Cuộc sống có
nhiều biến đổi, trong đó chuyển đổi công việc, nơi sinh sống được cho là chuyển
đổi rất lớn. Ngày xưa, gọi là “thiên di” cũng không sai.
Năm 1996,
tôi đang ở Nhà máy thủy tinh Hải Phòng, làm Phó quản đốc Phân xưởng Thủy tinh,
so với các cán bộ cấp phòng ban, phân xưởng, thì tôi thuộc loại trẻ nhất. Tuy
nhiên, cũng được Giám đốc liệt vào loại ngang bướng nhất. Xem chiều hướng phát
triển của nhà máy, tôi tiên đoán nó đang đi vào ngõ cụt, tắc tị, và chắc chắn sẽ
đổ vỡ. Một trung tâm sản xuất thủy tinh lớn nhất nước, nhưng cuối cùng chỉ chăm
chăm làm cái chai đựng rượu, bằng loại máy và công nghệ năm 1956 của CHDC Đức.
Giám đốc Nhà máy có khoa nói ba hoa, nhưng chỉ dứt thiết bị ra bán sắt vụn,
không chịu cải tạo cơ bản nhà máy. Đội ngũ công nhân tay nghề cao dần dần về
hưu và mất dần. Tôi đã gặp Giám đốc, đề nghị quay lại sản xuất kính xây dựng và
thủy tinh dân dụng, đó là những thế mạnh quá khứ của nhà máy. Tuy nhiên, giám đốc
cười khẩy.
Trong thời gian đó, một đối tác Phipippin đến và muốn liên doanh với
nhà máy cũng để làm chai thủy tinh. Họ đã nhìn hệ thống lò của Nhà máy với con
mắt ngạc nhiên thú vị. Thử tính thế này: Khi đó, một lò của nhà máy thủy tinh
công suất 20 tấn/ ngày, khi sản xuất 2 lò thì 40 tấn/ngày, với hơn 200 công
nhân, tôi làm Phó quản đốc. Phục vụ cho lò thủy tinh này, trái tim nhà máy, là
phân xưởng cơ khí-điện, phân xưởng nguyên liệu, phân xưởng nhiên liệu (khí hóa
than). Đối tác đã “trình bày” một nhà máy có lò công suất 120 tấn/ngày (gấp 6 lần
lò cũ) mà số người vận hành toàn bộ khoảng 40 người (bằng 1/10 nhà máy hiện tại),
công nghệ của Tư bản Tây Ban Nha đang giãy chết.
Nhìn quanh Hải
Phòng, tại Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong, ông Chất giám đốc Nhà máy đã
xoay chuyển tình hình nhà máy, chuyển từ việc làm mấy cái dép nhựa, sang làm ống
nước, và đưa nhà máy tiến vượt bậc. Song, nhà máy Thủy tinh lại không có giám đốc
trẻ như ông Chất, mà có một ông giám đốc còn mấy năm nữa về hưu, ba hoa thì
tài, nhưng không dám làm gì cả. Quây quanh giám đốc như vậy là một đội ngũ nịnh
thần rất giỏi…
Tôi thấy
tình hình như vậy, và muốn tìm một chân trời khác. Tôi nghĩ, coi như về Hải
Phòng đã lỡ, và sai lầm rồi. Nếu cứ ở Hải Phòng, dù có làm đến Giám đốc nhà máy
cũng chả làm gì, có thể kiếm được thêm nhiều tiền hơn, nhưng rồi con cái khi đi
học đại học ở Hà Nội, cũng chỉ đủ mua một cái nhà cho các con là hết. Giờ phải
hy sinh đời bố, củng cố đời con vậy. Nghĩ thế, tôi quyết tâm chuyển đi Hà Nội.
Khi đó, Bộ
Công nghiệp nhẹ có chủ trương đào tạo quy chuẩn cán bộ. Bộ gửi công văn cho các
nhà máy, bắt buộc phải cử cán bộ cấp Phòng ban, Phân xưởng dưới 40 tuổi đi học
đại học kinh tế, học tập trung chương trình 24 tháng bằng thứ 2 ở Trường Đại học
kinh tế Quốc dân. Nhà máy Thủy tinh họp lãnh đạo, cử người đi học, nhưng danh
sách 2 người đi học không có tôi. Vì tôi không được giám đốc coi là nguồn đào tạo
kế cận. Trong khi đó, những người được cử đi học thì đều tìm lý do để trốn.
