7 tháng 7, 2013

CHUYỆN KỂ LINH TINH VỀ NHỮNG NGƯỜI NỔI TIẾNG

Những nhà thơ, nhà văn viết về “bạn văn” để tỏ bày nhiều thứ: Sự thân thiết, sự đồng cảm, lòng cảm phục, hay thể hiện một góc nhìn mới … và có khi cả ý PR nữa. Họ đều nổi tiếng. Họ có tôn nhau lên “một chút” cũng là chuyện thường.
  Còn tôi, viết đôi dòng về các nhà văn nhà thơ nổi tiếng mà tôi từng gặp, lại khác. Tôi là kẻ tiểu tốt vô danh. Những nhà thơ, nhà văn ấy chắc cũng chẳng ai còn nhớ đến tôi. Ai cần tôi PR cơ chứ? Nhưng tôi thích kể, thích viết. Như một sự hãnh diện, một sự “khoe khoang” rằng: Tôi đã từng gặp nhà văn X đấy, từng được nhà thơ Y chép tặng thơ … Và thế là những bạn bè đồng nghiệp của tôi, những người cũng vô danh như tôi, sẽ ngưỡng mộ tôi lắm! Tôi đang tự PR mình chăng?
  Chỉ một điều có thể khẳng định được ngay rằng, những kỉ niệm mà tôi từng có với các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng mà tôi đã từng quen ấy, thật đáng nhớ. Mặc dù, nhiều năm gần đây, tôi có thể ít đọc họ. Nhưng đã có thời, tôi từng đọc rất say sưa. Và tôi mong rằng mình sẽ lại say sưa như thế …
  (HẢI YẾN)

Bài 1

TRẦN ĐĂNG KHOA, TRẦN QUANG QUÝ – HAI NHÀ THƠ “CÓ HỌ” VỚI MÌNH ĐÂY!

 Không phải tôi “thấy người sang bắt quàng làm họ” đâu nhé! Hai anh nhà thơ này họ Trần. Tôi cũng họ Trần: Trần Hải Yến. Cùng là con cháu của Đức Thánh Trần  - một trong “tứ bất tử” đấy thôi. Cách đây hai mươi mấy năm, có lần tôi cùng họ tranh nhau một diễn đàn thơ. Và rồi các anh ấy, người thì tặng sách thơ cho tôi, người thì chép tặng tôi một lúc mấy bài thơ. Thậm chí, có cả thư nữa cơ!
  Khi tôi học năm thứ hai Đại học, hai thi sĩ họ Trần đang học Trường Viết văn Nguyễn Du, khóa mấy thì tôi không nhớ. Khoa Ngữ văn của tôi mời các nhà thơ, nhà văn đến nói chuyện là việc thường ngày. Các nhà văn, nhà thơ thời đó gần gũi với sinh viên lắm. Hậu buổi nói chuyện, có khi còn thêm nhiều tình cảm khác nữa ở những lần đến chơi.
  Có lần, một đêm thơ, chúng tôi mời đến năm sáu nhà thơ. Giờ đây, tôi đã quên gần hết, chỉ nhớ hai anh họ Trần vì còn kỉ vật và những lần thơ phú riêng tư. Hồi đó, anh Trần Đăng Khoa hình như ở đảo về cũng chưa lâu. Tập thơ mà anh ấy tặng tôi, cũng như những bài anh ấy đọc trong đêm thơ, hầu hết là viết về lính đảo. Anh ấy đọc nhiều thơ và kể nhiều kỉ niệm về Trường Sa lắm. Khi anh đọc xong, thì tôi cũng vừa thảo xong bài thơ ngắn họa lại bài “Chút thơ tình người lính biển” của anh. Anh Trần Quang Quý định lên diễn đàn tiếp nối anh Trần Đăng Khoa, thì tôi chạy lên tranh diễn đàn với một lời xin lỗi: “Xin lỗi nhà thơ Trần Quang Quý, em muốn đọc trước …” Có lẽ vì việc tranh diễn đàn và lời xin lỗi này, cũng như vì bài thơ tôi họa lại, nên hai thi sĩ họ Trần sau đó có chút “ưu ái” với tôi chăng?
  Lớp tôi có một bạn học cùng lớp tiếng Nga với anh Trần Đăng Khoa. Anh Khoa chuẩn bị đi học trường viết Văn Macxim Gorki ở Nga. Còn cô bạn lớp tôi thì chuẩn bị đi học Tâm lí ở nước Nga xô viết. Chả là Khoa Tâm lí trường tôi có một tiêu chuẩn đi học về tâm lí trẻ trước tuổi đến trường ở Nga, nhưng hết năm thứ nhất, Khoa Tâm lí không có sinh viên đạt tiên tiến, nên phải lấy sang sinh viên khoa Ngữ văn. Lớp tôi có tôi và Mai Hương đạt tiên tiến. Nhưng có tới ba người được làm làm hồ sơ: Tôi, Mai Hương và Hoàng Anh. Hoàng Anh là Bí thư chi đoàn tích cực. Sau nhiều tuần xét duyệt, loanh quanh thế nào, cuối cùng Tổ chức Khoa thông báo cho tôi với Mai Hương: Hai em thiếu tiêu chuẩn về điểm thi Đại học, các em được tuyển thẳng vào Đại học do đạt giải Quốc gia nên không có điểm thi Đại học. Thế là  Hoàng Anh đạt tiêu chuẩn đi Nga. Nhưng Hoàng Anh lại không là Sinh viên Tiên tiến. Lúc đó, chúng tôi chẳng hiểu ra sao cả, nhiều năm sau mới hiểu chuyện đời. Rồi sau đó, chúng tôi nghe tin Hoàng Anh mắc bệnh và mất ở Nga. Tôi bảo Mai Hương: Tiếc cho Hoàng Anh quá, nhưng cũng thật may cho chúng mình không được xuất ngoại …
 
