Một ông Tổng tư lệnh trực tiếp ra trận chỉ huy đã
là hiếm trong lịch sử quân sự thế giới; ấy thế mà Võ Nguyên Giáp, mặc dù trực
tiếp làm Chỉ huy trưởng (Tư lệnh) chiến dịch Điện Biên Phủ, song hàng ngày vẫn
chỉ đạo tác chiến trên khắp các chiến trường toàn quốc, kể cả chiến trường Lào
và Miên, điều đó lại càng hiếm hơn nữa. Trận Điện Biên Phủ đã được nói tới rất
nhiều, từ nhiều phía, nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng hình như việc chỉ đạo tác
chiến của Tổng tư lệnh đối với chiến trường toàn quốc – từ mặt trận Điên Biên
Phủ nóng bỏng, có lẽ chưa được các nhà nghiên cứu đề cập đến nhiều.
Chọn đúng ngày 13.3 để nổ súng, mở màn cho cuộc
đối đầu quyết định với quân Pháp tại Điên Biên Phủ, giới nghiên cứu không khỏi
thán phục sự am hiểu văn hoá nước Pháp cũng như văn hoá phương Tây của ông
Giáp. Trước đó, ông đã thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, giải
quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; khi đó, ông Giáp gần như ở vào thiểu
số tuyệt đối! Nhưng ông tin vào suy nghĩ và phán đoán của mình. Đó là một quyết
định thiên tài của một thiên tài quân sự. Và đó lại là một quyết định hết sức
dũng cảm. Bởi, cái chủ nghĩa tập thể sẽ đưa người ta đến chỗ nguỵ biện, vô
trách nhiệm. Ông Giáp thì khác. Quyết định của ông về phương châm chiến dịch
dẫn đến chỗ là ông phải gánh hết trách nhiệm về mình. Trên thế giới, chưa thấy
có nhân vật nổi tiếng nào làm điều tương tự. Nếu trận đánh thất bại thì sao?
Trong trường hợp đó, dù ông vẫn tồn tại thì con người chính trị của ông cũng
phải kết thúc.
Tôi thiển nghĩ, những nước cờ quân sự của ông
Giáp có hai đặc điểm đáng chú ý. Thứ nhất, không phải ai, kể cả nội bộ cũng có
thể hiểu ngay được ý định của ông. Thứ hai, dù đối phương có hiểu ý định đó,
cũng khó mà thành công khi đối đầu với ông. Đó là sự thật lịch sử và lịch sử
thì như nó vốn có, không tô vẽ, không cường điệu.
Ngay sau khi quyết định thay đổi phương châm
chiến dịch, lập tức ông Giáp viết thư hỏa tốc báo cáo với Hồ Chí Minh, Trường
Chinh và các nhà lãnh đạo ở hậu phương. Thư đã phân tích một cách thuyết phục
vì sao lại thay đổi phương châm chiến dịch, đồng thời, đề ra chủ trương quân sự
cho các chiến trường toàn quốc như sau:
- Sự hoạt động ở chiến trường chính diện và chiến
trường địch hậu toàn quốc phải kết hợp chặt chẽ với nhau; trước đây đã thực
hiện chặt chẽ ở Bắc Bộ, nay phải được thực hiện trên chiến trường toàn quốc. Sự
phối hợp toàn quốc và giữa các chiến trường Việt – Miên – Lào phải được đẩy
mạnh hơn nữa;
- Hoạt động Đông Xuân cần phải liên tục từ nay
cho đến mùa hè, càng kéo dài thì càng khơi sâu nhược điểm của địch;
- Cần kết hợp nhiệm vụ tác chiến với nhiệm vụ
củng cố vùng giải phóng, kết hợp nhiệm vụ tác chiến với nhiệm vụ chấn chỉnh xây
dựng bộ đội.