Đang có tí chức, đi học 2 năm là có người thay thế, học xong biết có chỗ nào ok
hơn không, nên ai cũng không muốn đi học. Đi học là mất ghế, mất nguồn lương
nuôi vợ con. Trong khi đó, tôi nhìn thấy đây là cơ hội đi học và tiếp tục chuyển
đi. Tôi lên lãnh đạo nhà máy xin đi học, thì được cái lắc đầu, dĩ nhiên có lý
do là tôi đang ở vị trí rất quan trọng, lãnh đạo phân xưởng chính.
Tôi nói chuyện
với Trần Hồng Kỳ, ông Kỳ bèn ra tay, nói gì đó với một ông ở Vụ Tổ chức cán bộ
Bộ Công nghiệp nhẹ. Ông này bèn alo xuống nhà máy. Nếu nhà máy báo cáo không có
ai đi học là sai, mà lại có tôi đang sẵn sàng đi. Thế là lãnh đạo nhà máy gọi
tôi lên, ok cho đi học.
Coi như chuyện
đi học là xong, ông Trần Hồng Kỳ chỉ nói một câu mà tôi biến thành học viên đi
học đào tạo nguồn cán bộ cho nhà máy. Tôi đã phải học hành chăm chỉ, ở nội trú
cùng với hơn 1 chục người, học xong chương trình đại học kinh tế trong 18
tháng, còn 6 tháng làm đồ án. Đến khi học xong rồi, thì chuyện làm thế nào ở lại
Hà Nội lại đặt ra. Ở nhà máy, người ta đã dọn 1 chỗ cho tôi làm Trưởng phòng
Thí nghiệm ở Nhà máy Liên doanh, lương khi đó cũng rất khá. Hoặc là trở về tiếp
tục làm Phó quản đốc, rồi nhanh chóng thay thế chân các bác về hưu hàng loạt.
Giám đốc ký quyết định cho tôi đi học, cũng sắp về hưu.
Thời kỳ đó,
xảy ra chuyện thi vào báo Đầu tư, thế là tôi ở lại tạm làm báo… (chuyện này tôi
đã kể rồi)
Khi chuyển
gia đình lên Hà Nội, thật là một thời kỳ gian nan. Con cái nhỏ, xin học cũng
gian khổ. Bán nhà to ở Hải Phòng xong, mua được chỉ một mảnh đất. Toàn bộ
11.000 USD xây nhà là do bạn bè cho mượn. Ghi chú, số tiền này tôi đã trả hết
khoảng 5-6 năm sau, nhưng còn khoản 800 USD của ông Kỳ thì vẫn được cầm để lấy
lộc. Nếu ông Trần Hồng Kỳ thiên di, tôi sẽ trả nhân dịp đó.
Kết quả: Cho
đến nay, toàn bộ nhà máy cũ của tôi đã ngừng, công nhân thủy tinh Hải Phòng coi
như hết, chỉ còn bộ phận liên doanh vẫn túc tắc làm việc. Các bạn học bằng 2
kinh tế với tôi, gần đây đã khá nhiều người làm to, Tổng giám đốc (Công ty Bia
rượu nước giải khát, công ty Giấy… vân vân), nhưng tôi thì số trời, chuyển khỏi
ngành kỹ thuật, lang bang trong một lĩnh vực gọi là văn chương nghệ thuật. Đôi
khi, có người (như tôi) không may mắn được làm 1 việc trong cuộc đời, mà bắt buộc
phải chuyển nghề, chuyển nơi sinh sống. Người tính không bằng trời tính là như
vậy. Tuy nhiên, vào thời kỳ nhìn thấy những ngày về hưu, tôi lại mỉm cười và tự
cho rằng mình đã may mắn. Một nguyên nhân là có bạn bè giúp đỡ, một nguyên nhân
nữa là máu thiên di sẵn có trong mình, không an phận thủ thường, quyết tìm con
đường tự do cho riêng mình…
Có phải những truyện ngắn đầu tiên anh viết và được giải thưởng là trong thời gian nhà máy của anh đi vào ngõ cụt, "chỉ chăm chăm làm cái chai đựng rượu" không, anh NXH?
