Bài viết trước, khi comment tôi có nói về "ngũ thập, lục thập...". Nay có bài bàn về vấn đề tuổi. Sau bài này tôi đi công tác 3 tuần, xin miễn trách nhiệm admin, khi về tôi sẽ tặng các bạn bài "kỳ thú chơi bướm" (theo đề nghị của một bạn comment ở bài "Kỳ quặc chơi chim") (nxh)
1. Nói về tuổi, hiện nay người ta hay nói đến cụm từ "tam thập nhi lập, tứ thập bất hoặc..."
Thực ra, đó là cụm từ trong Luận ngữ của Khổng tử. Nguyên văn như sau: "Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học; Tam thập nhi lập; Tứ thập nhi bất hoặc; Ngũ thập nhi tri thiên mệnh; Lục thập nhi nhĩ thuận; Thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ".
Có thể dịch nghĩa như sau: "Ta cho đến 15 tuổi thì chuyên tâm vào việc học; ba mươi tuổi thì lập thân; 40 tuổi thì có thể biết mọi điều, không phân vân nữa; 50 tuổi thì hiểu thấu mệnh trời; 60 tuổi thì việc gì cũng nghe được thuận tai; 70 tuổi thì làm gì cũng tùy tâm, theo ý muốn và không ra ngoài phép tắc"
Do Hán ngữ cổ cô đọng súc tích, nên "lục thập" là điều nhiều tranh cãi nhất. Thế nào là "nhĩ thuận"? Có phải là Khổng tử khuyên đã 60 thì cứ ăn nói dễ nghe thôi. Thực ra, phân tích ra, ý ông ta nói rằng, đến 60 thì do đã biết mọi lẽ trời, nên ai nói gì ta cũng bình tĩnh mà không thấy đó là trái tai. Đến 60 rồi thì ung dung tự tại, lão giả an tri, là vì thế. Còn đến 70 rồi thì thành tiên rồi, làm gì cũng tùy tâm, tùy ý, khi đó gần như đạt đến tự do. Nhưng vào thời Khổng tử, thì tự do cũng phải "bất du củ" (không ra ngoài phép tắc). Khi đã 70, mọi lẽ đời thấm vào như bản năng, làm gì cũng trong phép tắc của người đời.
2.Từ khi Khổng tử sống đến nay ngót 2000 năm, Trung Quốc và các nước lân bang tốn bao nhiêu giấy mực về những câu nói của Khổng tử. Trung Hoa phong kiến, kể từ thời Hán, nâng các bài học của Khổng tử thành một loại đạo giáo. Cho đến nay, Khổng giáo trở thành Hán giáo, truyền bá văn hóa Hán. Cũng như Mác, nguyên bản các lý luận của các ông chỉ là triết học, với Khổng tử, chỉ là các bài giảng, nhưng đời sau nhào nặn lý thuyết của các ông, phục vụ cho người đương thời. Thành ra, lý thuyết của các cụ đôi khi mất đi ý nghĩa ban đầu, có khi méo mó, gớm ghiếc.
Câu nói tổng kết về tuổi đời của Khổng tử ứng với xã hội phong kiến cách đây 2000 năm, và đó là ông ta nói về đời ông ấy. Chứ không phải ông ấy bắt ai phải theo, cũng không bảo đó là cuộc đời mẫu. Nếu ai làm quan, có thể khác. Nếu ai chỉ cày ruộng, cuộc đời cũng sẽ khác. Có thể người cày ruộng cả đời thì 40 cũng "tùy tâm, tùy dục" và "bất du củ".
3.Còn ngày nay, khi có hệ thống thông tin khắp thế giới, hệ thống giáo dục khác, xã hội đã khác, tuổi thọ trung bình lại tăng lên nhiều, thì điều mà ông Khổng nói cũng không nên là thước mẫu cho mọi đời người. Tuy nhiên, thông qua câu nói của Khổng tử, một vấn đề ông ấy đề cập thì ít khi người ta chú ý, đó là ông họ Khổng này lấy mình làm tấm gương học tập suốt đời. Từ 15 đã học, và cho đến ngoài 50, 60 vẫn học không ngừng. Có như vậy thì đến 70 mới có thể hành động tùy tâm, tùy ý muốn mà vẫn ung dung trong khuôn khổ lễ phép của con người được. Thông điệp đáng quý nhất của cụm từ về tuổi tác này lại là chân lý "học tập không ngừng". Ngày nay, 60 tuổi có thể chưa phải đã "nhi nhĩ thuận", về hưu vác vợt tennit đi chơi tít mù, tán các em tam tứ thập và bồ bịch còn ghê lắm. Nhưng nếu cứ theo tinh thần Khổng tử, thì dù 60 vẫn học thêm Internet, vào mạng đọc blog E là sẽ tiến tới tiêu chuẩn của cụ Khổng. Cá nhân tôi, tôi cho rằng Khổng tử là một ông thày, một nhà giáo dục và chỉ thế thôi. Nhưng đáng tiếc cái bóng Khổng giáo đã đè nặng văn hóa Hán lên lịch sử nước ta, và điều đó thì không phải tội của Khổng tử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.