7 tháng 7, 2014

Chu Huân ngôi sao sáng trong Nhị thập bát tú của Tao Đàn

Trần Đông Phong 
Chiều thứ Sáu (4-7-2014) tuần trước đang ngồi nghe hai em gái trẻ trung, xinh đẹp của một ngân hàng thương mại cổ phần tiếp thị về các loại thẻ tín dụng và dịch vụ ngân hàng, chợt có điện thoại. Nghe điện thoại nhận ra là Hoàng một cán bộ Trường hành chính quốc gia mà trước đây đã có lần giao lưu thơ, hẹn đến gặp có việc muốn hỏi. Hoàng đưa mình xem một tập giấy photocopy có nhiều chữ nho và cho biết đây là tài liệu của cụ tổ dòng họ ngoại từ thời Hồng Đức (1470-1497), tiến sỹ Chu Huân, thành viên Hội thơ Tao Đàn, một trong Nhị thập bát tú (28 ngôi sao sáng) do vua Lê Thánh Tông lập để nghiên cứu, sáng tác, bình luận thơ, mà Bảo tàng Bắc Ninh chụp từ sách cổ đưa lại cho gia đình. Các cụ trong dòng họ muốn tìm hiểu, dịch để đưa vào nhà thờ.
          Về nhà đọc kỹ mới thấy đây là 5 trang giấy chữ nho gồm hơn một chục bài thơ chữ Hán, viết tay kiểu chữ chân pha thảo dễ đọc tuy có vài chữ viết hơi ríu nên phải luận mãi mới ra, họa lại 5 bài thơ nổi tiếng của Lê Thánh Tông về Quân đạo 君道 (đạo làm vua), Kỳ khí 奇气khí phách lạ), Mai hoa 梅花(Hoa mai), Văn nhân 文人 (Người Văn nhân), Thần Phù hải môn lữ thứ 神符海门旅次 (Chuyến đi xa qua cửa biển Thần Phù). Bên lề có 4 chữ Toàn Việt thi lục (全越诗). Điều này cho thấy đây là bản chụp từ sách Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (1726-1784) sưu tập chỉnh lý hơn 3000 bài của các tác giả Việt Nam từ thời nhà Lý, Thế kỷ 11 đến thời Lê, Thế kỷ 15. Đây là cuốn sách có giá trị nhất về thơ cổ của Việt Nam.
          Tuy nhiên khi nghiên cứu kỹ hơn mười bài thơ thì thấy chỉ có một bài chắc chắn là của Chu Huân với dòng lạc khoản ghi rõ tên, quê quán, thời gian đỗ tiến sỹ, chức danh làm quan. Còn các bài khác chưa thấy có cơ sở rõ ràng để khẳng định là của Chu Huân. Đó là bài Phụng họa ngự chế văn nhân, đây là bài thơ thất ngôn bát cú, Đường luật chỉnh, câu từ hay, niêm đối chuẩn. Qua bài này cho thấy tác giả hướng tới một mẫu người văn nhân văn thơ tài giỏi, chăm chỉ, khí phách thanh cao, trong sáng, tình người, có khuynh hướng thần tiên.
          Mấy tháng nay mình đang bận tập trung cho một ngôn ngữ khác, không đọc đến chữ Hán, tranh thủ thời gian giữa các trận bóng đá World Cup tập trung nghiên cứu bài này: đánh máy chữ nho, phiên âm Hán-Việt, dịch nghĩa, chú thích, trong một lúc cao hứng đặt vần thơ lục bát. Sáng Chủ nhật ngồi ở Cà Phê Mai, Nguyễn Du đưa lại cho Hoàng.
Dưới đây là bài thơ Phụng họa ngự chế văn nhân (奉和御制文人) của Chu Huân:

1/ Nguyên tác chữ nho

奉和御制文人

青灯黄卷精勤
麗光調
骨孤高冬野客
襟怀莹牕人
坛森旗中伯
纸落云笔下神
昼永西清夢
池塘叩色一般春
朱塤武寧玉堆人洪德癸丑科進士選入翰林仕至乘使

2/ Phiên âm Hán-Việt

Phụng họa ngự chế văn nhân

Thanh đăng hoàng quyển nghiệp tinh cần
Từ lệ quang hoa cách điệu tân
Khí cốt cô cao Đông Dã khách
Khâm hoài oánh khiết Bắc song nhân
Đàn sâm kỳ cổ  thi trung bá
Chỉ lạc vân yên bút hạ thần
Trú vĩnh tây hiên thanh mộng thục
Trì đường khấu sắc nhất bàn xuân.

Chu Huân, Vũ Ninh, Ngọc Đôi nhân, Hồng Đức, Quý Sửu khoa tiến sỹ, tuyển nhập Hàn Lâm, sỹ chí thừa sử.

