9 tháng 2, 2013

Chuyện rỉ rả ngày cuối năm Ta, đầu năm Tây

 (Tản mạn ngày giáp Tết )

Tác giả và Nhà văn Lê Văn Thảo trên hồ Ba Bể 26 tết
Cữ cuối tháng Chạp âm lịch, cũng là những ngày đầu năm dương lịch, cũ Ta, mới Tây… Những ngày này hầu như ai ai cũng hối hả, Tết Tây qua, chuyện sổ sách đóng lại, nhẩm tính được thua thì đã rồi, còn cái Tết Ta cũng phải lo cho ra hồn. Năm Tân Tỵ 2013, nhìn cảnh hàng hóa xung quanh, mà nhiều người xem hơn mua, tâm thế thật lạ lùng, dường như chắng mấy ai mong Tết.
Hôm qua, ngày 24 tháng Chạp, vừa cúng ông Công ông Táo xong, thì có 2 bác già từ phương Nam đến, gọi đi ăn tối. Người trẻ đáng lẽ hầu chuyện người già, đằng này lại ngược đời, thế thì dù bận mấy cũng phải đi. Đó là 2 bậc đại văn hào Sài Gòn, một đã qua thất tuần, một gần bát thập.
Ông Lê Văn Thảo bảo: Cuối năm, thoát khỏi thành phố mấy ngày đi mày. Đi đâu? Đi đâu đó lên miền ngược. Tôi đồng ý liền. Hôm sau khởi hành, ông Thảo bảo: Ông Sáng buồn lắm, hôm qua uống hết 6 chai con Black, loại chai con du lịch, ông Thảo mua ở sân bay hàng miễn thuế. 6 chai là ½ chai to rồi. Máu ông Nguyễn Quang Sáng có lẽ chảy bằng rượu. Hôm qua ăn tối, ông Sáng kể, thằng Sơn (Trịnh Công Sơn) uống suốt ngày, giá nó còn sống để nó biết tao còn uống hơn nó. Ông Thảo bảo: Nó chết rồi cũng biết chớ sao. Ông Sáng gật: “Phải, nó biết. Tất cả những thằng đã chết đều biết hết, không chỉ biết tao, còn biết những thằng bá láp sáng nay mày ạ…”
Thằng bá láp sáng nay là những thằng nào? Tôi ngồi nghe 2 ông già chuyện trò, hai ông thấy có khán giả càng hăng nói…
*
Ông Nguyễn Quang Sáng kỳ này đã có vẻ yếu lắm. Hồi cách đây 3 năm, ông đi Tuyên Quang dự hội nghị nhà văn trẻ, túi kè kè chai Chi-vat, còn có vẻ “hung hăng”, nay thì đi lại đã khó khăn, mặt bệu. Ông Lê Văn Thảo bảo: “Tao rủ mãi ổng mới đi, hồi 55 năm Hội Nhà văn ổng có dám đi đâu”
Hóa ra 2 ông ra Hà Nội là dự cái cuộc gặp gì đó mà Trung ương và Tổng bí thư mời các văn nghệ sĩ. Khi vào bữa, ông Thảo bảo: “Có một chai rượu Trung ương Đảng cho trong túi quà, mà cho vang Pháp mày ơi, bỏ đó đi. Tao có vang Chile đây”
Ông Sáng lầm bầm: “Kêu tụi tao ra, mắc mớ gì không kính thưa tụi tao ngay, mà cứ càm ràm ông này kính thưa ông kia mãi. Kính thưa nhau thì ở đó mà kính thưa chớ”.
*
Ông Lê Văn Thảo năm qua được giải thưởng Hồ Chí Minh. Cả miền Trung và miền Nam có một mình ông. Khi biết tin người ta trao giải thưởng tại TPHCM, thì ông điện ra hỏi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, rằng ông đề nghị tự ông mua vé ra Hà Nội nhận. Bộ trưởng Bộ Văn hóa bảo, chưa có ký duyệt của Chủ tịch nước. Nhưng rồi TPHCM cứ làm lễ trao tặng. Bộ nói một đằng, Thành phố làm một nẻo. Thì ra cái gì họ cũng nói dối được, mà không nói thật mẹ nó ra. Giọng ông già văng tục coi như ngon trớt, mà không văng thì lại không phải đã già.
