27 tháng 12, 2012

Nói về "Mẫu- Mẹ"

Nhân dịp ông NCT viết thơ về "mẹ người yêu cũ", tôi cũng có nói đến "chính mẫu", tôi xin nói câu chuyện về từ "mẫu".
Mẫu, từ Hán -Việt có nghĩa là mẹ. Ngày xưa phép tắc gia đình, trật tự xã hội trong một xã hội Nho giáo rất chặt chẽ. Trung Quốc có hẳn một bộ "Kinh Lễ" nói về điều này. Việt Nam, có bộ sách "Thọ mai gia lễ" rất thịnh hành, nói về các quy định trong gia đình. Theo sách này, trong thứ bậc gia đình có câu "ba cha tám mẹ".  Ba loại cha là Thân phụ (Cha sinh ra mình); Kế phụ (sau khi cha chết, mẹ lấy chồng khác, chồng mới của mẹ là kế phụ hay, bố dượng) và Dưỡng phụ (Bố nuôi). Còn "tám mẹ" là:
"-Đích mẫu: Vợ cả của bố.
-Kế mẫu: Khi còn nhỏ mẹ đã mất, cha lấy vợ khác để nuôi nấng mình.
-Từ mẫu: Mẹ chết từ tấm bé, cha sai người vợ lẽ nuôi mình bú mớm.
-Dưỡng mẫu: Mẹ nuôi, cha mẹ nghèo cho mình để người khác nuôi.
-Xuất mẫu: Là mẹ sinh ra mình nhưng bị cha ruồng rẫy.
-Giá mẫu: là mẹ sinh ra mình, nhưng khi cha mất thì đi lấy chồng khác.
-Thứ mẫu: Là mẹ sinh ra mình nhưng là vợ lẽ của cha.
-Nhũ mẫu: Mẹ vú, cho mình bú mớm từ khi còn tấm bé."


Đoạn trên đây là nguyên bản ở Thọ mai gia lễ. Thực ra, mẹ cả còn mà bố lấy vợ khác, con bà cả vẫn gọi bà hai, bà ba... là Kế mẫu. Còn Xuất mẫu thì chỉ chung bà mẹ đi lấy chồng khác, không nhất thiết "bị cha ruồng rẫy". Trên đây, còn Nhạc mẫu không liệt kê ra, là để ở mục riêng. Đó là mẹ vợ, mẹ chồng, gọi là Nhạc mẫu. Ngoài ra, mẹ đẻ ra mình, thì đều xưng hô Chính mẫu.
Như thế, ngày xưa không có từ nào chỉ mẹ người yêu, lại càng không có từ chỉ mẹ người yêu cũ. Mẹ nuôi mình, không chăm nuôi mà chỉ nhận, và cả nuôi theo đúng nghĩa, còn gọi là Nghĩa mẫu. Vậy mẹ người yêu cũ của ông NCT cũng là Nghĩa mẫu. Tuy vậy, ngày xưa, khi đã yêu con gái bà, mà bỏ đi thì hai bên gia đình phải giải quyết hậu quả rất lôi thôi, chắc gì gặp nhau được mà còn nghĩa. Nếu nói chuyện hôn thú ngày xưa, mời các bác tra sách cũ nhé. Nào là mai mối, vấn danh, nạp cheo, chạm ngõ, ăn hỏi, thách cưới... Chán chê mới được cưới nhá.

11 nhận xét:

  1. Người Việt Nam mình theo đạo Mẫu. Người ta thờ Mẫu Mẹ ở khắp mọi nơi. Vì thế cũng không nhất thiết phải theo người Hán chỉ có tám dạng mẹ. Bây giờ tôi ra đường thấy người phụ nữ nào có con gái trên 18 tuổi, tôi đều có thể gọi là Mẹ và các bạn cũng nên như vậy. Thời đại công nghiệp hóa, con gấp đôi tuổi Mẹ cũng là chuyện bình thường, đặc biệt đối với trường hợp Kế Mẫu và Nhạc Mẫu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ra đường thấy phụ nữ có con trên 18 gọi là Mẹ, thì ta nên xưng là gì ạ? Xưng là Bố à? Thế thì tôi nhất trí với bạn, chỉ sợ trong số đó tìm 1 người vui vẻ đồng ý cũng hơi bị hiếm.

      Xóa
    2. Có một cách xưng hô rất tuyệt, có thể gọi là phát minh cũng được. nếu ta gọi một người là mẹ mà tuổi chỉ bằng nửa tuổi của ta, thậm chí chồng của bà mẹ đó cũng chỉ bằng nửa tuổi ta thôi, thì ta cứ xưng là "BẢN THÂN" bạn nhé. Bản thân là cái thân của bản chủ đây, sẵn sàng làm "con" cho thiên hạ khi ta muốn.

      Xóa
  2. Tôi muốn hỏi ông bạn NCT,theo đ.n trên thì ông có bao nhiêu "Nghĩa mẫu"?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đảng viên cộng sản, nhà thơ lớn Tố hữu đã trả lời câu hỏi này từ 60 năm trước rồi:
      " Con đi trăm suối ngàn khe
      xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm.
      Bao bà mẹ từ tâm làm mẹ
      Yêu mến con như đẻ con ra"
      Từ bao nhiêu ở đây thể hiện không thể đếm được bạn ạ. (NCT)

      Xóa
    2. Ông TỐ HỮU từ một nhà thơ rồi lên đến P.TT, không biết ông NCT nhà ta sẽ lên đâu mà trả lời khéo thế ?

      Xóa
  3. Tôi đã đọc 'Thọ mai gia lễ" Tôi nhận thức có năm lễ chính là: vấn danh, chạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới và lại mặt. Trong đó lễ lại mặt rất quan trọng trong việc khẳng định về sự trinh tiết của người con gái trước khi đi lấy chồng. Bây giờ mà còn tồn tại tục ấy thì tôi tin là hầu hết thủ lợn trong lễ lại mặt đều bị cắt tai...!

    Trả lờiXóa
  4. Thực ra tôi kể về danh xưng "mẫu" còn hơi thiếu. Mẹ đẻ ra mình, xưng hô là Thân mẫu. Trong họ mà chị ruột mẹ (hoặc bố) có tình nghĩa, gần gũi, cũng gọi là Bá mẫu (hoặc Cô mẫu). Lạ lùng là em ruột mẹ thì không có danh xưng... Dì mẫu. Còn cụ tổ đã mất, thuộc về nữ giới, đều gọi chung là Tổ mẫu. (NXH)

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh20:31 27/12/12

    Tôi không nhớ nhiều về "Thọ mai gia lễ". Nhưng có gì các bà mẹ làm Đích mẫu thì vẫn nhất nhì rồi. Ở quê tôi con bà hai không dám hỗn với Mẹ Già. Vậy cứ yên tâm đi(THK).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hay. Có thế mà tôi không biết để nói với vợ tôi và các bà vợ bạn. Nay có ông THK phát hiện, tôi sẽ bảo với vợ tôi và các bà vợ bạn tôi rằng, cứ yên tâm làm Đích mẫu, đừng lo sợ gì cả

      Xóa
  6. Ông Kỳ muốn động viên ai "cứ yên tâm đi" vậy? Sao lại có chuyện con bà hai với mẹ già ở đây?

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.