20 tháng 7, 2013

Chuyên mục kinh tế: Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam

Gần đây có người chỉ ra rằng, thực ra thời gian cần thiết để lấp đầy khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người (TNBQĐN) giữa Việt Nam và các nước trong khu vực không thực sự lớn như chúng ta vẫn được biết đến (chẳng hạn WB cho rằng cần 145, thậm chí 158 năm, để Việt Nam đuổi kịp Singapore), nếu trong tính toán chúng ta sử dụng tốc độ tăng trưởng TNBQĐN của Việt Nam và các nước này trong giai đoạn 1990-2010, thay vì dùng giai đoạn 2001-2007 như WB đã tính toán. BlogE xin giới thiệu bài phân tích của Tiến sĩ Phan Minh Ngọc, một chuyên gia kinh tế đang làm việc tại Ngân hàng Sumitomo Mitsui, Chi nhánh Singapore để các bạn độc giả biết thêm về vấn đề này (BBT).

Tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người
của một số nước Đông Nam Á
(Đô la Mỹ)
Theo tỷ giá hiện tại
Theo sức mua ngang giá (PPP)

1990
2010
Tăng (lần)
1990
2010
Tăng (lần)
Việt Nam
98
1.224
12,5
654
3.185
4,9
Singapore
11.841
41.987
3,5
18.225
57.791
3,2
Indonesia
620
2.950
4,8
1.450
4.304
3,0
Thái Lan
1.495
4.613
3,1
2.841
8.500
3,0
(Nguồn: Ngân hàng Thế giới (WB)

Theo bảng trên thì TNBQĐN của Việt Nam tăng tới 12,5 lần trong khoảng 1990-2010, bỏ xa các nước khác trong bảng. Trong khi đó, trong 20 năm này GDP thực của Việt Nam (tính bằng đồng theo giá cố định) chỉ tăng ở mức 4,4 lần (với tốc độ tăng trưởng GDP thực trung bình là 7,4%/năm). Vì mức tăng dân số trong 20 năm này là 1,3 lần, nên rốt cuộc mức tăng TNBQĐN tính bằng đồng theo giá cố định chỉ còn 3,4 lần (=4,4/1,3).

