9 tháng 12, 2013

Ghi chép trên những vỉa hè (1)

Hải Yến có một chùm bài kí ghi chép  tản mạn khi lang thang trên các vỉa hè phố nhỏ, phố to. Chép lại trên blog E, có thể những dòng viết của Hải Yến sẽ làm ngắn đi những khoảng thời gian đợi cơm trưa, đợi giờ nghỉ chiều, hay cả lúc … chờ người yêu của bạn đọc nào đó chăng?

TAM NAM CHÁO PHỞ QUÁN

  Cái tên mĩ miều này là do tôi đặt cho cái quán đó. Còn thực tế, nếu đến đây, sẽ chỉ thấy một tấm biển đơn sơ bằng vải chăng phía trên lối vào gửi xe: PHỞ CHÁO. Tôi gọi là “Tam nam cháo phở quán”, vì chủ quán này là … ba người đàn ông.
  Tôi đến Bệnh viện Sản – Nhi của tỉnh khám bệnh hơi muộn. 11 giờ, sau khi kết thúc hội nghị. Tôi hi vọng còn có thể khám kịp. Nếu không kịp, cũng đành vật vờ ở đâu đó buổi trưa, rồi chiều vào khám, chứ không thể phóng xe mấy chục cây số về rồi chiều lại đến. Bệnh viện nằm ở số 2 – Đường Tôn Thất Tùng. Nhìn thấy đối diện ngay cổng viện có chỗ gửi xe, tôi vù luôn vào. Có ba người đàn ông đang rất rỗi rãi: Hai chàng thanh niên nằm ngồi trên phản đang tẩm quất cho nhau, một người lớn tuổi nhất ngồi trước bàn nước. Chẳng ai ra ghi số vào yên xe và đưa vé cho tôi như hầu hết chỗ gửi xe khác. Tôi đành lên tiếng, dù đã thấy ở đây mấy dãy xe:
- Gửi xe ở đây phải không ạ?
  Tôi không rõ tuổi của người lớn nhất, đành hỏi một câu trống không như thế. Anh ta gật đầu:
- Đúng rồi! Vé của chị đây.
  Tôi cầm mẩu giấy mỏng mảnh đã ghi biển số xe mình. Thì ra vé xe ở đây dùng một lần, ghi số xe chứ không ghi số vé. Tôi nhét vội nó vào ví, hỏi thêm:
- Có trả tiền ngay không ạ?
- Không, khi nào lấy xe mới trả.
  Vào bệnh viện khi gần hết giờ làm việc nên tôi chỉ kịp siêu âm và lấy máu. Kết quả xét nghiệm máu phải đến buổi chiều mới có. Cô nhân viên xét nghiệm hẹn tôi: Chị đi ăn trưa rồi chiều quay lại lấy.
  Ra khỏi cổng viện, tôi nhìn ngược nhìn xuôi tìm quán cơm phở gì đó để ăn. Đi bộ mấy trăm mét rồi lại quay về cổng viện. Hàng cơm phở nào cũng nghỉ trưa hoặc hết đồ ăn. Thôi, quay về hàng nước chỗ gửi xe để ăn bánh mì với sữa tươi vậy. Nhìn từ phía xa, tôi mới thấy chữ PHỞ CHÁO phía trên quán nước nơi gửi xe. Mình đúng là dấm dớ quá đi mất! Đi mỏi cẳng để tìm cái ngay trước mặt. Cuộc đời nhiều khi vẫn thế mà! Không chú ý nên không biết rằng có những thứ vô cùng cần thiết vốn ở ngay bên mình, lại cứ chú tâm đi tìm mãi ở tận đâu đâu. Tưởng rằng phải khó khăn lắm để tìm được thì mới giá trị. Cái quán cháo phở này là một ví dụ. Đấy là tôi chỉ mất có mấy quãng đi bộ thôi. Còn có nhiều trường hợp khác, có khi phải đổi bằng gần hết cuộc đời … Nhưng có cháo phở gì ở đây đâu nhỉ? Vẫn là ba người đàn ông nhàn rỗi. Chẳng thấy người đàn bà nào, cũng chẳng thấy dấu hiệu của phở đâu! Mà ở cái bàn nước cũng chỉ có các loại nước, không có bất cứ một loại bánh nào. Tôi đành lại hỏi người đàn ông lớn tuổi nhất:
- Có gì ăn trưa được không ạ?
  Anh ta đáp:
- Có phở thôi. Phở lợn, phở bò.
  Bấy giờ tôi mới nhìn thấy khuất sau mấy cái tủ đựng toàn nước lavi là bếp than và bàn với đồ nghề bán phở. Tôi gọi phở bò. Lập tức hai chàng thanh niên đứng lên mỗi người một việc cho bát phở của tôi. Trong lúc đợi phở, tôi bắt chuyện với người đàn ông lớn tuổi:
