21 tháng 3, 2013

Hai vấn đề từ một bài thơ của người xưa

Bài này là bài thơ chữ Hán, có tên "Xuân nhật tức sự", tức "Tức cảnh ngày xuân". Trong nhiều tài liệu được cho là tác phẩm của Huyền Quang. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng, đây là bài thơ Thiền đời Tống.
Huyền Quang, tên thật là Lý Đạo Tái (1254-1334) đỗ tiến sĩ đời Trần, làm quan, sau đó đi tu. Quãng đời đi tu của ông để lại tiếng thơm, vì ông là Tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm (Sau vua Nhân tông và Pháp Loa).

Nguyên văn bài thơ này như sau: 春日即事 (tiêu đề)
二八佳人刺繡持,
紫荊花下轉黃鸝。
可憐無限傷春意,
盡在停針不語時。

Phiên âm: Xuân nhật tức sự
Nhị bát giai nhân thích tú trì,
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.
Khả liên vô hạn thương xuân ý,
Tận tại đình châm bất ngữ thì.

Dịch nghĩa: Tức cảnh ngày xuân
Người đẹp tuổi vừa đôi tám, ngồi thêu gấm chậm rãi,
Dưới lùm hoa tử kính đang nở, líu lo tiếng chim oanh vàng.
Thương biết bao nhiêu cái ý xuân,
Cùng dồn lại ở một giây phút, đứng kim và im phắc.

Bản dịch thơ của Nguyễn Xuân Hưng: Ngày xuân
Người đẹp ngồi thêu gấm mê say
Dưới hoa chim hót động vòm cây
Cảm nỗi ý xuân thương biết mấy
Dồn vào phút lặng chợt ngừng tay

Tham khảo bài dịch của Nguyễn Huệ Chi: Ngày xuân tức cảnh
Lỏng tay thêu gấm, gái yêu kiều,
Hoa rợp, oanh vàng lảnh lót kêu.
Bao nỗi thương xuân, thương biết mấy,
Là khi không nói, chợt dừng thêu.

Từ lâu, văn đàn tranh luận 2 vấn đề sau đây:
1. Nghi vấn đây không phải thơ của Huyền Kiêu, mà là thơ Thiền thời Tống ở Trung Quốc. Có văn bản cho rằng bài thơ của một tác giả đời Tống, nhưng văn bản thì lưu hành sớm hơn, có nhiều câu sai khác so với văn bản của bài này trong các tài liệu nói về Huyền Quang. Một lý do cho sự nghi vấn là: Bài thơ này tả cảnh xuân với khung cảnh mùa xuân huy hoàng đầy nét yêu đời, lãng mạn, lẽ nào là thơ của một bậc Thiền sư thấm giáo lý Phật giáo?
2. Đây là bài thơ lãng mạn lứa đôi hay là thơ thiền?

Tóm lại: Có nhiều vấn đề mà đọc nhiều tài liệu thì càng rối. Ai cũng có lý cả. Cho nên thôi thì ta chọn cho mình lấy một lý giải. Riêng tôi, tôi cho rằng bài thơ này là của Huyền Quang. Một nhà Nho đi thi đỗ Tiến sĩ, thi thư đầy mình, ắt nhìn vạn vật mùa xuân có tình xuân. Vả lại, đây đích thực là một bài thơ Thiền.
Nói chuyện này cũng không dễ. Vì, ngay cả các nhà thơ có danh hiện nay, đều cho rằng ông Hoàng Quang Thuận "làm thơ Thiền". Đọc ra, bài nào cũng có từ "chùa", từ "thiền", từ "sắc sắc không không", từ "kinh kệ". Vậy bài thơ tả xuân, tả cô gái đẹp thêu dưới hoa chim hót thì Thiền gì? Thực ra nhiều bác nhà thơ cứ nghĩ làm thơ về chùa, về núi non khe suối tu tích, về đọc kinh niệm Phật mới là "thơ Thiền". Cái nhìn đó là sai 100%, cho nên mới có dàn đồng ca ca ngợi ông Hoàng Quang Thuận, sau đó các nhà thơ bị hố một vố đau. Một Hòa thượng nói với tôi, tranh luận về "thơ Thiền", các nhà thơ chỉ biết có "thơ", còn chưa biết "thiền" thì khó nói lắm. 
Trên diễn đàn Blog này, có nhiều bạn say mê thơ, có nhiều bạn khoái bình thơ. Vậy mời các bạn bình bài thơ này. Chỉ có 4 câu thôi mà. Tra Google thì có đến gần chục bài bình bài thơ này. Vậy ý kiến của bạn thế nào?
(Tôi sẽ bình bài thơ này, nhưng sẽ post sau)
NXH




5 nhận xét:

