5 tháng 6, 2014

Một câu chuyện nhỏ về Thiên An Môn 1989

Ngày hôm nay, tôi vào mạng và thấy các bài về Thiên An Môn đã bị gỡ hết. Thật là lạ. Chắc đó là chỉ thị từ đâu đó cho các báo. Theo nguyên tắc, chỉ thị đó không công khai cho mọi người, nên tôi chắc là các FB và Blog không cần tuân thủ chỉ thị đó. Các câu chuyện về cuộc tàn sát Thiên An Môn, khiến cho ngay người Trung Quốc ngày nay còn rùng mình.
Tóm tắt là, từ tháng Tư năm 1989, sinh viên các trường đại học Bắc Kinh biểu tình hàng vạn người với nội dung: Ủng hộ chính phủ, ủng hộ Triệu Tử Dương, đòi tự do dân chủ. Cuộc biểu tình nổ ra nhân sự kiện Hồ Diệu Bang chết. Hồ là Cựu Tổng bó thư, người tích cực đường lối đổi mới mở cửa, dân chủ hóa, sau này, Triệu Tử Dương thực hiện tiếp tục, nhưng Triệu bị cách chức. Ngày 2/6/1989, quân đội đưa xe tăng phong tỏa Thiên An Môn và đến tối đó, cho đến ngày 4/6, quân đội đã ra tay tàn sát sinh viên. Hiện nay vẫn không có số lượng chính thức về người chết. Có người nói hàng trăm, có người nói hàng nghìn. Và cho đến nay, số phận các hồn ma sinh viên đó vẫn không được biết đã phiêu dạt ở đâu. Gia đình các sinh viên cũng không dám lên tiếng. Tôi đã gặp một đạo diễn Trung Quốc trong những chuyến đi làm phim ở Trung Quốc. Anh này đã tham gia biểu tình ở Thiên An Môn và may mắn sống sót. Sau đây là mấy câu chuyện anh kể:



1. Theo V, và nói chung người Trung Quốc sau đó biết trên phương tiện thông tin đại chúng, có những bài báo ca ngợi một viên đại tướng Tàu. Viên đại tướng này tư lệnh quân khu phía Bắc, mang quân về dẹp biểu tình Thiên An Môn. Khi Đặng Tiểu Bình phân vân không quyết, vì các tướng quân đội cũng chùn tay bàn đến đàn áp nhân dân. Khi đó viên tướng quân khu phía Bắc phát biểu: "Chúng ta đã mất 30 triệu sinh mạng để có chính quyền này, nếu cánh sinh viên có đủ 30 triệu mạng thì ta cho họ chính quyền" Ý của viên tướng này là Cộng sản Trung Quốc cho đến lúc đó lãnh đạo nhân dân, qua cuộc kháng Nhật, nội chiến và Cách mạng văn hóa đã chết rất nhiều người, 30 triệu người. Nay có lực lượng đòi chia sẻ chính quyền, thì họ có phải chết 30 triệu người, thì mất chính quyền mới cam chịu. Thế là Đặng hạ lệnh tàn sát.
Câu chuyện này có ý nghĩa nhất định. Chính các bạn Trung Quốc nói với tôi: Họ là lũ cướp chính quyền bằng sinh mạng nhân dân, chứ có coi nhân dân và đất nước ra cái gì. Nếu họ nghĩ về dân chủ, dân sinh, thì họ không nói thế.
Trí thức Trung Quốc không mấy người nuốt trôi được cục đắng Thiên An Môn. Dưới mắt họ, chế độ Trung Quốc đã trở thành phản dân từ năm 1989. Điều đó giải thích vì sao Pháp Luân Công lại tập hợp được nhiều hội viên đến thế. Chính quyền đàn áp chẳng qua sợ lực lượng này lớn lên. Tuy nhiên, chính các bạn đạo diễn Trung Quốc nói với tôi: Ngày tàn của bạo chúa chắc là sẽ đến. Các triều đại Trung Hoa dù có cực thịnh thì cũng suy tàn. Chế độ lấy 30 triệu sinh mạng làm đá lát đường thì rồi cũng tàn mà thôi.

