23 tháng 7, 2013

Thay một nén hương thắp cho các liệt sĩ vô danh

Ngày 27/7 - Ngày Thương binh liệt sĩ lại sắp đến. Người Việt Nam đã qua 65 lần bày tỏ niềm  tưởng nhớ các liệt sĩ và  lòng biết ơn các thương binh đã hy sinh cả cuộc đời hay một phần thân thể mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lần thứ 66 này tôi xin bày tỏ nỗi lòng mình tưởng nhớ các liệt sĩ vô danh trên khắp miền đất nước bằng một bài thơ. Thương các anh vì chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm rồi mà hài cốt vẫn chưa quy tập được, chẳng có mộ để người đời hương khói! (NCT)

VÌ SAO?
           Tưởng nhớ các liệt sĩ vô danh trên khắp miền đất nước

Vừa tròn mười tám tuổi
Đang học dở cấp ba
Anh phải đi bộ đội.
Buổi lên đường
Bàn tay thư sinh vẫy vẫy
Hẹn ngày chiến thắng trở về.

Hai năm sau
Chiến thắng chưa thấy đâu
Đã có giấy báo tử anh gửi đến!
Chẳng biết vì sao anh chết
Chỉ biết anh hi sinh ở mặt trận phía Nam.
Chẳng có ngôi mộ nào cho anh
Chỉ có Bằng Tổ quốc ghi công anh: liệt sĩ!
*
Bốn mươi năm mẹ anh lo nghĩ
Mơ có phép màu tìm thấy được anh
Dù chỉ là nắm xương tàn
Hay một phần thi thể...
Nỗi xót thương con suốt đời theo mẹ
Giờ mẹ đã đi tìm anh ở thế giới những linh hồn...

Anh nằm đâu giữa những mất còn
Mà nỗi buồn đau mãi đè nặng những người đang sống!
*
Những người thân của anh
Theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm
Đã vượt qua chặng đường ngàn dặm
Tìm anh nơi châu thổ phương Nam
Những cánh đồng rộng mênh mông
Xương cốt anh đang nằm đâu đó?

Tình cờ một ngày có người vấp ngã
Trên mảnh ruộng kia in dấu một hình hài!
Những người tìm mộ nghe văng vẳng bên tai
Tiếng anh khe khẽ gọi...
Họ đào. Họ bới.
Anh nằm đâu trong những lớp đất dày?
Rồi họ vét một ít đất gói vào vuông vải đỏ.
Họ tin đất kia là hài cốt một con người!
*
Anh đã về với quê hương
Trong lòng đất mẹ.
Những người sống đều tin như thế!
Tấm bia khắc tên anh giữa những hàng mộ chí
Ngôi mộ nào chỉ có đất bên trong?
Thắp hương lên mộ anh mà đau nhói trong lòng
Xương cốt anh ở đâu
Chàng trai hai mươi tuổi?
*
Còn bao nhiêu trai tráng tuổi đôi mươi
Xương cốt  họ vương vãi khắp nơi
Trên dải đất hình chữ S...
Vì sao các anh phải chết?
Vì sao linh hồn các anh
Mãi lang thang trong xứ vô danh?

Ẩn hiện đâu đây
những bàn tay vẫy
Những người ra đi
không có ngày về...
                                          (NCT-7/2013)

18 nhận xét:

  1. Nặc danh18:21 23/7/13

    "Nén hương trầm" của anh NCT dài quá,mãi không cháy hết. Đọc bài thơ sao thấy ngậm ngùi.
    "Ẩn hiện đâu đây
    những bàn tay vẫy
    Những người ra đi
    không có ngày về..."
    Em nghe như có hơi hướng thơ Trần Dần ấy các bác ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh22:39 23/7/13

