Hôm nay, vào mạng thấy bài thơ này của ông Đỗ Trung Lai. Khen thơ hay thì cũng như khen mèo dài đuôi. Thôi thì trong khi đợi các thành viên blog post tác phẩm của mình, tôi đưa bài thơ này lên để mọi người cùng đọc. Tâm trạng thất tình này của nhà thơ chắc nhiều người cũng trải qua, nhưng nói lên được như thế thì mới thấy thơ ca nó ghê gớm thế nào...
Gửi lời chim én
Tôi yêu mà chẳng được yêu,
Kìa con én nhỏ sớm chiều xuyên mây.
Ngồi buồn tôi gặp em đây,
Nhờ em vỗ cánh vút bay lên giời.
Bao giờ thấy hết xa xôi,
Thì kêu một tiếng giống lời tôi kêu,
Kêu lên một tiếng rằng: YÊU!
Rồi ra đất lở giời xiêu thì đành.
*
Này cây, này đá, này cành!
Nghe xong, còn có vô tình được không?
Tôi thuộc bài thơ "Những cánh hoa tàn" của Đỗ Trung Lai, nhưng có người lại bảo không phải, không rõ thế nào.
Trả lờiXóaNếu có thể, xin em đừng trở lại!
Hoa trong bình đã héo tự chiều qua
Hãy giúp anh quên đi, mãi mãi
Những bông tàn trong ký ức hai ta.
Đã bao lần, âm thầm, anh cầu chúc
Em đẹp xinh, hạnh phúc, đủ đầy
Anh lấy đau riêng làm nhung lụa
Phủ lên ngày tươi đẹp thơ ngây.
Giờ em lại. Bây giờ em mới lại!
Hồn thanh xuân em phung phí cả rồi
Anh cũng khác. Vâng! Anh giờ cũng khác
Đã có người anh đón để lên ngôi.
Em nước mắt, hai đứa cùng cay đắng
Hai đứa cùng đã có một thời xa
Nhưng chẳng lẽ người thứ ba phải khóc
Vì những bông tàn trong ký ức hai ta?
Anh NXH ơi, phó thường dân em nhiều lần than thở kể lể trên blog E rằng, ngày xưa em đi học, điểm văn em toàn dưới trung bình thôi, vì tư duy hình tượng của em kém lắm, mà điểm toán em cũng kém không thua văn vì tư duy lôgic của em cũng kém nốt. Hôm nay đọc thơ GỬI LỜI CHIM ÉN của anh Đỗ Trung Lai, em thấy "rằng hay thì thật là hay", khi mà "Tôi yêu mà chẳng được yêu" nên tôi "nhớ em" thì tôi phải "Gửi lời chim én" "Kêu lên rằng một tiếng YÊU". Thế nhưng, còn "Ngồi buồn tôi gặp em đây", thì em là "em" mà tôi nhớ, hay là "chim én"? Nhà văn NXH hãy giảng giải cho đầu óc kém cỏi của em hình dung rõ hơn với!
Trả lờiXóaKính gửi bạn N16.54, nhờ có bạn thắc mắc, mà tôi đã đính chính được một câu thơ Đỗ Trung Lai. Trong văn bản ban đầu, copy từ Thivien.net, một trang web chuyên thơ ca, có chữ "nhớ em...". Tôi hỏi một bạn văn, bạn giải thích có thể là (có thể thôi), nhà thơ gặp "em" rồi, nhưng vẫn nhớ những lúc "em vỗ cánh...". Song, tôi đã gọi điện trực tiếp cho ông Đỗ Trung Lai, ông Lai nói rằng: Đó phải là "nhờ em vỗ cánh vút bay lên giời".
XóaTóm lại, câu đó là "nhờ em...", chứ không phải "nhớ em..."
Khi nói về tình yêu không được đáp lại, nhà thơ nhìn thấy "con én nhỏ sớm chiều xuyên mây". Còn vì sao lại thế, thì chỉ có nhà thơ biết thôi. Cũng như ca dao nói: 'Còn duyên buôn nụ bán hoa, hết duyên ngồi gốc cây hồng hái hoa". Còn duyên cũng có thể làm rất nhiều việc, sao ca dao lại nói đến mỗi chuyện "buôn nụ bán hoa", để rồi đối lại, khi hết duyên thì nói "ngồi gốc cây hồng hái hoa". Đỗ Trung Lai không được yêu đáp lại, thì nhìn thấy con én xuyên mây, mặc dù xung quanh có đầy rẫy hiện tượng, sự việc khác.
Bài thơ có 3 "nhân vật": Tôi, em, con én. Và có một sợi dây buộc 3 nhân vật ấy lại, đó là "Yêu". Khi gặp em, thì tôi cầu xin em biến thành con én đi, để bay vút đi. Đó là kiểu nói dỗi như "anh bảo em đi đi, sao em không ở lại. Đó là thủ pháp "nói ngược" của dân ca dân gian, khi em bay vút đi thì tác giả lại bảo: Bao giờ thấy hết xa xôi, thì hãy nói thẳng là yêu. Đó cũng chính là ẩn ý của sự dỗi, bảo bay vút đi nhưng lại bảo bao giờ thấy gần thì nói yêu, em ạ. Cái tình yêu ấy không hề đơn giản, mà "đất lở trời xiêu". Còn khi nói ra rồi, tác giả lại hỏi cây, lá, cành xem có vô tình không. Đến vật vô tri mà còn phải hỏi thế... Chứ lại hỏi: Tôi hay em có vô tình không thì rất tầm thường, không còn thơ nữa. Tôi không thạo bình thơ, nói sơ qua thế thôi ạ. (NXH)
Vâng, nhờ anh NXH đính chính và giảng giải, em đã rõ hơn về các hình tượng cũng như nội dung cảm xúc trong GỬI LỜI CHIM ÉN của anh Đỗ Trung Lai rồi ạ. Nhưng em lại có thêm một thắc mắc mới: Anh NXH là nhà văn, nhà thơ, sao lại bảo không thạo bình thơ? Em tưởng: Người bình thơ thì có thể không làm được thơ (Điển hình là ông Hoài Thanh), nhưng người làm thơ thì đều cảm và bình thơ rất giỏi chứ ạ?
Trả lờiXóa