14 tháng 1, 2014

Nguyễn Trung Ngạn – Thơ ngoại giao

Trần Đông Phong

Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370): Người Ân Thi, Hưng Yên, thi đỗ Hoàng Giáp (đỗ thứ tư trong kỳ thi tiến sỹ, sau Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) năm 15 tuổi. Làm quan trải 5 đời vua Trần, chủ biên bộ Hình luật đầu tiên của Việt Nam. Làm Kinh sư đại doãn (đứng đầu kinh thành Thăng Long), nay ở Hà Nội còn 7 ngôi đền thờ Nguyễn Trung Ngạn. Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành khác có phố Nguyễn Trung Ngạn.

Năm 25 tuổi Nguyễn Trung Ngạn được giao trọng trách đi sứ nhà Nguyên. Sứ mệnh ngoại giao lần này của Nguyễn Trung Ngạn là để thông báo việc vua Trần Minh Tông đăng quang. Nhân chuyến đi này, Nguyễn Trung Ngạn làm một số bài thơ về địa danh, nhân vật, phong cảnh mà ông đi qua, sau này được tập hợp lại trong cuốn Giới Hiên thi tập, nghĩa  là Tập thơ của Giới Hiên, bút danh của Nguyễn Trung Ngạn. Người đời sau đánh giá rất cao thơ của Nguyễn Trung Ngạn, đặc biệt là bài Quy hứng:

Nguyên tác chữ Hán

歸興
老桑葉落蠶方盡,
早稻花香蟹正肥。
見說在家貧亦好,
江南雖樂不如歸。

Phiên âm

Quy hứng
Lão tang lạc diệp tàm phương tận
Tảo đạo hoa hương, giải chính phì
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo
Giang Nam tuy lạc bất như quy.

Dịch nghĩa:

Muốn về nhà
Khi cây dâu già rụng lá là lúc vụ tằm vừa hết.
Lúc này ở quê nhà, hoa lúa sớm tỏa hương thơm, đúng lúc cua đang béo.
Thấy có lời nói rằng ở nhà tuy nghèo nhưng cũng tốt.
Ở Giang Nam này tuy vui thật đấy nhưng không bằng về.

          Bài thơ này âm điệu hay, vần luật chặt chẽ, ý tứ sâu sắc mà tế nhị.
Câu một, mở đầu, nói đến thời gian mùa thu đang qua, cây dâu già rụng lá, vụ tằm hết.
Câu hai lại nêu lên sự kế tiếp của tự nhiên, hết cái này lại là lúc bắt đầu một cái khác. Mùa lúa mới đến thay cho vụ tằm vừa qua. Cua trong ruộng đang béo. Theo nghiên cứu khoa học sinh học. Mùa thu cua tích mỡ để trải qua mùa đông lạnh giá ít thức ăn. Gạo mới, cua béo làm người ta liên tưởng đến bữa cơm mới với bát canh cua béo ngậy, vốn là món dân dã, thôn quê của Việt Nam, nhưng ngon tuyệt, không thể quyên. Ở Giang Nam không thể có.
Câu ba đề cập đến triết lý dù sao ở nhà vẫn là nhất. Điều này được công nhận chung ở cả TQ lẫn VN.
Câu bốn, tác giả thể hiện ý muốn về nước, tuy phía đối tác có ý giữ. Nhưng không làm mất lòng chủ nhà, vì vẫn khẳng định ở đất Giang Nam rất vui. Điều này thể hiện sự tinh tế. Muốn về vì nhớ đến món canh cua với cơm lúa mới quê nhà. Điều này là chấp nhận được trong văn hóa TQ. Trương Hàn đời Tấn, đang làm quan, nhớ đến món gỏi cá lư , liền từ quan mà về để thưởng thức món gỏi cá lư.
Trong “Bàn về thơ của Nguyễn Trung Ngạn nói chung và bài Quy hứng nói riêng trong bài Thơ Nguyễn Trung Ngạn và thơ Đường - Mối "nhân duyên" nhìn từ góc độ tiếp biến văn hóa” (Tạp chí Hán Nôm, Số 2(93) 2009; Tr. 3 - 7), PGS, TS Phạm Ngọc Liên cho rằng nên cẩn trọng và không nên tán thưởng quá thơ của Nguyễn Trung Ngạn, vì có nhiều chữ mượn của thi văn TQ. Như là:
Câu 1: “tàm phương tận” so với “ti phương tận” của Vô đề, Lý Thương Ẩn.
Câu 2: “giải chính phì” so với  “quyết ngư phì” của Trương Chí Hòa, Ngư phủ ca.
Câu 4: “bất như quy” so với “bất tu quy” của Trương Chí Hóa, Ngư phủ ca.