- Quán này thật đặc biệt: Ba người đàn ông. Ai mà biết đây lại là quán cháo phở cơ chứ!
  Anh ta trả lời với giọng rõ ràng là muốn nói chuyện tếu táo:
- Ba thằng hâm nên không có đàn bà, chị ạ. Đành phải sống với nhau. Chị xem có những cô nào cũng hâm hâm không thì giới thiệu cho chúng tôi với.
  Tôi cười:
- Cứ hâm được như ba ông này thì thiên hạ đủ chết rồi!
  Trong lúc tôi ăn phở, thì anh ta bắt đầu mở “máy miệng” vốn là tài lẻ của những người kinh doanh hè phố:
- Thật mà chị. Toàn là hâm thôi. Chị bảo nếu không hâm thì làm sao phải ở toàn đàn ông cho khổ thế này … Em ơi, tắc xi không?
  Anh ta đang hướng vào phía cổng bệnh viện gọi mấy người vừa ra khỏi viện. Thì ra anh ta là tài xế tắc xi chờ khách. Vậy không biết anh ta tham gia vào cái quán cháo - phở - gửi xe này như thế nào. Tôi nhìn ba người đàn ông “hâm hâm” như lời anh ta nói. Họ không có vẻ gì là người của cùng một nhà. Hai cậu thanh niên trạc tuổi nhau, chừng gần ba mươi. Người đàn ông lớn tuổi nhất tầm hơn bốn mươi, có lẽ trạc tuổi tôi hoặc ít hơn đôi chút.
  Có thêm nhiều người từ viện vào uống nước và ăn phở. Người đàn ông bán nước mời chào và hỏi món từng người khách. Giờ tôi mới để ý: Anh ta khá điển trai. Một vẻ đẹp rắn rỏi, phong trần. Tất cả được toát ra từ nước ra ngăm ngăm, từ những đường nét thanh thoát trên gương mặt và cách nói năng lưu loát, vui nhộn. Hai thanh niên lúi húi làm việc. Chàng cao cao làm bếp. Chàng thấp hơn thì rửa bát. Tôi thấy bát đũa được rửa rồi tráng bằng nước nóng bốc hơi nghi ngút. Bãi gửi xe và quán cháo phở lợp chung mái thấp là là bằng những tấm phên nứa. Chỗ ngồi làm và ăn của chủ và khách, thì những tấm phên nứa có độ dày dặn hơn.
  Ba người khách ăn phở bàn bên cạnh tôi trò chuyện về việc một người phụ nữ sắp sinh con trong viện. Rồi có điện thoại gọi, chàng trai trong số ba người đó bỏ dở bát phở chạy vào viện. Chắc vợ cậu ta lên bàn đẻ.
  Một cô gái bịt kín khẩu trang, nhưng dáng người cho thấy chắc là rất trẻ, từ viện ra lấy xe máy. Cô đưa vé và gọi người đàn ông lớn tuổi:
- Bác ơi, cho cháu lấy xe!
  Bây giờ mới thấy anh ta đứng lên, ra gần chỗ cô gái, tay cầm tiền và vé xe, miệng thánh thót:
- Đừng gọi anh bằng bác. Hãy gọi bác bằng anh!
  Tôi mỉm cười về sự hóm hỉnh của anh ta. Chàng thanh niên khi nãy rửa bát, giờ đang dọn bàn, thấy tôi cười, bèn bắt chuyện:
- Con dâu cô đi đẻ à?
  Tôi cười to hơn:
- Sao cậu lại hỏi tôi là con dâu đi đẻ mà không hỏi là con gái đi đẻ?
  Cậu ta cũng hóm hỉnh:
- Cháu trông cô như người Hà Nội nên giống bà nội hơn bà ngoại.
  Người đàn ông lớn tuổi lườm cậu thanh niên:
- Mày nhìn thế nào mà lại thành bà nội với bà ngoại? Chị này trông giống người chuẩn bị đẻ lứa cuối thì có!
  Tôi phì cười thành tiếng về sự vui nhộn của họ và cũng vui vẻ góp chuyện:
- Con trai tôi mới mười bốn mười lăm, chưa có con dâu. Còn con gái hai mốt rồi nhưng vẫn đi học nên chưa đi đẻ. Tôi cũng không đẻ nữa. Chỉ đi khám bệnh thôi!
 Tôi không biết bộ váy mình mặc, thật sự thì nó làm mình giống người Hà Nội, giống bà nội, giống bà ngoại hay giống người đi bệnh viện chữa đẻ để “đẻ lứa cuối” như họ pha trò. Nhưng quả thật tôi thấy buổi trưa chờ đợi ở cổng bệnh viện như ngắn lại. Không đến nỗi phải nhìn đồng hồ tính từng phút như khi ngồi ở nhiều cổng viện khác. Tôi nói với người đàn ông lớn tuổi:
