1. Hồi tập trung vào lớp ở Bảo Châu, tôi và bố tôi đạp xe đạp đi từ Kinh Môn. Bố tôi đi xe Phượng Hoàng cũ, còn tôi đạp cái xe thiếu nhi Liên Xô. Lần đầu tiên đi xa. Đến Hải Dương, đợi ở Chợ Mát khoảng 1 giờ chiều mới có ô tô. Khi đến Bảo Châu đã muộn rồi. Một thày giáo chỉ cho bảo hỏi cô Tâm dang dẫn học sinh đi các nhà trong xóm. Tôi cứ nghĩ cô Tâm chắc là chủ nhiệm. Sau mới biết còn có thày Toán mới là chủ nhiệm dạy Toán. Tôi nhớ ấn tượng đầu tiên khi đến Bảo Châu là bố tôi rất ái ngại. Đường trơn, nhão nhoẹt. Có chỗ hai bố con phải vác xe. Rồi cô Tâm xem danh sách, xếp tôi và Khải, Phụng, Tấn ở với nhau. Tôi nhớ hình như bố tôi đợi, hôm sau nói chuyện với bố của Phụng, bố của Khải, rồi các ông mới về. Sau này mới biết, nhìn chung các ông bố đều rất không yên tâm. Con cái mới lớn, 13-14 tuổi, đi trọ học ở một nơi có vẻ rất khác với đồng đất quê mình. Tuy nhiên, cô Tâm cũng có động viên an ủi thế nào đó. Tôi không còn nhớ bố tôi có gặp thày Toán không, chắc có. Kỷ niệm về thày Toán thì rất nhiều, chúng ta sẽ nói về một dịp khác.
Cô Tâm khi đó rất trẻ. Và đẹp. Tôi tin rằng, đời sống có cái gọi là cơ duyên. Nếu không phải cô Tâm, mà cô khác thì đại đa số học sinh lớp E cũng sẽ nhớ, nhưng chắc ký ức sẽ khác một chút. Cô Tâm dạy văn, là sự bổ sung tốt cho thày chủ nhiệm dạy Toán. Bọn học sinh hồi đó xa gia đình thì vẫn cần lời ăn tiếng nói kiểu người Mẹ. Có lẽ chúng ta sau này cứ nhớ cô Tâm là vì thế. Riêng tôi, vào lớp 9, tôi có làm một bài tập làm văn, mà cô Tâm đọc cho cả lớp nghe. Tôi nhớ đó là bài văn về hình ảnh những người phụ nữ trong các tác phẩm đã học. Học sinh CT thì học văn không được tử tế như lớp khác. Song, có lẽ cái chất của văn chương nó đã ngấm vào mình từ lâu mà mình chả biết. Và, cho đến nay, cô Tâm vẫn là người thày đầu tiên và duy nhất nêu gương tôi học văn. Sau này, khi thày Sơn dạy văn lớp 10, thày dạy phải nói là khô khan và chán. Hoặc có thể tôi nghe cô Tâm quen rồi nên chán. Bài tập làm văn đầu tiên dưới tay thày Sơn, thày cho điểm 4. Sau đó tôi mang vở làm bài lên thắc mắc ở phòng giáo viên, tranh luận gần như cãi thày. Thày nghe một hồi, chữa lại thành điểm 8. Cũng lạ. Tôi bây giờ nghĩ lại, thế hệ con mình chắc vẫn không có những thày giáo mà nghe học trò cãi, lại chữa 4 điểm thành 8 điểm, thế là chúng nó thiệt hơn thế hệ tôi. Lý do đơn giản là thày bảo tôi lạc đề, nghị luận không đúng sách, nhưng chắc chuyện tôi nói hươu nói vượn thế không sai. Và biết đâu thày cũng thích, nhưng giáo trình thì nó "bảo" là không đúng. Tuy vậy, suốt 1 năm thày Sơn, tôi vẫn không có ấn tượng gì mấy về văn học. Nhưng tôi lại sợ và cảm phục thày Sơn về nhân cách làm thày, không phải vì thày chữa điểm cho tôi, mà vì phải có một tầm như thế nào mới làm thế. (Sau này, lên Đại học, cũng có khá nhiều thày rất giỏi, sống với thày thì rất thú vị, nhưng nghe thày giảng thì chán lắm). Có lẽ, sau này, đúng là tôi là nhà văn "mất dạy" nhất trong các nhà văn Hội viên Hội Nhà văn.