Vào hồi 1 h sáng ngày 10.2.1954, giữa lúc công
tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ đang rất khẩn trương, Tổng tư lệnh
gửi mật điện cho Nguyễn Chánh, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5 nhận định tình
hình sau khi quân Pháp rút khỏi Kon Tum, đề ra chủ trương tác chiến mới cho
Liên khu 5 rất chi tiết, cụ thể. Ngày 6.3.1954, Tổng tư lệnh lại gửi mật điện
cho Ban Cán sự Hạ Lào, nhận định về tình hình Hạ Lào, đề ra chủ trương tác
chiến của Tổng quân ủy đối với chiến trường này. Ngày 13.3.1954 – cũng là ngày
mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, Tổng tư lệnh ra Lệnh động viên các chiến
trường toàn quốc chiến đấu phối hợp với Điện Biên Phủ sau 3 tháng vây hãm quân
Pháp. Trong thời gian diễn ra cuộc tấn công tại Điện Biên Phủ, Tổng tư lệnh vẫn
luôn quan tâm các mặt công tác khác của quân đội trong toàn quốc, gửi thư khen,
ra nhật lệnh…Ngày 19.4.1954, Tổng tư lệnh đã ký Chỉ thị về kế hoạch chấn chỉnh
củng cố phát triển lực lượng vũ trang nhân dân với những nhận định và chủ
trương rất thiết thực.
Một vài dẫn chứng nêu trên cho ta thấy tầm nhìn,
nhãn quan chiến lược sâu rộng của Tổng tư lệnh, dù ông đang trực tiếp chỉ đạo
tác chiến ở chiến trường Điện Biên Phủ. Điều đó cũng nói lên sức làm việc, sức
suy nghĩ, sức sáng tạo của ông Giáp. Có những chiến dịch, ông chỉ đạo tác chiến
suốt 11 đêm không ngủ. Ông làm việc ngay cả khi di chuyển trên xe; có nhiều xe
chở cán bộ đi theo và đến lượt ai thì ông làm việc với người đó – dĩ nhiên,
trong khi đang di chuyển.
Chúng ta vừa phác họa vài nét, Tổng tư lệnh đã
chỉ đạo các chiến trường toàn quốc và chiến trường Lào, Miên từ chiến trường Điện
Biên Phủ.
Một chuyện tưởng như nhỏ. Khi Lê Trọng Tấn và
Trần Độ báo cáo đã bắt được Đờ – Cát, đã bị ông Giáp chất vấn làm thế nào mà
khẳng định đó là Đờ – Cát, đã làm hai ông Lê Trọng Tấn và Trần Độ bối rối. Và
ông Giáp đã cho người cầm ảnh Đờ – Cát xuống giao cho Lê Trọng Tấn, đòi hỏi đối
chiếu cả căn cước và nhận dạng.
Còn các tướng Pháp thì sao? Nhớ lại Việt Bắc, thu
đông năm 1947, hồi 11h 35 phút ngày 7.10, khi tướng Xalăng đang ngồi máy bay
thị sát tình hình, Xôvanhắc từ mặt đất báo cáo qua vô tuyến điện “Ông Hồ Chí
Minh bị bắt đã yêu cầu chấm dứt chiến tranh”. Xalăng vội vã bay về Hà Nội báo
tin mừng với Sài Gòn. Cao ủy Bôlae và quyền Tổng chỉ huy Báttê hấp
tấp bay ra Hà Nội. Xalăng khi đã biết mình nhầm, đành thú nhận: “Tôi – chúng ta
đã bị đánh lừa”. Hai vị cấp trên đã bỏ bữa cơm chiều, quay về ngay Sài Gòn, sau
khi đã tặng ông ta những lời…không phải là biểu dương!
Có thể nói, việc chỉ đạo tác chiến của Tổng tư
lệnh đối với các chiến trường toàn quốc, kể cả Lào và Miên đã góp phần to lớn
vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhân vật trung tâm của các sự kiện
quân sự năm 1954, không ai khác hơn – Võ Nguyên Giáp!
Mời các bạn xem thêm bài viết Võ Nguyên Giáp - Một thế kỉ TẠI ĐÂY.
Mời các bạn xem thêm bài viết Võ Nguyên Giáp - Một thế kỉ TẠI ĐÂY.
(Theo Blog Lê Mai)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.