    VÌ SAO của anh NCT làm day dứt lòng người từ nhan đề bài thơ - Một câu hỏi lớn - Đến hàng loạt câu hỏi cuối bài thơ. Những câu hỏi không lời đáp:
    " Vì sao các anh phải chết?
    Vì sao linh hồn các anh
    Mãi lang thang trong xứ vô danh?"
    VÌ SAO làm xúc động lòng người từ "Bàn tay thư sinh vẫy vẫy" trước khi ra trận của chàng trai tuổi mười tám, đến "những bàn tay vẫy ẩn hiện đâu đây" của những linh hồn liệt sĩ vô danh trong cõi vô thường.
    VÌ SAO làm đắng đót lòng người ở những dòng tự sự kể chuyện đi tìm hài cốt "anh" của những người đang sống. Chuyện không lạ ở mọi miền quê Việt Nam chất chồng bom đạn chiến tranh. Nhưng nắm đất mang về từ phương Nam, dưới tấm mộ chí kia có làm nguôi đi nỗi xót xa trong lòng mẹ già 40 năm cạn khô nước mắt khóc con?
    VÌ SAO của NCT không chỉ giàu cảm xúc như thơ anh vốn thế. VÌ SAO còn chất chứa suy tư về thế sự. Bài thơ đã thể hiện một NCT thi sĩ mỗi ngày thêm một độ sâu xa.
    (N22)

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh09:21 24/7/13

    Tôi thích cách nhìn và giọng điệu thơ của anh NCT trong "Vì sao".
    Đó không phải là giọng "anh hùng ca" cố "lên gân" như kiểu thơ của văn học minh họa. Nhưng đó tuyệt nhiên cũng không phải cái nhìn bôi đen hiện thực với những lời giễu nhại đắng cay của những nhóm thơ "hậu hiện đại", chỉ làm mệt nhoài cả người sống lẫn những linh hồn. Mà đó là cái nhìn rất thực về cuộc sống chiến tranh cũng như thời hậu chiến.
    Đúng vậy, cái nhìn và giọng điệu ấy rất thẳng thắn. Nó có thể chỉ cần diễn đạt bởi một từ:
    "Đang học dở cấp ba
    Anh phải đi bộ đội"
    Chỉ cần một từ "phải" thôi, đủ nói lên cái nghiệt ngã của chiến tranh và tâm lí người ra trận. Lâu nay, trong văn học minh họa, tôi vẫn nghe nhiều những chữ "xung phong", "lá đơn viết bằng máu" ... của những người sắp bước tới đối mặt với tử thần trong lửa đạn bão bom. Để rồi lớn lên, tôi mới hiểu rằng, đó đều là những lời "tổng động viên" sáo rỗng mà thôi! Chẳng ai lại "vui vẻ chết ..." như thế cả. Vậy nên, việc "đi bộ đội" thời chiến tranh, ai cũng hiểu rằng "mấy người trở lại", đúng là "phải đi", bắt buộc đấy, chẳng thể nào không!
    Cái nhìn và giọng điệu ấy, có khi được toát lên từ những lời tự sự - những lời kể chuyện thời hậu chiến. Cả một gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ. Biết rằng chẳng thấy đâu, bao người, bao nhà đã tìm thế rồi, cũng chỉ mang về một nắm đất phương xa. Nhưng người Việt Nam là thế. Người phương Đông là thế. Để giải tỏa tâm lí, để bớt đi nỗi xót xa chất chứa bao năm từ vết thương chiến tranh chưa thể nào liền. Cố phải tin một điều không có thực. Chẳng thể làm như nước Mỹ kia, phải thử ADN của hài cốt rồi mới có thể tin ...
    Sự thẳng thắn trong cái nhìn và giọng điệu của "Vì sao" đã đem đến cho người đọc những cảm xúc và suy nghĩ sâu xa: Nỗi đau chiến tranh còn đó, nghiệt ngã chiến tranh còn đó. Đừng bao giờ tự mê hoặc mình và mê hoặc người. Chúng ta hãy nên tìm lời giải cho những câu hỏi VÌ SAO, để đừng lặp lại cảnh " Những người ra đi/không có ngày về..."
    (Hải Yến)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Hải Yến! Trước hết xin được xưng "anh" cho tình cảm nhé.Sau khi đọc những coment trước đây của em trên blog này, anh tự nhận thấy có sự hâm mộ ít nhiều vơi em (cũng như một số độc giả nữa).Nhưng sau khi xem đoạn ý kiến trên của em thì anh không thực sự tán thành. Anh nghĩ có lẽ em chưa hiểu hết ý của NCT trong VI SAO.Là một người đã từng được sống, chiến đấu với những đồng đội sống sót sau chiên tranh chống Mỹ, rồi vẫn vô tư sẵn sàng hy sinh trong cuộc chiến tranh phia Nam, phía Bắc... Cần phải hiểu từ PHẢI ở đây cho đúng. Lịch sử mọi dân tộc đều có những đặc trưng, những lớp sau có thể ghi nhận hay trách cứ tiền nhân. Anh không thể diễn tả hết ý của mình, anh chỉ muốn nói với em và thế hệ trẻ rằng: Hãy tôn trọng lịch sử và hãy mang ơn những người đã chết cho hôm nay.