3/ Dịch nghĩa:

Phụng mệnh vua họa vần bài thơ do vua làm về văn nhân

Người văn nhân thường thắp đèn khuya để đọc sách, nghề đã tinh lại chuyên cần.
Lời văn lộng lẫy, sáng sủa, đẹp, nhiều nét mới mẻ.
Khí phách, cốt cách cao mà cô độc như Mạnh Giao có biệt hiệu là Đông Dã.
Tấm lòng trong sáng, tinh khiết như bài thơ Bắc song tam hữu của Bạch Cư Dị.
Trên thi đàn rợp bóng cờ, tiếng trống, là người đứng đầu.
Bút viết xuống giấy như mây mờ, khói tỏa, thực là có thần.
Suốt ngày ở mái hiên phía tây miên man trong giấc mơ thanh cao.
Ao nhà phủ đầy sắc màu mùa xuân.

Chu Huân, người Ngọc Đôi, Vũ Ninh, tiến sỹ khoa Quý Sửu (1493), thời Hồng Đức, được tuyển vào Viện Hàn lâm. Làm quan đến Thừa Sử.

4/Chú thich:

- Chu Huân: Tác giả bài thơ, thành viên Hội thơ Tao đàn, Nhị thập bát tú.
- Ngự chế văn nhân: Là bài thơ do đích thân vua Lê thánh Tông làm và giao cho Nhị thập bát tú trong Tao đàn làm thơ họa lại.
- Đông Dã: Nghĩa là cánh đồng hoang dã phía đông, tên chữ của Mạnh Giao (751-814), nhà thơ nổi tiếng đời Đường, có khí tiết thanh cao, đặc biệt là bài Du tử ngâm (Khúc ngâm của người con đi xa).
- Bắc Song: Lấy chữ trong bài Bắc song tam hữu (Ba người bạn bên song cửa sổ phía bắc) của Bạch Cư Dị (772-846), nhà thơ lớn đời Đường.

5/ Dịch thơ:
Văn nhân

Đèn khuya đọc sách chuyên cần
Văn hay điệu mới lời càng sáng tươi
Khí cao Đông Dã tình người
Bắc Song tình bạn sáng ngời ánh sao
Thi đàn cờ  trống đứng đầu
Khói mây cuốn giấy bút hoa có thần
Hiên tây một giấc miên man
Ao nhà rợp bóng ngập tràn sắc xuân.

(Trần Đông Phong đánh máy chữ nho, phiên âm Hán-Việt, dịch nghĩa, chú thích, dịch thơ, 5-7-2014).

7 nhận xét:

  1. Nặc danh14:44 7/7/14

    Hay quá biết thêm 1 bài thơ hay, 1 danh nhân

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh14:47 7/7/14

    Cháu chào Pác Phong lâu lắm mới thấy bài của Pác, cháu thích bài thơ dịch lắm

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh15:48 10/7/14

    Thời Hồng Đức hiền tài rất được trọng dụng, nhị thập bát tú trong Tao đàn là 28 ông quan lớn có trình độ rất cao tham gia điều hành đất nước. Đại Việt thời Lê Thánh Tông rất thịnh trị, biên giới phía bắc yên ổn, bờ cõi phía nam mở mang, văn hóa, kinh tế phát triển.

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh17:34 10/7/14

    TAO ĐÀN NHỊ THẬP BÁT TÚ

    (Được lập tháng 11 năm 1495 niên hiệu Hồng Đức đời Lê Thánh Tông)

    Lê Thánh Tông Tao đàn Nguyên soái

    Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung (TS 1469) và Đỗ Nhuận (TS 1466): Phó Nguyên soái;

    Đông các Hiệu thư Ngô Luân (TS 1475) và Ngô Hoán (BN 1490),

    Hàn lâm viện Thị độc: Nguyễn Trùng Xác và Lưu Hưng Hiếu (BN 1481),

    Hàn lâm viện Thị thư :Nguyễn Quang Bật (TN 1484), Nguyễn Đức Huấn (BN 1487), Vũ Dương (TN 1493) và Ngô Thầm (BN 1493);

    Hàn lâm viện Thị chế: Ngô Văn Cảnh (HG 1481), Phạm Trí Khiêm (HG 1484), Lưu Thị Mậu (Lưu Thư Ngạn-TH 1490);

    Hàn lâm viện Hiệu lý: Nguyễn Nhân Bị (TS 1481),Nguyễn Tôn Miệt (TS 1481), Ngô Quyền ( Ngô Hoan-HG 1487), Nguyễn Bảo Khuê (HG 1487), Bùi Phổ (HG 1487), Dương Trực Nguyên (HG 1490) và Chu Hãn(Nguyễn Hoản-HG 1493),

    Hàn lâm viện Kiểm thảo:

    Phạm Cẩn Trực (TS 1484), Nguyễn Ích Tốn (TS 1484), Đỗ Thuần Thứ (Đỗ Thuần Nhân TS 1472), Phạm Như Huệ, Lưu Dịch (TS 1490), Đàm Thận Huy (TS 1490), Phạm Đạo Phú (TS 1490) và Chu Huân(TS 1493).

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh21:09 10/7/14

    Câu "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" là của Thân Nhân Trung một trong nhị thập bát tú Tao đàn của Lê Thánh Tông

    Trả lờiXóa
  6. Nặc danh16:57 11/7/14

    Bài của TĐP luôn hấp dẫn, nhiều thông tin mới

    Trả lờiXóa
  7. Nặc danh17:05 11/7/14

    Anh Trần Đông Phong là cây viết có uy tín roài!

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.