12 tháng 5, 2013

Hoàng Thế Sinh hoang dã cùng Yên Bái

Nhân có chuyện của bạn Hải Yến, tôi post bài về Nhà văn Hoàng Thế Sinh. Đây là bài đăng lần đầu, trước của web cá nhân của tôi
1.
Tôi quen biết Hoàng Thế Sinh kể như một cơ duyên, hoặc nói mạnh dạn luôn, đó là duyên kỳ ngộ.
Khoảng năm 2004, Nhà thơ Ngọc Bái vẫn làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Yên Bái, mời các nhà văn ở Hà Nội lên Yên Bái đọc văn cho một đợt bồi dưỡng viết văn của các cây bút Yên Bái. Thường thì những dịp như thế này, các anh em có máu viết lách ở tỉnh được tập hợp lại, tiêu số tiền hỗ trợ mà ngân sách tỉnh hào phóng cấp cho. Đó cũng là một cách hâm nóng bầu nhiệt huyết văn chương của những người đang bén duyên văn nghiệp. Một tỉnh mà tổ chức thường xuyên những hoạt động này, cũng có lợi cho phong trào viết lách, rồi từ đó bật ra được một vài tác giả thực sự, thì đã là hiệu quả lắm rồi.

Một dịp tổ chức viết lách như vậy, nói nôm na là “Trại viết”. Những người được mời đọc văn, đọc thơ là các nhà văn, nhà thơ “ở Trung ương” tương đối có uy tín, có con mắt sư phạm. Việc này không dễ đâu. Có nhà văn nổi tiếng, nhưng ai viết ông ấy cũng chê, hoặc ai viết ông cũng khen, thì loại nhà văn như vậy không thể tin tưởng để cho ông ấy đọc văn Trại viết được. Hồi ấy, Hà Đình Cẩn đang làm Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn, một người thẩm thơ văn để đăng báo, còn Hà Phạm Phú là người phụ trách trang Văn nghệ báo Quân đội nhân dân một thời, cho nên mời Hà Đình Cẩn và Hà Phạm Phú là rất đúng. Hai ông họ Hà lại mời hai nhà thơ Nguyên Hoàng Sơn (lúc đó đang làm báo Tiền phong) và nhà thơ Đỗ Trung Lai (lúc đó đang làm báo Đài tiếng nói Việt Nam) cùng đi. Không hiểu sao, các ông ấy lại rủ thêm tôi, với lý do ông Cẩn nói như sau: Các anh ham chơi, lại già rồi, mắt mũi kèm nhèm, đọc hàng chồng bản thảo thì cũng khố lắm. Thêm chú đọc sơ khảo hộ anh, cứ tiêu chí là đăng báo được…
Thế là, tôi lẽo đẽo theo các bậc cao thủ đi Yên Bái, tham dự khai mạc trại, ôm vào một tập bản thảo dày cộm, ra sức đọc… Tỉnh Yên Bái cũng ưu ái các nhà văn, khai mạc và bế mạc, Phó chủ tịch Hoàng Thị Hạnh đều đến, cùng "văn công tỉnh" hát hò nhảy múa và uống rượu tưng bừng, đôi bên văn nghệ sĩ và quan chức đều phải lòng nhau...
Cuối kỳ, trao đi đổi lại, sàng dần xay sát mãi mới thấy bật ra được 2-3 tác giả văn xuôi, một trong số đó rất khá là Hoàng Thế Sinh. Tôi mang về 2 truyện ngắn của Hoàng Thế Sinh, một gửi đăng báo Người Hà Nội, một gửi Nhà văn Đào Quang Thép đăng báo Thời báo Kinh tế Việt Nam, còn lại đăng của Hoàng Thế Sinh một bút ký trên báo của tôi (Diễn đàn Doanh nghiệp), một đăng trên Người Hà Nội. Bút ký “Lên Phanxiphan” mấy năm sau, báo Văn Nghệ mới lại đăng lại.
Hoàng Thế Sinh trước đó tôi không hề biết, không biết anh có chiến tích văn chương thế nào, nhưng qua những gì anh viết, bằng kinh nghiệm bản thân, tôi thấy văn anh ánh lên chất riêng không lẫn, cái hơi văn thô tháp, khỏe khoắn và chân thật. Mảng quê hương miền cao của anh, được nhìn dưới góc nhìn của một kẻ trải đời từ miền xuôi lên, có điều gì đó giống giống con mắt của Ma Văn Kháng nhìn rừng núi. Hoàng Thế Sinh có chất văn, giống như bậc cao thủ Ma Văn Kháng, không còn phải giả giọng người miền núi. Thời đại của anh là thời kỳ mà các “con Kinh” có thể còn ngố hơn các “con Mường”, khác hẳn thời Ma Văn Kháng sống và viết, nên đọc anh, có cái tiếp nối mảng văn học vùng cao, mà lại hơn hẳn ở cách tiếp cận. Anh đã viết như anh nảy ra từ chính cuộc sống ấy, không phải là người từ đâu nhìn vào, mà là anh đang trình bày chính mình vậy.
 Tôi đã không ân hận khi trước hội nghị Trại viết, đã nhiệt liệt hoan nghênh các truyện ngắn của Tác giả Hoàng Thế Sinh và tiên đoán anh còn tiến xa hơn nữa. Hóa ra anh là một đàn anh văn chương thực sự. Khi mà tôi còn lăn lê làm kỹ sư ở xưởng, chưa chạm tay đến một câu văn, thì anh đã làm Cao học ở Trường Đại học Sư phạm, đắm đuối với văn thơ cùng với Trần Hòa Bình, Văn Giá… Sau này, khi Hoàng Thế Sinh trở thành Hội viên Hội Nhà văn, anh đã không quên gọi điện mời tôi đi nhậu. Một đám nhậu toàn những sâu rượu cùng cỡ tuổi anh, nghĩa là hơn tôi dăm bẩy tuổi. Hoàng Thế Sinh đã thực sự thành người miền núi, khi anh uống rượu. Uống rồi hát then, hát đủ loại dân ca Tây Bắc. Sống cả một đời với vùng đất ấy, mới có thể hát lên tiếng người dân tộc ấy… Tôi vừa thích vừa sợ những cuộc vui như thế. Có những tay chơi như Hoàng Thế Sinh, thật hiếm khi được cười như vậy. Nhưng mà không thể nào làm bạn rượu sánh được với anh, đó là nỗi thẹn và nỗi sợ của người bình thường như tôi. Thế Sinh hay nói: Chán bỏ mẹ, không uống được thì làm được quái gì… Chán bỏ mẹ, nhưng anh vẫn nhớ đến tôi mà a –lô đến “không uống thì nhìn”, thì cú a lô đó mới giá trị thế nào.

