3 tháng 3, 2014

Tác giả bài thơ nổi tiếng về ngày 8-3

Nguyễn Thanh Bình
Có một bài thơ mà lâu nay, mỗi dịp 8/3 đến vẫn nhiều người nhắc: “Hôm nay mùng 8 tháng 3/ Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi/ Tôi phần bà một đĩa xôi/ Sợ bà xấu bụng, tôi xơi hộ bà!”. Và khởi đầu từ bài thơ này, đến nay dễ đã có tới hàng trăm dị bản khác nhau. Nhưng, ai là tác giả của bài thơ?
 Trong ý nghĩ của nhiều người, đó là ca dao của một tác giả… khuyết danh nào đó. Và vì thế, bài thơ được “truyền miệng” (và bây giờ được “truyền mạng” – qua Yahoo!Messenger) với những cách đọc khác nhau, nhiều khi cách xa văn bản gốc.
Tuy nhiên, tác giả của bài thơ gốc chưa một lần phàn nàn về việc người ta đọc sai thơ ông, hay lên tiếng “cảnh cáo” sự vi phạm tác quyền với bài thơ này. Bởi ông là “ông đồ Tú Sót” – một thành viên chủ chốt của nhóm Cảo thơm thư hiên (Văn chương vỉa hè) - nhiều năm trước thường “bày mực tàu giấy đỏ” mỗi dịp Tết đến Xuân về ở sát cổng trụ sở T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trên phố Bà Triệu (Hà Nội).

 Tú Sót tên thật là Chu Thành, sinh năm Canh Ngọ (1930), quê ở Diễn Tường, Diễn Châu, Nghệ An. Đây là một vùng quê “có tiếng” về nói trạng của xứ Nghệ. Chu Thành là con út trong gia đình, ngay từ khi lên 6, 7 tuổi đã được tiếp xúc với chữ nho, rồi được học chữ quốc ngữ.

 Theo nhà thơ Hoàng Tiến – một người bạn thân của Tú Sót, từng về làng Diễn Tường – thì “Dòng họ tác giả cũng là một dòng học vấn. Cố nội nhà thơ hiệu Phi Bảng, thi đậu tam trường, thông đạo nho, đạo thuốc. Ông bên ngoại là Chu Biền, thường gọi là cụ Hiệu Biền, người Cẩm Bào”.

 Lớn lên, Chu Thành vào bộ đội chống Pháp. Khi Thủ đô hoàn toàn giải phóng, ông về làm cán bộ ở Nhà xuất bản Thanh Niên đến lúc nghỉ hưu (1989).

 Cũng bắt đầu từ khi “cầm sổ hưu”, Chu Thành – Tú Sót mới chính thức bắt đầu cầm bút lông, và học thêm ở các bậc túc nho đi trước như cụ Lê Xuân Hòa rồi gắn những năm cuối đời của mình với nhóm “Cảo thơm thư hiên” ở góc phố Bà Triệu. Ông đã mãi mãi trở thành “người muôn năm cũ” từ mùa xuân 2006.

 Cuộc đời Chu Thành - Tú Sót có nhiều chuyện đáng nói, ông là người có nhiều khát vọng ấp ủ và thể hiện. Bốn câu thơ: “Hôm nay mùng 8 tháng 3/ Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi/ Tôi phần bà một đĩa xôi/ Sợ bà xấu bụng, tôi xơi hộ bà!” nằm trong bài “8-3 muôn năm” được Tú Sót viết vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Và sau đó, nó đã được in trong tập thơ trào phúng đầu tay của tác giả Tú Sót, có tựa đề “Gà trống đẻ”.

 Trong cuốn sách này, bài “8-3 muôn năm”  nằm ở trang 40 với tranh minh họa của Văn Cao (trang 41), phía dưới “tít” bài, tác giả ghi: (Tặng C.T.H), và dòng cuối cùng – nếu ở những bài khác Tú Sót thường ghi về địa điểm và thời gian sáng tác, thì bài này ông ghi: NM-TLTL. (Ở một vài bài khác trong tập, như bài “Bò kéo xe xe kéo bò” cuối bài ông ghi: KTT.TLTL, hoặc nhiều bài khác ông ghi “Thượng Đình,…” .

 Như vậy, theo suy đoán của người viết, bài thơ “8-3 muôn năm” được Tú Sót viết tại khu tập thể Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, hay có thể khẳng định, ông viết bài thơ này tại Hà Nội).

 Với vóc người thấp đậm, Tú Sót luôn tiềm ẩn chất trào lộng bên trong. Ông làm thơ về mọi chuyện, mọi vật diễn ra quanh mình. Khi thì ông “Nghĩ về thơ”: “Thơ ta chưa cảm được lòng người/ Vì ta chưa trọn nghĩa đời đó thôi/ Sống làm lửa nóng mặt trời/ Thác làm than sưởi cho đời ấm thêm!”. Lúc ông châm chọc: “Trong thơ có thể “leo thang”/ Làng thơ có kẻ ăn gian ghế ngồi/ Thơ làm khỉ đọc chê hôi/ Vênh vênh váo váo rậm lời ba hoa (…)/ Trăm năm trong cõi ngày nay/ Nhà thơ cũng biết học vày buôn thơ…” (Thơ leo thang).

 Thậm chí, trào lộng-giễu nhại chính bản thân mình: “Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến đã về trời/ Xuân Hương, Thị Điểm Phật Bà nuôi/ Bầu rượu, túi thơ chưa khuân hết/ Sót lại cho ta trả nợ đời/ Tú Xương, Tú Mỡ đã lên tiên/ Bỏ ta Sót lại để tiêu tiền/ Hay để cầm mai trừ cỏ dại/ Cho vườn hoa ngát khí thiên nhiên…”.

 Tập thơ gồm nhiều bài thơ ở các thể loại: tứ tuyệt, lục bát, thất ngôn, ngụ ngôn, thơ đố… Khi viết những bài thơ này, hình như mong ước lớn nhất của ông là đem tiếng cười vui đến cho mọi người.

 Và mỗi năm, cứ đến ngày mùng 8 tháng 3, câu thơ “Hôm nay mùng 8 tháng 3…” của ông mà nhiều người cứ ngỡ là ca dao hay hò vè của một tác giả khuyết danh nào đó lại vang lên, như là một “món quà vui” Tú Sót đã gửi tới tất cả những người đàn ông, những người phụ nữ.

 Tác giả bài thơ đã thành “người muôn năm cũ”, song mấy câu thơ của Tú Sót vẫn sống với nhân gian, và ngày lại sinh sôi với hàng trăm dị bản.

 Sinh thời, nhà thơ Trịnh Thanh Sơn có kể một câu chuyện: “Có một năm, đúng ngày mùng 8 tháng 3, tôi đi uống rượu với bạn bè đến khuya mới về. Vợ tôi làm cơm, có nhiều món ăn ngon, ngồi đợi.

 Thấy tôi về, đã muộn lại còn say lướt khướt, vợ tôi tỏ ý không vui, mặt cứ nặng như... tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Phục(!). Tôi liền đứng giữa nhà, và đọc oang oang một bài thơ của Tú Sót, không hiểu sao lại nhập tâm: “Hôm nay mùng 8 tháng 3/ Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi/ Tôi phần bà một đĩa xôi/ Sợ bà xấu bụng, tôi xơi hộ bà!”.

 Vợ tôi nghe xong bài thơ, cười ngặt nghẽo. Hú vía! Cảm ơn, cảm ơn Tú Sót vô cùng! Tú Sót thân mến ơi, anh đã cứu tôi một bàn thua trông thấy!”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.