10 tháng 4, 2014

ÔI, SƠN LA!


Trên đường lên Điện Biên, đoàn mình ghé qua Sơn La nghỉ đêm và giao lưu với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh. Anh em trong Sở tiếp đón nồng hậu quá. Cái kiểu uống rượu Khát vọng thế này thì mình say khướt mất thôi. Rồi lại giao lưu với đội văn nghệ Bản Tó nữa. Ở Sơn la có mấy chục bản có đội văn nghệ như thế này. Lần trước lên Sơn la (2010) được giao lưu với đội văn nghệ bản Tông. Các em người Thái khéo mời rượu quá,kiên định như mình cũng không thể từ chối.
Các bạn có nhìn thấy búi tóc tròn trên đầu người phụ nữ uống rượu khát  vọng với mình không? Búi tóc đó gọi là tăng cẩu chỉ có ở người thái Đen. Em này tên là Lù Thị Thu , đội trưởng đội văn nghệ bản Tó, cách thành phố Sơn la 6-7 km.
Trả lời câu hỏi của mình, Em Thu cho biết, quấn kiểu tóc như thế này, phụ nữ thái Đen chỉ cần 3 phút thôi.Em bảo: tăng cẩu thể hiện rằng người phụ nữ sở hữu nó đã có chồng, đồng thời khẳng định sự thủy chung, sự kính trọng đối với nhà chồng. Khi đã về làm dâu mái tóc ấy sẽ vĩnh viễn không bao giờ được buông xuôi thả trên bờ vai như tuổi thanh xuân nữa, bởi lời thề đã trọn một lòng son sắt. 
Tăng cẩu được tiến hành như sau, sau thời gian ở rể của chàng trai (có thể chỉ 3 tháng hoặc kéo dài cho đến khi chàng rể được nhà cô gái chấp nhận), để đôi uyên ương được ngủ chung với nhau thì hai gia đình phải tiến hành làm lễ tăng cẩu- búi tóc, chính thức công nhận họ là vợ chồng. Để làm lễ này, nhà trai lại phải mang tới nhà gái một số lễ vật. Theo tục lệ, lễ "tăng cẩu" được thực hiện ở gian gần bếp, người ta chuẩn bị một chậu nước lá thơm. Đại diện phía nhà trai gội đầu, chải tóc và búi tóc cho cô dâu. Tóc được búi lên, cuộn lại bằng một dây xà tích bằng bạc và cài một chiếc trâm bạc giữ cho tóc không bị xổ ra. Trong lúc búi tóc cho cô gái, đại diện hai nhà cùng uống rượu và hát đối đáp. Những nhịp hát, lời ca trong buổi lễ nói lên hoàn cảnh của mỗi gia đình, sự trưởng thành của chàng trai, cô gái và đặc biệt có cả những lời dặn dò đôi trai gái phải một lòng thương nhau. Sau lễ tăng cẩu, chàng trai và cô gái được ngủ chung với nhau. Về nguyên tắc, lễ cưới có thể được tổ chức bất kỳ lúc nào mà hai gia đình muốn, sau lễ tăng cẩu.
 Buổi giao lưu văn nghệ với các em Thái đen, thái trắng làm cho mình phấn khích quá, uống khá nhiều rượu mà không bị say. Lại còn múa lăm vong và uống rượu cần nữa. Lúc chia tay ra về, một em Thái chờ sẵn ở cửa với một khai đầy những li rượu. Ai muốn về cũng phải uống một li.
Ôi, Sơn la, sao mà yêu đến thế!
Dưới đây là một số bức ảnh chụp tại buổi giao lưu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.