Bộ Công an
vừa đưa ra dự thảo lần 1 thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều
của Nghị định 171/2013 - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 - để
lấy ý kiến người dân.
Điểm đáng chú ý trong dự thảo là việc cho phép tổ chức, cá nhân vi
phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và
được nhận biên lai thu tiền phạt. Việc quản lý, sử dụng biên lai thu
tiền phạt thực hiện theo quy định tại chương 3 của Thông tư 153/2013 do
Bộ Tài chính ban hành - quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai
thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của
các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
Một thành viên ban soạn thảo cho biết việc yêu cầu bắt buộc nộp phạt
qua Kho bạc Nhà nước thời gian qua có một số bất cập. Vì người vi phạm
không được nộp phạt tại chỗ nên CSGT chỉ được lập biên bản, tạm giữ giấy
tờ và chờ họ nộp tại kho bạc rồi mới giải quyết các thủ tục liên quan. Nhân dịp này, BBT xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Cộng tác viên Hải Yến liên quan đến chuyện nộp phạt vi phạm giao thông.
MỘT LẦN TIẾP KIẾN CÔNG AN
Hải Yến
Gió bắc thoảng nhẹ. Rét ngọt. Trời nhiều mây,
bàng bạc. Hương cà phê càng thêm ấm nồng …
Trên vỉa hè, năm sáu đứa chúng tôi nhâm nhi
những ly cà phê đắng ngọt và nhìn ra mặt hồ gợn sóng. Nhiều người qua đường có
thể cho rằng chúng tôi là một lũ hâm. Phía trong cửa kính kia ấm thế không ngồi,
lại mang nhau ra vỉa hè giữa gió mùa đông bắc. Nhưng, đôi khi người ta vẫn
“hâm” thế. Chúng tôi ngồi ngóng mãi mà chưa thấy con cò nào bay ra lượn quanh hồ.
Tôi phá tan cái im lặng của sự chờ đợi:
- Này, mấy hôm nữa giáp Tết,
lên Văn Giang nhà chị ngắm quất đi! Chị sẽ chọn cho mỗi đứa một cây đẹp mê ly
luôn!
Hoài bĩu môi:
- Có thể là rất đẹp. Nhưng
làm sao chở về được chị ơi. Mấy chục cây số. Thuê xe thì một tiền gà ba tiền
thóc. Đi ngắm thôi. Còn mua ở nhà là được rồi!
Huyền than thở:
- Ngắm với nghía! Chính vì muốn
ngắm nghía, thưởng thức cái đẹp của những cánh đồng quất Văn Giang quê chị mà mấy
hôm nay em chưa hết bực mình đây.
Tôi ngạc nhiên nhìn Huyền:
- Sao thế. Họ cấm em ngắm quất
à? Sao thế được? Biển bán quất treo khắp vườn. Họ còn muốn thật nhiều người ngắm
ấy chứ.
Huyền giải thích:
- Không phải chủ vườn quất.
mà là mấy ông công an. Hôm trước đi Hà Nội, em đi lối Văn Giang lần đầu tiên.
Và cũng lần đầu tiên em được tiếp kiến mấy ông công an …
Và Huyền kể cho chúng tôi nghe về nỗi bực
mình của cô khi cô được “tiếp kiến” công an.
Đó là một “câu chuyện vỉa hè”. Nhân khi đang
ngồi ở vỉa hè, tôi chép lại câu chuyện của
Huyền, có thay đổi lời xưng hô của Huyền trong lời kể cho chúng tôi. Coi như
Huyền kể cho tất cả mọi người về chuyện đã làm cô ấy bực mình trong những tháng
ngày giáp Tết.
“Cầu Vĩnh Tuy trước mặt đây rồi. Mình sẽ
phóng xe thẳng theo quốc lộ 5 hay sẽ lại đi theo lối đường đê Văn Giang nhỉ?
