16 tháng 5, 2013

Bài học tư tưởng Hồ chí Minh về ý chí độc lập (Nhân ngày sinh Ông cụ)

Nhân dịp Kịch bản phim truyện 20 tập “Ý chí độc lập” được trao giải thưởng nhân cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. PV báo Hải quan đã có cuộc trò chuyện với Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, đồng tác giả kịch bản phim truyện “Ý chí độc lập”, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn.

PV: Xin ông cho biết tóm tắt nội dung bộ phim “Ý chí độc lập”?
Kịch bản phim truyện “Ý chí độc lập” lấy bối cảnh từ khi ông Nguyễn Ái Quốc về Côn Minh, chỉ đạo hoạt động của Ban Hải ngoại Đảng cộng sản Đông Dương ở Côn Minh, do đồng chí Phùng Chí Kiên lãnh đạo. Từ đó, ông Nguyễn Ái Quốc lập kế hoạch đào tạo cán bộ, về nước hoạt động tại Pac Bó. Sau khi về Pac Bó, Người tham gia chỉ đạo triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa I), thành lập Mặt trận Việt Minh cho đến Hội nghị Quốc dân Tân Trào (1945). Diễn biến câu chuyện phim bao gồm các sự kiện lớn của cách mạng Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, từ Khởi nghĩa Bắc Sơn cho đến đêm trước của Cách mạng Tháng Tám.

PV: Như vậy, sẽ có nhiều nhân vật và sự kiện lịch sử tham gia vào câu chuyện này.
Đúng. Mở đầu phim là trường đoạn các ông Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng được ông Hoàng Văn Thụ chỉ thị đi Côn Minh tìm gặp ông Nguyễn Ái Quốc. Sau đó là diễn biến cuộc về nước do Nguyễn Ái Quốc dẫn đầu, về Pác Bó. Phim cũng trình bày cuộc triệu tập Hội nghị Trung ương 8, thành lập Mặt trận Việt Minh; có diễn biến sự hy sinh anh dũng của ông Phùng Chí Kiên và Đội du kích Bắc Sơn; có hoạt động của du kích Cao Bắc Lạng, của Đội Tuyên truyền giải phóng quân do ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Một mảng quan trọng trong bộ phim là cuộc đấu tranh ngoại giao của ông Nguyễn Ái Quốc với Không đoàn 18 do tướng Sê nô chỉ huy, dẫn đến hợp tác giữa Việt Minh và những người bạn Mỹ, thành lập Đại đội Việt –Mỹ ở Tân Trào. Về phía đối địch với cách mạng, có bối cảnh triều đình Huế của nhà vua Bảo Đại, có hoạt động thân Nhật của  Chính phủ Trần Trọng Kim; ngoài ra còn có vài nhân vật Pháp…

PV: Với một không gian trải rộng, thời gian chỉ có 4 năm nhưng nhiều nhân vật, nhiều sự kiện, thì thủ pháp của kịch bản phải như thế nào để có thể có một bộ phim xem được?
Kịch bản không trình bày dàn trải từng sự kiện, mà mỗi tập tập trung nói sâu về một sự kiện với 1-2 nhân vật cụ thể. Toàn bộ được xâu chuỗi qua cuộc đời hoạt động của 1-2 nhân vật hư cấu, qua đó hình ảnh và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh được trình bày như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, tác động đến tư tưởng, hoài bão của các nhân vật cách mạng, đó là ý chí quyết tâm giành độc lập, trên cơ sở đại đoàn kết dân tộc, lấy lợi ích dân tộc làm trọng. Ví dụ, có tập nói về Phùng Chí Kiên, có tập nói về Hoàng Văn Thụ, có tập nói về đội du kích của ông Giáp, lại có tập chỉ trình bày sự kiện Đại đội Việt Mỹ. Không phải lúc nào cũng nói đến Nguyễn Ái Quốc, không phải bao giờ cũng nhìn thấy ông Nguyễn Ái Quốc đi lại, nói năng, nhưng tinh thần và tư tưởng của ông thì thấm đẫm trong hành xử, truyền cảm hứng cho hành động xả thân của các nhân vật. Đó chính là giai đoạn mà các nhân vật thực sự học tập và làm theo Nguyễn Ái Quốc, việc đó là tất nhiên, không cần bàn cãi, không cần hô hào.