Nói lan man mãi. Trở lại với hai thi sĩ họ Trần. Thấy tôi rất thích bài “Ở nghĩa trang Văn Điển”, anh Trần Đăng Khoa đã tặng tôi tập thơ “Bên cửa sổ máy bay” của anh, khi đó mới xuất bản, trong đó có bài thơ tôi thích. Anh viết cho tôi một lá thư ngắn gửi cùng tập thơ. Gửi qua Hoàng Anh Lạ thật. Thư và thơ của người yêu viết tặng, tôi làm mất sạch. Cả cuốn lưu bút thời phổ thông cũng chẳng biết đi đằng nào. Vậy mà sổ thơ, sách thơ có kỉ niệm của các nhà thơ vẫn còn nguyên vẹn, chỉ tội giấy đã ố vàng. Thư của anh Khoa, có cái phong bì là mặt sau của phong bì Hội nhà văn gửi cho anh ấy. Anh bảo tôi rằng bài thơ của tôi anh đã gửi cho báo Hải quân, để qua báo, có thể đến tay những người lính biển. Tôi cũng chẳng biết bài thơ ấy có đến được với các anh lính Trường Sa không. Nhưng đúng là từ sau lần nghe thơ về lính đảo, tôi cứ mê mẩn bài “Chút thơ tình người lính biển” của anh Trần Đăng Khoa được phổ nhạc thành bài hát. Kể cả bây giờ, cứ mới chỉ nghe nhạc dạo thôi, tôi đã nhớ vô cùng những tháng ngày xưa cũ ấy và hình dung ra sóng nước Trường Sa.

Anh Trần Quang Quý thì chép hai bài thơ vào sổ tặng tôi sau đêm thơ ấy khá lâu, có lẽ phải mấy năm. Anh không ghi ngày tháng. Chỉ ghi cho tôi địa chỉ tạm thời liên lạc là Trường viết văn Nguyễn Du. Tôi nhớ là anh Trần Quang Quý hơi ít nói, nếu mới quen thì có cảm giác anh trông hơi “dữ tướng” và khó gần.
  Chẳng biết rồi đây, có cơ duyên nào đưa tôi gặp lại hai anh nhà thơ “có họ” với mình thêm lần nữa hay không? Hay mình cố tạo cơ hội nhỉ? Làm thế nào cho đừng “vô duyên”? Với anh Trần Đăng Khoa, thì kiếm một cái cớ để gặp ông Phó Bí thư Đảng ủy Đài tiếng nói Việt Nam chắc hơi khó. Còn cớ gặp vị Phó Giám đốc – Phó Tổng biên tập nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam Trần Quang Quý thì … có lẽ chỉ còn một cách là viết được những cái gì đó đáng đọc, rồi nhờ anh Nguyễn Xuân Hưng lớp E giúp đỡ in sách ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, may ra mới gặp được. Thế thì còn khó hơn! Viết cái gì đáng để đọc, chứ không phải những chuyện phiếm linh tinh như thế này …
  Nhưng dù những gì tôi viết đây chỉ là “những chuyện phiếm linh tinh”, để ghi lại kỉ niệm của tôi, và để anh chị nào có thời gian thì đọc chơi, tôi cũng cố chép lại bài thơ ngắn mà tôi từng thảo rất nhanh trong đêm thơ. Bài thơ họa lại bài của anh Trần Đăng Khoa, và tranh diễn đàn thơ với anh Trần Quang Quý. Tôi đăng bài thơ này, không chỉ để làm minh chứng cho những gì tôi kể. Mà tôi còn muốn thể hiện rằng đây là tấm lòng của tôi hướng về biển đảo quê hương. Và đặc biệt, tại blog E này, tôi muốn tặng bài thơ cho người cựu lính Hải quân của lớp E, người đã tặng tôi cuốn sách mới và hay của anh – Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng.
                         
