21 tháng 2, 2013

Linh tinh tình phộc

(Tôi đi lễ hội Trò Trám)

(Bài 1: Đề dẫn)

Bủ Thơ làm chủ lễ 
Năm nay, tôi đã hẹn với nhà văn Hà Phạm Phú đi lễ hội trò Trám. Vừa may, gần đến ngày lễ hội, Nhà thơ Ngô Công Thành lại sưu tầm bài viết về lễ hội “linh tinh tình phộc” mà post lên blog. Điều đó như là cơ duyên khiến tôi cùng nhà văn Hà Phạm Phú quyết đi lễ hội này, cung kính mời nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn cùng đi về lễ hội.
Vì sao lại phải mời nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn? Vì Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, người được đánh giá là nhà văn viết về nông thôn hàng đầu hiện nay của văn học Việt Nam đương đại, cũng có thành tựu rất lớn trong nghiên cứu văn hóa dân gian, chính ông là người đã góp phần lớn khôi phục lễ hội này. Và, điều rất có duyên là Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn chính là người con của quê hương Trò Trám, tức là xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Có được một “tua-gai” như Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn thì tôi và nhà văn Hà Phạm Phú quả là những khách du lịch sang trọng nhất. Cho nên chúng tôi đi theo đường dân dã, không qua tỉnh, qua huyện, qua xã. (Đến lễ hội, tôi thấy một quan chức của Ban Tuyên giáo Trung ương, có Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tháp tùng, cùng các quan chức huyện, xã, nếu xét về khâu oai, thì chúng tôi không so được với họ). Tuy nhiên, khi phát hiện ra ông Nguyễn Hữu Nhàn, các chức sắc địa phương đều chạy đến vô cùng hồ hởi.
(Cắt đoạn nói về lịch sử Tứ Xã)
Tóm tắt: Tứ Xã ngay cạnh di chỉ khảo cổ Sơn Vi, Gò Mun, là 2 di chỉ khảo cổ về cư dân cổ xưa của người Việt. Đây là một làng Việt cổ, có nghi lễ riêng, tiếng nói được giữ gìn khác hẳn trong vùng. Điều quan trọng là có truyền thống dân chủ làng xã rất mạnh. Tên cổ là Kẻ Gáp, Gáp là Gặp- nơi đầu mối gặp gỡ giao lưu của các con đường Nam Bắc Tây Đông ngay từ cổ xưa, trong đó có con đường Thiên lý, tức là đường chính Bắc –Nam, như đường số 1 ngày nay. Do tuổi làng hàng ngàn năm, mà nói như các học giả, mỗi hạt bụi của Tứ Xã, Sơn Vi, Gò Mun, cũng có thể viết thành một thiên truyện. Do có nhiều vấn đề qua chuyện đi lễ hội này, nên tôi đã viết thành một chuyên luận dài. Để phù hợp với bạn đọc blog, tôi sẽ cắt những đoạn không cần thiết.
Ngày nay, đi từ Việt Trì về Tứ Xã, có đường ô tô thênh thang, chỉ khoảng gần 20 km. Sẽ đến một trung tâm Phố làng của Tứ Xã. Ngay Phố làng này, cũng có quy mô như một thị trấn trung bình ở nơi khác.
Phố làng Tứ Xã, đoạn cách Miếu Trò diễn ra Trò Trám khoảng 1 km.
Nếu tra Google, bạn sẽ thấy vô số bài viết về Trò Trám (và nhiều bài sao tẩm của nhau, cơ bản giới thiệu lễ hội như bài Ngô Công Thành đã sưu tầm). Nhưng tôi cho rằng, người ta chỉ nói đến Lễ hội với khía cạnh là lễ hội phồn thực, lạ lùng, hiếm có và hài hước. Song thực ra không phải hoàn toàn như vậy.
 Lễ hội Trò Trám có 3 phần hoạt động: Diễn trò “tứ dân chi nghiệp”; Lễ Mật; và Rước bông lúa thần. Mỗi phần lễ hội đều có đặc sắc riêng. Vậy mà, từ năm 1945 đến khoảng 199x, hầu như không được nhắc đến…
Tiếng địa phương “trò” cũng là “diễn”, có ý kiến cho rằng “chèo” cũng là biến âm của “trò”. Phần đầu tiên, khoảng từ tối đến đêm là màn diễn trò, gọi là “Tứ dân chi nghiệp”, diễn các hoạt cảnh về các nghề Sĩ, nông, công, thương; ví dụ: Thầy đồ, thợ cưa, cấy lúa… với khoảng 200 bài ca, mà đều có tính ẫm ờ, đa nghĩa, nói thanh mà nghĩ tục. (Tôi sẽ nói rõ ở phần sau). Và, điều kỳ lạ là Trò Trám có mối liên hệ lịch sử với cuộc đời nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Phần 2 là “Lễ Mật”, tức là lễ cúng lễ rồi làm động tác “linh tinh tình phộc”, lấy dương vật đâm vào âm vật, sau đó hú hét tháo khoán trong đêm. Phần 3 là lễ rước lúa, tổ chức vào ngày 12, rước lúa, tế bà chúa Trò họ Ngô (Ngô Thị Thanh)
