21 tháng 11, 2012

Cô giáo hâm

Tuần này tôi có đăng báo bài tản văn ngắn: Cô giáo hâm. Qua đi ngày 20/11, chúng ta tri ân thày cô giáo, trong lòng ta lại trĩu nặng về thực trạng giáo dục bây giờ. Con cái chúng ta không được như chúng ta thời đi học. Như vậy thì đất nước không có phúc ư? Câu hỏi này cũng làm tôi buồn. Xin xem TẠI ĐÂY
hoặc

Cô giáo hâm
 Một đám học trò lớp ba ngồi với nhau, chúng bảo nhau: Cô giáo tớ hâm lắm… Đứa thứ hai, thứ ba cũng nhất trí là cô giáo nó hâm.

Câu chuyện dừng ở đó, nếu không có một đứa trong nhóm mang chuyện đó mách với cô giáo.

Ở lớp thứ nhất: Cô giáo nổi giận đùng đùng. Cô gọi bạn gái đã nói chuyện đó lên đứng trước lớp và quát mắng. Đại ý: Láo toét, bé tý tuổi mà đã hư thân mất nết. Đứa học sinh tái mét mặt, mếu máo nhận lỗi, xin lỗi. Cô vẫn không ưng ý, nói cô phải hỏi phụ huynh xem bố mẹ dạy con như thế nào. Nói cô giáo hâm thì rồi bố mẹ các con cũng hâm…

Hôm sau, cô giáo gọi phụ huynh em bé đó lên. Dĩ nhiên là phụ huynh thì thương con, tối hôm đó đến nhà cô giáo, tạ lỗi và biếu cô phong bì. Cô tươi cười, nhất trí với phụ huynh cho rằng em học sinh đó dại dột, để cho cô tiếp tục dạy bảo. Phụ huynh về nhà hỏi con bé, rồi an ủi, nhưng ai cũng biết con bé sẽ có tình cảm thế nào với cô giáo, với bạn đã mách cô, nó sẽ tiếp tục cảnh giác thế nào trong toàn bộ cuộc sống tiếp theo của nó…

Tôi đi tìm hiểu mấy đứa bạn của con bé đó. Một đứa nói: Bạn ấy cũng mách cô giáo cháu, nhưng cô chả nói gì cả. Một đứa nói: Cô có gọi con lên, vì cô giáo X (cô giáo đã nổi giận trên đây) mách cô giáo con. Cô giáo con bảo: Các con nhận xét cô thế nào cũng được, nhưng lần sau cứ nói với cô, cô sẽ không giận, không mắng đâu. Nếu thật là cô hâm thì cô sẽ sửa.

Đứa bé thứ ba có một cô giáo tốt.

Nhưng đi tìm một cô giáo tốt như thế, bây giờ thật là hiếm có.

Hồi tôi đi học, những năm trước 1975, thày cô giáo không dạy thêm, trừ chuyện bồi dưỡng học sinh giỏi, mà dạy thêm cho học sinh giỏi cũng chả được thêm đồng nào. Tất nhiên tôi không ca ngợi các thày cô phải nghèo. Nhưng việc thày cô thoát nghèo phải là việc của nhà nước, của Chính phủ. Tôi cứ tự hỏi, nền giáo dục Nho giáo thời xưa, làm gì có trường công, toàn trường tư cả, sao không có hiện tượng thày giáo nghĩ cách kiếm tiền từ học sinh của mình. Bây giờ thì dạy thêm, trù úm để phụ huynh phải đến “muốn con hay chữ phải yêu lấy thày” phổ biến. Bây giờ thì xếp hàng đạp cổng trường vào trường điểm. Ai gây ra tệ nạn này của ngành giáo dục?

Thời chúng tôi đi học, đến lớp đến trường là đi chơi, là vui sướng. Bây giờ thì trẻ con đeo ba lô trĩu nặng, học hết lớp nọ lớp kia, còn học nặng hơn bố mẹ nó đi làm. Và nó phải thuộc các bài mẫu. Nó không được khác những đứa khác. Thế hệ chúng nó sẽ ra trường mà nền giáo dục muốn phải giống nhau như những cái bánh mỳ ra lò, như người lính trong hàng quân tuân lệnh lãnh đạo...

Mỗi người bố, người mẹ đều có những ông thày, mỗi đứa con cũng có những ông thày. Và tôi bây giờ đã là phụ huynh, nghĩ lại thời đi học của mình mà thương những đứa con mình…
(theo nguyenxuanhung.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.