Sáng nay đi lối Văn Giang, mình không thích lắm đoạn đường đê. Chỉ khoảng mươi
cây số thôi, nhưng đường lượn như sóng, đi rất khó chịu. Còn mấy chục cây số từ
Văn Giang về nhà thì rất khoái: Đường vắng, nhẵn nhụi. Lại không có đèn đỏ phải
đợi chờ gì hết. Chỉ không thích chờ đèn đỏ thôi, chứ mình chẳng ngại gì mấy
“chú” công an. Gần hai chục năm nay, từ khi biết đi xe máy đến giờ, mỗi khi đi
đến chỗ có công an giao thông, mình cứ vênh mặt lên chờ họ vẫy một lần xem cảm
giác gặp công an nó như thế nào, mà cấm lần nào “được” vẫy … Mọi thứ giấy tờ đầy
đủ, đi đúng luật, thì sợ gì cơ chứ!
Tôi nhủ thầm như thế. Đã hết mấy cây số trên cầu.
Tôi quyết định sẽ về theo lối đường đê Văn Giang. Sáng nay là lượt đi đầu tiên,
còn bây giờ là lượt về đầu tiên của tôi theo lối này. Chuẩn bị rẽ xuống đoạn đường
dẫn lên đê. Tôi quan sát thấy có nhiều xe máy, ô tô rẽ phải ngay khi hết cầu
Vĩnh Tuy. Vậy là lại lên đê bằng lối lúc sáng rẽ xuống ư? Một thoáng băn khoăn
trong tôi: Chẳng lẽ lên đê và xuống đê lại vẫn cùng một phía đường này? Đường vắng
xe. Tôi còn chưa kịp tự hỏi mình xong, thì đã thấy một “chú” công an giơ dùi
cui đứng chắn trước mặt. Thôi, mình đã đi ngược chiều đường rồi!
Tôi phanh xe. Một chút luống cuống. Tôi quên
cả hạ chân chống hoặc tắt máy xe. Máy vẫn nổ. “Chú” công an mang bộ sắc phục
màu xanh lá cây chứ không phải màu vàng, giơ tay chào tôi và nói:
- Chị đã mắc lỗi lái xe vào
đường ngược chiều. Đề nghị chị dắt xe lên vỉa hè kia để giải quyết.
Rồi “chú” vừa tắt máy xe cho tôi, vừa nhắc nhở:
- Chị không tắt máy, xe nó
lao đi bây giờ!
Lên vỉa hè, nơi có chiếc xe của cảnh sát giao
thông đang đỗ, tôi còn thấy một “chú” nữa mặc áo công an viên địa phương. “Chú”
này không nói hay làm gì hết cả, chỉ nhìn tôi.
“Chú” công an mắc sắc phục nhà nước (tôi tạm
gọi thế để phân biệt với “chú” công an địa phương) yêu cầu tôi cho xem các loại
giấy tờ: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xe … Tôi lấy các loại giấy tờ rồi
bỏ mũ, bỏ khẩu trang để công an xác nhận ảnh trên giấy chính là tôi. Khi tôi
trình đủ các loại giấy tờ đó rồi, “chú” nghiêm giọng cảnh cáo:
- Chị đã học luật giao thông,
có giấy phép lái xe, mà đi đường không quan sát nên đã đi vào đường ngược chiều.
Mời chị vào đây làm việc.
“Chú” chỉ vào sau cánh cửa chiếc xe của cảnh
sát giao thông. Thú thật là lúc đó tôi mới sợ: Mình mắc lỗi thì rõ rồi, nhưng
sao không “làm việc” ngoài này, giữa thanh thiên bạch nhật? Sao lại bắt mình
lên xe? Mình phải làm gì trên cái xe kia nhỉ?