2. Thày Đạt dạy sử là thày giáo mà tôi rất thích. Có lẽ sau này có một cô giáo khác dạy Sử khiến tôi cứ nhớ thày Đạt là vì thế. Đó là một mẫu thày giáo nói về sử say mê, khúc triết, truyền được cảm hứng cho học sinh. Ngày nay, chắc càng ít thày giáo như thế.
3. Một thày giáo được học trò quý, là thày Hiếu dạy Nga. Tiếc thay thày dạy ít quá.
4. Tôi còn nhớ mãi một cô giáo dạy Hóa. Bởi vì sau đó tôi có học khoa Hóa trong ĐHBK. Cô giáo dạy hóa ở trường C3 TX HY giống kỳ lạ với cô giáo dạy thí nghiệm ở trường ĐH BK là cô Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòe. Giống ở khuôn mặt buồn, cái thần thái lúc nào cũng rầu rĩ, đau khổ. Nói chung tuy học khoa Hóa, nhưng tôi không say mê được môn Hóa có lẽ cũng vì các cô giáo gương mặt buồn. Cô giáo dạy Hóa ở trường Hưng Yên có lần tức giận mắng cả lớp vì không làm bài tập, mà lại cả lớp không làm. Cô nhăn nhó đau khổ cho rằng bọn này chỉ chăm chăm học toán, mà coi thường môn của cô. Nghĩ lại bây giờ thấy cô bực là cũng đúng. Chúng tôi xứng đáng bị mắng hơn thế. Nếu bây giờ mà có cô giáo mắng thế, thì có khi lại bị ghi âm rồi tung lên mạng. Nhưng nói chung các thày cô có mắng thì trò cũng không oan. Cô giáo dạy thí nghiệm hữu cơ ở ĐHBK, sau này làm chủ doanh nghiệp Sơn Kova nổi tiếng. Nhưng khi là bà chủ Công ty to tướng, thì bà ấy linh hoạt rất khác với bà giáo rầu rĩ ở phòng thí nghiệm. Tôi được cô Hòe đặc cách cho làm 3-4 lần kỳ được bài thí nghiệm thì thôi. Tôi có ấn tượng rất tốt với cô Hòe, vì mặt buồn nhìn thì khó gần, nhưng lại dễ tính, mà không hiểu sao cứ nhìn cô Hòe, tôi lại nhớ lại cô giáo dạy Hóa ở Cấp 3 Hưng Yên.
5. Thày Trác không dạy lớp E ngày nào. Nhưng tôi lại có kỷ niệm về ông Trác. Vì ông ấy hội họp gì đó ở Kinh Môn, không hiểu sao lại biết và vào nhà tôi chơi. Thì ra có người ở Sở Giáo dục bảo ông ấy tôi là học sinh của ông ấy. Khi đó tôi đã đi học đại học rồi đang về nghỉ hè. Ông ấy đến, bố tôi mời ở lại ăn cơm, ông ấy vui vẻ ở lại ăn cơm, nói chuyện rất hào hứng, uống rượu mặt đỏ gay. Ông Trác rất chất phác, nói thật hồi tôi đi học chả biết tôi là thằng nào, ở lớp E ông chỉ biết mỗi Doãn Anh Tú (thày Trác biết phụ huynh) và Nguyễn Lương Bách (không rõ vì sao). Tôi có hỏi thày có biết Trần Hồng Kỳ không. Thày bảo không biết. Tôi bảo, hình như yêu con thày Đoàn Phi. Thày Trác bảo: Thế thì hay quá. Hồi ấy trẻ con, sinh viên rồi cũng trẻ con, biết quái gì đâu, thấy chúng nó đong đưa với nhau thì tưởng là yêu. Hi hi. Sau này không biết thày Trác có về hỏi thày Đoàn Phi chuyện đó không.
Chời! lại còn hi hi nữa chứ. Like...like...like!
Trả lờiXóa