Thưa các anh chị lớp E và độc giả blog E.
Có lẽ, em lại là một sự
đường đột nữa ở blog E của các anh chị. Em là Hải Yến, bạn của Mai
Hương. Được Mai Hương giới thiệu, gần đây, em hay vào đọc blog E. Em rất
thích sân chơi đa sắc màu của các anh chuyên Toán. Và, học bạn em nên
em cũng đánh bạo gửi bài đăng. Mong là không bị chối từ.
Em vốn
thích đi du lịch đó đây. Mỗi khi đến một nơi nào đó, em hay ghi lại
những tâm tư. Hôm nay, nhân đọc câu chuyện cười về Đèo Ngang mà anh NCT
đăng trong PHÚT THƯ GIÃN, em nhớ tới một bài thơ cũ của em viết khi lần
đầu tiên em đứng trên đỉnh Đèo Ngang. Khi đó, chưa đi dưới hầm Đèo như
bây giờ. Nhìn trước mặt và xung quanh, chỉ thấy "trời, non, nước" như nữ
sĩ ngày xưa từng viết. Nhớ người xưa, em cứ tìm hoài bóng một anh kiếm
củi, chẳng còn đâu nữa cái dáng "Lom khom dưới núi ...".Bài thơ của em
không hài hước như những mẩu chuyện cười mà các anh chị kể, nhưng em hy
vọng sẽ góp được một chút nhỏ gì đó cho blog của các anh. (Hải Yến)
MỘT THOÁNG ĐÈO NGANG
"Lom khom dưới núi, tiều vài chú" -
Bà Huyện Thanh Quan
Em vẫn gặp anh trong trang thơ,
Hôm nay tìm anh khi chiều mơ.
Lang thang đi hoài quanh lưng núi,
Anh đâu? Con tim em bơ vơ ...
Nhìn theo cánh chim bay liêu xiêu,
Không gian mênh mang trong gió chiều.
Non nước mấy trăm năm vẫn thế,
"Tình riêng một mảnh" - Buồn cô liêu!
Đá vẫn chen nhau với cỏ cây,
Tiếng chim khắc khoải vẫn đâu đây.
Dáng anh dưới núi nhòa trong đá,
Người đi xa đâu nơi chân mây ...
Bất chợt bừng lên ở quanh em,
Tiếng ca trong tiếng gió, rất êm.
Du khách đi - về, Nam nối Bắc
Phẳng lì xa lộ theo núi nghiêng.
Đất mình cuối thể kỷ hai mươi,
Trở lại tìm anh, giữa muôn người.
Em thoáng nghe thầm trong tiếng gió:
Thanh Quan chợt nở nụ cười tươi.
(Hải Yến)
"Em Hải Yến" xưng em, nhưng thơ của em niêm luật cũ cũ, như thơ của các bác có tuổi. Thực ra, bỏ hẳn đi 2 khổ cuối cũng không sao, mà bài thơ có giá trị hơn. Cái cảm hứng "tiếng ca trong tiếng gió rất êm" có hơi hướng "Tố Hữu hóa". Còn câu kết "Thanh Quan chợt nở nụ cười tươi" thì hơi không ổn. Bà huyện Thanh Quan là vợ ông huyện Thanh Quan, tức ông Lưu Nghị làm quan huyện ở huyện Thanh Quan (nay là Thái Thụy, Thái Bình). Tên bà là Nguyễn Thị Hinh chứ không phải tên là Thanh Quan, nên câu kết như vậy có vẻ không ổn. Sửa là "Bà huyện chợt nở nụ cười tươi" thì ok hơn. Song, thực ra 2 khổ cuối bài thơ làm cho bài thơ "kém thế". Góp ý thẳng thắn và chân tình về bài thơ như vậy, còn với tác giả thì tôi rất trân trọng đã viết bài, hết sức hoan nghênh (NXH)
Trả lờiXóaLại thêm một em nữa hâm mộ các anh lớp E rồi! Các anh chuyên Toán có duyên thật đấy.
Trả lờiXóaEm rất cám ơn nhà văn NXH đã trao đổi, góp ý cho bài thơ của em. Đúng như anh nhận xét, bài thơ Một thoáng Đèo Ngang của em "niêm luật cũ cũ", là bởi em đứng ở Đèo Ngang, em nhớ tới nữ sĩ ngày xưa mang tên Bà Huyện Thanh Quan mà, em muốn viết mấy dòng "cũ cũ" như thế. Nhận xét thứ 2 của anh em cũng rất nhất trí, về hai khổ thơ cuối ấy ạ. Nhưng em muốn nói rõ thêm một chút. Đúng là em chỉ viết cho em 3 khổ thơ đầu, còn hai khổ cuối em viết cho cả mọi người trong đoàn cùng đi. Em không biết cái "hơi hướng Tố Hữu hóa" mà anh nói là tốt hay không tốt, nhưng thực tế là, chúng em đi chơi thường hay hát tập thể dọc đường trên xe (Có lần mang cả dàn hát đi nữa). Nên "Tiếng ca trong tiếng gió rất êm" chỉ là một thực tế quanh em, chứ em cũng không định "ca ngợi" điều gì lớn lao cả. Còn về câu kết, em gọi nữ sĩ mang danh Bà Huyện Thanh Quan là Thanh Quan, có vẻ hơi "cẩu thả" trong ngôn từ phải không ạ? Còn thì, em cũng biết tên thật của bà là Nguyễn Thị Hinh. Em còn nhớ mang máng rằng, bà viết QUA ĐÈO NGANG khi trên đường vào kinh đô nhận chức Cung trung giáo tập, theo lời vời của vua Minh Mạng (Chuyện này thì phải nhờ anh XH nói mới chính xác).