Tôi vừa đi theo “chú” công an, vừa phân trần:
- Anh thông cảm, lần đâu tiên
tôi đi đoạn đường này, tôi không chú ý quan sát biển báo giao thông, chỉ nhìn
xe rẽ từ cầu xuống, cứ thế đi theo nên đã vi phạm …
Tôi thanh minh như thế, không phải là mong khỏi
phạt tiền. Tôi nghe kể nhiều rồi, không bao giờ thoát khỏi phạt tiền, một khi
dùi cui đã vung lên. Chỉ là tôi muốn xin mình đừng phải làm cái gì đó trên chiếc
xe kia, như là bị chở về đồn chẳng hạn ... Nhưng tôi đã lo hão! Tôi chẳng phải
lên cái xe đó làm gì. Chỉ lát sau là tôi hiểu rằng, tôi và “chú” công an chỉ đứng
đó cho cánh cửa che khuất mọi hành động và lời nói, để không ai nhìn thấy mà
thôi.
“Chú” mở ra một tập biên lai và lại nghiêm giọng:
- Chị vi phạm luật giao
thông. Tôi giữ giấy tờ xe của chị. Chị sẽ mang biên lai này ra kho bạc nộp phạt
rồi mới lấy lại được giấy tờ.
Vui mừng vì không phải trèo lên ô tô làm gì cả,
nên lưỡi tôi có thể uốn mềm hơn khi nãy:
- Thưa anh, anh linh động cho
tôi nộp phạt rồi xin lại giấy tờ, nhà tôi cách đây mấy chục cây số, mai tôi lại
phải đi làm …
“Chú” công an nhìn tôi:
- Chị làm nghề gì?
- Tôi dạy học, thưa anh!
“Chú” nhìn vào tập biên lai và đổi từ ngữ
xưng hô:
- Tôi cũng đoán cô là giáo
viên. Thôi được rồi, tôi linh động chuyển cho cô từ lỗi đi vào đường ngược chiều
sang lỗi không đội mũ bảo hiểm và nộp phạt giúp cô. Cô phải nộp số tiền phạt là
một trăm năm mươi ngàn đồng.
Lúc đó tôi mới trải nghiệm nỗi vui mừng vì được
nộp phạt như nhiều người thường kể. Vui mừng thật. Vì không phải đi nộp phạt ở
kho bạc. “Chú” công an viết xong biên lai, yêu cầu tôi xác nhận “Đúng lỗi” rồi
kí, ghi rõ họ tên. Nhìn tờ 200.000 đồng tôi cầm trên tay, “chú” nhắc:
- Cô vào quán cắt tóc kia đổi
tiền lẻ rồi nộp.
Trong khi tôi đi đổi tiền, có tới bốn chiếc
xe máy nữa cùng một lúc cũng đi vào đoạn đường ngược chiều như tôi. Hai “chú”
công an phóng nhanh ra chặn lại cũng chỉ chặn được hai xe, còn hai xe “vù” mất.
Cái đoạn đường khoảng ba trăm mét này, tính từ chỗ rẽ khi xuống khỏi cầu Vĩnh
Tuy, thì đi khoảng hai trăm mét là rẽ phải, chui qua gầm cầu rồi mới lên đê. Nếu
không để ý thì sẽ phóng xe thẳng lên đê. Và như thế là đi vào đoạn đường ngược
chiều dài chỉ khoảng một trăm mét. Như một đoạn cửa lưới, khối cá mắc vào …
Nhưng mình sai rõ ràng, mình phải nộp phạt, không có gì phải bàn cãi. Tôi cho rằng
đó là một bài học sơ đẳng mà rất thực tế của một công dân khi tham gia giao
thông như tôi.
Mang tiền trở lại chỗ cửa xe cảnh sát giao
thông để nộp phạt, “chú” công an nhà nước đã để nhóm người mới vi phạm luật cho
“chú” công an địa phương trông coi, đang đứng chờ tôi. “Chú” không cầm số tiền
phạt tôi đưa, mà yêu cầu tôi để chúng xuống tập biên lai ở đệm ngồi của xe cảnh
sát. “Chú” trả lại cho tôi các loại giấy tờ và tuyên bố:
- Tôi sẽ nộp giúp cô số tiền
phạt này ra kho bạc. Cô có thể về được rồi. Lần sau, khi lái xe, phải chú ý
quan sát biển báo.