PV: Vậy thì, bài học về tư tưởng Hồ Chí Minh ở đây cụ thể là gì, ông có thể nói rõ hơn?
Cần phải hiểu bối cảnh trước năm 1941, Đảng Cộng sản Đông Dương thất bại nặng nề. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị dập tắt. Toàn bộ Ban chấp hành Trung ương tê liệt, phần lớn bị bắt, Xứ ủy Bắc kỳ do ông Trường Chinh làm Bí thư đã tự chuyển thành một Ban chấp hành Trung ương lâm thời. Như vậy, thực chất đây chính là giai đoạn mà Đảng Cộng sản Đông Dương đang khủng hoảng toàn diện về tư tưởng, về tổ chức, về tập hợp lực lượng... Tư tưởng cũ có từ thời Trần Phú, lấy đấu tranh giai cấp làm động lực cách mạng, lấy chuyên chính vô sản làm phương pháp tổ chức đã không còn phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Thời đại mới lúc đó, chiến tranh đế quốc đã khơi mào, vấn đề dân tộc đang được đặt lên hàng đầu, số phận dân tộc là mối quan tâm chung của loài người. Đó là một lần những người cách mạng theo Nguyễn Ái Quốc xếp lại những lý luận xa rời thực tiễn đấu tranh cách mạng trong quá khứ, nhanh chóng nắm lấy tinh thần thời đại, dựa hẳn vào nhân dân, đoàn kết nhân dân thành một khối thống nhất, vì khát vọng giành độc lập dân tộc. Những người theo Việt Minh bao gồm mọi giai cấp, mọi tầng lớp nhân dân từ người cùng khổ đến người tư sản, từ trí thức dân tộc đến những người cộng tác với chế độ cũ… đã cùng nhau làm nên Cách mạng Tháng Tám. Đây là một vấn đề vẫn còn có tính thời sự nóng hổi.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề “có tính thời sự” này…
Cuộc vận động cách mạng khởi đầu từ Việt Minh, cho đến giành chính quyền dưới sự tổ chức của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh cho thấy một chân lý: Cách mạng vì dân tộc, vì nhân dân không thể là lời nói suông, mà thông qua một đội ngũ cán bộ do Hồ Chí Minh rèn luyện đã thực sự chí công vô tư, từ nhân dân mà ra, vì lợi ích nhân dân mà chiến đấu. Mà đã vì dân tộc, thì mọi lý luận không vì dân, mang lại thất bại cho công cuộc xây dựng đất nước thì nên mạnh dạn xếp lại, nắm lấy ngọn cờ thời đại, giống như Nguyễn Ái Quốc năm 1941 đã làm để tiến lên giải phóng dân tộc vậy.

PV: Ông có thể nói sơ quan về triển vọng làm phim?
Kế hoạch làm bộ phim này đã có sự chỉ đạo từ cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước, được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Đảng đoàn và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện nay coi như giai đoạn kịch bản đã xong, chúng tôi tiếp tục làm các thủ tục để vận động làm phim. Chúng tôi xác định đây là một phim lịch sử nghiêm túc, có thể kêu gọi liên kết một vài đơn vị làm phim cùng tham gia.
Kịch bản phim truyện thì coi như mới là “bán sản phẩm” chứ chưa phải sản phẩm điện ảnh cuối cùng. Việc kịch bản được giải ở cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một sự khuyến kích về tinh thần đối với đơn vị làm phim. Mong rằng, sản phẩm điện ảnh của kịch bản này sẽ được giải cao hơn trong các cuộc vận động lần sau…

5 nhận xét:

  1. Nặc danh17:36 16/5/13

    Anh NXH ơi, có vai quần chúng nào dễ dễ không, cho em đóng phim với. Em muốn làm diễn viên điện ảnh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh22:35 16/5/13

      anh em mình rủ nhau sang hãng phim này xin đóng thế đi

      Xóa
    2. Nặc danh23:59 16/5/13

      Mấy câu hỏi kiểu này ai cũng hỏi khi thấy giới thiệu KB hoặc gthieu anh NXH là GĐ Hãng phim nhỉ? Sao thấy ai cũng hỏi như vậy nhỉ? Hỏi câu khác đặc biệt chút chứ nhỉ?

      Xóa
  2. Nặc danh14:09 17/5/13

    Tôi thấy ông NXH chém gió hơi kinh. Quả là ông HCM vứt lý luận của ông Trần Phú vào sọt rác để làm Cách mạng tháng Tám. Nhưng bây giờ đố ông NXH nói rõ to chuyện đó lên đấy, chỉ dám nói uốn éo một tý như bài PV này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh14:17 17/5/13

      Thưa bạn N14.09, đọc kỹ bài PV của NXH, ý tứ tác giả đã rõ, muốn nói gì anh ấy đã nói được. HCM là một phần lịch sử Việt Nam, muốn hay không cũng nên lý giải nghiêm túc. Tôi mong việc làm của NXH đến đích

      Xóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.