18 tháng 8, 2013

BỐ ĐỪNG MONG MẸ VỀ


         (Lời con Ngưu lang nói với bố)

Thôi
Bố đừng mong mẹ về!
Xứ thiên đường mẹ sống
đâu giống chốn trần gian.
Mẹ chẳng thể nào ngủ trong ống cống
hay ăn xin kiếm sống nuôi con.
Mẹ yếu ớt, dịu dàng
như đóa hoa buổi sớm
làm sao có thể dậy từ nửa đêm
chen chúc xếp hàng
nộp đơn xin cho con vào lớp một.
Mẹ cũng chẳng dám đổi phong bì
lấy những lời thề thốt
cho con vào sở nọ ban kia
dẫu con có đậu thủ khoa đại học.

Thôi
Bố đừng khóc nữa!
Nước mắt làm sao rửa sạch khổ đau.
Bố cứ đi chăn trâu
rồi chui vào ống cống kia mà ngủ.

Bố ơi!
Mẹ không về nữa đâu
Bố đừng mong đợi
Con sẽ cố học thật chăm, thật giỏi
để sau này nối nghiệp bố… chăn trâu!                                         
                                 (NCT-8/2013)

18 nhận xét:

  1. Nặc danh20:22 18/8/13

    Tôi thích tứ thơ thế sự qua lời nói của con trai Ngưu Lang với bố trong bài thơ BỐ ĐỪNG MONG MẸ VỀ. Đây là một phát hiện đầy sự sáng tạo của anh NCT, nó làm cho câu chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ từ muôn đời, nay phát triển theo một hướng mới, đầy suy ngẫm và triết lí.
    Chuyện cuộc đời, chuyện nhân gian, chuyện dưới gầm trời này ... ta thấy rõ nét trong bài thơ.
    Đó đây, là gia cảnh của Nguyễn Hữu Tiến - Thủ khoa trường Y. Kia nữa, cảnh người xô đổ hàng rào, đổ cổng trường khi chen nhau vào để nộp đơn ở một trường tiểu học. Và bao cử nhân cầm mấy bằng Đại học trên tay, đem về giấu biệt, chỉ mang bằng trung học xin việc trong công ty may, hoặc lại về đi cấy đợi thời cơ ... Chua chát quá, đau đớn quá, day dứt quá!
    Đó là chuyện trần gian để con trai Ngưu Lang an ủi bố rằng "Thôi! Bố đừng mong mẹ về.". Theo lời chàng trai ấy, hiện thực này còn "buồn đau" hơn cả nỗi cách xa, nên "Mẹ không về đâu, bố đừng mong đợi".
    Và chàng trai trẻ ấy hạ một lời kết chua chát nhất về tương lai:
    "Con sẽ cố học thật chăm, thật giỏi
    để sau này nối nghiệp bố ... chăn trâu!"

    Vẫn biết cuộc đời nhiều nghiệt ngã đắng cay. Và tôi đồng ý với những thước phim quay nhanh về thế sự của thi sĩ ở gần hết bài thơ. Nhưng riêng lời kết, hai câu thơ đem đến cho tôi một nỗi niềm lo sợ: Tương lai cho thế hệ cháu con đen tối quá. Tôi muốn có trong lời kết một giấc mơ của chàng trai ấy về "thiên đường" mẹ sống.
    Mẹ không về nữa, thì chàng trai, khi đã biết nhìn cuộc đời như thế, cũng phải biết tìm đến "thiên đường" của mình chứ, dù bằng cách nào ...
    (Hải Yến)

    Trả lờiXóa
  2. Chả có gì phải bàn. Ông NCT rất có con mắt quy hoạch. Ông Ngưu Lang chui ống cống, khóc vì xa vợ, chắc chỉ chăn 1-2 con trâu. Con ông Ngưu Lang,cũng là Ngưu Lang, sẽ chăn 1 vạn, thậm chí 1 triệu con trâu, ai bảo là nghèo khổ? Nếu bây giờ có 1 vạn con trâu, hẳn là đại gia rồi, làm nhà máy thuộc da, bán thịt, bán trâu đi chọi ở Đồ Sơn. Anh ta sẽ xua trâu bơi qua sông Ngân, việc gì phải sụt sùi khóc lóc nhớ thương.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh23:23 18/8/13