Về vấn đề này tôi có mấy ý trao đổi như sau.
Về từ: Có nguyên tắc không thành văn, nhưng được hiểu biết, chấp nhận chung trong thơ, đặc biệt trong Đường thi, là nếu dùng lại 2 chữ liên tiếp của người trước là chấp nhận được, không bắt lỗi. Trong Đường thi có thể thấy hàng ngàn trường hợp trùng 2 từ. Ngay trong bài Tư Ngô giang ca của Trương Hàn, có câu “lư chính phì”, thế thì có thể bắt lỗi Trương Chí Hòa (viết sau Trương Hàn) trong câu “quyết ngư phì” không? Rõ ràng là không.
Về ý:
Câu 1, Nguyễn Trung Ngạn nói là “Cây dâu già rụng lá là lúc hết tằm”, ý nói vụ tằm đã qua. Trong khi Lý Thương Ẩn nói là “Con tằm mùa xuân nhả hết tơ thì chết”, ở đây muốn tả ý là tình yêu của Lý Thương Ẩn với người tình đã trở thành cung phi còn giữ đến khi chết. Ý hoàn toàn khác nhau. Không thể bắt lỗi.
Câu 2: “giải chính phì”, cua đang béo liên tưởng đến món canh cua ăn với cơm, khác “quyết ngư phì”, cá quyết béo, thường ăn nướng uống với rượu. Hơn nữa chỉ có 1 chữ trùng nhau là chữ ‘phì”. Không thể bắt lỗi.
Câu 3: “bất như quy”, không bằng về, hoàn toàn khác “bất tu quy”, không nên về. Thêm nữa 2 chữ “bất…quy” trùng nhau không liên tiếp. Không thể bắt lỗi.
Năm nay 2014, sau 725 năm ngày sinh, 700 năm ngày đi sứ của Nguyễn Trung Ngạn, mà người đời vẫn còn bàn, viết, đọc về thơ của ông, cho thấy sức sống của thơ Nguyễn Trung Ngạn nói riêng và thơ nói chung. Thật là:
“Bán cuộc doanh thâu thiên cổ sự
Quí phi từ phú nghĩ Pha ông”
Nguyễn Trung Ngạn

Dịch:

Thắng thua chia nửa thành thiên cổ
Thẹn chẳng văn chương để lại sau.
TĐP


3 nhận xét:

  1. Nặc danh18:55 14/1/14

    Hay! Bài nào của TDP cũng sâu sắc và uyên bác.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh21:01 14/1/14

    Em có biết đến (Tuy không nhiều lắm) đại quan Trần triều - nhà thơ - Nguyễn Trung Ngạn. Thơ của ông thì em chẳng nhớ được bao nhiêu.
    Vì vậy, em rất cám ơn anh TĐP đã cho em biết thêm về thơ và đời Nguyễn Trung ngạn.
    Cơ quan em ở số 35 của con đường mang tên Nguyễn Trung Ngạn. Tiếc là không nhiều lắm người trong cơ quan biết về ông.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh22:23 14/1/14

    Bộ Hình luật do Nguyễn Trung Ngoạn biên soạn nay bị thất truyền, nhưng đã được tiếp thu đa phần trong Bộ Luật Hồng Đức của Lê Thánh Tông.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.