15 tháng 3, 2013

Đêm trăng suông

Đây là một loại thể loại cổ văn. Thực ra, theo lý thuyết "kinh điển", trong số 11 câu dưới đây, chỉ có 2 câu thơ. Hẳn có nhiều bạn biết thể loại này, nhưng chắc có một số bạn chưa biết. Tôi post bài này, cốt giới thiệu một thể loại cổ văn rất thịnh hành thời xưa. (Bài nguyên bản "Đêm trăng suông" là một bài thơ của tôi để trên mạng 5-6 năm nay rồi, nay viết lại như dưới đây). Chúng ta làm thơ "nghiệp dư" cũng như anh thợ mộc chỉ đóng được bàn ghế, nhưng cũng nên biết trong nghề thợ mộc, còn có cách đóng giường tủ, đục chạm... vân vân. Tôi cũng chỉ như các bạn, thực tập thôi... Và tôi lắng nghe sự trao đổi(NXH)

Đêm trăng suông

Trăng tan trắng trời mơ bàng bạc
Ký ức thời gian cánh vạc bay về
Em đã giã từ một thời mê
Mang đi cả những đêm yêu ngời ngời trăng tỏ

Chỉ còn biển mây mờ nỗi nhớ
Mầu trăng rên lên gió mong manh
Em nhập vào trắng lạnh trăng buồn
Hẹn thề nhức xanh muôn lối cũ

Tình trăng phát sáng đầy bối rối
Nhân gian còn vang dội dáng thân quen
Anh chìm đắm đuối trong em…

8 nhận xét:

  1. Nặc danh16:15 15/3/13

    Đúng là tôi không biết. Thể loại này là "cổ văn" thế nào ạ, tác giả đã nói thì nói cho rõ giùm

    Trả lờiXóa
  2. Đây là thể hát nói. Một dạng đặt lời cho ca trù, ả đào. Phát sinh từ thế kỷ 18, hiện nay còn nhiều bài của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Dương Khuê, Trần Tế Xương... Mà bài "hồng hồng tuyết tuyết" là một bài rất nổi tiếng. Nói chung, đó là dạng cách tân thơ của thế kỷ 18. Quan niệm xưa, "thơ" phải có niêm luật, nhưng đến "hát nói" thì nó bắt đầu vượt ra khỏi niêm luật. Tuy nhiên, nó cũng có luật riêng. Các cụ không biết được rằng 200 năm sau, con cháu làm loại thơ chẳng niêm chẳng luật... Có lẽ tôi sẽ viết một bài ngắn về thể loại này (NXH)

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh21:44 16/3/13

    Phó thường dân em ngày xưa học điểm văn không cao hơn năm phẩy bao giờ, nhưng được cái em yêu môn này. Và em xin nói cùng anh XH một chút về bài thơ làm theo thể hát nói của anh, nếu có gì không phải, anh bỏ quá cho sự hiểu biết kém cỏi của em nhá: Bài ĐÊM TRĂNG SUÔNG của anh làm theo thể hát nói đủ khổ (3 khổ - 11 câu, chỉ có 2 câu thơ là 2 câu 5,6:
    " Chỉ còn biển mây mờ nỗi nhớ
    Mầu trăng rên lên gió mong manh"
    Câu cuối cùng là câu 11, bao giờ cũng có 6 chữ. Em nhớ, ngày xưa em được học một hài hát nói của Nguyễn Công Trứ (Chí anh hùng), có những câu mở đầu:
    "Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
    Nợ anh hùng vay giả giả vay
    Chí Làm trai nam bắc đông tây
    Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể ..."
    Và những câu cuối là:
    "Nợ anh hùng trang trắng vỗ tay reo
    Thênh thang thơ túi rượu bầu"
    Hát nói được coi là biến thể của lục bát và song thất. Hình như gieo vần và bằng trắc cũng rắc rối lắm thì phải.
    Thế anh XH đã thử nhờ ca nương hát ĐÊM TRĂNG SUÔNG của anh chưa? Và anh có học Nguyễn Công Trứ, khi gõ trống chầu, nói với ca nương rằng:
    "Ba mươi nhăm năm trước ta cũng hai mươi tuổi như nàng ..."?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một bài hát nói "chuẩn" thì có 11 câu. Câu đầu thường là 7 chữ, nhưng cũng có thể là 4 chữ, 5 chữ. Mỗi cặp câu có một tên. Ví dụ câu 1-2 là Lá đầu; câu 3-4 là Xuyên thưa, câu 5-6 là Thơ, 7-8 là Xuyên mau; câu 9: Dồn, Câu 10: Xếp, câu 11: Keo.
      Luật bằng trắc như sau:
      1. 0 x T / x B / x T -------------Lá đầu
      2. 0 x B / 0 x T / b B-----------Lá đầu
      3. 0 b B / x T / 0 b B ----------Xuyên thưa
      4. 0 x T / x B / 0 x T ---------Xt
      5. 0 x T / x b / x T-------------Thơ
      6. 0 0 x B / x T / 0 b B--------Thơ
      7. 0 b B / 0 -- 0 x T / 0 x B –Xuyên mau
      8. 0 x T / 0 b B t T -----------Xuyên mau
      9. 0 x T / x B / 0 x T --------Câu Dồn
      10. 0 x B / x T / 0 b B -----Câu Xếp
      11. x B / x T / x B -----------Câu keo.
      Khi đã thạo, thì ở một số câu có thể số chữ có biến đổi. Ví dụ, câu 1, bài “Hồng hồng tuyết tuyết” có 4 chữ. Câu Xuyên mau có khi có 8-9 hoặc 10-11 chữ. Do khung comment không thể đánh dấu chữ vần nhau được, nên phải diễn giải thế này. Chữ cuối câu 1 vần với chữ thứ 5 câu 2 (1.c-2.5). Và các cặp vần như sau:
      (1c-2.5) (2c-3c-4.5) (4c-5c-6.5) (6c-7c-8.5) (8c-9c-10.5) (10c-11c).
      Luật vần cũng có linh động, khi câu Xuyên có hơn 7 chữ, thì cũng có thể vần với chữ thứ 6, thứ 7... chứ không nhất thiết vần với chữ thứ 5, miễn là cách chữ cuối 1-2 chữ.
      Cũng có thể không hẳn 11 câu, mà nhiều hơn 11, khi đó, coi như khổ đầu và 7 câu cuối là đúng niêm luật, còn các khổ thêm vào coi như chen vào thơ. Hoặc thêm một khổ đầu lục bát gọi là "mưỡu" có tính chất như "dạo đầu", giới thiệu.
      Xin tham khảo bài "Gặp cô đầu cũ", hay còn gọi là "Hồng hồng tuyết tuyết" nổi tiếng của Dương Khuê:
      Hồng Hồng, Tuyết, Tuyết,
      Mới ngày nào chửa biết cái chi chi.
      Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì!
      Ngoảnh mặt lại, đã tới kỳ tơ liễu.
      Ngã lãng du thời, quân thượng thiếu,
      Kim quân hứa giá, ngã thành ông
      Cười cười nói nói thẹn thùng,
      Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.
      Riêng một thú Thanh Sơn đi lại,
      Khéo ngây ngây dại dại với tình.
      Đàn ai một tiếng dương tranh...
      Hai câu thơ Hán Việt (câu 5-6) có nghĩa là: Ta còn rong chơi, ngươi còn son trẻ/ Nay ngươi đến tuổi lấy chồng thì ta đã thành ông già.
      (NXH)