      Có lẽ nào đằng sau lời kết chua chát đó về thế sự của một NCT thi sĩ, đúng là có ẩn giấu cái nhìn của một nhà qui hoạch NCT, một tiến sĩ kinh tế NCT, như lời của anh E 20:36 nói chăng?
      Tôi mới đọc trên Dân trí, có những đại gia Ngưu lang trên đất nghìn tỉ. Ở cái làng gì đó gần khu đô thị Dương Nội (Đường Lê Văn Lương kéo dài, ngay Hà Đông - HN thôi), những Ngưu lang đại gia thả cỏ từng đàn trâu trong những dự án xây dựng bỏ hoang. Tiêu biểu là một Ngưu lang trẻ tên Thành (trùng tên với nhà thơ – tiến sĩ kinh tế NCT mới thú vị chứ!). Mỗi con trâu mua giống 20 triệu, sau khoảng 10 tháng thả cỏ, mỗi con bán được từ 33 – 41 triệu. Vậy, đàn trâu 30 con của Ngưu lang đại gia Thành, chưa đầy 1 năm sau đã cho lãi trên dưới 500 triệu. Bằng bao nhiêu lương của cử nhân, tiến sĩ công chức cấp cao?
      Có điều, nếu đúng là tiến sĩ Thành đã ngầm “vẽ’ cho Ngưu lang Thành một tương lai không chua chát ở nghề chăn trâu, thì nhà kinh tế ơi, anh phải chỉ cho Ngưu lang chỗ có nguồn vốn ban đầu đề mua 30 con trâu chứ? 600 triệu không phải là nhỏ đâu?
      Ngưu lang Thành nếu không có cậu em đi trồng thuốc phiện ở Anh quốc gửi tiền về (Là tôi đoán thế), thì chỉ có cách “mơ” mẹ Chức Nữ trên thiên đường mang tiền đến cho mình thôi!
      (Hoài Thu)

      Xóa
  3. Nặc danh20:39 18/8/13

    Tôi chắc rằng, khi nghe tâm sự của con trai như vậy, Ngưu lang sẽ lại khóc nhiều hơn.
    Hèn chi, mùa Ngâu năm nay mưa nhiều thế!
    (Mưa Ngâu)

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh21:40 18/8/13

    Cách kết thúc bài thơ của NCT làm tôi phải bật cười, vừa ngạc nhiên vừa chua chát. Tôi cũng như mọi người sau khi đọc gần hết bài thơ đều đoán rằng: "Con sẽ học thật chăm thật giỏi/ để sau này thoát khỏi nghiệp chăn trâu" Câu kết bài thơ của NCT đi ngược với suy nghĩ bình thường của mọi người, nhưng là kết quả tất yếu của những sai lầm kéo dài: giáo dục kết quả đạt thật cao, nhưng chất lượng thực sự rất thấp, tuổi trẻ không có lý tưởng sống, mất phương hướng vươn lên. Nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Công nghiệp chủ yếu là gia công và đào bới tài nguyên đem bán. Chẳng bao lâu nữa hết tài nguyên rồi lại quay về với nông nghiệp thôi. Các cháu học hành xong làm sao thoát khỏi nghề nông, ngành nghề duy nhất còn có khả năng tiếp nhận các cháu. Tôi cho rằng bài thơ có tính logic cao, buộc chúng ta phải trắn trở, phải day dứt khi đọc nó. Cảm ơn NCT.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh14:31 20/8/13

      Rất thích phần nhận xét của bác này.