2.
Khi đến Yên Bái, ông Lê Văn Thảo muốn tìm một “thổ công”, thế là ông nghĩ đến Ngọc Bái và Hoàng Thế Sinh.
Từ trái: Nhà văn Lê Văn Thảo, nhà thơ Ngọc Bái,
nhà văn Hoàng Thế Sinh trên thuyền đi hồ Thác Bà
(NXH chụp ảnh)
Ngọc Bái là một nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử. Mảng lịch sử Việt Nam Quốc dân đảng với Nguyễn Thái Học và đồng chí của ông làm Khởi nghĩa Yên Bái, nếu không có những người như Ngọc Bái, thì rồi ít ai còn nhớ đến nữa. Có kẻ còn ấu trĩ ngạc nhiên sao ông Ngọc Bái lại ca tụng “Quốc dân đảng”. Sau này, Nhà thơ Ngọc Bái được Giải thưởng Nhà nước, tôi cho là Nhà nước cũng sáng suốt, còn công chức Nhà nước thì nhiều anh tối như hũ nút.
Nhà văn Lê Văn Thảo, Nhà thơ Ngọc Bái, nhà văn Hoàng Thế Sinh và tôi đã làm một chuyến hành hương Yên Bái “về nguồn”. Chúng tôi đi tuốt lên Văn Chấn, rồi chạy một mạch Suối Giàng. Khi Hoàng Thế Sinh sờ tay vào gốc cây chè cổ thụ, tôi cứ có cảm tưởng anh cũng giống những gốc chè Suối Giàng này. Hình hài kỳ quái, cong queo rêu mốc, nhưng càng ngày càng bật ra những lá non xanh làm nên vị văn-trà đặc biệt.
Có gặp và biết về Hoàng Thế Sinh, mới thấy thêm một dẫn chứng cho nguyên lý “xa quan gần dân” của các văn nghệ sĩ. Hầu như tôi thấy các văn nghệ sĩ, đã vướng vào mưu sinh, sống trong bộ máy, thì nếu anh càng xa quan trường, thì càng gần đời sống dân dã, và như thế thì phần tâm hồn nhân văn của anh càng đậm đặc. Có người bảo, sức Hoàng Thế Sinh có thể làm cao hơn nhiều cái chức Phó tổng biên tập một tờ báo tỉnh, nhưng lại có người bảo, ngồi được cái ghế ấy cũng là may. Khi mà không ra dáng “ông quan”, không giống “mitx-tơ”, thì anh không thể ghép mình vào guồng máy quan trường được. Hoàng Thế Sinh, từ giọng điệu, đến hình dong diện mạo, y sì một anh nghệ sĩ, thế thì ngồi đến ghế Phó gì đó đến khi về hưu cũng là may lắm. Và, như thế, không cần tìm hiểu, cũng biết anh đủ ăn, đủ nuôi vợ nuôi con là khá lắm rồi.
Nếu vẽ chân dung anh, thì tôi sẽ vẽ anh hát then với một bầu rượu giặt ở thắt lưng và đi từ một khu rừng mưa đi ra. Anh dường như sản phẩm của một vùng rừng hoang dã. Anh không phải người “đi thực tế” miền cao, mà thực tế vùng núi Yên Bái mượn tâm hồn anh để thành văn. Từ “Rừng thiêng”, “Xứ mưa”, đến “Bụi hồ”, qua các tiểu thuyết này, Hoàng Thế Sinh đã dựng được chân dung văn học của mình.
Khi cùng nhà thơ Ngọc Bái và nhà văn Lê Văn Thảo lênh đênh trên hồ Thác Bà, Hoàng Thế Sinh đã “nhả ngọc phun châu” về thắng cảnh của Yên Bái. Không biết ông nhà văn Lê Văn Thảo mải mê quay phim, có ghi được lời nào của Hoàng Thế Sinh không. Tôi đã nghe anh đọc câu chuyện về Thác Bà theo cách của anh, kể chuyện chất chưởng như thể đã uống mấy lít rượu rồi, mà thực ra chưa có rượu. Nào là đặt tên “thánh thót” cho cái đảo hoang “cóc cụ” kia, nào là “cưỡng dâm” chuyện tình cho bạt rừng nọ… Lạ thay, nghệ sĩ có hai trạng thái say, đó là khi uống rượu, và khi nói chuyện đời văn. Tôi đã chứng kiến Hoàng Thế Sinh như thế. Phải là một người yêu mảnh đất này đến thế nào, thì mới sống hồn hậu như thế được.