2. Đạo diễn V. công tác tại Bắc Kinh. V người Sơn Đông, theo gia đình đi Công xã từ thời Cách mạng văn hóa, lớn lên đi nghĩa vụ quân sự, mãi mới đi học đại học. Khi anh học Đại học ở Bắc Kinh thì anh đã khoảng hơn 25, nghĩa là "cán bộ đi học". Vào năm 1989, V đang là sinh viên năm thứ 3, là Lớp trưởng, tham gia tích cực vào phong trào biểu tình ở Thiên An Môn. V kể khi đó các trường có đường dây liên kết với nhau, nhưng thực sự không có một bộ đầu não chung. Sau này một số người nhận là thủ lĩnh, thực ra họ chỉ là thủ lĩnh của trường họ học, và được sự "ăn theo" của các nhóm trường khác. Câu chuyện Vũ sống sót là một chuyện theo V vẫn là bí ẩn.
Biểu tình đến hồi gay cấn, các nhóm phân công nhóm thì biểu tình ngày, nhóm thì biểu tình tối, để giữ sức biểu tình lâu dài. Hôm đó là ngày V dự định đến phiên biểu tình tối. Thì sáng hôm đó, có người nhà ở quê nhắn bố anh hấp hối. Tối hôm đó, những người biểu tình không về. Sau này mới biết xe tăng đã cán chết họ, xúc xác chôn ở đâu đó, hoặc bị bắt đưa đi. Chứ lúc đó, V cho biết, nhiều nhóm không biết đêm hôm trước có gì xảy ra, chỉ tưởng rằng bạn bè bị bắt.
V về nhà, ông bố nằm ốm vài ngày thì khỏi, ông bảo V không nên đến chỗ loạn, nhưng anh vẫn về Bắc Kinh (Anh bảo, sau này anh cứ nghi rằng bố anh có thể có thông tin mật, vờ ốm để gọi con về). Khi đó thì tin tức về tàn sát đã loang rộng. Những bạn bè của V đã biệt vô âm tín từ đó đến giờ. Gia đình của các sinh viên đó cũng không dám hỏi xác con họ ở đâu. Một không khí khủng bố còn kinh khủng hơn hồi Văn Cách. V và bạn bè âm thầm học hành, không dám gặp nhau. Gặp tôi người Việt ở Hà Nội, thấy chúng tôi nói chuyện chửi chính phủ, nói ông Ba ông Tư vung lên ở quán bia, V rất ngạc nhiên, và bảo hiện nay TQ không có tự do như vậy. Người TQ có cách nói thâm trầm, nên sự phản kháng của họ cũng kín đáo, bài học Thiên An Môn còn sâu sắc, tuy không bộc lộ sự bất bình, nhưng tầng lớp trí thức vẫn ngấm ngầm mơ ước dân chủ một cách đau đáu. Đến HN, thấy TV chất vấn bộ trưởng, V bảo 20 năm nữa may ra TQ mới có chuyện đó.
Ngày này gần đến Tưởng niệm Thiên An Môn 25 năm, tôi lại nhớ đến V, con người ít nói, nhưng thực sự trải qua sóng gió Thiên An Môn, thoát chết nhưng vẫn coi như mình mang món nợ với bạn bè đã biệt tích, có thể là mất xác ở đâu đó 25 năm rồi. Năm ngoái tôi lại gặp anh phiên dịch Trung Quốc, hắn nói giờ thì những thân nhân và bạn bè sinh viên bị giết 25 năm trước đã dần dần tụ hội lại đòi chính quyền trả lời về số phận các sinh viên bị giết. (Người Tàu đã giết là phi tang, đến xác cũng không cho thân nhân được quyền hỏi han gì)
(NXH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.