      Xóa
  5. Gay go quá, thế hệ bố phải chăn trâu, phải xa vợ nhưng còn biết nhớ thương, còn biết mong đợi. Thế hệ con tỉnh táo quá, vô cảm quá, chấp nhận chăn trâu chẳng buồn đau, thấy mẹ không về nữa cũng chẳng nhớ, chẳng mong đợi. "Chốn trần gian" này rồi sẽ đi đến đâu?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh23:10 18/8/13

      Mấy lần trước đọc thơ NCT thấy ấm ức. Quan quy hoạch sao không làm quy hoạch lại làm thơ. Có lẽ ông quan này một là bất đắc chí, nói chẳng ai nghe và hoặc chẳng làm nên trò trống gì nên quy hoạch cứ lung tung như những gai mít phát triển vô tội vạ. Thủy điện mọc lung tung rồi đập vỡ, dân lập như sao đêm, đô thị chưa cả trăm triệu dân việt mà vẫn cứ xây...Bây giờ đọc bài thơ này hóa ra tư tưởng lớn thật. Tập trung trước mắt vào quy hoạch cán bộ chăn trâu. Thật tài tình và đúng hướng vì Anh ngụ ý quy hoạch cán bộ là quan trọng nhất và phải phát triển nông nghiệp trước đã và do đó em Tiến kia được quy hoạch làm cán bộ chăn trâu cấp chiến lược. Bái phục nhà quy hoạch, bái phục nhà thơ.

      Xóa
  6. Nặc danh11:58 19/8/13

    Ai bảo chăn trâu là khổ
    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao...
    Con Ngưu lang cố học thật giỏi dể sau này nối nghiệp chăn trâu là sáng suốt đấy. Có khác gì chăn cừu hay chăn ngựa ở Mông Cổ đâu. Đất nước 4000 năm chăn trâu rồi thì một trăm năm nữa chăn trâu vẫn là "nghề hót" đấy các bạn chớ xem thường.

    Trả lờiXóa
  7. Bài thơ đầy tính triết lý và thật hay. Cứ như thấy cả xã hội Việt nam ngày nay hiện hình trong đó. Chả cần quy hoạch gì cũng biết tương lai con ông Ngưu lang lại đi chăn trâu thôi. Tất cả các ghế to,nhỏ trong xã hội bị con quan và phong bì chiếm hết rồi. Con Ngưu lang chỉ có lưng trâu . Thôi thì cũng còn lại con trâu !

    Trả lờiXóa
  8. Nặc danh16:44 19/8/13

    Anh NCT ơi, thơ cũng lạ anh nhỉ. Chỉ một bài thơ ngắn mà nói được bao vấn đề trong xã hội, quá khứ, hiện tại, tương lai. Thơ của anh rất dễ thuộc. Thơ tình thật mượt mà, thơ tự sự thì giàu tính triết lý mà ngôn từ thì lại rất gần gũi, dễ hiểu. Từ kinh nghiệm của mình, Anh có thể viết bài hướng dẫn cách làm thơ để bọn em tập sáng tác được không anh?

    Trả lờiXóa
  9. Nặc danh22:30 19/8/13

    Tôi rất phục thằng con của Ngưu Lang khi nó khuyên bố:
    Thôi bố đừng khóc nữa!
    Nước mắt làm sao rửa sạch khổ đau
    Bố cứ đi chăn trâu
    rồi chui vào ống cống kia mà ngủ.
    Quá đúng trong giai đoạn hieenjnay. Trí thức, quan chức ở ta bây giờ cũng chẳng khác gì những chàng Ngưu Lang, đã không có ý tưởng sáng tạo được gì lại suốt ngày kêu ca, rồi đề ra nhưng phát kiến hết sức quái dị. Giá họ cũng chui vào ống cống ngủ hết có lẽ đất nước chẳng đến nỗi tàn tạ đến thế này..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đồng ý với bạn. Thằng này nằm trên lưng trâu còn say mê học tập thế chắc chắn phải giỏi rồi. Thế mà nó cũng chỉ dám mơ sau này nối nghiệp bố chăn trâu thôi. Hay vì mẹ nó là tiên nên nó đoán được 90 triệu dân mình sau này cũng chỉ chăn trâu?