Lễ trao tặng cho người được giải thưởng Hồ Chí Minh duy nhất, lại trao cùng một đám đông được mọi loại bằng khen của thành phố, và điều rất buồn cười là do ông Thủ tướng đứng ra trao. Chủ tịch nước ký, còn Thủ tướng trao. Người được giải đến thì đã đến rồi, không lẽ đi về. Làm thế xấu mặt đám thành phố và ông Thủ tướng. Thôi thì chúng nó làm vậy người ta chửi chúng nó, mình cố chấp mình lại bằng chúng nó.
Sau này, người ta làm lễ ở Hà Nội rất trịnh trọng, ông Chủ tịch nước đứng trao cho từng người. Ông Thảo thuộc thế hệ già, ở rừng 15 năm Trung ương cục, tình tình cũng mềm, mà khi trao giải thưởng ở TPHCM, ông bảo, phản ứng đập vào mặt họ thì cũng là cắt vào da thịt mình. Ôi trời, ông Thảo khen cô Kim Chi, nó trẻ hơn, nó dám làm thế, hay thật đấy…
*
Trên đảo hồ Ba Bể, phía trước là Trạm 
kiểm lâm Đầu Đẳng, đàn lợn đen thả hoang, 
và đằng xa là sông PeLeng
 đổ ra hồ Ba Bể
Trên hồ Ba Bể, mọi thứ đều hoang sơ. Dường như Tết chưa đến ở miền người Tày hoang vắng này. Ghé vào đảo có thác Đầu Đẳng, có một gian nhà của cơ quan kiểm lâm, có 2 người nhân viên. Ông Thảo hỏi: Các chú làm gì ở đây? Họ trả lời: Chúng cháu không làm gì ạ. Ông Thảo gật: Rừng phá hết rồi, còn việc gì làm đâu. Họ nhăn răng ra cười.
*
Phơi cá ngay ở bến thuyền
Sinh hoạt dân cư ven hồ Ba Bể có thể nói là hoang sơ từ ngàn xưa. Chỉ có thay cái thuyền độc mộc bằng thuyền sắt. Người ta vẫn giặt giũ ở trên sông, hoặc ở ven bờ. Bây giờ có vườn quốc gia Ba Bể, và có khách du lịch. Nhưng khách cũng lèo tèo. Chúng tôi lại thích cái hoang sơ như thế này. Du lịch Việt Nam mà thương mại hóa thì kinh lắm. Không còn đâu là cảnh trí, người ta mang vật liệu Tàu và hàng hóa Tàu vào, rồi thì người với người ồn ào nhếch nhác.
 *
Một người dân đang giặt giũ
Cách đây 5 năm, vào đầu năm 2008, tôi đã cùng Nhà văn Hà Phạm Phú đi Ba Bể. Chúng tôi nghỉ tại bản Pác Ngòi, rồi xem hội Lùng tùng ở bản Bó Lù, đều thuộc xã Nam Mẫu. Bây giờ bản Pác Ngòi thêm nhiều nhà nghỉ, sơn vẽ xanh đỏ. Nguyên cái hình thức đó cũng đã khác, mất đi nhiều cảm giác hoang sơ của một nhà dân bản địa. Hồi đó chúng tôi nghỉ ở nhà dân, ông chủ nấu cho bữa cơm ăn quanh bếp lửa trên tầng 2 của nhà sàn. Đúng là cách ăn dân dã của người Tày. Năm năm đã qua, không có mấy thay đổi, ngoài vẻ thương mại hóa của bản du lịch Pac Ngòi.
*
Hồ Ba Bể- nước trong vắt, ảnh một người đang thả lưới,
 in hình mặt nước như gương
Chông chênh
Hoa mận 
bên này rừng Phia Muang
Chống chếnh
bên này sông Pé Leng
Chiếc lá rơi
Rơi vào nước xiết...
Lá nhìn thấy một cô cá nhỏ
Bỗng yêu si mê
Dòng chảy vô thường

Duyên tình chi
Tình lá lìa rừng lối về cội đất
Tình cá thung thăng nước cả sông đầy
Hạnh ngộ mong manh, duyên tình phi lý

Nguồn cơn Ba Bể
Mưa
Sợi tơ trời giăng vào nhân thế
Rừng nhân gian thì cười nghiêng ngả
thuyền chở khách trên Hồ Ba Bể
Sông tình đời vẫn lạnh lùng trôi...