- Cho tôi xin một chai nước lavi nhỏ.
  Anh ta giơ cho tôi chai C2:
- Nhỏ thì chỉ có loại này thôi. Lavi thì cứ lấy chai to, uống không hết thì quán này nhận lại mà!
  Tôi chả biết anh ta nói thật hay đùa nhưng không biết nên hỏi thế nào, đành lấy chai C2 và uống, mặc dù tôi không thích loại này. Anh ta đon đả mời tôi:
- Chị ăn miếng cam đi. Cam sạch đấy.
  Tôi ngại nên chỉ cám ơn. Khi tôi đứng lên đi vào viện, anh ta nói với theo:
- Mới hơn một giờ thôi. Hai giờ chị hãy vào cũng được mà!
  Tôi quay nhìn anh ta:
- Này, được nhiều em gọi bác bằng anh rồi, đã bao giờ được chị nào gọi chú em bằng anh chưa?
  Ánh mắt và giọng nói của tôi lúc đó có lẽ rất tếu nên anh ta hiểu ngay ý đùa của tôi, vội vã nói:
- Chưa, chưa đâu …
- Vậy, lát nữa lấy xe, tôi sẽ gọi.
  Kết quả xét nghiệm máu của tôi được trả rất nhanh. Mọi thứ bình thường, không như tôi lo ngại. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng phải ngồi đợi bảo hiểm đến kí giấy mới thanh toán được tiền khám bệnh. Gần một tiếng ngồi đợi ở ghế đá trên sân bệnh viện, tôi lại thấy có tới bốn năm người tài xế tắc xi đang tán gẫu đợi khách. Thì ra bây giờ có tiền mua ô tô rồi mà việc kinh doanh cũng khó khăn thật. Lê la ở cổng viện cả ngày may ra mới mời được một người lên xe. Nhớ cái thời xa xưa. Mấy chục cây số mà đợi ô tô có khi mất cả ngày, chậm hơn đi xe đạp. Mươi cây số cuốc bộ là chuyện thường … Đang định trở lại chỗ thanh toán phí khám bệnh, tôi nghe có tiếng gọi giật giọng từ chỗ những người tài xế tắc xi đang chờ khách:
- Này, em ơi! …
  Quay lại, tôi thấy chàng tài xế đẹp trai đang nhìn mình và cười:
- Gọi anh là anh đi em!
  Tôi tỉnh bơ quay đi:
- Đã lấy xe đâu mà gọi. Hẹn khi nào lấy xe mới gọi cơ mà …
  Tôi trở lại quán cháo phở gửi xe.
  Cậu thanh niên bán phở mở cái vé xe tôi đưa rồi nói:
- Sao cô lại đưa cho cháu biên lai rút tiền của Agribank?
  Thì ra tôi móc nhầm từ ví của mình cái tờ giấy mỏng giống cái vé xe. Mà anh chàng này cũng liếc và đọc những con số nhanh thật! Chuẩn bị nổ máy xe, tôi chợt nhớ ra, bảo cậu ta:
- Này, cho tớ gửi lời tới anh tài xế tắc xi rằng: Tớ gọi anh ấy là anh nhé!
  Cậu ta cười và “vâng” rõ to. Rẽ ra đường lớn rồi, tôi vẫn mỉm cười với chính mình: Lần sau, nếu còn phải đến đây khám bệnh, dù không là bữa trưa, tôi cũng sẽ lại ăn phở tại quán TAM NAM CHÁO PHỞ này thêm lần nữa.
Hải Yến

6 nhận xét:

  1. Nặc danh15:58 9/12/13

    Hải Yến rất hóm hỉnh. Hay Hải Yến cũng "hâm hâm" như ba người đàn ông kia?

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh16:02 9/12/13

    Hải Yến mặc váy đỏ thể kia mà người ta vẫn tưởng là người Hà Nội nhỉ? Chúc mừng bạn sắp thành người Hà Nội! Mà có khi bạn đã thành "Người Hà Nội" rồi cũng nên.

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh16:20 9/12/13

    Những dòng của HY thường chép lại những "mảnh" rất nhỏ, với nhiều người, tưởng như không có gì đáng chép. Nhưng đó, thực sự là cuộc sống.

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh06:33 10/12/13

    "Tam nam" đã tiếp thị rất thành công!

    Trả lờiXóa
  5. Nặc danh11:56 10/12/13

    Bài viết hay ở sự gần gũi. Rất thực.

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.