3.
Đoạn vĩ thanh
Tôi viết những mẩu kỷ niệm bạn văn, không phải để đăng báo, mà là viết cho mình. Viết lúc thích hợp rồi để đó. Khi nào “tiện” thì để lên web cá nhân hoặc blog chơi thôi. Đó là bạn bè mình, những người thày mình… Tôi đã viết về Hà Phạm Phú, Hà Đình Cẩn, Đào Quang Thép, Tô Đức Chiêu, Đỗ Trung Lai… và nhiều nhà văn, nhà thơ khác như vậy.
Đoạn này tôi mang “gắn” vào bài viết về Hoàng Thế Sinh, là có một cơ duyên. Blog E là một blog của một nhóm bạn, tình cờ có một bạn đọc kể câu chuyện rằng, ngày xưa, cách đây khoảng 20 năm, cô ấy đang là sinh viên, đã được Hoàng Thế Sinh chép tặng thơ. Và, kỷ niệm đó vẫn còn rất trong sáng, khích lệ cô ấy suốt những năm sau.
Độc giả kể câu chuyện trên đây chỉ có nick name, không biết tên cô ấy là gì, làm ở đâu. Dĩ nhiên là Hoàng Thế Sinh cũng khó mà nhớ nổi. Trong cuộc đời hoạt động văn chương sôi nổi, anh đã một thời làm chủ nhiệm một câu lạc bộ văn thơ ở trường Đại học sư phạm Hà Nội. Một thời hoa niên sôi nổi, vô tư và trong sáng. Niềm xúc cảm nghệ sĩ của anh, lối sống chân thành của anh đã hòa trộn với đời sống tươi vui của sinh viên. Anh đã hết lòng chia sẻ tâm hồn mình với những bạn đọc sinh viên, trong cái thời mà không có mạng xã hội, anh lại chưa phải một tác giả nổi tiếng để có thể đăng thơ trên các báo, anh đã xuất bản bao nhiêu thơ vào các trang sổ tay của bè bạn gần xa…
Đó cũng là một cơ duyên của người nghệ sĩ, mà ít ai có được. Không mấy người được như anh, có những cô sinh viên, mang theo kỷ niệm trong sáng về những câu thơ của anh suốt một quãng đời. Với tôi, tôi cho rằng đó là niềm hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc rất phù hợp với triết lý nhà Phật, gây nhân thì có quả. Hoàng Thế Sinh đã gây cái nhân chân thật yêu đời, thì anh hưởng lấy cái quả yêu mến của bạn đọc, hơn mọi huân huy chương với nhà văn ở trên đời.
Bây giờ, Hoàng Thế Sinh đã về hưu, nhưng tôi không nghĩ anh là một ông già giống như các cụ về hưu khác. Anh vẫn là một nghệ sĩ sẵn sàng cuồng si lên Phanxipan ngay, bỏ qua mọi cám dỗ vật chất thông thường, bởi vì anh giàu tâm hồn, giàu vì bạn, những người bạn nghệ sĩ và rất nhiều bạn vô danh đã mến yêu anh… 

