23 tháng 3, 2013

Kỳ quặc...chơi chim

Chim hiển nhiên là một loại động vật rất đẹp, chúng muôn hình vạn vẻ, tiếng hót trầm bổng vô vàn thanh điệu. Nhưng chúng có thể bay lượn, cho nên loài không bay lượn là Con Người không mấy khi lại có cơ hội thưởng thức vẻ đẹp của nó. Do đó, lồng chim ra đời.
Hiển nhiên là lồng chim không thể nhốt được mọi loại chim. Do vậy, người ta được thưởng thức không nhiều chim đẹp hót hay. Không nhiều cho nên nó quý, giá cao. Đó là quy luật cung cầu mà môn kinh tế học phát hiện, không liên quan gì đến loài chim. Và một ngành kinh tế chim ra đời. Dạo quanh Hà Nội, dễ dàng thấy các sản phẩm của thị trường chim. Lồng chim đủ loại, “thiết bị” cho chim uống nước, đồ dùng cho chim ăn, thức ăn cho chim (loại công nghiệp) và giun, dế, hạt kê, các loại hạt… cho chim (loại có nguồn gốc thiên nhiên); và dĩ nhiên hàng hóa trước hết là chính… những con chim.

Người chơi chim hẳn là một mẫu người công dung ngôn hạnh, mặc dù họ là nam nhi. Tướng lĩnh có thể ra trận thét ba quân run sợ; chủ doanh nghiệp có thể nắm hầu bao của hàng vạn nhân viên; sếp to vật vã có thể nói một lời hàng vạn người ghi không sót; hoặc có anh họ Chí Phèo không coi ai ra gì, hoặc có anh thuộc loại xã hội đen… Song, lạ thay, đứng trước loài sinh vật bé xíu xíu là con chim, các bậc đại trượng phu nam nhi đó đều trở nên nữ tính như nhau. Nói cũng nói nhỏ vừa nghe, làm gì động đến cái lồng chim cũng gượng nhẹ. Lạ sao?
Ngồi ngắm chim
 Nghề chơi chim cũng nhiều công phu. Không có tay chơi, chắc là không chơi được. Nhưng, trước khi bàn đến tay, thì phải dùng đến túi. Giá một con chim hay không ít tiền. Mà dân chơi chim tính bằng ngoại tệ có hình tổng thống Mỹ. Xê dịch từ vài trăm đến vài nghìn, có con đến vài chục nghìn. Xách cái lồng nhẹ tênh mà giá trị ngang với con xe bóng cóong chạy trên đường. Khi có con chim ấy rồi, thì cái lồng không thể thường, nó được chạm trổ tinh vi, nhìn như lâu đài thu gọn. Để làm gì? Dĩ nhiên để nhìn cho đẹp, nhưng căn bản là khi nhìn cái lồng ấy, bạn cũng nảy ra điều ước, giá mình biến nhỏ lại bằng con chim thì ở trong cái lâu đài ấy cũng... sướng.
Nghề chơi chim dĩ nhiên cũng phải có bí quyết. Cho ăn thế nào, chăm sóc ra sao để có con chim hót hay. Lúc nào trùm vải quanh lồng, lúc nào bỏ ra… vân vân. Thế là hình thành một thành phần trong thị trường lao động, đó là gia sư chim. Có anh lên đời nhờ mua chim về huấn luyện rồi mang bán.
Lồng chim treo để họp chim
Đã là bí quyết thì chả ai lộ ra. Nhưng trong nghề chơi này, có một “công đoạn” mà ai cũng biết. Đó là họp chim, hay nôm na là so chim.
