31 tháng 3, 2014

MỜI BẠN VỀ DỰ HỘI ĐỀN MẪU HƯNG YÊN

Nằm ven hồ Bán Nguyệt phong cảnh hữu tình, mặt nước trong xanh phẳng lặng, bốn bề cây xanh râm mát, di tích Đền Mẫu Hưng Yên  (tỉnh Hưng Yên) trở nên hài hoà sinh động mà trang nghiêm lạ lùng.
Theo “Đại Nam nhất thống chí” Đền Mẫu xây dựng vào thời Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo nguyên niên (1279). Trải qua các triều đại, Đền đều được trùng tu. Năm Thành Thái thứ 8 (1896), Đền Mẫu được trùng tu lớn có quy mô như ngày nay.
Nghi môn của Đền được xây dựng khá đẹp, kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, cửa xây vòm cuốn, có một cửa chính và hai cửa phụ. Trên vòm cuốn có bức đại tự ghi kiểu chữ Triện: “Dương Thiên Hậu - Tống Triều” và bức chữ Hán: “Thiên Hạ mẫu nghi” (Người mẹ sáng suốt trong thiên hạ).
Qua nghi môn là sân đền, giữa sân có cây cổ thụ. Theo truyền thuyết, cây có tuổi gần bảy trăm năm được kết hợp bởi ba cây sanh, đa, si quấn quýt lấy nhau tạo thế chân kiềng vững chắc bao trùm toàn bộ ngôi đền.
Khu nội tự của đền được xây kiểu chữ Quốc gồm: Đại bái, trung từ, hậu cung và hai dãy giải vũ. Toà đại bái với 3 gian, kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái; các đao mái uốn cong mềm mại kiểu rồng chầu, phượng mớm, lợp ngói vẩy rồng, chính diện đắp lưỡng long chầu nguyệt. Kiến trúc đại bái thượng giá chiêng chồng rường con nhị, hạ kẻ bảy; các con rường, đấu sen, trụ trốn chạm bong kênh hình lá hoá rồng, các bẩy chạm hình đầu rồng. Hai bên đại bái là điện Lưu Ly và cung Quảng Hàn.
Trung từ gồm 3 gian, kiến trúc kiểu chồng rường đấu sen, lộng lẫy với hệ thống câu đối, hoành phi, đồ tế tự, kiệu long đình, kiệu bát cống … sơn son thếp vàng rực rỡ.
Nối với trung từ là 5 gian hậu cung, kiến trúc kiểu chồng rường con nhị, các bức cốn chạm bong kênh hoa lá mềm mại. Dưới ánh sáng mờ ảo của đèn nến, khói hương nhè nhẹ lan toả không gian tĩnh lặng nơi cung cấm như thấy được sự linh thiêng huyền bí chốn thâm cung.