  1. Nặc danh10:30 22/3/13

    Em không giỏi bình thơ cho ra đầu ra cuối như những cây bút bình thơ có tiếng ở blog E là N22 hay thichdoctho. Em xin trao đổi trực tiếp vào những vấn đề mà anh NXH đã nêu ra từ XUÂN NHẬT TỨC SỰ. Anh XH nêu 2 vấn đề mà bao người đã tranh cãi. Và ý kiến của em như sau:
    Về "nghi vấn đây không phải thơ của Huyền Quang" (Anh XH đánh nhầm thành Huyền Kiêu thì phải!). Em không phải là nhà nghiên cứu, nên không có nhiều lí lẽ để khẳng định, nhưng em thấy lý do nghi vấn không thuyết phục: "Bài thơ này tả cảnh xuân với khung cảnh mùa xuân huy hoàng đầy nét yêu đời, lãng mạn, lẽ nào là thơ của một bậc Thiền sư thấm giáo lý Phật giáo?".
    Theo em biết, Phật giáo thời Lý -Trần không mang vẻ yếm thế như sau này, mà thể hiện trí tuệ và tinh thần từ bi sâu sắc bằng sự nhập thế đa dạng và sinh động. Chính các Thiền sư luôn hành động hết lòng hết sức vì cuộc đời. Trong thơ ca cũng vậy. Họ là những tác giả chủ yếu của thơ ca thời này, bắt đầu từ những bài kệ đậm chất thơ, thể hiện cái nhìn vạn vật thiên nhiên và con người thật độc đáo và trong sáng. Thiên nhiên và con người trong thơ của các Thiền sư thời Lý - Trần (Đặc biệt là thời Trần) thật sự là những đối tượng thẩm mĩ, thể hiện một cách thuyết phục cho sức sống, khả năng sống, niềm vui sống ...
    Ta đã gặp một Thiền sư Mãn Giác, ngay cả khi có bệnh, vẫn bảo mọi người "Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước, một cành mai" (Cáo tật thị chúng). Ta cũng từng chứng kiến sự cộng hưởng, giao hòa giữa con người và thiên nhiên trong thơ Trần Nhân Tông - Thủy tổ của Thiền phái Trúc lâm: "Song song đôi bướm trắng/ Phấp phới sấn hoa bay" (Xuân hiểu) … (Các bản dịch của Ngô Tất Tố)
    Khung cảnh mùa xuân từng "huy hoàng" là thế, "yêu đời" là thế, "lãng mạn" là thế trong thơ của nhiều Thiền sư, vậy thì cảnh trong Xuân nhật tức sự: Người đẹp ngồi thêu gấm say mê, dưới lùm hoa tử kinh, trong tiếng oanh ca, có lúc dừng thêu bởi những tâm tư ... trong thơ một Thiền sư cũng chẳng có gì là không thể? Nói gì đến Huyền Quang, vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc lâm, mà thơ ca của ông vẫn được coi là tiêu biểu cho sự "bay bướm, phóng khoáng", thể hiện cái tôi trữ tình say đắm trước thiên nhiên, đến mức "có nhiều lời dị nghị".
    Chính từ nhận thức như thế về thơ Thiền, nhất là thơ Thiền thời Trần, nên em không cho rằng “Xuân nhật tức sự” là một bài thơ tình lãng mạn, mà đích thị là một bài thơ Thiền.
    Thì đây, thiên nhiên mùa xuân: “Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly” (Dưới lùm hoa tử kinh đang nở, líu lo tiếng chim oanh vàng). Hoa nở, oanh ca … sự sống của tự nhiên luôn vận động, sinh sôi. Nhưng thật trong trẻo, thật khoáng đạt, thật thanh khiết mà thật bình dị của XUÂN. Tả SẮC mà vẫn KHÔNG, tả âm mà vẫn gợi được sự tĩnh lặng của không gian … Đó thực là nét đặc trưng cho cái KHÔNG của Thiền.
    Và đây nữa, con người trong mùa xuân: “Người đẹp ngồi thêu gấm mê say/ …Cảm nỗi ý xuân thương biết mấy/ Dồn vào phút lặng chợt ngừng tay” (NXH dịch). Hãy hình dung cảnh ấy: Một thiếu nữ đẹp say mê thêu, dưới hoa nở, trong tiếng oanh líu lo, và thấy tình xuân dâng tràn mà ngừng tay thêu gấm. Con người thật đẹp. Đẹp trong hình sắc, đẹp trong việc làm, và đặc biệt, là đẹp trong tâm hồn. Hồn tràn đầy ý xuân. Yêu xuân, yêu vạn vật, yêu tiếng oanh ca, yêu hoa nở … đến lặng người. Con người vô ngôn, lặng yên để tâm hồn lắng lại, dạt dào cảm xúc. Con người giao hoà hết mình với thiên nhiên với một tâm hồn sáng trong, không vướng bận. Con người trở về với thiên nhiên, trải hồn mình với thiên nhiên bình dị và vĩnh hằng. Vẫn là tả SẮC mà lại là KHÔNG, tập trung tả vẻ đẹp tâm hồn trong trẻo của con người, hướng tới CHÂN - THIỆN - MỸ, là một nét đặc trưng nữa của thơ Thiền. Thơ Thiền đâu cần có ảnh Phật, có những từ “chùa chiền, sắc, không”? Và như thế, Xuân nhật tức sự chẳng phải là rất đậm chất Thiền đó sao?
    (Hải Yến)


    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh18:31 22/3/13

    Tôi thấy blog E không chỉ có thêm một nữ thi sĩ Hải Yến, mà còn có thêm một nhà phê bình thơ Hải Yến. Ngòi bút bình thơ lại hơn hẳn N22 hay thichdoctho nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn ND 18.31 ơi, đấy là cảm nhận riêng của bạn thôi, mỗi người đèu có những cảm nhận như vậy. Tôi nghĩ blog E trân trọng tất cả những ý kiến của mọi người quan tâm !

      Xóa
  3. Nặc danh22:57 23/3/13

    Anh NXH đi vắng đâu mấy hôm nay rồi ạ? Em vẫn chờ đọc lời bình Xuân nhật tức sự của anh đấy ạ! (HY)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đã post bài bình bài thơ này (mục bài mới ngày 24/3) (nxh)

      Xóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.