6 nhận xét:

  1. Nặc danh18:11 12/5/13

    Hải Yến không biết có phải là người đầu tiên đọc bài về anh HTS của anh NXH không, nhưng chắc là người đầu tiên comment dưới bài viết. Có thể em viết dài mà không kịp xuất bản đầu tiên, nhưng đúng là em đã nhận xét đầu tiên.
    Đọc bài của anh NXH, HY rất cảm động vì câu chuyện mình kể liên quan đến anh TS đã được anh NXH đưa vào bài viết. Đồng thời bài của anh NXH còn gợi lại trong em nhiều kỉ niệm và những nghĩ suy khác nữa.
    Vâng, từ những dòng viết của anh XH, em nhớ về một HTS của mấy mươi năm trước. Em thấy TS đúng như một lãng tử. Ví von so sánh thì có vẻ hơi khập khiễng, nhưng hình như đó là bóng dáng một Tản Đà, một Nguyễn Tuân ... ngất ngây với men đời, men thơ ... Những tâm hồn mơ mộng của những thiếu nữ mới lớn như em, vừa thích gặp, thích nghe, lại vừa e ngại, sờ sợ (Mặc dù TS rất "anh"). Em nhớ nhất giọng đọc thơ như say và mái tóc bồng bềnh thi sĩ của TS.
    Gặp TS nhiều lần vì anh ấy hay đến chỗ chúng em chơi, em còn gặp cả Văn Giá (Hình như Văn Giá lúc đó còn kí bút danh là Đan Quế - Em không chắc lắm về trí nhớ của mình), Châu Hồng Thủy. Nhưng mấy anh này em ít gặp hơn.
    Và em thấy mình cũng thật tệ. Ngày nào cũng lướt web, suốt ngày đọc linh tinh, mà bao năm qua cũng chẳng tìm đọc TS. Em không biết TS đã thành nhà văn với những tác phẩm có tiếng như thế. Hẳn rồi đây, em sẽ tìm đọc TS.
    Cảm ơn nhà văn NXH. Đúng như anh nói, thơ TS đã đi vào sổ tay, vào tâm hồn rất nhiều những "bạn văn" vô danh như Hải Yến em.
    Cám ơn blog E một lần nữa về chuyện của TS. Em mong sẽ có một cơ duyên lớn hơn để được gặp mặt và bắt tay cả với TS và NXH.
    (Hải Yến)