Đền Mẫu thờ bà Quý Phi họ Dương, người đã tuẫn tiết để giữ lòng chung thuỷ với vua và trung thành với Tổ Quốc. Theo “Đại Nam nhất thống chí” và “Thần tích” thì bà là vợ vua Tống Đế Bính (Trung Quốc). Năm 1279, quân Nguyên Mông xâm lược nước Tống, trước sức mạnh của giặc, vua Tống cùng hoàng tộc xuống thuyền chạy về phương Nam tránh nạn. Tướng nhà Nguyên Mông là Trương Hoằng Phạm cho quân đuổi theo đến Nhai Sơn thì bắt được, vua Tống và một số phi tần không chịu khuất phục đã nhảy xuống biển tự tận. Dân chài cửa Càn Hải vùng Châu Hoan (Nghệ An) thấy bốn xác người phụ nữ, y phục như hậu phi, cung phi trôi trên mặt biển. Họ vớt được 3 xác đem chôn cất, còn xác thứ 4 trôi ngược dòng lên phía Bắc. Truyền rằng, xác phụ nữ trôi ngược dòng đó ít ngày sau dạt vào cửa sông vùng Phố Hiến, được dân cư ở đây vớt lên, mai táng chu đáo và lập miếu thờ. Về sau, quan thái giám họ Du đời Tống trong cơn hoạn nạn đã lưu lạc tới vùng Xích Đằng - Phố Hiến, một đêm nằm mộng thấy Thái Hậu hiện về và nói: “Chị em ta sau khi nhảy xuống biển, thượng đế khen là trinh tiết, phong cho làm Hải Thần các cửa biển ở Châu Hoan, Sơn Nam đều thuộc chị em ta cai quản. Ông là tôi con của bản triều, nay lưu lạc đất khách quê người, nên đến cửa Càn ở Hoan Châu thăm hỏi 1 lần rồi đến thượng lưu Đằng Giang, hạ lưu Hoàng Giang huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng mà phụng thờ Quý phi”. Tỉnh mộng, quan thái giám tìm đến hai nơi quả nhiên như lời đã báo mộng. Ông đã cùng nhân dân tu sửa lại miếu, lập làng Hoa Dương để tưởng nhớ đến Quý Phi họ Dương, người Trung Hoa. Khi thái giám mất, dân làng tôn xưng làm Thành Hoàng làng thờ ở đình Hiến.
Đời Vua Trần Anh Tông, niên hiệu Hưng Long thứ 2 (1294), thân chinh đi đánh Chiêm Thành, khi qua đây nằm mộng thấy thần nữ (Dương Quý Phi) đến xin âm phù giết giặc. Sau khi thắng trận trở về, nhớ tới công lao đó của Quý Phi, một mặt nhà vua cho tôn tạo lại đền, miếu, một mặt cho các bến bãi thu thuế thuyền buôn trích ra một phần cung cấp cho việc phụng thờ. Người dân đi biển đến đây lễ bái cầu xin thuận buồm xuôi gió... đều được như ý. Năm 1990, Đền Mẫu đã được Bộ VHTT công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Hằng năm, lễ hội Đền Mẫu diễn ra từ ngày 10 đến 15 tháng 3 âm lịch. Lễ hội xưa được tổ chức rất linh đình, từ ngày 6/3 (ÂL) đã làm lễ chồng kiệu, ngày mồng 10 tổ chức rước kiệu quan thái giám họ Du từ Đình Hiến lên Đền Mẫu, ngày 11 lễ thỉnh kinh sau đó tổ chức rước nước, ngày 12 rước liềm (rước kiệu vòng quanh các phố rồi lại quay về Đền Mẫu), ngày 13 rước kiệu đi vòng quanh các phố, đến Đình Hiến lại về Đền Mẫu, ngày 15 lễ rước kiệu thánh trả về Đình Hiến và làm lễ rỡ kiệu kết thúc lễ hội.
Ngày nay, lễ hội được tổ chức đơn giản hơn. Ngày 10 tháng 3 âm lịch ruớc kiệu thánh từ Đình Hiến lên Đền Mẫu, ngày 12 tổ chức rước vòng quanh thị xã và ngày 15 rước kiệu thánh trở về Đình Hiến.
Nghe nói Đền Mẫu rất thiêng. Các quan chức cấp cao hàng năm thường về đây lễ bái và đều cầu được ước thấy. Sau khi lễ ở Cung Mẫu, ai muốn biết vận mệnh của mình thì xóc ống thẻ xin quẻ đầu năm. Quẻ ở đây viết bằng chữ nho nên phải ra nhờ Thầy giải cho. Mỗi quẻ Thầy lấy hai chục ngàn đồng. Ở gần Đền có mấy thầy xem quẻ và thường là phải xếp hàng chờ khá lâu. Hôm qua, nhân dịp về Hưng Yên mình đã đi lễ Đền và lấy quẻ nhưng xếp hàng đông quá không xem được phải mang về nhờ Thầy Trần Đông Phong ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem giúp vậy. (NCT)

5 nhận xét:

  1. Nặc danh14:55 1/4/14

    Chủ nhật vừa rồi em theo chồng về quê rồi vào lễ Đền Mẫu xóc được quẻ thẻ số 91,cũng chưa dịch được Anh NCT ạ .

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh20:45 1/4/14

    Nếu mình nhớ ko nhầm thì quẻ 91 cũng là quẻ của NCT

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh22:44 1/4/14

    Trò xem thẻ ngày nay là trò vớ vẩn nhất ở các đền đình. Nguyên lý của nó là có một số câu ám chỉ về vận mệnh, thường thì phân bố theo luật "ẫm ờ", tốt có một tý, xấu có một tý. Ngày xưa, có những ông có chữ, kiếm tiền bằng cách xem thẻ, thực ra họ xem tướng, hoặc lấy thêm thông tin mà bói, nên có thể cùng thẻ mà phán mỗi người một kiểu. Đó còn coi như tàm tạm về thuật xem bói. Ngày nay thì chỉ có một số cái thẻ nhất định, coi như bốc thăm may rủi. Để cho kỳ bí, thì thẻ viết bằng chữ Hán, rồi có một ông "chuyên nghiệp" đối chiếu với bản chữ Việt, đọc ra. Chả hiểu ông dịch thẻ này có biết tý chữ Hán nào không, vì cứ đọ số thẻ mà phán. Vô lý hàng nghìn người đi chùa, mà thẻ chỉ có hàng chục hoặc một trăm, bao nhiêu người có số phận giống nhau à? Nhảm nhí hết sức. Đừng có mà nghe xem thẻ, ông Tiến sĩ Thành sao lại xem thẻ nhỉ. Nếu cầu được ước thấy ở đền Mẫu, thì tôi xin đến cầu yêu được em Mai Hương hay Hải Yến chẳng hạn, liệu có được không?

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh23:58 1/4/14

    Tôi chỉ giải thích theo nghĩa chữ của phần thơ chữ Hán và phần giải viết thôi. Còn nghĩa tâm linh thì không dám chắc.

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh00:04 2/4/14

    Có thuyết cho rằng bà Phi đó chính là người vùng này, rất xinh đẹp, lại khéo léo nên được tuyển để cống nạp trong diện trai tài, gái sắc cho TQ. Thời đó vẫn có lệ đấy mà. Trong cung đình nhà Tống, bà được sủng ái trở thành Quý Phi. Việc bà trôi về Hưng Yên là có ý trở về quê.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.