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn thăm hỏi các cụ già
các cụ ra chơi khu vực diễn trò từ chiều
Theo Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, năm nay ông 76 tuổi, thì hầu như không còn nhớ rõ các lễ hội xưa, nhưng khoảng năm 199x, thì còn có nhiều “bủ” biết rõ, và chính họ đã là những người truyền lại các bài ca cổ, và trò cổ của lễ hội, và một nhóm các nhà văn, nhà văn hóa đã ra sức khai thác lại vốn cổ, gạn đục khơi trong để cho lễ hội trò trám được mọi người biết như ngày nay. Tuy có nhiều vấn đề còn phải bàn, nhưng cũng đã là một lễ hội có tiếng vang sâu rộng.
Buổi chiều, đấu cờ ngay tại sân mà đêm sẽ làm lễ
gọi là "Lễ Mật"
Khoảng những năm chín mươi hơn 20 năm trước, khi ông Nguyễn Hữu Nhàn và cán bộ văn hóa đến Tứ Xã đặt vấn đề về lễ hội Trò Trám, thì hầu hết người dân đều chối từ, vì có một thời kỳ, các địa phương xung quanh, nơi đều biết Tứ Xã có… trò đó, thì đều cho rằng đó là chuyện xằng bậy, tục tĩu, mà tiếng địa phương gọi là “nhây nhả”. Hỏi đến lễ hội, các cụ cũng lắc đầu: Không làm trò “nhây nhả”. Rồi cười khoái trá. Nhưng rồi nhà văn, nhà văn hóa nghiên cứu, giới thiệu, tìm hiểu, sau đó tổ chức hội thảo, vận động thuyết phục nhân dân khôi phục những câu ca, trò diễn truyền khẩu. Đến khoảng năm 1999-2000, thì lần đầu tiên Tứ Xã tổ chức lại lễ hội, với mục đích thăm dò, thao diễn cho nghiên cứu. Ngay lập tức, quan khách trong nước và quốc tế đã đến, các đài truyền hình và báo chí đổ xô đến. Thế là nhân dân xã, các bô lão vững tin tổ chức lại lễ hội. Từ đó, đã hơn 10 năm, lễ hội trở thành một lễ hội văn hóa cổ phồn thực đặc sắc của cư dân lúa nước trên một vùng đất Việt cổ.
Thực ra, xung quanh Tứ Xã, ngay ở huyện Cẩm Khê, cũng có lễ hội tương tự, cũng đâm chọc âm dương… Hay như vùng Sơn Tây, Bắc Ninh cũng có lễ hội phồn thực như vậy. Nhưng Tứ Xã trở nên nổi tiếng vì đất Tứ Xã là đất “phát” theo quan điểm phong thủy. Xã này rất nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư… và là đất học. Các tướng tá, thứ trưởng cho đến các vụ trưởng người xã Tứ Xã rất nhiều. Song, điều quan trọng là Tứ Xã có một nhà văn say mê với đề tài nông nghiệp và văn hóa cổ. Chính Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn là người đã không ngừng mỏi mệt cổ vũ, đưa lễ hội từ bóng tối quá khứ hiện dần ra với thời đương đại, làm cho khắp nơi biết đến.
Bủ Thơ ở nhà ông, đang đợi để ra làm lễ mật
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn dẫn tôi và nhà văn Hà Phạm Phú vào chơi nhà ông cụ “bủ Thơ”. Gọi là bủ, cũng như "cụ" ở nơi khác. Bủ Thơ là thủ từ, là diễn viên đóng thày đồ rất được hoan nghênh. Trong các ảnh trên mạng, hay clip trên ti vi, chúng ta thấy một ông cụ đeo kính, trắng trẻo, đúng dáng thày đồ, râu dài trắng như cước, đứng chủ lễ khi anh chàng dùng nõ đâm vào nường của người nữ, thì đó chính là bủ Thơ (xem ảnh). Bủ Thơ cũng cười khà khà, bảo rằng, năm xưa, khi ông Nhàn động viên bủ kể về lễ hội cổ, bủ còn hơi …sợ và chối đây đẩy. Vì khi đó chưa biết ý tứ nhà văn thế nào, chứ “xung quanh khi nói đến Trò Trám thì cười hi hí chế diễu, nhưng chế thì chế, mà cứ chen nhau xem”…

1 nhận xét:

  1. Thông tin rất hay, cám ơn nhà văn NXH. Blog E đúng là hơn hẳn báo chuyên nghiệp về tính khoa học và thực tiễn khi chúng ta đăng tải thông tin về lễ hội. Độc giả blog chắc sẽ hài lòng vì những thong tin trên blog của chúng ta. Đề nghị NXH miêu tả kỹ phần THÁO KHOÁN xem có hấp dẫn mọi người đến dự hội năm tới không nhé (NCT)

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.