Trả lờiXóa(Hoài Thu)
Truyện ngắn đầu tiên được giải thưởng (Nhất) cuộc thi viết về người lao động, là truyện ngắn viết về một người thợ thổi thủy tinh. Đó là toàn bộ vốn sống thực của tôi. Truyện ngắn đó là truyện thứ 3 được đăng báo. Có chuyện lạ lùng thế này, khi về quê ở huyện Kinh Môn, một anh ở xã hơn tôi vài tuổi, cứ cả quyết là tôi đã viết về bố anh ấy. Thì ra bố anh ấy cũng là thợ thổi thủy tinh, nhưng ông ấy già rồi, từ lâu, cũng làm thủy tinh ở Hải Phòng, vầ dĩ nhiên tôi không biết gì về ông ấy. Tôi cứ ấp úng gật gật thôi... Thời kỳ viết truyện ngắn này, tôi đang làm Phó Quản đốc Phân xưởng thủy tinh và chuẩn bị đi Hà Nội học. (NXH)
XóaCuộc đời anh máy mắn đấy chứ. Tuy chưa thể so với những người khác nhưng kết quả là đã không phải suốt ngày nhìn xem các đít chai thủy tinh thổi ra có quá dày mà tốn vật liệu không. Anh lại có những tác phẩm, bài thơ , thước phim cho riêng mình (chưa dám nói cho đời), Anh lại có những người bạn tâm giao đến thế. Có lẽ Anh nên về lại Nhà máy xưa tìm lấy một cái chia thủy tinh đít dày cộp để giữ làm kỷ niệm cho mình và biết đâu khi về hưu Anh sẽ đem triểm lãm quốc gia theo chủ đề " Công nghiệp hóa ở Việt Nam- những chặng đường và thành tựu" Chúc Anh vui vẻ.
Trả lờiXóaThiên Di của anh XH như một tản mạn về một con đường gập ghềnh của cuộc sống. Tôi cũng là người đã phải Thiên di đến một nơi xa xôi, và rất xa lạ với mình để sống. Vào những năm 90 ấy, chúng tôi đã từng có một túp lều tranh nhưng không thể có hai trái tim vàng. Chồng thì gần như thất nghiệp, vợ thì dạy học và phải làm thêm đủ nghề mà mỗi tháng cũng chỉ đủ mua một bao gạo lớn cho cả người và lợn cùng ăn.Cuộc sống ngột ngạt và không lối thoát. Không có gì để mất,với hai bàn tay trắng, tôi cùng đứa con suy dinh dưỡng.. Nam tiến. Đầu tiên là sống nhờ nhà bà chị, được chị bao ăn ở nhưng phải có tiền để cho con đi học mẫu giáo. Một chị bạn cũ xin cho vào dạy học ở một trường PTCS trên đường Điện Biên Phủ nhưng lại không thể sắm được 7 cái áo dài để mặc trong tuần và xe đạp để đi dạy, nên thôi.Tôi đến một quán phở để xin chân rửa bát ( lương 150.000đ/tháng, vừa đủ đóng tiền học cho con) bà chủ quán chắc thấy tôi gầy gò,nhỏ thó nên nhất định không nhận..May mắn có bà bán xôi đang muốn bỏ nghề, bán thanh lý cho tôi bộ đồ nấu,thế là tôi chuyển sang nghề bán xôi, mỗi đêm thức từ 2h sáng, hì hụi nấu xôi vò, 6h sáng mang ra cổng trường Đại học bán, xôi của tôi được khen là ngon và rất rẻ nên chỉ khoảng 7-8h sáng là bán hết trơn, nhưng khi hạch toán trừ hết chi phí, lời được.. 2.000đ cộng thêm bữa sáng cho các cháu.. tôi đành giải nghệ. Có người xin cho chân phụ bán cà phê, mỗi khi có khách vào quán,tôi