Vì thế, mức tăng TNBQĐN tới 12,5 lần trong vòng 20 năm là một mức tăng thần kỳ. Vậy sự thần kỳ này do đâu mà có?
Trong bài này ta sẽ “dựng lại” cách tính TNBQĐN để tìm câu trả lời. TNBQĐN tính bằng đô la Mỹ theo giá hiện tại (như Bảng 1) được tính theo công thức sau:
Mức tăng GDP tính bằng đô la Mỹ theo giá hiện tại = (Mức tăng GDP thực) x (Mức tăng chỉ số giảm phát GDP) / (Mức tăng tỷ giá tiền đồng) (1)
Mức tăng TNBQĐN = (Mức tăng GDP tính bằng đô la Mỹ theo giá hiện tại) / (Mức tăng dân số) (2)
Chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) của Việt Nam tăng tới 11,3 lần trong thời kỳ 1990-2010. Như nói ở trên, trong cùng thời kỳ này, GDP thực tăng 4,4 lần và dân số tăng 1,3 lần. Ngoài ra, tỷ giá tiền đồng tăng 3 lần trong cùng thời kỳ (số liệu search trên internet).
Đưa các số liệu này vào các công thức (1) và (2), ta có mức tăng GDP tính bằng đô la Mỹ theo giá hiện tại là 16,6 lần, và mức tăng TNBQĐN là 12,7 lần, rất sát với mức mà WB tính như ở Bảng 1 (khác biệt có thể chỉ do làm tròn số). Điều có ý nghĩa hơn là ta đã thấy được dấu vết dẫn đến sự tăng trưởng “thần kỳ” của TNBQĐN của Việt Nam. Đó chẳng qua là do chỉ số giảm phát GDP của Việt Nam tăng quá nhanh (bởi lạm phát cao), tới 11,3 lần trong 20 năm, làm cho GDP tính bằng đồng theo giá hiện tại tăng tới 49,7 lần (4,4x11,3), trong khi tỷ giá tiền đồng tăng chậm hơn nhiều, 3 lần, trong 20 năm.
Nói cách khác, chính lạm phát cao trong khi tiền đồng bị phá giá với tốc độ nhỏ hơn nhiều (tức tiền đồng lên giá thực rất mạnh) là nguyên nhân chính làm cho GDP bình quân đầu người tính bằng đô la Mỹ/người ở Việt Nam đã tăng một cách thần kỳ.
Với phát hiện này, ta có thể thấy rằng so sánh thu nhập bình quân đầu người tính bằng đô la Mỹ theo giá hiện tại, và dự tính mức tăng của nó giữa các nước khác nhau để thấy được khoảng cách tụt hậu giữa các nước thực ra sẽ không mang lại kết quả có ý nghĩa lắm, khi tốc độ lạm phát và phá giá bản tệ không được tính đến (controlled). Nếu chỉ đơn giản vậy thì con đường ngắn nhất để những nước tụt hậu như Việt Nam rút ngắn khoảng cách về thu nhập bình quân sẽ là việc tạo ra lạm phát cao trong khi áp dụng một tỷ giá chính thức ổn định hoặc biến động không đáng kể trong nhiều năm.
Với cách thức này, thậm chí Việt Nam có khi chỉ cần chừng chục năm để đuổi kịp Singapore, chứ không phải là 158 năm hay 145 năm như người ta chỉ ra!
Do nhược điểm lớn của việc tính/so sánh thu nhập bình quân đầu người dựa vào GDP tính bằng đô la Mỹ theo giá hiện hành, WB và các tổ chức thế giới mới phải đưa thêm tính toán áp dụng PPP như trong Bảng 1. Và theo bảng này thì PPP trên đầu người của Việt Nam chỉ tăng 4,9 lần trong 20 năm, không quá khác biệt so với khi tính theo tốc độ tăng trưởng GDP thực tính gộp trong 20 năm này (4,4 lần).
Với các tính toán dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP thực hay PPP như thế này thì sẽ chẳng còn phép thần kỳ nào cho Việt Nam, và còn khá lâu Việt Nam mới đuổi kịp Indonesia, chưa nói đến Thái Lan, càng không dám nói gì đến Singapore.
                                                                                        TS PHAN MINH NGỌC 

2 nhận xét:

  1. Nặc danh10:13 22/7/13

    Chúng ta đang ở đâu? Có lẽ mọi sự tuyên truyền của Nhà nước đều là ảo hết. Sao không chỉ cho dân chúng thấy, chúng ta đang ở vùng trũng nhất khu vực về mọi mặt. Sau 1975, sự hoang tưởng về chiến công chống Mỹ đã khiến Việt Nam thụt lùi và thất bại toàn diện... Điều quan trọng là học bài học quá khứ gần, thì dường như chính quyền Việt Nam đang cố tình nhắm mắt làm ngơ...

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh12:22 22/7/13

    Những nhà lãnh đạo của ta chỉ giỏi làm chính trị, không được đào tạo bài bản về kinh tế, nên kiến thức và khả năng kỹ trị - một điều tối cần thiết đối với người lãnh đạo quốc gia trong kinh tế thị trường rất hạn chế. Các quan chức từ địa phương tới Trung ương, chỉ giỏi nịnh hót để leo lên cao nên không có thực lực giải quyết những vấn đề đòi hỏi mang tính quy luật. Theo tính toán của một sinh viên ở thành phố Hồ Chí Minh, nếu kinh tế Việt Nam luôn tăng trưởng với tốc độ 7% năm và kinh tế Singapore chỉ tăng trưởng với tốc độ 5% năm thì tính từ năm 2013, phải 190 năm nữa chúng ta mới đuổi kịp Sing. Khoảng cách có vẻ ngày càng xa hơn, không còn là 158 hay 145 năm nữa.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.