Nếu chuyện chỉ đến đó thôi, thì cũng không có
gì đáng để kể cho lắm. Và tôi cũng sẽ không bận tâm gì thêm nữa. Mình vi phạm
thì phải nộp phạt và được một bài học nho nhỏ. Điều khiến tôi bực bội và ngẫm
nghĩ nhiều là ở cái đoạn kết của “câu chuyện vỉa hè” này.
Trong khi tôi đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm,
thì “chú” công an địa phương rời khỏi chỗ những người mới vi phạm (có lẽ “chú”
trả lại nhiệm vụ cho “chú” công an nhà nước). “Chú” quay xe máy cho tôi theo hướng
lên đê và nói với tôi bằng một giọng nhẹ nhàng như hát:
- Để anh dắt xe cho nào. Ôi,
trông em xinh gái thế kia mà đi đâu thân gái dặm trường một mình cơ chứ. Lần
sau đi đâu thì bảo anh nhé. Bây giờ, em cứ đi thẳng lối này thôi!
Nghe lời trêu cợt ấy của “chú” công an, tôi
không có mấy cảm xúc. Thứ nhất, là tôi nghe đã nhiều rồi. Thứ hai, là tôi thấy
cả hai “chú” công an này chỉ đáng tuổi em trai mình. Điều làm tôi vô cùng ngạc
nhiên trong lời nói của “chú” công an, là “chú” bảo tôi được tiếp tục đi theo lối
mà tôi đã đi sai. Nếu cứ để tôi tự đi, tất nhiên tôi sẽ phải trở lại lối rẽ
chui qua gầm cầu Vĩnh Tuy, vòng một đoạn rồi mới lên đê ...
Tôi chỉ hướng lên đê ngay trước mặt và hỏi lại:
- Tôi được đi lối này ạ?
Giọng của “chú” công an vẫn véo von:
- Đúng rồi, em cứ đi thoải
mái!
Anh ta đã chỉ rõ như vậy, chẳng nhẽ mình lại
còn quay xe trở lại. Biết đâu họ lại cho rằng mình xỏ xiên họ thì sao? Nhưng
sao lại thế được cơ chứ? Nộp phạt rồi thì “được” công khai vi phạm tiếp ư, dù
mình không muốn?
Đi hết mấy chục cây số, về đến nhà rồi mà tôi
vẫn chưa hết bực mình: Luật lệ là thế, nhưng xử luật lệ kiểu gì vậy? Nếu tôi
không phải là một công dân mấy chục tuổi, mà là một đứa trẻ mới lớn, thì lối ứng
xử, lối hành pháp của mấy “chú” công an kia sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhận
thức, đến nhân cách của nó? Đúng sai, trắng đen, phải trái lẫn lộn ngay giữa
thanh thiên bạch nhật. Vậy thì hôm sau, đứa trẻ ấy sẽ không biết đường nó phải
đi đúng, là đâu? Còn cả tờ biên lai nộp phạt của tôi nữa. “Chú” công an kia
đúng là sẽ đi nộp phạt tại kho bạc giúp tôi, kí nộp giúp tôi thật chứ? Sao làm
việc công lại phải “ẩn” mình đằng sau cánh cửa ô tô?
Một lần tiếp kiến công an - những con người
đang hành pháp mà tôi chưa bao giờ có thiện cảm - của một thường dân như tôi đã
mang đến cho tôi quá nhiều cảm nghĩ. Những bộ sắc phục ấy từng là và sẽ tiếp tục
là những dấu hỏi và những dấu chấm than trong tiềm thức của tôi.”
(Hải Yến)
He he, biết công an là thế nào rồi nhé. Khỏi ao ước!
Trả lờiXóaHóa ra là HY rất xinh
Trả lờiXóaBạn nhầm rồi. Người được "chú" công an khen "xinh", là Huyền đấy chứ!
XóaThưa anh trong BBT!
Trả lờiXóaNhưng em Huyền kể rằng, em ấy không được "chú" công an giao biên lai thu tiền nộp phạt đâu ạ.
(HY)
"Nộp phạt rồi thì được công khai vi phạm tiếp ...". Điều này chỉ có ở ... VN?
Trả lờiXóa