Trả lờiXóaEm rất mong được các anh chị góp ý thêm ạ.
(Hải Yến)
Nhớ và tìm một anh tiều phu trong thơ ở Đèo Ngang mà đến mức "con tim em bơ vơ" à? Chắc em Hải Yến nhớ anh nào đó thôi!
Trả lờiXóaTôi thấy từ THANH QUAN ở đây không phải là bà huyện THANH QUAN ngày xưa đâu, anh NXH ạ. Hải Yến đang "trở lại tìm anh giữa bao người" tức là em tìm lại người xưa, rồi em "thoáng nghe thầm trong tiếng gió" em tưởng như thấy người xưa xuất hiên. THANH QUAN ở đây chính là "anh" cuả ngày xưa, giờ anh đã làm quan, nhưng vẫn giữ được sự thanh bạch nên tác giả gọi anh là THANH QUAN. Thâm ý chính là ở chỗ đó. Tôi suy diễn như thế nếu hông phải thì xin tác giả lượng thứ. (LPT)
Xóahi hi, haha
XóaEm Hải Yến ơi, anh LPT phân tích thế, có đúng ý thơ của em không?
XóaViệc đúng ý em hay không, không quan trọng lắm đâu ạ! Điều quan trọng nhất là, thơ em viết ra, được mọi người đọc và chia sẻ.
Xóa(HY)
Bài thơ "Qua đèo ngang"
Trả lờiXóaBước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen lá đá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái da da.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Nhiều bút mực cãi nhau về chữ nghĩa trong bài "qua đèo ngang". Tiều- tiều phu, người kiếm củi. Rợ- Chữ cổ chỉ người dân tộc thiểu số. Con chim cuốc, kêu cuốc cuốc, con chim đa đa (hay da da) kêu da da. Đồng âm Quốc- nước, Gia-nhà. Hai câu này là thần cú trong bài. Nói chung bà huyện Thanh Quan để lại mấy bài thơ, bài nào cũng có 1-2 câu rất hay.
Trả lờiXóaVí dụ: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (Thăng Long thành hoài cổ); Gác mái, ngư ông về viễn phố,Gõ sừng, mục tử lại cô thôn (Cảnh chiều hôm); Vàng toả non Tây bóng ác tà/ Đầm đầm ngọn cỏ tuyết phun hoa (Chiều hôm nhớ nhà)...v.v (nxh)
Hình như anh NXH nhầm tên hai bài thơ (Cảnh chiều hôm, Chiều hôm nhớ nhà) với những câu thơ anh dẫn trong các bài ấy thì phải!
XóaBài thơ Cảnh chiều hôm:
XóaChiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn.
Gác mái, ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn ?
Còn đây là bài "Chiều hôm nhớ nhà":
Vàng toả non Tây bóng ác tà
Đầm đầm ngọn cỏ tuyết phun hoa
Ngàn mai lác đác, chim về tổ
Dặm liễu bâng khuâng, khách nhớ nhà
Còi mục gác trăng miền khoáng dã
Chài ngư tung gió bãi bình sa
Lòng quê một bước dường ngao ngán
Mấy kẻ chung tình có thấy là ?
(nxh)
Anh XH ơi, theo hiểu biết của em, bài "Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn" là CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ mà, có lẽ em phải kiểm tra lại.
XóaVấn đề là xem trong 2 bài trên, bài nào có câu có chữ tỏ ra là nhớ nhà. Có lẽ ông NXH đúng.
XóaEm cũng rất muốn tin vào kiến thức văn học và lịch sử của nhà văn NXH (Tác giả của những tiểu thuyết có yếu tố lịch sử gây tiếng vang). Nhưng có điều, ngày trước em học, và bây giờ sách giáo khoa con em học, đều ghi "Chiều hôm nhớ nhà" là văn bản thơ có "Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn". Tra trên google, thì cũng cãi nhau loạn xạ cả lên, anh XH và anh 10:06 ạ.
XóaChuyện này là thường. Có những sự việc khó mà có lời giải, vì thời gian lịch sử mù mịt, mà sử liệu để lại thì không có vật chứng, nhân chứng. Nên, tự chọn cho mình một lời giải là hơn.
XóaNhớ Bà Huyện Thanh Quan hay nhớ anh Thanh Quan thì đều là hoài cổ rồi. Bài thơ là nỗi niềm hoài cổ.
Trả lờiXóaNgười xưa ơi, đã xa rồi còn đâu? "Dáng anh dưới núi nhoà trong đá/ Người đi xa đâu nơi chân mây?"
Trả lờiXóaBây giờ, "bước tời Đèo Ngang ..." cũng chẳng được đứng trên đỉnh đèo nữa mà nhớ người xưa. Xe đi vào hầm Đèo tối om!