ hội hàng năm thì nổi danh trong toàn quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.