5 tháng 4, 2014

Tiết Thanh minh

Hôm nay (5/4/2014) bắt đầu tiết Thanh minh. Hàm nghĩa của tiết này là trời trong sáng (ở Việt Nam). Nhưng tiết trời ngày bắt đầu tiết Thanh minh năm nay thì mưa lây phây, chợt nhớ tới bài thơ Thanh minh của Đỗ Mục, một nhà thơ Đường thế kỷ 9. Có lẽ thời tiết Bắc Việt Nam năm nay gần giống với Thanh minh vùng Tây An (Tàu) quê Đỗ Mục cách đây hơn một ngàn năm.
Ai yêu thơ Đường hẳn không thể không biết bài thơ này:

Thanh minh
Thanh minh thời tiết vũ phân phân
Lộ thượng hành nhân giục đoạn hồn
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn
 Dịch nghĩa: 
Tiết thanh minh mưa rơi lất phất.
Người đi trên đưòng buồn tan nát cả tấm lòng
Ướm hỏi nơi nào có quán rượu
 Trẻ chăn trâu chỉ xóm Hoa Hạnh ở đằng xa
 Dịch thơ:
Tiết Thanh Minh
Thanh minh lất phất mưa phùn
Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa
 Hỏi thăm quán rượu đâu à ?
 Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài
(Tương Như dịch)
Hôm nay, tôi về quê, thấy trời lây phây mưa, tuy buồn không tan nát cõi lòng nhưng cũng có cảm giác trời Thanh minh giống thời Đỗ Mục. Hơn một ngàn năm đã qua, quán rượu thì bây giờ vô khối.
Tôi không thích kiểu thơ Đường dịch ra lục bát. Thế thì còn Đường gì nữa. Nó xóa sạch bóng dáng của ngôn từ, vần điệu của nguyên bản. Bèn dịch như sau:
Thanh minh lất phất bụi mưa bay
Mỗi bước người đi mỗi bước buồn
Tửu quán nơi nào hơi rượu ấm
Trẻ chăn trâu chỉ Hạnh Hoa thôn
*
Cũng có một người Việt Nam cảm khái về bài Thanh minh, làm ra một bài Thanh minh của mình, mà mượn phần lớn chữ của Đỗ Phủ, chỉ sửa một chút. Đấy là ông bác tôi. Bác tôi đi đày năm ấy, làm bài thơ như sau:
清明時節雨紛紛
籠裡囚人欲斷魂
借問自由何處有
衛兵遙指辯公門
Phiên âm:
Thanh minh thời tiết vũ phân phân
Lung lý tù nhân dục đoạn hồn
Tá vấn tự do hà xứ hữu
Vệ binh dao chỉ biện công môn.
Dịch thơ:
Thanh minh lất phất mưa phùn
Tù nhân nghe thấm nỗi buồn xót xa
Tự do, thử hỏi đâu là ?
Lính canh trỏ lối thẳng ra công đường
(lại ai đó dịch lục bát, hề hề)
Hồi xưa, khi học về bài Thanh minh này, các thày cô dạy văn đều lờ đi bài Thanh minh của Ngài Đỗ Mục, ra sức ca ngợi bác tôi. Nhưng chắc là bác tôi không có ý ấy. Sau này, có kẻ ác khẩu chê bai, bảo bác tôi đạo thơ. Thực ra thì bác tôi chỉ nhại Đỗ Mục mà thôi. Bây giờ có người còn đề dưới bài thơ bác tôi câu chú: Dựa theo bài thơ Thanh minh của Đỗ Mục. Ghi thế chả thà đừng ghi. Chả dựa dẫm gì đâu, mà là sự giễu nhại, khoe chữ của ông bác tôi mà thôi. Thời Đỗ Mục còn thanh bình, sung sướng, tìm thôn Hạnh để tu rượu, ngất ngư cuộc đời. Thời bác tôi cũng trên đất của Đỗ Mục, cũng Thanh minh mà đi tìm tự do thì lính canh chỉ thẳng vào nhà tù. Tức khí mà chửi cái công lý ngàn năm sau của đất nước sinh ra Đỗ Mục, thế thôi. Có lẽ cái sự tan nát cõi lòng của kẻ mất tự do, mới đáng là tan nát, còn ông gì kia chỉ có tìm rượu mà lòng cũng tan nát, kể ra phù phiếm. Thời cuộc thời Đường còn sướng chán. Ông bác tôi coi thơ là cái gì đâu, chẳng qua ông ấy nói cái chí. Chấm hết.
Ông ấy chắc chẳng coi chuyện thơ phú ra cái gì, sau này những kẻ hậu sinh rách việc mới ca tụng thái quá, là ngu ngốc mà lại cứ tưởng mình oai lắm.
(E)

2 nhận xét:

  1. Nặc danh23:37 5/4/14

    Anh E này hôm nay đăng bài, chẳng ghi rõ quý danh, chỉ ghi mỗi chữ E. Nhưng em biết anh là E ... gì rồi, anh ạ.
    Ngày em học cấp 3, em có học bài thơ Thanh minh của ông bác anh viết thuở đi đày, có nghe thầy tán tụng. Cũng như anh, em học theo lời thầy.
    Sau này, em có đọc bài Thanh minh của Đỗ Mục, cũng đồng cảm lắm tâm trạng lữ khách tha hương của thi sĩ ngàn năm.
    Sau nữa, thành người dạy văn, em cũng đọc thơ Thanh minh trước học trò.
    Anh ạ, cũng chẳng nên trách cứ giáo viên dạy văn, rằng họ "lờ đi" cái ông Đỗ Mục. Họ biết cả đấy ạ, có điều, nhiều khi, họ không chia sẻ hết được đâu. Nguyên do, chắc anh thừa biết ...

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh17:38 6/4/14

    Em cũng rất ghét kiểu dịch thơ Đường ra lục bát. Dịch như thế, chẳng còn Đường thi đã đành. Đến đường đi, đường mật ... cũng mất tăm luôn.
    (Hải Yến)

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.