    Trả lờiXóa
  2. HY ơi. em "mong" để được bắt tay HTS và NXH ư? Với HTS thì anh không biết, còn NXH thì dễ thôi mà (anh nghĩ thế). Em cứ bố trí thời gian tới hãng phim hội nhà văn ở phố Nguyễn Du là có thể gặp giám đốc thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh21:22 12/5/13

      Em "mong" được bắt tay anh XH và anh TS từ một "cơ duyên", anh E 19:29 ạ. Chứ còn tìm đến Hãng phim Hội nhà văn tìm giám đốc thì đâu phải "cơ duyên", hơn nữa, một người vô danh như em, kiếm cớ gì để gặp Giám đốc NXH?
      Anh NXH ơi, anh còn viết về những nhà thơ nào nữa ạ? Em còn bút tích của một số nhà thơ nữa. Ngày em còn đi học, nhà thơ với sinh viên gần gũi lắm. Các anh ấy đến chơi với chúng em, viết vào sổ thơ của chúng em như bạn, chứ không xa cách như bây giờ. Chữ anh Châu Hồng Thủy còn đẹp hơn chữ anh HTS. Chữ anh Trần Quang Quý đẹp gần bằng. Còn chữ Trần Đăng Khoa và Văn Hoàng Thương (Có phải Văn Giá không đây, em nhớ Văn Giá dùng bút danh mà!) thì không đẹp lắm.
      (Hải Yến)

      Xóa
  3. Nặc danh20:51 12/5/13

    Anh XH thân mến! Anh có thể nói rõ thêm về việc "đọc văn" của các anh ở các "Trại viết" không ạ? Em hiểu là các anh sẽ phải đọc các tác phẩm của các cây bút tham gia viết, để chọn những tác phẩm hay, kiểu như một đợt "tuyển văn" (chứ không phải thi), để phát hiện những tác giả viết tốt. Hiểu thế có đúng không ạ? Còn "văn" của họ mà các anh đọc và tuyển, là những tác phẩm viết trước đó, hay phải là tác phẩm sáng tác trong thời gian ở "Trại viết" ạ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mỗi trại viết văn có một nội quy riêng. Nhưng thường là các đợt tập trung sáng tác thì cuối khóa, mọi "trại viên" phải nộp tác phẩm chưa từng in ở đâu. Còn việc tác phẩm đó viết trước hay viết trong thời gian dự trại thì tùy. Hầu hết là viết trước đó, rồi mang nộp. Các tác phẩm đó không bắt buộc phải in ở đâu cả, mà chỉ bắt buộc báo cáo để Ban tổ chức giải ngân mà thôi. Riêng đợt đi Yên Bái, vì tôi và các nhà văn ở Hà Nội đều "có trong tay" một tờ báo, nên cố gắng chọn các tác phẩm khá, để có thể về đăng vào các tờ báo của mình. Làm như vậy vừa động viên người viết, vừa tự làm công việc của mình là có bài đăng báo. Nhưng không phải bao giờ cũng làm được điều tương tự ở Yên Bái. Sau này, tôi cũng đi dự một trại viết ở Hưng Yên, nơi nhiều ân nghĩa với mình, nhưng đáng tiếc không chọn được gì để giới thiệu trên các báo mình quen (NXH)

      Xóa
    2. Cũng có trại viết tổ chức rất quy củ, mọi người phải đọc của nhau, rồi cùng rút kinh nghiệm. Hoặc mời các cây đa cây đề trong nghề để trao đổi kinh nghiệm. Trại viết kịch bản sân khấu ở Đà Lạt vừa rồi, tôi tham dự với tư cách trại viên mới tập viết, thì rất gian khổ. Người phụ trách là nhà văn Chu Lai, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, cứ hàng ngày các trại viên đọc kịch bản, rồi nhận xét, rồi tự sửa, rồi lại đọc, mệ đứ đừ... Các trại viết văn thì hình như không thế, kể cả trại dành cho các cây bút trẻ mới tập tọng viết văn (NXH)

      Xóa

Bạn có thể nhận xét không cần là thành viên, và nên góp ý lành mạnh, trung thực. Chọn nhập vai trong danh sách phía dưới khung nhận xét.