      Xóa
    2. Nặc danh13:50 24/7/13

      Thưa anh E 13:24!
      Anh đang trao đổi cùng HY về một từ trong bài thơ của anh NCT, sao anh không xưng danh cho HY tiện trao đổi ạ?
      Anh nói "Anh không diễn tả hết ý của mình", và "Cần phải hiểu từ PHẢI ở đây cho đúng". Vậy thì làm sao HY có thể trao đổi gì thêm được với anh? Chỉ biết rằng, HY cảm nhận về từ PHẢI như đã nói, hoàn toàn không có ý gì là không tôn trọng lịch sử và những người đã chết cho hôm nay. Họ đáng ca ngợi cả ngàn lần kia chứ! Nhưng họ không muốn chết, chúng ta không muốn họ chết rồi thành những "linh hồn mãi lang thang trong xứ vô danh" như thế. Tức là, tất cả chúng ta đều không muốn có chiến tranh, bất cứ lí do gì thì chiến tranh đâu phải là hạnh phúc? Vậy nên, tham gia chiến tranh là điều bắt buộc với bản chất yêu chuộng hòa bình của con người. Từ PHẢI đã nói thẳng thắn về điều đó. Và phải làm sao cho đừng PHẢI như thế nữa.
      HY nói như vậy, anh không tán thành ở chỗ nào ạ, thưa anh E 13:24?
      (Hải Yến)

      Xóa
    3. Xin lỗi HY vì sơ xuất không xưng danh, anh là VĐT- Một cựu binh chiến tranh biên giới phía Nam, phía Bắc (cũng PHẢI đi bộ đội mà không được học BKHN).Anh tự thấy không thể diễn đạt trao đổi hết ý mình với HY trên diễn đàn này (khiếu văn chương của anh kém lắm). Nếu có thể ta trao đổi qua Đ/C của anh: Tienthanhdong@gmail.com.

      Xóa
    4. Nặc danh20:56 24/7/13

      Tôi cũng nhất trí với nhà thơ NCT và bạn Hải Yến. Dùng "anh phải đi bộ đội" là rất chuẩn. Nó cũng phù hợp với quan điểm của giới lãnh đạo khi cho phổ biến bài hát "Lời tạm biệt lúc lên đường" có câu: "kẻ thù buộc ta ôm cây súng". Chẳng có ai xung phong đi bộ đội nếu không vướng vào một hoàn cảnh nào đó (có người thân bị bom giặc giết hại tạo nên sự căm thù giặc; có bạn bè, anh em đi bộ đội bị hy sinh hoặc bị người khác kích động...). Câu hỏi vì sao? của tác giả mang nhiều nghĩa, trong đó phải chăng có cả nghĩa hoài nghi về cuộc chiến? (Một người từng là lính)

      Xóa
    5. Bạn ND20:56 ơi, "Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ kẻ thù buộc ta ôm cây súng" là câu trong bài HÁT MÃI KHÚC QUÂN HÀNH. Chắc bạn chưa trải qua lính nên đã nhầm lần đấy. Rút kinh nghiệm khi trích dẫn để tránh sai sót nhé, vì nhận xét của bạn có thể có hàng trăm người xem trên nhiều quốc gia khác nhau đấy.

      Xóa
  4. Nặc danh10:27 24/7/13

    Thật thương tiếc cho những người đã hy sinh vì đất nước, xin chia xẻ một vài vần thơ để tưởng nhớ các anh
    Các anh đi quét sạch bóng quân thù
    để giữ lại mầu xanh cho đất nước
    Mầu xanh ấy ngay nay không nguyên vẹn
    Đã pha mầu vẩn đục của lòng tham
    Lợi ích nhóm với muôn vàn thủ đoạn
    đã trà lên xương thịt của các anh
    Ở nơi ấy xin các anh yên giấc
    Vẫn có những người tưởng nhớ công ơn!