phải hỏi xem họ uống gì,hút thuốc gì.. do chưa quen tiếng, nên tôi phải đi thật chậm để còn "Dịch".. bà chủ quán thấy chậm chạp quá nên cho nghỉ luôn. Tôi lại xin vào làm tạp vụ ở khoa Tại chức trong trường đại học,công việc dễ ợt, mỗi sáng chỉ việc đun nước, quét nhà và lau chùi tolet, lương tháng được 85.000đ( gần bằng tháng lương dạy học của tôi rồi)..Rồi một tháng sau thì tôi được nhận vào Tổ Giáo Trình trường đại học Bách Khoa và làm từ đó cho đến giờ: nay là Ban Xuất bản - trường ĐH Bách khoa TPHCM . Tháng 6 sang năm tôi sẽ lãnh sổ hưu, là một cây đa cây đề của tổ và cũng là điểm tựa về tinh thần của nhiều người
Trả lờiXóaKhi ra đi "tìm đường cứu nhà", tài sản lớn nhất của chúng tôi là mảnh đất có căn nhà nhỏ xíu, trị giá khoảng 2 chỉ/500.000đ/chỉ (mà cũng khó bán)
Sau 1 năm ở nhờ nhà chị, tôi ra ở thuê 200.000đ/tháng,con học mẫu giáo 150.000đ/tháng,lương tôi 450.000đ nên mỗi tối 2 mẹ con chỉ được phép ăn 1 gói mì tôm(loại 2 tôm vỏ giấy), 01 cây cải ngọt với 01 quả trứng gà, lâu lâu mới có 100gr thịt bò. Mỗi sáng chỉ con được ăn 500đ xôi(bà bán xôi thương tình chỉ bán 500đ nhưng bé vẫn đủ no)
Hồi đó tôi đã từng mơ ước có được 1 miếng đất chỉ rộng bằng cái chiếu khoảng 2mx2m( Giờ tôi đã có căn nhà có thể trải được rất nhiều cái chiếu, với những tiện nghi, không xịn nhưng cũng đủ dùng). Khốn khó là vậy nhưng không hiểu sao lúc đó lòng tôi vẫn phơi phới niềm tin và yêu cuộc sống, nhớ những tối phải làm thêm, về muộn, trời mưa, hai mẹ con đi đường vừa đi vừa hát,quên cả lạnh và đói..
Sau tất cả những gì đã trải, giờ đây tôi thấy mình thật "giàu có", hạnh phúc và bình yên, dù vẫn còn đó,rất nhiều những bất toại nguyện!
Thì bạn ơi, nếu bạn nào còn đang khó khăn,nhiều trăn trở, hãy cố gắng hết mình và tin yêu vào cuộc sống
Tôi tin và đồng cảm với những gì anh XH nói, sống hết mình, làm những gì mình thích, tin vào cuộc sống, an nhiên trước vô thường, người tính không bằng trời tính và ông trời chẳng đóng cửa ai!
Đây hẳn là câu chuyện của Phương Lan- Phúc Thắng
XóaMỗi khi gặp một gia đình phải thiên di, dường như tôi thấy lại hình ảnh của mình. Khi vào TPHCM, nghe Thắng- Lan kể lại chuyện chuyển vào TPHCM, tôi thấy đồng cảm. Trong chúng ta, cựu học sinh lớp E, hình như rất ít người phải chuyển nghề, chuyền nơi sinh sống: NXH, LPT, Nguyễn Văn Bình chuyển từ Cần Thơ lên TPHCM, Nguyễn Văn Vân chuyển từ Chí Linh vào Đồng Nai, Vũ Đình Tiến chuyển vợ con từ quê ra Hà Nội, còn lại hầu như ổn định, như Vũ Kim Hào, cũng là ổn định, vì chỉ ông ấy là xa quê, di dịch quanh Yên Bái. Một người thiên di nữa, là Thày Đặng Đình Toán, chuyển từ Hưng Yên lên Hà Nội, chắc là cũng rất gian khổ...
Trả lờiXóa