Đọc “Thơ tình người lính biển”

                                       “Cho dù thế thì anh vẫn nhớ
                                                                                 Biển một bên và em một bên …”
                                                                                                            Trần Đăng Khoa

                                         Em muốn theo con tàu,
                                         Cùng anh ra biển cả.
                                         Để ồn ào, rộn rã,
                                         Như ngàn năm biển khơi.

                                         Nơi thăm thẳm nước trời,
                                         Em biết anh vẫn nhớ.
                                         Em cũng đang trăn trở,
                                         Dù em vẫn dịu êm.

                                         Không muốn ở một bên,
                                         Em muốn ra ngoài đảo,
                                         Nơi chưa tan cơn bão,
                                         Anh đứng gác trời khuya.

                                         Dẫu đến một ngày kia,
                                         Khi không còn biển nữa.
                                         Khi đó, anh hãy nhớ:
                                         Giữa sao trời, có em …

   (Hải Yến)
  P/s:
 Hải Yến gửi kèm bài viết một số ảnh chụp bút tích của hai anh thi sĩ họ Trần, nhờ các anh BBT blog E xử lí ảnh và đăng cùng bài của HY:
  - Ảnh 1: Đoạn cuối bức thư anh TĐK viết cho HY.
  - Ảnh 2: Dòng đề tặng tập thơ BÊN CỬA SỔ MÁY BAY của anh TĐK
  - Ảnh 3, 4: Đoạn đầu và đoạn cuối một bài thơ anh TQQ chép tặng HY

6 nhận xét:

  1. Rất cám ơn Hải Yến đã gửi bài và ảnh để đăng trên blogE. Tiếc rằng những bức ảnh chụp bút tích Trần Đăng Khoa và Trần Quang Quý đề chung chung quá nên BBT không sử dụng được. Chúng tôi thay thế bằng hai bức ảnh chân dung hai nhà thơ trên để bạn đọc biết. Hai vị này cùng tuổi với cựu học sinh lớp E. Trần Đăng Khoa thì hầu hết chúng ta đều biết rõ ngay từ khi học cấp 2. (BBT)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh06:31 8/7/13

      Anh E 18:33 (BBT) kính mến! Sao bút tích lại "đề chung chung"ạ? Những ai biết hai anh họ Trần, và nhất là hai anh ấy, cần nhìn chữ là biết đúng là các anh ấy, không phải ai khác. Đặc biệt là anh TĐK, còn có cả chữ kí nữa ạ!
      (HY)

      Xóa
  2. Nặc danh10:30 8/7/13

    NXH đi vắng đâu hay là tiết kiệm lời thế nhỉ? Em HY tặng bài thơ hay thế mà chẳng thấy lên tiếng gì cả! Mình mà được em tặng thơ thì ...

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh10:36 8/7/13

    HY cứ đợi thêm đi! Cái gì thì khó, chứ thơ văn câu chữ thì nhà văn NXH thiếu gì!

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh17:55 8/7/13

    Bài mấy thì HY viết về NXH và NCT. Hai anh này cũng rất nổi tiếng đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh07:39 9/7/13

      Em sẽ viết về anh NXH và anh NCT sau khi được gặp hai anh ấy, nghe các anh ấy nói. Còn bây giờ, chả lẽ lại chỉ có khoe: Anh NXH - Nhà văn nổi tiếng - đã tặng mình một cuốn sách rất hay, nhưng mình chưa gặp anh ấy bao giờ. Anh NCT đẹp trai, thơ giỏi, đã viết tặng mình bài thơ tình HOA TÍM BẰNG LĂNG rất hay, nhưng mình cũng chưa gặp mặt bao giờ ... Nói thế thì ai tin. Có bút tích đây mà nhiều người còn chưa tin nữa là!

      Xóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.