Chim, thường thì nó bay nhảy trên cây, vèo một cái là tìm nhau được rồi. Trong đời con chim tự do lang bang, nó có thể gặp hàng nghìn con chim khác. Nhưng ác hại thay cho con chim trong lồng, cả đời nó lẽ nào chỉ quay đi quay lại nhìn thấy bản mặt ông chủ. Vậy thì ông chủ phải có nghĩa vụ tạo ra cơ hội cho nhiều con chim biết nhau, không phải ông chủ lo cho tự do của chim, mà là lo cho lỗ tai ông chủ. Con chim có tự do, có tiếp xúc, có giao lưu thì giọng hót của nó mới hay. Trong tiếng hót của nó có cảm hứng giao tiếp, và có sự học hỏi, bắt chước con chim khác hót hay hơn nó… Thực ra, tự do đâu phải là vì con chim nó muốn bay nhảy, mà đó là một cách hoàn thiện “điểu cách” của con chim. Không cho chim đi họp một thời gian thử xem, nó sẽ ủ rũ và hết giọng. Vậy thì theo lập luận của ông chủ, không cần bay lượn trên cây cũng có thể hoàn thiện "điểu cách", tức là ông ấy phải chăm cho chim đi họp chim, so chim.
Có quan sát con chim, mới ngộ ra nhiều điều. Con người hiếm tìm thấy ông chủ toàn diện như ông chủ chim. Cho nên mới hiểu vì sao con người lại cần tự do, cần đi du lịch, cần ngao du sơn thủy, cần đi cà phê bia bọt với đồng loại đồng giới và thỉnh thoảng không bị vợ ghen để chiêm ngưỡng đồng loại khác giới… Văn nghệ sĩ thường bị chê là lăng nhăng, thử hỏi, nếu không "lăng nhăng" như con chim, thì có hót hay được hay không?
Có một địa điểm rất hay, bên một góc Hồ Thiền Quang, chỗ ngã tư Nguyễn Du- Trần Bình Trọng. Ngày hai buổi, sáng và chiều, các tay chơi chim mang lồng chim đến đó, treo thành một dãy, rồi gọi tách cà phê, rung đùi nhìn chim, chăm chú nghe chim hót. Tôi phát hiện ra đám các tay chơi chim, ngoài tiền bạc và công dung ngôn hạnh, còn cần cả thời gian và cần có lúc sống chậm. Thì ra, chim quý vì con người thu nhận được rất nhiều qua công cuộc chơi chim. Trớ trêu thay, mất một ít tính thiện vì nhốt chim vào lồng, làm méo mó "điểu cách", mà từ đó hoàn thiện "nhân cách". Mới hiểu vì sao người ta hô hào bảo vệ môi trường, thì vẫn không thể nào ngừng việc bắt chim cho vào lồng.
Một câu hỏi mà tôi chưa tìm ra lời giải. Sao chưa thấy có bà nào, cô nào, chị nào chơi chim ở cái chợ chim gần cơ quan tôi ấy. Có lẽ, nữ giới nhìn thấy chim thì thích, và họ chơi chim bí mật ở đâu đó chứ không công khai chăng? Hoặc là, con chim vốn có nhiều đức tính của nữ giới: đẹp, hót hay, khiến các ông chồng say mê, nên phụ nữ nhìn thấy chim trong lồng là ghen ghét, mà họ chỉ yêu con chim bay trên trời, nhảy trên vòm cây thôi.
Ra thế, công cuộc bảo vệ môi trường chỉ mới đạt thành tựu ở 1/2 nhân loại. Tôi ngạc nhiên là Liên hợp quốc không chỉ định một phụ nũ vào chức Tổng giám đốc Ủy ban bảo vệ chim. Đến khi đó, thì nơi nơi chỉ còn chim bay trên trời, và ngành kinh doanh chim trong lồng sẽ tàn lụi.
(NXH)

2 nhận xét:

  1. Nặc danh10:25 24/3/13

    He he, nghe chim hót thì phụ nữ cũng thích đấy chứ, chỉ có điều chơi chim như anh viết thì công phu lắm mà phụ nữ thì còn bao nhiêu thứ việc phải làm. Em chỉ thích nhất một con chim tuy nó không biết hót nhưng cứ nhìn thấy nó là em thấy vô cùng sướng rồi. moa..moa...

    Trả lờiXóa
  2. Chơi chim, buôn bán chim hình như không bị cấm... Đố anh NXH viết bài "chơi bướm" đấy ạ.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.