Tôi và em đi lối nhỏ chông chênh
Rừng Phia Muang bên này, sông Pé Leng dưới kia
Đường giải thoát đi một ly đến đường lầm lạc
Em và tôi cùng khe khẽ hát...
Nếu đến Ba Bể, bạn sẽ quên cái không khí hối hả cận Tết của miền đô thị. Tự nhiên tôi cảm thấy mình chỉ là chiếc lá, rơi vèo xuống dưới dòng nước xiết. Ghen tị làm sao với con cá nhỏ, bơi thung thăng giữa hồ mênh mông, kẹp giữa rừng Phia Muong và ra sông Pe Leng để ra biển cả. Chúng ta dù có xê dịch khắp thế gian, cũng chỉ là chiếc lá mà thôi. Và, ai cũng có một niềm ước mơ nho nhỏ trở thành hoặc yêu được một con cá nhỏ…
*
Đi trên đường về Chợ Đồn, có nhiều xe chở măng về xuôi. Ông Lê Văn Thảo bảo dừng xe mua măng. Ông nói: Mình ở rừng 15 năm, ăn măng riết rồi nay thấy măng bỗng nhớ. Măng thì bổ béo gì, hại máu ấy chớ, nhưng ở rừng có măng là ăn thôi... Chúng tôi đỗ xe mua măng. Biết là hại, nhưng thời trẻ đã từng, thì nay vẫn cứ nôn nao nhớ đến nó, như một phần đời mình rồi. Nay ăn một bữa chả sao. Không thể hiểu sao lại ăn măng 15 năm liền...
  *
Ngày 27 Tết, tôi qua Thái Nguyên để trở về Hà Nội. Hai anh em đi chợ Tết Thái Nguyên. Đào vô kể, mà rất rẻ. Ông Lê Văn Thảo kè kè cái giỏ Tày, ông mua tại đảo hồ Ba Bể. Niềm vui nho nhỏ thế thôi. Đó là cái giỏ bắt cá của người Tày, giỏ thực để bắt cá chứ không phải đồ du lịch. Ông già phương Nam nhìn chợ Tết, lắc đầu: Giờ thì Sài Gòn cũng chợ Tết như đây. Đào và mai giống nhau, không rõ nó từ đâu đến. Chỉ có cái giỏ của tao đây là thật, có xuất xứ đàng hoàng. Giỏ Tày không hình trụ tròn như giỏ người Kinh, mà có hình cái gối, nếu vẽ kỹ thuật thì thân nó mặt cắt hình ô van. Ông Lê Văn Thảo kiểm kê hành lý, chỉ hỏi đúng một câu: Cái giỏ tao còn đấy không?
*
Giá mà Tết cũng đi xa như thế này. Nhưng mà cũng tự mâu thuẫn. Tết là ngày đoàn tụ, là ngày mà những đứa con trở về nhà. Năm nao tôi cũng tính Tết đi chơi xa, nhưng mà rồi lại loanh quanh về quê, cho con đi tảo mộ, thăm bà ngoại…
Năm nay, trước Tết đi Bắc Cạn với ông già Nam Bộ, cũng coi như một dịp may…



2 nhận xét:

  1. Nặc danh19:44 9/2/13

    Ai chụp ảnh cho tác giả mà đẹp trai thía nhỉ? Moa...moa...Chúc mừng năm mới!

    Trả lờiXóa
  2. Hồ Ba bể đẹp thật, một vẻ đẹp tự nhiên hiếm có. Năm ngoái tôi đi hồ Thác Bà (Yên Bái) cũng rộng, còn hoang dã, nhưng không đẹp bằng Ba Bể (NCT)

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.