7 tháng 2, 2013

Tại sao gọi là "ông xã"- Bài báo Tết về gia đình


Giới thiệu: Xuất phát từ một bài sưu tầm của LPT về từ Family, mà tôi viết bài về "gia đình". Sau đó, tôi viết thêm phần "tại sao gọi là ông xã", rồi gửi đến một tờ báo. Tờ này tôi thường cộng tác. Họ đã đăng trang trọng trên số báo Tết năm nay với tít bài là "Ngày xuân nói về chủ đề gia đình"
Hai phần đầu đã đăng ở bài "Gia đình" trên blog này, còn sau đây là phần 3: Tại sao gọi là "ông xã"? (Phần chữ mầu là khi đăng báo đã bị cắt) (NXH)


3. Tại sao lại gọi là “ông xã”?
 Tiếc thay, cách xưng hô “nhà tôi” giờ đây có vẻ sắp trở thành cổ xưa. Người trẻ tuổi ảnh hưởng của tập quán phương Tây, gọi nhau anh anh em em, rồi anh ấy, em ấy, rồi "ông xã", đặc biệt là "ông xã", "anh xã", ngày nay đã thành phổ biến. Gọi như vậy, chắc ai cũng nghĩ cho là gọi vợ/chồng mình là ông quan xã, thế thôi. Thực ra lý lịch của từ “ông xã” hơi dài dòng. Vậy thì tại sao lại ra cái từ đó?

Từ “xã” thường có xuất xứ đi cùng một thành tố khác, trong “xã tắc”. Ngôn từ Hán Việt cổ cho biết: Xã là thần đất, Tắc là thần nông. Từ đó, “xã tắc” cũng để chỉ quốc gia, lãnh thổ, là từ chỉ khu biệt một vùng đất (thần Xã- thần đất) có mùa màng nuôi sống người dân (thần Tắc phù hộ mùa màng). Triều đình một nhà nước phong kiến kiểu Trung Quốc, thường có đàn Xã Tắc để tế cáo, thờ cúng đất trời.
Xã từ đó mà thành danh xưng một cấp hành chính. Tra sách sử, thì ra ngay từ thời Lê, cấp cơ sở đã gọi là Xã, đứng đầu là Xã trưởng. Có chuyện khi in quyển tiểu thuyết về thời Lê, tôi có nhân vật Xã trưởng. Lúc đầu biên tập viên thắc mắc, định chữa thành Chánh tổng, vì cho rằng chữ “Xã” hiện đại quá. Thực ra đơn vị “tổng” chỉ có từ khi Pháp bảo hộ triều đình nhà Nguyễn, cải tổ hành chính thời Tự Đức đặt ra.
Đến khoảng đầu thế kỷ 20, báo chí tiến bộ phát triển, ra sức cổ vũ cho lối sống mới, đả phá các quan lại cổ hủ. Tờ Phong Hóa do Tự lực văn đoàn chủ trương, đã sáng tạo ra nhân vật Lý Toét trong các tranh châm biếm. Lý Toét xuất hiện trên Phong Hóa đầu những năm ba mươi, là cụ Lý trưởng khăn xếp áo the, cắp cái ô đen, gầy quắt, đeo kính vì toét mắt, xa lạ với những biến đổi của thời đại, tiêu biểu của người nhà quê. Sau khi Lý Toét ra đời thành công rực rỡ, một họa sĩ cho ra đời nhân vật Xã Xệ, đối nghịch với Lý Toét, để đấu hót với Lý Toét. Xã Xệ béo tròn, làm chức Xã trưởng, gọi là ông Xã, do béo và lôi thôi mà có tên Xã Xệ. Lý Toét và Xã Xệ là hai siêu sao trên báo chí Việt Nam hàng chục năm, hai nhân vật Việt Nam tiêu biểu trong thời kỳ chuyển biến văn hóa cũ-mới của người Việt.
Sau này, hình ảnh ông Xã vẫn còn vang bóng, có lẽ vì chức Lý trưởng thì mất, mà các chức sắc trong xã vẫn còn, do còn đơn vị hành chính là cấp xã. Rồi chắc người ta gọi nhân vật quyền uy trong họ ngoài làng là ông xã, châm biếm hoặc âu yếm gọi chồng là ông xã, gọi vợ là bà xã, cũng như người phương Tây gọi con lợn, con chó của em ơi… vân vân. Có sách nói: Người Hán gọi người thân thuộc là xã, vì chức quan xã có thể mua, khoe khang với xóm làng, cũng là một nghĩa. Xét thế thì vợ hoặc chồng gọi nhau là xã cũng đại khái như vậy.
Như vậy, từ ông xã hàm ý thân thuộc, khôi hài hơn là ngữ nghĩa nghiêm trang trong quan hệ gia đình, cũng không thâm sâu như gọi nhau là “nhà” như cách gọi truyền thống.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.