      Xóa
  10. Bài thơ này đánh dấu bước tiến bộ mới của NCT trong lĩnh vực thơ thế sự. Anh rất thông minh khi xây dựng được tứ thơ mới thông qua lời tâm sự của con Ngưu lang nói với bố để chuyển tải được hết những nội dung muốn nói về thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay. Thơ tự do nhưng có nhạc điệu nên dễ thuộc, dễ nhớ, ngôn từ không cầu kỳ, gần gũi với ngôn ngữ nói hàng ngày rất thích hợp với đối tượng và nội dung của bài thơ, không có biểu hiện lên gân lên cốt như nhiều bài thơ thế sự đăng tải trên một số báo hiện nay. Vì thế bài thơ gây được xúc động, day dứt và được người đọc đồng cảm. Cái kết bất ngờ cũng là một ý hay, buộc người đọc phải cười nhưng cười ra nước mắt và rất khó quên. Câu thơ "Con sẽ cố học thật chăm thật giỏi/ để sau này nối nghiệp bố ...chăn trâu" mang tính hiện thực phê phán rất cao, có thể sẽ trở thành câu nói cửa miệng thông dụng của mọi người. Điều này tác động tới xã hội theo hai chiều hướng trái ngược nhau mà nhà thơ cần lưu ý.
    Dù sao tôi vẫn thích thơ tình của NCT hơn. Làm thơ tình theo tôi khó hơn làm thơ thế sự. Hiện giờ, tôi thấy không có nhiều người làm thơ tình giàu cảm xúc như NCT. Mong anh cố gắng phát huy sở trường của mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh12:41 20/8/13

      Liệu Nhà thơ NCT có bị SOI không nhỉ? tôi cũng thấy lo cho Anh ấy, dán nói lên "màu kia" của XH...

      Xóa
    2. Nặc danh16:58 21/8/13

      Mọi người cứ đánh giá cao bài thơ này. Tôi thấy hình tượng có gì mới đâu, toàn là những câu chuyện cũ đã được nêu trên báo rồi. Thơ viết theo kiểu tự do cũng không cần nhiều cảm xúc và rung động từ con tim. Tôi đồng ý với bác Thichdoctho là chỉ thơ tình mới cần sự trải nghiệm và rung cảm thực sự. Những bài thơ gọi là thơ tình nhưng thiếu cảm xúc hay cảm xúc chưa đến mà đã cố viết người đọc biết ngay và thường không nhận được sự đồng cảm vì thiếu dấu ấn cá nhân. Thơ tự sự kiểu này ai biết làm thơ mà chả viết được?

      Xóa
    3. Nặc danh11:49 22/8/13

      Đúng là hình ảnh và ngôn ngữ không có gì mới, nhưng cách thức thể hiện rất mới, chỉ chưa đầy 20 câu thơ ngắn gọn đã vẽ được bức tranh toàn cảnh xã hội đương thời. Tôi đánh giá cao việc tác giả chọn được hai nhân vật bố con người chăn trâu và thông qua lời con khuyên bố để truyền tải được hết ý tưởng sâu sắc của mình. Thơ cũng chỉ cần có vậy thôi. Rất nhiều người đã biết thế, thậm chí các nhà báo còn biết rõ hơn, nhưng để tạo nên sự đồng cảm, day dứt thì cần có nhà thơ.

      Xóa
  11. Nặc danh16:06 22/8/13

    Mời các bạn xem bài báo dưới đây để có thực tiễn khẳng định thêm về cái kết bài thơ của NCT. Thủ khoa đầu vào đại học, tốt nghiệp loại giỏi với số điểm đáng nể 8,77 điểm mà 3 năm mới tìm được việc làm với mức lương thấp hơn cả lương công nhân. mà lương công nhân bây giờ không biết có bằng lương của Ngưu lang không? địa chỉ bài báo: http://news.zing.vn/Thu-khoa-3-nam-moi-co-viec-luong-thap-hon-cong-nhan-post346042.html

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.