      Xóa
  4. Nặc danh15:28 17/3/13

    Anh NXH ạ, hôm trước, em mới nói một chút đến thể hát nói trong ĐÊM TRĂNG SUÔNG của anh. Hôm nay, em mới nói đến nội dung cảm xúc trong đó. Có thể, em bí từ không nói hết được, nhưng quả thật, đọc bài thơ, rõ ràng em thấy có tình yêu đến "đắm đuối", mà sao cứ có cảm giác lành lạnh, sờ sợ. Giống cảm giác khi đọc thơ trăng của Hàn Mạc Tử "trăng nằm sóng soài trên cành liễu ...". Em thấy lạnh nhất khi đọc hai câu 6, 7 "Mầu trăng rên lên gió mong manh/ Em nhập vào trắng lạnh trăng buồn". Nghe như, em đã xa cõi nhân gian, nên không còn đêm trăng tỏ nào. Chỉ còn trăng suông. Và hồn em đó. Để "anh chìm đắm đuối trong em". Nên hiểu theo nghĩa thực hay nghĩa hình tượng đây? (ND 21:44)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh17:33 18/3/13

      Không khó gì tìm thấy bài thơ "Một mình với trăng suông" của Nguyễn Xuân Hưng trên mạng (địa chỉ link https://sites.google.com/site/vannhanvv/th%C6%A1#motminh, hoặc tìm qua google). Như sau:
      Có những đêm trăng tỏ trăng tình
      trăng kỳ diệu tên em đêm mười sáu
      trăng thuợng huyền nét môi em tươi thắm
      trăng em hạ tuần hao gầy
      mắt bò cái ngẩn ngơ
      tình nhà chia rồi lại nối...
      Đêm nay trăng suông
      Hy vọng mong manh
      em ở đâu sau biển mây mờ?
      ký ức thời gian hư ảo
      nỗi nhớ thẳm màu tuyết lạnh?
      lời giã từ phai bạc cả không gian
      Anh đi tìm em
      gió rên lên màu cánh vạc
      tình đa mang đến hồi bối rối
      trăng thôi hình hài tình trăng thành ánh sáng
      ban phát nhân gian ngàn nẻo mơ bay
      em ở đâu tình em sáng đầy trời?
      Anh chìm đắm trong em…
      Rõ ràng, bài thơ trên đây đã lưu hành lâu rồi, chỉ như một phác thảo thơ, bản nháp thơ, nếu so với lời bài "hát nói", thực chất cũng là bài thơ mới. Bài thơ mới "hát nói" có hơi thơ cổ kính, nỗi nhớ ám ảnh về một người yêu đã đi rồi, khuất nẻo rồi. Bài thơ trước đây cũng nói ý đó, nhưng nó cứ nhẹ nhẹ thế nào ấy, trượt đi. Còn bài hát nói thì nó neo lại được, ít nhất cũng làm cho người đọc cảm thấy cái sự lạnh lạnh của cái chết một tình yêu

      Xóa
  5. Nặc danh14:14 18/3/13

    Anh NXH bảo "lắng nghe sự trao đổi" mà anh chả trao đổi cũng bạn đọc gì cả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì anh ấy lắng nghe, chứ có bảo trao đổi lại đâu

      Xóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.