    Trả lờiXóa
  5. Anh nằm đâu giữa những mất còn
    mà nỗi buồn đau mãi đè nặng những người đang sống?
    Trăn trở quá, đau đớn quá. Những ai có người thân chết trong chiến tranh hẳn cảm thấy sâu sắc nhất nỗi đau này, nhất là người thân mình chưa tìm thấy mộ. Cám ơn thi sĩ NCT đã nói hộ những người đang sống vào dịp 27/7 - ngày thương binh liệt sĩ.

    Trả lờiXóa
  6. Hãy cho các bạn đọc cuốn nhật ký trở về Hải Phòng của thanh niên thuở ấy ,do ông Lý Quang Nhân lưu giữ và chuyển về quê hương người lính trẻ
    - Một huyền thoại. Và tôi kính trọng ông một con người cao cả!!!

    Trả lờiXóa
  7. Tôi không phục những người ghi tên : Nặc danh
    Bạn không tự tin à???

    Trả lờiXóa
  8. có cái gì đó chạy dọc sống lưng và cào lên những mảng da gà khi đọc bài thơ này:
    ...Anh đã về với quê hương
    Trong lòng đất mẹ.
    Những người sống đều tin như thế!
    Tấm bia khắc tên anh giữa những hàng mộ chí
    Ngôi mộ nào chỉ có đất bên trong?
    Thắp hương lên mộ anh mà đau nhói trong lòng
    Xương cốt anh ở đâu
    Chàng trai hai mươi tuổi?..."
    Tuổi hai mươi các anh còn mãi với đất mẹ...Tự hỏi tuổi hai mươi mình đã làm dược gì? cảm ơn tác giả đã giúp cháu những thế hệ chưa biết được sự tàn khốc của chiến tranh có thể phần nào hình dung lên được...Chiến tranh, tuổi trẻ và chí dũng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi thắc mắc: bùi duong là ai nhỉ ? hình như lớp E không có ai họ Bùi?

      Xóa
    2. Bùi Dương là sinh viên năm thứ 3 Học viện báo chí tuyên truyền, đã viết một số truyện được đọc trên chương trình VOV. Cháu là cộng tác viên mới của blogE. Tôi đang đề nghị cháu gửi truyện ngắn đăng trên blog của chúng ta để bạn đọc thưởng thức. (BBT)

      Xóa
  9. Ngày trước tôi rất thích bài "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan và bây giờ đọc xong bài" Vì sao" của ông NCT tối thấy còn gì đó chưa ổn trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Với "lòng tin chiến lược" tôi tin rằng sẽ có một ngày nào đó các anh được mỉm cười nơi chín suối.

    Trả lờiXóa
  10. Nặc danh13:38 27/7/13

    Bài thơ rất xúc động, làm cho người đọc thấy day dứt, nhưng tôi thấy có khổ thừa không cần thiết:
    " Chiếc ô tô căng dải băng màu đỏ tươi
    Dòng chữ vàng 'xe chở hài cốt liệt sĩ
    Trở về quê trong chào đón mọi người
    Chúng tôi đưa anh vào nghĩa trang liệt sĩ"
    "Anh" đã có bằng tổ quốc ghi công liệt sĩ rồi thì khi gói đất vào vuông vải đỏ tất nhiên người ta sẽ đưa "anh" về quê, vào nghĩa trang liệt sĩ, có gì đâu phải kể lể điều này. NCT cần học cách "dỡ giàn giáo" sau khi dựng xong bài thơ để làm tinh lại bài thơ đã viết. (Thichdoctho)

    Trả lờiXóa
  11. Tôi thì nghĩ là (Thichdoctho) nên đọc lại bài thơi và xem lại tiêu đề bài thơ. Nếu để ý trong bài thơ sẽ thấy tần xuất của dấu "?" và dấu "!" khá là nhiều, theo cá nhân tôi thấy "vì sao" nó nằm ở khổ 5 và khổ 6.Có thể nói đấy chính là "cốt pha" chứ không phải "giàn giáo". Nếu có thể tác giả hãy giải thích rõ hơn về ý thơ trên.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.